Hiện tượng cấu trúc giá đảo có tồn tại đến sau ngày hết hạn quyền chọn của hợp đồng tháng 1/2013 hay không là câu hỏi mà nhà đầu tư cần phải suy ngẫm và để mắt tới.
Giá cà phê Robusta trên sàn Liffe NYSE London có phiên thứ ba tăng liên tiếp. Kỳ hạn giao tháng 1/2013 tăng 32 USD, tương đương 1,66%, lên 1.929 USD/tấn, mức tăng khá mạnh. Trong khi kỳ hạn giao tháng 3/2013 chỉ tăng 2 USD, tương đương 0,11%, lên 1.892 USD/tấn, mức tăng rất nhẹ. Cấu trúc giá đảo được kéo dài thêm với khoảng cách đã lên đến 37 USD.
Trên sàn Ice New York, giá cà phê Arabica tiếp tục suy giảm. Kỳ hạn giao tháng 3/2013 giảm thêm 2,9 cent, tương đương 1,98%, xuống 143,6 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2013 cũng giảm thêm 2,9 cent, tương đương 1,94%, xuống còn 146,55 cent/lb. Giá cà phê Arabica kỳ hạn thiết lập mức thấp mới kể từ tháng 6/2010.
Thị trường cà phê Robusta tỏ ra căng thẳng hơn khi giá giao tháng 1/2013 được đẩy lên cao do lo ngại nông dân Việt Nam găm hàng vì giá thấp và nhà đầu tư đang cố gắng để thoát vị thế trước khi đến cuối tháng, theo ông Jack Scoville, chuyên gia phân tích thuộc công ty môi giới The Price Futures Group, nhận định.
Các nhà phân tích cũng cho rằng thị trường Arabica đang rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung do các quốc gia Trung Mỹ đang tiến hành thu hoạch, trong khi vụ thu kỷ lục vừa qua của Brazil tiếp tục gây áp lực lên giá cà phê. Ông Andre Santos ở công ty Mountain Coffee dự đoán vụ mùa cà phê ở Brazil chỉ mới bán được 50% và khách mua vẫn đang đợi giá xuống thấp hơn nữa. Đuợc biết, ở thời điểm này, so với những vụ mùa trước, đã bán được 60-70% hay như năm ngoái con số này là 76%, do nhiều nhà rang xay vẫn còn đứng bên ngoài thị trường.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng nhẹ thêm 100 đồng, lên mức 38.200-38.300 đồng/kg.
Cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, được chào giá 1.860 USD/tấn, FOB, với trừ lùi 70 USD theo giá giao tháng 1 tại London.
Theo nhiều doanh nghiệp thu mua trong nước cho biết, họ đang tham chiếu để mua cà phê nhân xô theo giá tháng 3 tại London.
Anh Văn (giacaphe.com)
Thua thiệt vẩn nghiêng về người nông dân thôi, giá sàn thế giới tăng mạnh, nhưng các doanh nghiệp mua không tăng, hoặc tăng nhỏ giọt. Sao có tình trạng trái chiều như vậy?
Các Bác cứ nói vậy chứ, thật ra do doanh nghiệp nội thắng thế giá mới bị ép vậy đó. Chứ để doanh nghiệp Ngoại thắng thế thử xem giá tăng liền. Càng nói người dân càng chán, chỉ biết tin mình thôi chẳng biết tin vào ai nữa.
Kiểu này chắc phải đem ra đường bán ký cho người dân giống dưa hấu để mong kiếm được ít đồng.
Nản các doanh nghiệp thu mua trong nước, kỳ hạn tháng 1 (giá cao) chưa hết mà đã mua cà theo kỳ hạn tháng 3 (giá thấp), làm vậy thì ép người nông dân quá. Bà còn đừng bán cafe coi thử doanh nghiệp lấy hàng đâu ra mà giao.
Cà phê năm nay toàn bộ khu vực Di Linh mất mùa mà giá hiện không đủ chi phí thì bà con làm sao mà bán được, chỉ còn cách nhịn không tiêu xài nhiều mà chờ giá lên bán rồi xài bù.
Ơ ! các bác nhìn vào biểu đồ mà coi, giá cà phê London chốt tuần nhảy chúi xuống như thợ lặn. Có vẻ như nhà đầu cơ điều khiển sàn giao dịch để làm giá lộ liễu quá !
Năm nào cũng thế sao trời… Năm nay quyết không bán cà giá rẻ nữa, càng bán ra càng chết đó bà con.
Ở Điện Biên hiện tại có khoảng 5.000 tấn cà phê chè thuộc loại thơm ngon đặc biệt (các chuyên gia ngành cà phê Việt Nam đánh giá), vậy mà doanh nghiệp nội chỉ trả giá khoảng 40.000đồng/1kg cà trấu loại đẹp. Theo những gì người nông dân được biết thì giá còn phải cao hơn thế nhiều (theo sàn giao dịch Ice New York), đã thế lại còn kiểu mua quỵt, cả năm sau chẳng thèm trả tiền. Vụ này nông dân chỉ bán “hàng thật” cho doanh nghiệp “mua thật” thôi. Ai có nhu cầu thì lên Mường Ảng – Điện Biên, hàng không đẹp, không ngon không lấy tiền.