Phản hồi bài viết “giá cà phê vắt bên mua, thắt bên bán” của tác giả Nguyễn Quang Bình (SGTimes), đăng ngày 15 tháng 12/2012 trên Y5Cafe.
Bài liên quan: >> Giá cà phê vắt bên mua, thắt bên bán
Trước tiên xin cám ơn tác giả đã cung cấp những thông tin, số liệu rất rõ ràng, chi tiết về tình hình xuất khẩu cà phê của nước ta trong năm 2012, cũng như số liệu hàng tồn kho robusta được Liffe NYSE công nhận chất lượng (certifieds) qua các giai đoạn.
Trong bài viết, tác giả cũng phân tích tình hình biến động giá cà phê Robusta trong thời gian qua, cũng như giải thích hiện tượng “vắt giá” giữa hợp đồng giao tháng 1/2013 & hợp đồng giao tháng 3/2013. Để giải thích cho hiện tượng này, tác giả cũng dẫn nguyên nhân là do khan hiếm hàng thực, cung không đủ cầu:
“…..Như vậy, ngày nay ta có khái niệm mới về vắt giá như sau: nó là một hiện tượng đầu cơ dùng một lượng tiền cực lớn để mua mạnh nhiều hợp đồng hàng giấy trên sàn hàng hóa và hàng thực cho tháng giao ngay hay tháng giao hàng gần nhất (spot month).”
Rồi tác giả cho rằng:
“…Một điều mới của vắt giá đợt này nữa là đầu cơ chỉ muốn “xơi” một mình mà không muốn chia sẻ những lợi lộc phát sinh từ hiện tượng này. Trước tiên, họ chọn thời điểm khá “độc”: ngay cao điểm thu hái và ra hàng của vụ mùa Việt Nam. Độc hơn là ngay giao điểm của tháng hết quyền chốt giá đối với các hợp đồng giao hàng thực cho tháng 1-2013 để chuyển sang kinh doanh tháng 3-2013.”
Tác giả còn kết luận:
“Đầu cơ giàu mà…bẩn”, vì “…trong điều kiện bình thường, đáng ra nhà xuất khẩu phải nâng giá lên mức 660 đồng/kg để mua cho tương xứng với mức tăng 32 đô la/tấn nhưng nào “của ấy dễ ăn?”
Nhằm rộng đường dư luận, tôi muốn phản hồi bài viết với mục đích làm rõ một số vấn đề cho khách quan hơn:
Theo quan điểm bài viết mà tôi hiểu được, chung quy tác giả quy kết giới “đầu cơ” làm giá, ăn bẩn, chơi xấu, chèn ép bà con nông dân. Nhưng tôi cũng muốn hỏi tác giả, “đầu cơ” mà tác giả muốn nói đến là “đầu cơ ngoại” hay “đầu cơ nội”, họ chơi bẩn là bẩn như thế nào? Họ chỉ muốn “xơi” một mình, thì xin hỏi họ “xơi” cái gì, và chia sẻ…thì phải chia sẻ cho ai? Chia sẻ như thế nào?
Nói về thị trường cà phê kỳ hạn, có lẽ mọi người đều đã hiểu tường tận… nhưng tôi cũng muốn nhắc lại một số ý chính như sau:
Ai cũng biết thị trường cà phê kỳ hạn ra đời nhằm mục đích phục vụ cho cho các nhà bảo hộ giá (hedgers), nhằm chuyển rủi ro biến động giá cho các đối tượng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, mong kiếm lợi nhuận – đối tượng này chính là giới “đầu cơ”(speculators)
Các hedgers bao gồm nhà nông, nhà sản xuất rang xay, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê (tùy theo yêu cầu mục đích kinh doanh mà họ thực hiện nghiệp vụ khác nhau, thời điểm khác nhau)
Giới đầu cơ lớn chính là các loại quỹ đầu cơ…., ngoài ra còn có giới đầu cơ nhỏ lẻ hay các nhà bảo hộ giá nhỏ lẻ.
Trở lại ý trong bài viết của tác giả, NẾU quy tội cho “nhà đầu cơ ngoại” thì tôi nghĩ không thỏa đáng và phù hợp. Thông thường trên thị trường cà phê kỳ hạn, nhà đầu cơ chỉ chiếm khoản 25%-40% vị thế/hợp đồng mở (open interest). Do đó tôi cho rằng các quỹ đầu cơ quốc tế không đủ khả năng và Luật không cho phép họ làm giá, ăn bẩn, xơi một mình, mà họ chủ yếu kiếm lợi nhuận dựa trên việc chấp nhận rủi ro.
Với quan điểm nhìn nhà đầu cơ dưới con mắt “hình viên đạn”, tác giả đã chủ quan quy án, kết tội nhà đầu cơ, trong khi đó nhà đầu cơ chính là lực lượng không thể thiếu trên thị trường kỳ hạn, là đối tượng cung cấp thanh khoản, giúp thị trường hoạt động linh hoạt, nhịp nhàng. Đặt giả sử, khi các nhà sản xuất hay trồng cà phê muốn bán hàng trước, khi giá ở mức cao nhằm chốt lợi nhuận trước hay bảo hộ giá, nếu như không có nhà đầu cơ, thì ai sẽ là người mua những hợp đồng này? Hay khi các nhà sản xuất, rang xay, doanh nghiệp xuất nhập khẩu muốn mua chốt giá trước khi thị trường đang ở mức giá thấp, thì thử hỏi nếu không có nhà đầu cơ, ai sẽ là người bán để chấp nhận rủi ro này? Thị trường càng có nhiều nhà đầu cơ, thị trường thanh khoản càng tốt và hoạt động thị trường càng minh bạch.
Còn NẾU NHƯ tác giả quy kết cho “nhà đầu cơ nội”, thì tôi không hiểu nhà đầu cơ nội là những đối tượng nào? Quanh đi ngoảnh lại tôi chỉ thấy các doanh nghiệp thu mua cà phê và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước, họ hoạt động như trung gian, đưa cà phê đến những nới cần tiêu thụ, dựa vào hoạt động đầu cơ của các quỹ đầu cơ trên thị trường.
Tại sao lại quy chụp cho các doanh nghiệp này là giới đầu cơ ăn bẩn? Người nông dân bỏ công sức & chi phí trồng ra hạt cà phê và tất nhiên mong bán được giá cao đó là điều hết sức hợp lý, trong khi các doanh nghiệp cũng bỏ vốn liếng ra mua cà phê để xuất khẩu – theo quy luật thương mại thông thường – tất nhiên cũng vậy, ai cũng muốn mua thấp bán cao, tại sao lại quy cho họ là chơi bẩn? Thử hỏi, không có những doanh nghiệp này, thì người nông dân bán sản phẩm của mình cho ai? Nếu không có họ, thử hỏi Việt Nam mình có được các danh hiệu nước xuất khẩu cà phế số 1 thế giới?
Tác giả cho rằng: “.. đầu cơ chỉ muốn “xơi” một mình mà không muốn chia sẻ những lợi lộc phát sinh từ hiện tượng này”, xin hỏi họ xơi cái gì và nên chia sẻ lợi lộc gì? Và cho ai?
Để làm rỏ ý này, chúng ta sẽ trở lại vấn đề hiện tượng “giá vắt” vừa qua mà tác giả đề cập đến. Tôi không hiểu cơ sở nào tác giả cho là hiện tượng “vắt giá” là do nhà đầu cơ tung lượng tiền lớn ra mua “hàng giấy” lẫn hàng thực, khiến gây ra hiện tượng vắt giá? Chín tác giả cho rằng khan hiếm hàng thực để giao và thời điểm giao điểm của tháng hết quyền chốt giá đối với các hợp đồng giao hàng thực cho tháng 1-2013 để chuyển sang kinh doanh tháng 3-2013…,
Thì theo lẽ tự nhiên, các vị thế BÁN của nhà đầu cơ trên hợp đồng kỳ hạn buộc phải tranh thủ chốt trạng thái, nếu để kéo dài thì lấy hàng đâu ra giao khi hợp đồng đáo hạn? Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác… khiến hiện tượng thay đổi vị thế của giới đầu cơ xảy ra hàng loạt, làm giá kỳ hạn gần bật cao, chốt trạng thái của giới đầu cơ càng nhiều, giá kỳ hạn gần bật càng cao, để chuyển qua mua hợp đồng tháng 3, kỳ hạn xa hơn, có giá thấp hơn nhằm hưởng lợi từ hiện tượng này. ĐÓ LÀ QUY LUẬT KINH DOANH CỦA HỌ – CHẤP NHẬN RỦI RO ĐỂ HƯỞNG LỢI – thì bắt họ chia cái gì, trong khi một số nhà đầu cơ khác vẫn bị cắt lỗ do không đủ margin hay phản ứng không kịp.
Có thể ý tác giá muốn nói đến các doanh nghiệp – “nhà đầu cơ” trong nước !? Vì bán được giá cao cho hợp đồng tháng 01/2013, lại ép giá nông dân mua giá tháng 03/2013 thấp hơn?
Đó là quy luật kinh doanh. Nông dân muốn bán giá cao, họ cũng muốn mua thấp bán cao. Doanh nghiệp trong nước cũng như người dân trồng cà phê… đều chịu sự chi phối theo giá của thị trường cà phê thế giới. Họ đều bỏ vốn và công sức ra để mong kiếm lời. Cả 2 chủ thể này là thành phần trung gian, đều thuộc nhóm bảo hộ giá. Tôi không thấy ở VN có nhà đầu cơ cà phê thuộc tầm cỡ, và nếu có cũng chỉ là những nhà đầu cơ cá nhân nhỏ lẻ, không thuộc diện phải đăng ký và báo cáo cho LIFFE, do đó họ không đủ lớn để khuynh đảo giá cà phê London, cũng không ăn bẩn, cũng chẳng xơi gì một mình.
Vấn đề ăn bẩn – ép giá:
Tác giả có chắc rằng khi giá cà phê tháng 1/2013 tăng thì các doanh nghiệp trong nước đã mua được giá đáy? Hay đã kịp thời vào trạng thái bảo hộ giá trên sàn? Và có chắc họ đã chốt được hợp đồng xuất khẩu với giá tốt và mua lại được hàng thật với mức giá thấp hơn giá chốt?
Thị trường cà phê trong nước có nơi bán giá cao, có nơi bán gía thấp… Tất nhiên là một doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu, họ có quyền tìm nơi có giá thấp để mua. Nếu mua không được hàng thực lúc này với giá mong muốn thì sẽ mua trên kỳ hạng tháng 3/2013 phụ vụ cho mục đích kinh doanh của mình.
Đối với nhà nông
Khi nhà nông có hàng thực trong tay thì quyền quyết định là ở nông dân chúng ta. Nếu giá cà phê thị trường tiền mặt tăng cao thì hà cớ gì người nông dân chấp nhận bán giá tháng 3/2013 với giá thấp hơn? Nếu doanh nghiệp muốn mua, mà nông dân không bán…thì buộc doanh nghiệp phải mua trên kỳ hạn tháng 03/2013.
Tôi giả sử, giá chấp nhận của nhà nông trồng cà phê tối thiểu phải là 40.000đ/kg mới bán, nếu như tất cả nhà nông đồng lòng, liên kết, kiên quyết không bán dưới giá này thì doanh nghiệp lấy đâu mua được cà phê dưới giá 40.000đ/kg. Về mặt lý thuyết, lúc đó thị trường trong nước sẽ hình thành mức hỗ trợ tại mốc 40.000đ, cứ khi giá về tới mốc này thì cung không đủ cầu, giá lại bật lên. Thì đây cũng là cách nhà nông tự thiết lập mốc giá đáy cho chính mình ở mức tối thiểu chấp nhận được. (ở đây tôi chỉ nêu ví dụ, giả thiết, tất nhiên để thực hiện được phái cần rất nhiều các biện pháp, trong đó có biện pháp bảo hộ, để nhà nông có thể thực hiện được mục tiêu trên)
Trong thực tế, người nắm giữ hàng thực trong tay với khối lượng lớn có thể áp đặt cuộc chơi. Nhưng lượng hàng lớn là lớn như thế nào? Và muốn làm được vậy phải có sự liên kết chặt, thông tin kịp thời giữa các hội nhà nông với nhau.
Lời kết:
Một khi không điểm mặt, chỉ tên được cụ thể nhà đầu cơ là đối tượng nào? Ăn bẩn như thế nào? Mà chúng ta cứ quy chụp, đặt tên cho đối tượng không có thật… thì người Việt chúng ta thường gọi là hành vi này là hành vi “chửi đổng”, vô thưởng vô phạt, “chẳng chết thằng tây nào”, thậm chí gây ngộ nhận, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận vấn đề.
Phải chăng đến lúc cách nhìn nhận của chúng ta về đầu cơ, về những già liên quan đến hạt cà phê Việt Nam nên chuyển từ trạng thái “than trách – cầu nguyện”, sang trạng thái”nguyên nhân – đối sách”, lúc đó tùy theo từng chủ thể & mục đích khác nhau sẽ có cách tiếp cận mới hơn, chủ động hơn và nhịp nhàng hơn.
Vài lời chia sẻ cùng cộng đồng Y5Cafe !
Forexngo
Nói gì thì nói, ai kinh doanh cũng muốn có lợi nhuận cả; con người vốn có lòng tham vô đáy. Nông dân cũng là thành viên trong chiến trường đấy nên phải tuân theo quy luật “thắng làm vua – thua làm giặc”. Nông dân không mạnh về kinh tế thì phải bán với giá thấp, còn nếu anh có năng lực tài chính thì cứ đợi giá cao hãy bán.
Nông dân bàn luận ở đây chẳng qua là kêu gọi nhau cùng đồng lòng liên kết, động viên nhau giữ hàng không bán với giá thấp nhằm thúc đẩy thị trường thôi chứ thực ra cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Cho nên trách móc nhau chi cho không khí nặng nề.
Hôm nay giá lại hạ nữa rồi kìa, buồn quá nhỉ.
Tôi cảm nhận thế này sau khi đọc xong 02 bài viết của 02 tác giả Nguyễn Quang Bình và Forexngo:
– Bài của tác giải Quang Bình: chỉ đứng trên khía cạnh của người nông dân, đưa ra những nhận định để nói lên những thiệt thòi của người làm nông.
– Với tác giả bài viết này: có thể thấy tác giả là người am hiểu về thị trường cà phê kỳ hạn và nếu Tôi không lầm thì tác giả có giao dịch trên sàn cà phê. Cái nhìn của tác giả không ngược lại với cái nhìn của tác giả Quang Bình, tức hãy để giá theo quy luật tự nhiên, thuận mua vừa bán, nếu anh không đồng ý với giá đó thì anh đừng có bán thử hỏi lấy đâu ra hàng mà giao. Nếu Tôi là một người nông dân thì Tôi không bao giờ đồng ý với quan điểm của tác giả bài viết này.
Bài viết của Y5Cafe rất hay, lý giải khúc chiết các vấn đề bức bối tình trạng mua bán hiện nay. Thế nhưng sẽ là muôn thủa nếu hai bên mua và bán không nương nhau để sống! Nhìn ra bên ngoài người ta giải quyết vấn đề này thật đáng nể, còn ở ta ngồi đấy mà cầu nguyện, nghèo đến khi nào nông dân chúng ta ơi : ” Được mùa rớt giá” và cái gì sẽ đến đất đai thoái hóa, đầu tư cao rồi đến lúc phải bỏ của chạy lấy người còn đâu là phát triển bền vững, còn đâu các ông lớn DN có cà phê để làm giàu.
Forexngo nhìn nhận vấn đề rất thấu đáo, khách quan và công bằng.
Đồng tình với tác giả! Nếu trên thị trường các nhà đầu tư mà dân mình hay gọi là đầu cơ “theo chồng bỏ cuộc vui” thì thị trường sẽ ế ẩm, thanh khoản thấp, giống như sàn BEC của Việt Nam mà thôi!
Các bác cứ nói lý thuyết em không hiểu gì cả nhưng em biết chắc chắn năm tới lại mất mùa nữa rồi. Hiện nay vùng em ở Buôn Hồ cà nhú bông trăng xóa, nếu mà tưới thì lại mất mùa kép còn không tưới thì sợ sang năm đói luôn. Các bác ai am hiểu chỉ giúp em với xin cảm ơn có nên tưới từ bây giờ không.
Hoàn toàn nhất trí: giá chấp nhận của nhà nông trồng cà phê tối thiểu phải là 40.000đ/kg mới bán, nếu như tất cả nhà nông đồng lòng, liên kết, kiên quyết không bán dưới giá này thì doanh nghiệp lấy đâu mua được cà phê dưới giá 40.000đ/kg. Về mặt lý thuyết, lúc đó thị trường trong nước sẽ hình thành mức hỗ trợ tại mốc 40.000đ, cứ khi giá về tới mốc này thì cung không đủ cầu, giá lại bật lên. Thì đây cũng là cách nhà nông tự thiết lập mốc giá đáy cho chính mình ở mức tối thiểu chấp nhận được. (ở đây tôi chỉ nêu ví dụ, giả thiết, tất nhiên để thực hiện được phái cần rất nhiều các biện pháp, trong đó có biện pháp bảo hộ, để nhà nông có thể thực hiện được mục tiêu trên)
Trong thực tế, người nắm giữ hàng thực trong tay với khối lượng lớn có thể áp đặt cuộc chơi. Nhưng lượng hàng lớn là lớn như thế nào? Và muốn làm được vậy phải có sự liên kết chặt, thông tin kịp thời giữa các hội nhà nông với nhau.
Sao lại có một bài viết nóng nảy, bực bội như thế nhỉ? Nếu chỉ vị kiến thức, thì ngay cả Ngô Phú Hiển cũng cùng vội vàng khi nói bài viết “thấu đáo”.
Bài viết phản hồi quy chụp và yêu cầu phải chỉ rõ mặt “đầu cơ” là ai? Rồi đá qua để nói rằng ông Bình không nói rõ đầu cơ là ai thì có lẽ nói các doanh nghiệp trong nước!? hay người mua người bán nội địa…Lạ quá nhỉ?
Hình như tác giả viết phản biện, phản hồi mà không đọc và suy nghĩ kỹ thì nói ai nghe? Hãy đọc lại thật kỹ câu Nguyễn Quang Bình viết rõ trong bài: “Tuy nhiên, mấy năm đổ lại đây, đầu cơ tài chính và hàng hóa đã bắt tay nhau để hút mạnh cả hàng thực lẫn hàng giấy bằng sức mạnh đồng tiền…”.
Như vậy, tất cả ý tứ của bài phản hồi đã mất đi tính “trung thực và công bằng” vì không có tính “thấu đáo” như Ngô Phú Hiển nhanh nhẩu bênh vực.
Hãy nên nhớ thị trường hàng hóa biến động, thay đổi không ngừng. Đầu cơ tài chính có khi “ga lăng” nhưng có lúc cũng đòi ăn “tiền lẻ”. Tôi thấy bài phân tích của ông Bình chỉ gói gọn trong một giai đoạn của thị trường đã xảy ra chứ không muốn nói đến tính chất liên tục.
Các bạn biết tại nhiều nước trên thế giới có phong trào chiếm phố Wall vì sao không? Các bạn biết châu Âu sẽ áp dụng thuế giao dịch phái sinh vì sao không? Các bạn biết các nước châu Âu định áp số lượng hợp đồng tối đa cho mỗi nhà kinh doanh trên từng tháng giao dịch vì sao không?
Nói như thế mình phải biết “chùng” tay và lựa lời khi quảng cáo cho đầu cơ tài chính.
Nói tới đây mà người viết phản hồi không hiểu nữa, thì tôi nghĩ nhiều người trên diễn đàn này đành chịu thua.
@V. Đ. Hùng,
Chào anh Hùng, chân thành cám ơn phản hồi của anh, chính nhờ phản hồi của anh sẽ lảm rõ thêm nhiều ý.
Trước tiên, anh cho rằng bài phản biện thể hiện quan điểm nóng nảy, bực bội…theo đánh giá chủ quan của tôi, lại thấy bài phản hồi của anh mang tính chất bực bội, ăn miếng trả miếng…cứ như thể anh là tác giả bài viết mang tên Nguyễn Quang Bình!? Mặc dù rất trân trọng và tôn trọng tác giả Nguyễn Quang Bình, thông qua một số bài viết chất lượng, nhưng thú thật – LỜI THẬT MẤT LÒNG – tôi không thể đồng tình với cách quy chụp của tác giả bài “Giá cà phê vắt bên mua, thắt bên bán”, lý do tại sao? tôi đã giải thích trong bài phản hồi của mình.
Anh Hùng phản biện:
“Hình như tác giả viết phản biện, phản hồi mà không đọc và suy nghĩ kỹ thì nói ai nghe? Hãy đọc lại thật kỹ câu Nguyễn Quang Bình viết rõ trong bài: “Tuy nhiên, mấy năm đổ lại đây, đầu cơ tài chính và hàng hóa đã bắt tay nhau để hút mạnh cả hàng thực lẫn hàng giấy bằng sức mạnh đồng tiền…”.
Xin thưa với anh, lý do nào và bằng chứng nào anh cho rằng đầu cơ tài chính và hàng hóa đã bắt tay nhau để hút mạnh cả hàng thực lẫn hàng giấy bằng sức mạnh đồng tiền?
Nói thế có nghĩa anh chưa hiểu về bản chất thật của đầu cơ trong thị trường kỳ hạn. Bản chất đầu cơ thật sự là đầu cơ, chẳng liên quan gì đến hàng thực cả. Và nghiệp vụ đầu cơ của họ luôn có đăng ký và báo cáo rõ ràng cho Sở giao dịch, bạn có tin không? Khi nói mà mình không cơ sở, thì người ta gọi là đoán mù, là ngụy biện, là cả vú lấp miệng em.
“…Tôi thấy bài phân tích của ông Bình chỉ gói gọn trong một giai đoạn của thị trường đã xảy ra chứ không muốn nói đến tính chất liên tục”
Chính vì bài viết của tác giả Quang Bình chỉ gói gọn trong một giai đoạn của thị trường đã xảy ra…do đó, để cụ thể hóa, tôi có thể khẳng định giai đoạn vừa qua không có nhà đầu cơ tài chính hay hàng hóa nào bắt tay nhau để hút mạnh cả hàng thực lẫn hàng giấy bằng sức mạnh đồng tiền.
Thứ 1: Bạn đã sai về kiến thức cơ bản: Đã là đầu cơ thì… là đầu cơ, không có chuyện phân biệt đầu cơ tài chính và hàng hóa. Bạn có biết tại sao không? Đơn giản là đầu cơ thì phải đăng ký và nói rõ với Sở giao dịch hàng hóa: ”Tôi là nhà đầu cơ”. Đã là đầu cơ thì… hàng thực không có ý nghĩa với họ.
Thứ 2: Theo số liệu tôi có được, kể từ giữa tháng 11/2012 đến nay, nhà đầu cơ đã ở vị thế thuần BÁN ổn định bình thường ở mức khoản 18, 19%/hợp đồng mở…do đó lý do nào để nói họ bắt tay nhau bằng sức mạnh đồng tiền?
“…Hãy nên nhớ thị trường hàng hóa biến động, thay đổi không ngừng. Đầu cơ tài chính có khi “ga lăng” nhưng có lúc cũng đòi ăn “tiền lẻ”.”
Xin thưa với anh, mọi người luôn nhớ và biết thị trường hàng hóa luôn biến động, thay đổi không ngừng…. nhưng hoàn toàn không có chuyện đầu cơ tài chính ga lăng hay ăn tiền lẻ, mà khái niệm rất rạch ròi…lời là lời, lỗ là lỗ. Anh có thể nói rõ hơn thế nào là ga lăng thế nào là ăn tiền lẻ?
“….Các bạn biết tại nhiều nước trên thế giới có phong trào chiếm phố Wall vì sao không? Các bạn biết châu Âu sẽ áp dụng thuế giao dịch phái sinh vì sao không? Các bạn biết các nước châu Âu định áp số lượng hợp đồng tối đa cho mỗi nhà kinh doanh trên từng tháng giao dịch vì sao không?”
Trình với anh, có lẽ anh có kiến thức tài chính thế giới sâu rộng, nên rất mong anh cung cấp các kiến thức này để mọi người cùng được biết. Nhưng như anh đã nói “…Tôi thấy bài phân tích của ông Bình chỉ gói gọn trong một giai đoạn của thị trường đã xảy ra chứ không muốn nói đến tính chất liên tục”, do đó tôi thấy các kiến thức này không ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường cà phê thời gian qua, nên tôi không dám lạm bàn…nhưng cũng mong anh cho biết các nước châu Âu định áp số lượng hợp đồng tối đa cho mỗi nhà kinh doanh trên từng tháng giao dịch là bao nhiêu?
Theo kiến thức hạn hẹp của tôi được biết, mỗi hợp đồng trên 100 lots sẽ phải báo cáo cho Sở giao dịch, và trước khi đăng ký giao dịch thì anh phải đăng ký dưới loại nào? Bảo hộ hay đầu cơ?
“…Nói như thế mình phải biết “chùng” tay và lựa lời khi quảng cáo cho đầu cơ tài chính.”, ở đây tôi không có ý nào quảng cáo cho đầu cơ tài chính cả, anh có cảm thấy mình “hồ đồ” không khi quảng cáo đầu cơ tài chính cho nông dân? Nếu anh thấy đó là hồ đồ, là ý tồi…thì bản thân tôi cũng thấy vậy.
Có lẽ anh đọc bài mà vẫn chưa hiểu “thấu đáo” vấn đề, và chắc anh đang mơ tới một ngày đẹp trời nào đó, anh Ba đại gia – Tổng doanh nghiệp xuất khẩu cà phê…nước mắt nước mũi hớt hãi chạy đến nông trại của anh Hai nông dân:
Anh Hai ND: Chuyện gì đó chú ba, sao hôm nay rồng đến nhà tôm?
Anh ba ĐG: Dạ, anh Hai nghe chuyện gì chưa? Đợt giá vắt vừa rồi đó?
Anh Hai ND: Oh, tưởng chuyện gỉ chứ chuyện đó tao biết rồi, nhưng nghĩ mà tức…cũng do bọn đầu cơ chú mày tạo ra và ép giá bà con…chú mày cũng trong số đó…ăn bẩn thôi. Bây giờ chú tới tìm anh có việc gì?
Anh ba ĐG: Dạ, em hiểu ý anh và em cũng biết lỗi rồi…
Anh Hai ND: Biết lỗi thì được gì? Đâu cũng vào đó…rồi mọi chuyện vẫn như cũ…xảy ra hàng năm
Anh ba ĐG: Nhưng…thưa anh em muốn khắc phục…
Anh Hai ND: Chú mày khắc phục bằng cách nào?
Anh ba ĐG: Thú thậtt với anh, vừa rối em có lỡ ký hợp đồng xuất khẩu với giá $1850/tấn, nhưng giá cà phê đợt này…nghĩ mà thấy thương giá đình anh công sức làm lụng cả năm…nên em suy nghĩ kỹ và quyết định sẽ mua cho anh giá thị trường tiền mặt $1940/tấn, chứ không mua kỳ hạn tháng 03/2013 nữa.
Anh Hai ND: Là sao? Vậy chú mày lỗ 2 đầu ah?
Anh Hai ND suy nghĩ chút rồi trả lời: Vậy đâu được chú? Chú làm vậy khác nào……? Chú mày biết đó, nông dân tụi anh tuy nghèo nhưng rất chất phát và tốt bụng, anh đâu thể vì được lợi cho anh mà chú mày phải chịu thiệt thòi như vậy được.
Anh ba ĐG: Vậy bây giờ em biết phải làm sao anh Hai? Em đâu muốn và năng lực em cũng đâu thể làm được việc đó, nhưng tình thế đã vậy…
Anh Hai ND rít thuốc đăm chiêu….gật gù, uh…thì xét cho cùng đâu phải tại mấy chú.,..rồi khoát tay dứt khoát, thôi chú về đi…bằng mọi giá anh không chấp nhận cách chú đề nghị…nhưng chú mày về nghiên cứu xem có cách nào để nông dân tụi anh trồng ra hạt cà phê, thì luôn phải đảm bảo không lời nhiều, thì ít nhất cũng thu lại vốn liếng, công sức bỏ ra chứ?
…….
Các vị tranh luận cũng tốt thôi, nhưng tôi chốt lại thế này:
Thị trường cà phê là thị trường thế giới, nên một hộ hay một số hộ sản xuất bán cà phê hay không bán cà phê thì thị trường không thay đổi giá (giá lên hay xuống là do cung cầu trên thị trường). Tuy nhiên nếu cả MỘT QUỐC GIA như Việt Nam có sản lượng cà phê Robusta đứng đầu thế giới mà biết điều tiết cung ứng sản lượng cà phê ra thế giới thì làm cho giá cà phê thế giới thay đổi, nhất là NGÀNH cà phê Việt Nam LIÊN KẾT ĐƯỢC VỚI CÀ PHÊ Brazil thì điều này lại càng chắc chắn. Do đó, phụ thuộc vào:
Sự hiểu biết và hành động của tất cả các hộ sản xuất cà phê,
Sự tác động của Chính phủ ở tầm vĩ mô về mọi mặt.
Nói như bạn thì nếu các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ chủ lực (ví dụ như các quốc gia vùng Vịnh và Trung Đông) thắt chặt nguồn cung thì liệu bạn có chấp nhận giá xăng trên 30.000 đ/lít hay không? Cà phê thật ra cũng chỉ là một mặt hàng trong tổng thể của thị trường hàng hóa mà thôi!
Chào các bác chuyên gia,
Theo tôi, bác Bình chắc có ý gì khác chăng? Nếu có rất mong bác Bình viết thêm cho bà con tham khảo.
Giá xăng trên 30.000 đ/lít? 0k, vì nước mình có xuất khẩu dầu khí mà. Tuy nhiên mỗi cá nhân phải chấp nhận tùy theo hoàn cảnh, có điều tính toán chi phí đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng sao cho hợp lý.
Vấn đề chúng ta đang thảo luận làm sao để có được giá cà phê nhân 40.000d/kg trở lên, đừng để bị ép giá, thì bà con còn có lãi. Thực thế những năm gần đây, bà con nhờ có kinh nghiệm và nhận biết được thông tin nên đã điều tiết lượng bán hợp lý, góp phần làm cho giá tương đối ổn định rồi đó.
Chào các bác.
Chào bác Forexngo đã ghé qua diễn đàn.
Đúng là chỉ khi có “mãnh long” ghé qua thì xóm làng mới xôm được.
Bác Bình già làng viết em thấy đồng ý hơn cách viết của anh Forexngo rất nhiều bởi vì ở đây em thấy có 1 sự khác biệt về cách hiểu.
1. Giống nhau : cả 2 “mãnh long” đều rất hiểu thị trường, Vỹ tui đồ rằng bác forexngo còn rất rành cách thức giao dịch của sàn và theo tui bác Bình già làng cũng rành thị trường không kém vì bác từng làm trưởng 1 đại diện lớn trong 1 thời gian khá dài.
2. Khác nhau : Tui cũng đồ rằng Forexngo quan sát rất kỹ và “đọc số liệu” rất chuẩn trên sàn …
Nhưng những người như Vỹ tui và bác Bình (có thể Bác ấy biết cái Vỹ sẽ nói sau đây nhưng bác ấy giấu) lại … quan tâm nhiều hơn đến các số liệu trên sàn.
vd nhé Forexngo :
+ Để biết tổng các hợp đồng mở : ta xem ngay trên màn hình. Cái này ai cũng xem như ai, ai cũng biết cả, tương tự như vậy cho các tháng hợp đồng.
Nếu chỉ dựa vào đấy mà phân tích…thì ai phân tích hay người đó thắng !
Giờ cuộc chơi nó hơi khác 1 chút : các đầu cơ “bự” (nói thiệt lòng là Vỹ không dám dẫn ra đây dù Vỹ có thể list nó ra 10 cái tên) còn biết thêm các thông tin kiểu sau :
*Cty A – sell contract jan 2013 -ship feb 2013- price :???? và destination.
Riêng cái dấu sao vừa dẫn thì các “tay chơi” trên sàn như forexngo HOÀN TOÀN KHÔNG THỂ BIẾT. (Vỹ chắc 100% luôn)
Trong khi các đầu cơ lớn ĐỀU BIẾT VÀ ĐỘ CHÍNH XÁC HỌ CÓ LÀ 85% tổng lượng giao dịch, và chỉ khi nắm thông tin kiểu này họ mới dám chơi bài “vắt giá” nhằm “đập chết” mấy tay chơi cò con hay ép phải giao hàng thực bằng cách mua từ chính họ (Forexngo có biết các kho ngoại quan họ mở tại các nước để làm gì không? Vỹ thì nghĩ họ dùng trong các áp phe kiểu này)
—–
Dù sao đây cũng là ý nghĩ chủ quan của Vỹ, về quan điểm riêng thì vẫn ủng hộ cách viết (và cho rằng đúng) của bác Bình già làng.
Vỹ
Chào anh Vỹ,
Thật lòng mà nói quan điểm nhìn nhận & thông tin của anh rất thú vị, vì ít nhiều đã dần hé lộ thêm một số vấn đề mới mà chúng ta cần làm rõ hơn, rất có ích trong việc nhìn nhận vấn đề…
Đề cập đến vấn đề hợp đồng mở mà anh cho rằng:
“…Để biết tổng các hợp đồng mở : ta xem ngay trên màn hình. Cái này ai cũng xem như ai, ai cũng biết cả,tương tự như vậy cho các tháng hợp đồng. Nếu chỉ dựa vào đấy mà phân tích…thì ai phân tích hay người đó thắng !..”
Anh đã đúng, chỉ cần xem trên chart là chúng ta đã thấy thể hiện số tổng hợp đồng mở theo từng giai đoạn, mà ai xem cũng thấy và giống như nhau. Tuy nhiên, dám hỏi anh là khi thấy tổng hợp đồng mở thì chúng ta đúc kết được vấn đề gì ở đây? Liệu chúng ta có nhận biết hay phân biệt được xu hướng giá,hay vị thế mua bán của giới đầu cơ không?
Chắc chắn là không – chúng ta chẳng đúc kết được gì khi xem tổng hợp đồng mở theo từng giai đoạn đã thể hiện trên biểu đồ một cách rõ ràng, ngoại trừ chỉ cho chúng ta khái niệm …thời gian qua lượng hợp đồng mở tăng hay giảm mà thôi.
Và anh cho rằng ai phân tích hay người đó thắng!? Cũng xin nói rỏ với anh là trong cái thi thị trường tài chính này không có khái niệm phân tích hay, mà là phân tích đúng hay sai? Có cơ sở hay không cơ sở? nếu đúng thì chúng ta có lợi nhuận, còn sai …chúng ta thua lỗ, chỉ có vậy thôi! Do đó khái niệm hay và thắng của anh không nằm trong phạm trù đầu tư/đầu cơ thực tế. Trong thực tế, nếu ai có khái niệm phân tài cao thấp trong thị trường tài chính, thì kết cục chỉ dẫn tới…thảm họa thôi, do đó chúng ta không nên lẫn lộn khái này.
Hơn nữa, với thị trường cà phê, ngoài vẫn đề phân tích – dự báo giá, thì nghiệp vụ bảo hộ rủi ro biến động giá là tối cần thiết, đặc biệt quan trọng…nhất là đối với nông dân và các công ty xuất khẩu, kinh doanh cà phê.
“…Nhưng những người như Vỹ tui và bác Bình (có thể Bác ấy biết cái Vỹ sẽ nói sau đây nhưng bác ấy giấu) lại … quan tâm nhiều hơn đến các số liệu trên sàn…”
Như vậy đã rỏ ràng, cả anh Vỹ & tác giả Quang Bình đều…quan tâm nhiều đến số liệu trên sàn(nhưng giấu)…nói đến đây càng khẳng định bài phản biện của tôi về cách quy chụp của tác giả Quang Bình về giới đầu cơ…ăn bẩn là hoàn toàn chính xác. Vì như tôi đã nói, với số liệu”trên sàn” mà tôi có được, thì giới đầu cơ đã vào vị thế bán ổn định ở mức 18 – 19%/hợp đồng mở từ tháng 11/2012 cho đến giai đoạn xảy ra hiện tượng vắt giá. Do đó, tôi thấy hoàn toàn không có sự thay đổi bất ngờ nào trong các vị thế mua – bán của giới đầu cơ trên sàn Liffe như tác giả đề cập.
Tuy nhiên…đến đây vấn đề đã bắt đầu khác, để dẫn chứng cho quan điểm tác giả về hiện tượng giới đầu cơ bắt tay nhau giữa đầu cơ trên sàn và đầu cơ hàng thực để vắt giá chèn ép bà con nông dân, anh Vỹ đã viết:
.
“…Giờ cuộc chơi nó hơi khác 1 chút : các đầu cơ “bự” (nói thiệt lòng là Vỹ không dám dẫn ra đây dù Vỹ có thể list nó ra 10 cái tên) còn biết thêm các thông tin kiểu sau :
*Cty A – sell contract jan 2013 -ship feb 2013- price :???? và destination.
Riêng cái dấu sao vừa dẫn thì các “tay chơi” trên sàn như forexngo HOÀN TOÀN KHÔNG THỂ BIẾT. (Vỹ chắc 100% luôn)…”
Bản thân tôi đánh giá cao số liệu mà anh Vỹ có trong tay như…*Cty A – sell contract jan 2013 -ship feb 2013- price :???? và destination… và tôi cũng cho rằng những số liệu này rất có giá trị, không phải tự nhiên mà có.
Tuy nhiên, anh Vỹ cũng thừa biết là hạt cà phê Việtnam mình không phải tự nhiện có cánh mà …bay qua trời tây, tất yếu phải do từ hoạt động thương mại xuất khẩu, do đó Hải quan sẽ là người nắm giữ rất “chi tiết” số liệu này – cho nên, anh Vỹ có số liệu này, có chắc những người khác không có? Ngân hàng là nơi trung gian thanh toán, mở L/C…vậy anh Vỹ có chắc và liệu có “vội vàng” quá không? khi…khẳng định 100% người khác không thể có số liệu này(?)
Và tất nhiên vấn đề đến đây không chỉ đơn giản và dừng lại đó như anh Vỹ vẫn tưởng. Mạo phép hỏi anh Vỹ rằng liệu anh chỉ có số liệu xk cà phê của chỉ VN thôi hay anh có được số liệu đó của Indonesia? của Brazil? Hay của tất cả trên 10 nước xuất khẩu cà phê Robusta trên thế giới?
Thứ 1: Nếu anh có dạng số liệu này của tất cả các nước xuất khẩu cà phê Robusta trên thế giới, thì chúng ta sẽ tiếp tục mổ xẻ số liệu này sâu them…để có cái nhìn tổng quan hơn.
Thứ 2: Nếu anh chỉ có số liệu của VN thôi, vậy dám hỏi anh số liệu anh có được là cập nhật hàng tuần, hàng tháng hay hàng quý? Và với chỉ số liệu đó có đủ cho chúng ta dự báo giá hay thấy được “động thái đầu cơ”, hay chỉ với số liệu đó có đủ để giới đầu cơ có thể ảnh hưởng đến biến động giá?
Lý do tại sao tôi phải hỏi anh như vậy? để trả lời cho câu hỏi này, tôi lại tiếp tục trích dẫn lời anh Vỹ:
“…Trong khi các đầu cơ lớn ĐỀU BIẾT VÀ ĐỘ CHÍNH XÁC HỌ CÓ LÀ 85% tổng lượng giao dịch, và chỉ khi nắm thông tin kiểu này họ mới dám chơi bài “vắt giá” nhằm “đập chết” mấy tay chơi cò con hay ép phải giao hàng thực bằng cách mua từ chính họ (Forexngo có biết các kho ngoại quan họ mở tại các nước để làm gì không? Vỹ thì nghĩ họ dùng trong các áp phe kiểu này)”
Bạo dạn hỏi anh…các kho ngoại quan mà anh cho là các “bự” sẽ tập kết hàng tại đây dùng để áp phe, thì trong thời điểm cao điểm nhất, dồi dào hàng nhất…thì lượng hàng họ mua được và tập kết tại kho ngoại quan là bao nhiêu để họ đạt được ý đồ mong muốn?
Năm 2012 vừa được dự báo VN có lượng xuất khẩu cà phê trong năm ước tính đạt khoảng 1,6 triệu tấn…vậy anh có biết mức độ khối lượng giao dịch cà phê Robusta hàng năm trên sàn Liffe là bao nhiêu? Số liệu năm 2011 đã trên 4 triệu lots, tương đương 40 triệu tấn/năm, bình quân trên dưới 4 triệu tấn/tháng – gấp đôi tổng xuất khẩu của VN CẢ NĂM.
Như vậy, cung cầu cà phê kỳ hạn đã vượt quá xa cung cầu hàng thực, vậy theo anh các đầu cơ bự mà anh nói đến ĐỀU BIẾT VÀ ĐỘ CHÍNH XÁC HỌ CÓ LÀ 85% tổng lượng giao dịch…vậy theo anh là tổng giao dịch nào? Trên sàn hay hàng thực? Theo những gì tôi hiểu thì anh đề cập đến “bút ký” xuất khẩu với số liệu chỉ riêng tại VN…vậy thì mức độ 85% thông tin họ biết…có đủ để họ “đập chết” máy tay chơi cò con?
Nói đến đây, lại nảy sinh mấy câu hỏi thú vị, rất mong anh Vỹ giải đáp giúp:
Khi đề cập đến đầu cơ – ắt họ phải trục lợi, vậy thì với các đầu cơ “bự” – biết đến 85% độ chính xác thông tin như …công ty nào bán, giao hàng tháng mấy, với giá nào, nước và công ty nhập khẩu là ai,..
Vậy mạo muội hỏi anh tại sao cứ mỗi lần họ mua hàng và tập kết tại kho ngoại quan để ép phe như anh nói…thì giá lại cứ giảm không phanh? Nếu quan sát, tôi chỉ tính riêng từ tháng 10/2012 cho đến nay khi giá đạt đỉnh tại mốc 2.200, giảm về 1840 trong tháng 12/2012? Vậy họ đầu cơ kiểu gì vậy? ăn dơ kiểu gì vậy? thông tin họ biết kiểu gì vậy?
Anh không cần phải liệt ra 10 cái tên đầu cơ “bự” mà anh biết…nhưng chỉ mong anh trả lời giúp thông tin mà anh và các “bự” có được…phục vụ được cho mục đích gì? Đập chết cò con? Phân tích- dự báo gíá? Giúp bà con nông dân “nhận biết” giá tăng – giảm là do đầu cơ?
Rất mong hồi đáp của anh về các câu hỏi trên trước khi chúng ta tiếp tục đi sâu hơn các vấn đề này. Tất nhiên mỗi câu hỏi đều có lý do …nhằm làm sáng tỏ một vấn đề cụ thể.
Chào anh Forexngo,
Đầu tiên, xin cám ơn các phản hồi từ anh. Rất chuẩn và… rất kiến thức.
Vỹ là quản trị trang này, do đó sẽ không tranh cãi theo từng quan điểm như anh liệt kê vì sợ nó sẽ rất… sa đà và forum sẽ trở thành 1 nơi tranh cãi… đầy kỹ thuật mà sẽ đi xa rời mục tiêu chính của diễn đàn : thảo luận như những người Nông Dân.
Trước anh, mình cũng đã từng “tiếp chiêu” của 1 analyst info. của CME hẳn hòi, anh chàng này giờ chuyển sang làm cho 1 fund của Hongkong.
Lúc đó, cuộc thảo luận chẳng đi đến đâu nên Vỹ đã hẹn anh chàng này uống cà phê và chúng tôi thành bạn từ đó.
Anh nghĩ sao ? nếu chúng ta cũng có 1 cuộc hội ngộ kiểu đó. Vỹ sẽ mời anh Nguyễn Quang Bình uống chung… nếu anh đồng ý hãy cho Vỹ biết nhé.
Email Addr: vypham@usa.com
Phạm Vỹ
BQT Giacaphe
p/s: để khuyến mãi, Vỹ paste cho anh vài dòng thông tin giao dịch của tuần vừa qua ( 17 to 21 dec 2012) cho anh xem… cho vui
17-DecHo Phuong 26-Oct A -16 Mar-12 Mercon 102 Tilbury
Intimex Daknong 28-Nov R1 +70 Jan-13 Socadec 115 Trieste
Intimex Nha Trang 29-Nov R1 +10 Jan-13 Tchibo 315 Hamburg
Intimex Nha Trang 13-Nov R2 -84 Jan-13 Noble 118.0 Houston
Nam Phong 3-Dec R2 +30 Mar-13 Coex 43.0 Barcelona
Intimex BMT 28-Nov R1 +160 Mar-13 Finagra 38.0 Tilbury
…..
Những cái này anh xem trên Liffe làm sao có ?
Chào anh Vỹ,
Thì ra anh là chủ nhà… Rất trân trọng! Tôi sẽ email anh.
Forexngo
Chết thật, mấy ông rủ nhau đi uống cafe làm tôi thất học.
Trong khi các ” mãnh long” hẹn hò nhau đi uống cà phê thì giới ” đầu cơ” cũng đang tất bật dọn dẹp kho bãi để để chuẩn bị ” hốt hàng” của niên vụ mới… tất cả vì nông dân!
Tôi đọc, tìm hiểu… dù còn rất mù mờ nhưng thật thích thú. Giờ các anh nắm tay đi “uống cà phê” thỏa hiệp – giấu bài, anh em nông dân chúng tôi hết cơ hội …
Nếu như đọc bài phản hồi của Forexngo rồi, đợi Nguyễn Quang Bình vẫn không thấy có ý kiến. May có 2 bài đăng tải trên giacaphe.com, là: “Quan chức Nông nghiệp Brazil đả kích các nhà đầu cơ cà phê” và “Công ty Louis Dreyfus đặt cược cung cà phê sẽ thiếu hụt”, làm sáng tỏ thêm bài viết của ông Bình. Như vậy, theo thiển ý của tôi, khi đám đầu cơ tài chính và đám đầu cơ hàng hóa cấu kết với nhau, giá sẽ được định đoạt vì đồng lời của họ, dù cho giá lên hay xuống. Louis Dreyfus hiện nay là tay đầu cơ hàng hóa thứ thiệt, năm 2011 đã khuynh loát và siết giá bông vải đến tận cùng. Biết đâu nay mai họ sẽ làm như thế với giá arabica New York sau khi đã làm với robusta.
Forexngo phân tích tạm được, nhưng tôi thấy có ý như muốn rủ rê bà con vào chơi hàng trên mạng. Không biết anh ta đã bỏ ra vài tỉ để chơi hàng trên mạng chưa. Mong anh ta thắng để mình theo đóm.
Một người viết về hàng hóa có kiến thức, kinh nghiệm từng trải, lên bờ xuống ruộng vì ăn vì thua vẫn chưa đủ. Anh ta cần có cái lòng không hám lợi và cái tâm nữa. Thiếu một trong những thứ trên, ý kiến đưa ra chỉ là phiến diện.
Các ông tranh luận có hay đằng trời nhưng không đưa ra được kết luận và giải pháp giúp bà con thi bà con biết làm sao đây. Các ông đi uống cà phê cho bọn tui đi với…
Chào các bác.
Để gặp nhau uống cafe rồi bàn xem có giải pháp nào không… nếu có thì sẽ post bài cho các bác đọc.
Thế nhé!
Xin chào diễn đàn chào bà con, lâu lắm rồi hôm nay mới lại ghé thăm diễn đàn. Mình vốn là nông dân, cũng từng tham gia mua bán cà phê nông sản, bị dụ dỗ cũng đã thường xuyên lên sàn chơi hàng kỳ hạn và cũng nhiều khi bị cháy túi. Khi đọc bài của anh Quang Bình, ôi nghe sao mà sướng tai thế, chẳng là mình cũng vừa bị móc túi mà. Nhưng khi đọc và suy ngẫm thật kĩ thì mình thấy QB viết như vậy là không ổn và khi đọc bài phản hồi của bạn Forexngo thì mình nhận ra thật là tuyệt. Forexngo mới thật là cao thủ, là người am hiểu thực sự đối với thị trường tài chính thế giới. Tôi nghĩ bạn phải được đào tạo chuyên ngành tài chính rất bài bản thì mới có thể có những nhận xét rất chuẩn như vậy. Viết như bạn Quang Bình chỉ những người nông dân hay mấy anh bị thua lỗ như tôi nghe thì sướng thôi. Cũng may là QB chỉ ám chỉ chung chung là các quĩ đầu cơ, nếu mà là chỉ đích danh một quĩ nào đó hay một tổ chúc cá nhân nào đó và với luật pháp của phương tây, có khi QB còn phải hầu tòa cũng nên. Điều mà chúng ta phải thừa nhận rằng, các quĩ đầu cơ lớn nhỏ và cả chúng ta tham gia vào thị trường tất cả vì mục đích lợi nhuận. Điều quan trọng nhất là họ đang chơi và chơi đúng luật, còn việc họ chơi ra sao chơi như thế nào đó là quuyền của họ. Chúng ta có giỏi lắm thì cũng chỉ mức độ xem xét các động thái của họ, nếu cảm thấy rủi ro thì cảnh báo để không bị họ cho vào rọ như vừa rồi mà thôi.
Nghe anh Phạm Vỹ nói bác Bình già làng cũng rành thị trường không kém vì bác từng làm trưởng 1 đại diện lớn trong 1 thời gian khá dài. Đọc mấy bài báo mới biết nay anh Ng Quang Bình là 1 brokers của sàn, giám đốc Cty CTA ở tpHCM… hèn chi kiến thức của anh về sàn rất nhiều thì chắc chắn @Chính Nghĩa không thể dọa anh QB ra tòa được đâu và ngược lại, theo tôi, forexngo mới là người phải học anh ấy.
Dù sao cũng mong anh chia sẻ thêm kiến thức cơ bản về thị trường cafe tương lai cho nông dân @ biết với, cám ơn anh nhiều!
Thì ra là vậy ! Hèn gì đọc 1 số bài báo khi ngược khi xuôi thấy ngờ ngợ…
Có một điều không thể phủ nhận là trong suốt hơn 10 năm qua, đồng hành với các “già làng” làm tin cà phê thì cà phê Việt Nam đã bốc hơi hàng ngàn tỷ, nhiều doanh nghiệp, đại lý đã ra đi, hoặc thua lỗ vượt ra ngoài sức tưởng tượng, nông dân cũng bị vạ lây vì trót gửi cà phê cho đại lý. Tại sao lại như vậy? Bởi vì hầu như các già làng chỉ biết nói theo, khi giá xuống các ngài đưa toàn tin xấu khiến các doanh nghiệp, đại lý không thể không tin tranh nhau bán đổ, bán tháo vì sợ nói như các già, giá sẽ còn rớt te tua, chết ở chỗ sau đó giá không rớt mãi như các già nghĩ mà quay đầu tăng vùn vụt, doanh nghiệp, đại lý chết lật ra vì trở tay không kịp, khi đó các già làng nhanh nhảu chữa cháy bằng một trong 2 cách, 1 là “mới có tin tốt”, 2 là do “đầu cơ vắt giá”, doanh nghiệp, đại lý cũng chỉ biết nghe và tin theo vì họ vốn không được trang bị kiến thức, không hiểu nhiều về thị trường. Thiết nghĩ chúng ta cần có những làn gió mới, như anh forexngo hoặc như anh Ngô Phú Hiển … là những người nhìn thấy giá giảm khi nó còn đang tăng và nhìn thấy giá tăng khi nó còn đang giảm, nhờ vậy khi đầu cơ đẩy giá lên nông dân từ từ bán ra vì biết nó sắp giảm rồi, hoặc khi đầu cơ ép giá xuống nông dân yên tâm giữ hàng lại vì biết giá sắp lên rồi, có như vậy mới không bị mắc lừa đầu cơ, bị đầu cơ dắt mũi, cứ nghe thấy đầu cơ là chỉ biết run sợ, coi nó như “Ông Kẹ”, như “Ngáo Ộp”, sợ nó “đập chết” dẹp lép như con tép.
@tìm sự thật :
“Thương trường là chiến trường, thông tin là vũ khí” – Chính xác là khi chơi trong “trò chơi” này mọi người cần phải học, việc có 1 diễn đàn như thế này cũng là quá tốt rồi phải không?
Tôi đã nói chuyện với anh Forexngo, anh ấy hứa sẽ viết bài về kỹ thuật để post lên giacaphe.com. Hy vọng anh ấy sẽ nhiệt tình viết, và chúng ta sẽ biết theo cách nhìn của anh ấy mọi người “có thể thấy giá giảm khi thị trường đang tăng hay ngược lại” không nhé !
Hãy chờ xem …