XK sắn: 800 triệu USD?

xuat-khau-sanKhông được chú ý nhiều như gạo, thuỷ sản, cà phê, cao su… thế nhưng XK sắn trong năm 2009 này đang dự báo sẽ đem lại một khoản ngoại tệ không nhỏ – khoảng trên dưới 800 triệu USD.

Theo Bộ Công thương, trong 7 tháng đầu năm, nước ta đã XK 2,66 triệu tấn sắn và tinh bột sắn, đạt giá trị tới 408 triệu USD, tăng 4,4 lần về lượng và 2,8 lần về giá trị so với cùng kỳ 2008. Có thể thấy trong lúc nhiều mặt hàng nông sản chủ lực bị giảm sút mạnh về số lượng và giá trị XK thì củ sắn vẫn đang duy trì được sự tăng trưởng đáng ghi nhận.

Có được điều này, chủ yếu là nhờ nhu cầu cao từ thị trường Trung Quốc. Ngoài việc NK làm thức ăn chăn nuôi, nước này hiện đang cần một lượng sắt lát lớn để đáp ứng cho các NMSX nhiên liệu sinh học. Chính vì vậy, sau khi giảm mạnh xuống còn 1.500-1.700 đ/kg vào cuối năm ngoái và mấy tháng đầu năm nay, giá sắn lát XK của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng dần trở lại. Hiện tại, giá sắn khá cao. Ở cảng Sài Gòn, giá sắn lát xuất đi hiện vào khoảng 175 USD/tấn. Còn ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), giá sắn lát khoảng 2.800-2.900 đ/kg. Bên cạnh đó, một lượng sắn tồn kho khá lớn từ năm ngoái chuyển sang cũng đã giúp cho các DN đẩy mạnh XK với khối lượng lớn trong 7 tháng đầu năm nay, khi nhu cầu trên thế giới gia tăng.

Theo ước tính của các cơ quan chức năng, với tổng diện tích hiện đã vào khoảng trên 500 ngàn ha, năng suất bình quân đạt 15,7 tấn/ha, năm nay tổng sản lượng sắn của nước ta sẽ vào khoảng trên 8 triệu tấn sắn. Nếu trừ đi 22,4% sản lượng dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, 16,8% cho chế biến thủ công và 12,2% dùng ăn tươi, thì còn khoảng 48,6% (tương đương với 4 triệu tấn sắn) phục vụ XK. Cộng với một lượng sắn lớn từ cuối năm ngoái chuyển sang, năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu tới 4,6-5 triệu tấn sắn.

Giá XK sắn bình quân trong 7 tháng đầu năm nay là 153 USD/tấn. Nếu giá XK cuối năm vẫn giữ ở mức bình quân như trên, tổng kim ngạch XK sắn năm nay sẽ đạt khoảng 761 triệu USD. Còn hiện tại, giá sắn XK đang ở mức 175 USD/tấn. Nếu giữ được mức giá này từ nay đền cuối năm, với lượng có thể xuất được trong 5 tháng còn lại từ 1,8-2,3 triệu tấn, tổng kim ngạch đạt khoảng trên dưới 800 triệu USD. Chính vì vậy, Bộ Công thương đã đưa cây sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn vào nhóm những mặt hàng XK chủ lực.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong XK sắn cũng mang lại những mối lo không nhỏ, nhất là nguy cơ tái diễn tình trạng phát triển ồ ạt diện tích trồng sắn trong cả nước. Năm 2008, tổng diện tích trồng sắn cả nước đã lên tới khoảng 510 ngàn ha, tăng gấp 2 lần năm 2005 (270 ngàn ha) và vượt 135 ngàn ha so với quy hoạch phát triển cây sắn đến 2010.

Song song với diện tích sắn tăng ồ ạt, số NM và cơ sở chế biến sắn cũng tăng nhanh trên cả nước. Đến nay, nước ta đã có khoảng 60 NM chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tổng công suất sử dụng 2,5 triệu tấn củ sắn tươi. Bên cạnh đó là hàng ngàn cơ sở chế biến sắn nằm rải rác ở nhiều tỉnh, thành phố. Số lượng NM và cơ sở chế biến sắn như trên rõ ràng đang có tác động không nhỏ đến môi trường ở nhiều vùng nông thôn, nhất là các tỉnh có diện tích trồng sắn lớn như Tây Ninh, Bình Phước …

Mặt khác, dù nhu cầu trên thế giới là khá lớn, nhưng đầu ra của cây sắn Việt Nam vẫn không ổn định, nhất là khi đang có tới hơn 90% lương sắn XK của nước ta là vào thị trường Trung Quốc. Nếu thị trường này có vấn đề, ngay lập tức giá sắn sẽ rớt mạnh, và sắn sẽ bị ế đọng với khối lượng lớn như hồi cuối năm ngoái.

Nguyễn Thịnh
Theo Nông Nghiệp

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81