Dự báo xu hướng giá cà phê 12 – 30/12/2012

Tổng quan tình hình kinh tế thế giới

Nền kinh tế Mỹ:

Bất chấp những mâu thuẩn & bế tắc chính trị giữa 2 Đảng Cộng Hòa & Dân chủ – liên quan đến những khó khăn chính sách tài chính, còn được gọi là ‘vách đá tài khóa” mà Tổng Thống Obama sắp phải đối mặt khi các chính sách này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2013, đặc biệt là vấn đề về thuế & chi tiêu công – nhìn chung, cho thấy nền kinh tế Mỹ đã có chuyển biến tích cực.

Trước tiên, có thể dễ dàng nhận thấy thị trường lao động đã bắt đầu khởi sắc, với tỷ lệ thất nghiệp đã và đang dần được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 11/2012 giảm xuống chỉ còn 7.7%, giảm 0.2% so với tháng 10/2012, đồng thời giảm đến 0.5% so với tháng 06 cùng năm.

Bên cạnh đó, lượng việc làm khu vực phi nông nghiệp cũng cho kết quả đáng khích lệ, nền kinh tế đã tạo thêm 146,000 việc làm, có nghĩa số lượng việc làm tăng hơn 100,000 so với tháng 06/2012.

Ngoài ra, tình hình lạm phát nền kinh tế Mỹ cũng tương đối ổn định, CPI tháng 11 tăng nhẹ 0.1%, giảm 0.5% so với 2 tháng trước đó 09/2012 & tháng 10/2012. Song song đó, giá dầu thô giao tháng 02/2013 đãm giảm xuống còn $106/thùng trong tháng 12/2012, tức giảm gần 10% so với trước đó 2 tháng, đạt mức $116/thùng vào trung tuần tháng 10/2012.

Tổng thể nền kinh tế Mỹ, cho thấy GDP quý 3/2012 tăng 1.4% so với quý 2/2012(1.3%), tức đạt mức tăng 2.7%. Đặc biệt đáng chú ý, cán cân thanh toán – thâm hụt tài khoản vãng lai trong quý 2/2012 đã giảm xuống còn -$117.4 tỷ, tức giảm $117.4 tỷ so với quý 1/2012.

Nền kinh tế khu vực đồng Euro

Mặc dù khủng hoảng nợ công khu vực đồng Euro cũng chưa thực sự có hướng cụ thể nào rõ nét, do nền kinh tế khu vực vẫn đang xen với những dữ liệu tốt – xấu lẫn lộn, các biện pháp kinh tế “thắt lưng buộc bụng” do Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trương áp dụng triệt để, áp đặt lên các nền kinh tế” èo uộc” như Hy lạp, Italy, Bồ đào nha…vẫn còn “nguyên đai nguyên kiện”…

Tuy nhiên, trong quý 3/2012…ít nhiều đã “loe lói” chút ánh sáng cuối đường hầm. Khởi sự là sự đồng lòng của IMF & ECB trong nổ lực quyết tâm cứu nền kinh tế Hy lạp bằng gói cứu trợ hơn 34 tỷ Euro. Vấn để còn lại bây giờ để Hy lạp giải ngân được gói cứu trợ trên từ IMF, tùy thuộc vào tình hình mua lại trái phiếu chính phủ có thành công hay không. Với mục tiêu cắt giảm khoản nợ 20 tỷ, Hy lạp sẽ sử dụng khoảng 10 tỷ euro tiền vay để mua lại trái phiếu với mức giá rẻ hơn nhiều so với mệnh giá. Do đó, vấn đề quyết định thành bại tùy thuộc vào sự tham gia của các ngân hàng cho Hy lạp vay tiền, theo ước tính, các tổ chức này hiện đang nắm giữ lượng trái phiếu tương đương khoảng 17 tỷ euro.

Hôm nay, 11/12/2012 sẽ là ngày kết thúc cho đợt gia hạn mua lại trái phiếu của Hy lạp, các bộ trưởng tài chính sẽ nhóm họp thảo luận và đánh giá kết quả sau thời hạn kết thúc lúc 19h 11/12/2012(giờ VN). Song song đó, kết quả khảo sát ZEW của Đức ra cùng ngày cho thấy tín hiệu hết sức lạc quan của nền kinh tế, kết quả báo cáo tăng 18.3 đểm trong tháng 11/2012, tức đạt mức +6.9 so với mức -11.4 trong tháng 10/2012. Lòng tin & sự lạc quan về nền kinh tế Đức đã khởi sắc, chắc chắn dẫn dắt lòng tin nền kinh tế khu vực sớm vượt qua khủng hoảng.

Nhìn chung, trong quý 4/2012, nền kinh tế thế giới, đặc biệt Mỹ & khu vực đồng Euro đã có một số dấu hiệu tích cực hơn, nhà đầu tư đã bắt đầu có niềm tin & lạc quan hơn về nền kinh tế. Nếu như kinh tế Mỹ duy trì được thị trường lao động khỏe mạnh, cố gắng giữ tỷ lệ thất nghiệp giảm dần về mức 7.0, đồng thời duy trì mức tăng trưởng lao động khả quan như hiện nay, CPI tiếp tục ổn định, giữ lạm phát trong mức 2.0(+/-)…thì chúng ta sẽ có kỳ vọng và một sức bật mới trong năm 2013.

Cận cảnh thị trường cà phê

Cà phê Arabica

Giá cà phê Arabica giao dịch trên thị trường Newyork vẫn đang trên đà lao dốc kể từ khi đạt đỉnh cao nhất trong vòng 3 năm trở lại tại mức giá $290/pound, trong khi đó giá cà phê giao tháng 03/2013 đang giao dịch quanh mức $145/pound, cũng là mức thấp nhất trong vòng 3 năm, kể từ tháng 01/2010.

Về mặt phân tích cơ bản – cung cầu thị trường:

Theo quan sát kết quả báo cáo số liệu giao dịch từ CFTC(Hiệp hội giao dịch hàng hóa kỳ hạn Hoa kỳ), mặc dù giá cà phê đang trong xu hướng giảm sâu, nhưng nếu quan sát chúng ta sẽ thấy thành phần “cá mập” của thị trường bắt đầu nhảy vào, tăng vị thế mua vào đột ngột trong tháng 11 & tháng 12/2012, đạt vị thế nắm giữ hợp đồng mua cao nất trong năm 2012…điều này cảnh báo khả năng giá sẽ điều chỉnh quay đầu trong thời gian sắp tới.

Về mặt phân tích kỹ thuật – cung cầu thị trường

Tại mốc giá 145/150 đáy cũ tháng 06/2012, áp lực cầu tăng đã thấy rõ, tuy nhiên do giá trong xu hướng giảm mạnh…nên khả năng giá sẽ giằng co tại khu vực này trước khi tiến về mốc $160. Tại mốc giá này giá sẽ tiếp tục giằng co giữa $150 – $160, trước khi giá lại tiếp tục tiến về $170. Chỉ khi nào giá nằm vững chắc trên $170, chúng ta mới yên tâm có bước sóng đảo chiều tăng điều chỉnh trên vùng $200.

Cà phê Robusta

Giá cà phê Robusta giao dịch trên thị trường Liffe vẫn đang trên đà lao dốc như cà phê Arabia. Kể từ đầu tháng 10/2012 khi giá đạt đỉnh cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại tại mức giá $trên $2,200, trong khi đó giá cà phê giao tháng 01/2013 đang giao dịch quanh mức $1,850 – $1,900.

Về mặt phân tích cơ bản – cung cầu thị trường:

Theo quan sát kết quả báo cáo số liệu giao dịch từ LIFFE, giống như cà phê Arabica trên thị trường Newyork, mặc dù giá cà phê đang trong xu hướng giảm sâu, nhưng tỷ lệ tăng vị thế mua của “cá mập” đã tăng hơn 25% so với đầu tháng 10/2012, đạt vị thế mua đang nắm giữ hơn 60% trong tổng hợp đồng mở trong đầu tháng 12, và tất nhiên…điều này cũng là cảnh báo khả năng giá sẽ điều chỉnh quay đầu trong thời gian sắp tới.

Về mặt phân tích kỹ thuật – cung cầu thị trường

Tại mốc giá $1830/35 đáy cũ tháng 26/11/2012, áp lực cầu tăng đã thấy rõ lên vùng $1940, tuy nhiên do giá trong xu hướng giảm mạnh…nên giá đang giằng co tại vùng $1870 – $1940. Tại mốc giá $1870, giá đạ bắt đầu hình thành bước đáy thứ 2, cao hơn mức đáy $1835 trước đó, do đó trong thời gian sắp tới giá sẽ thử thách lại mốc $1940 trước khi tăng lên vùng $2000/$2050.

Khuyến nghị

Giá cà phê Robusta đang hình thành bước sóng tăng điều chỉnh thể hiện rất rõ qua cung cầu thị trường tại thời điểm hiện tại, do giá cà phê trong nước chịu tác động trực tiếp từ giá cà phê trên thị trường Liffe, vì vậy bà con nông dân nên kiên nhẫn không bán ra, chờ giá đạt trên mốc 40,000đ/kg trong vòng trước cuối tháng 12/2012, sau đó cân nhắc tại mốc giá này.

Thông thường trước đây, giá cà phê Arabia sẽ dẫn dắt giá cà phê Robusta trên sàn Liffe, tuy nhiên, theo quan sát…có lẽ đợt này giá R sẽ đảo chiều tăng điều chỉnh trước giá A. Nguyên nhân có thể do giá Robusta rẻ, sẽ là giải pháp thay thế cho người tiêu dùng chuyển sang sử dụng R thay thế cho sản phấm Arabica, mặt khác cũng có thể do các nhà rang xay thay đổi tỷ lệ sử dụng trong pha chế, tăng hàm lượng cà phê Robusta trong sản phẩm của mình nhằm mục đích hạ thấp giá thành sản phẩm, phù hợp nhu cầu tiêu dùng trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.

Lời bàn

Để tránh tình trạng khi đến vụ thu hoạch cà phê, thì giá lại rớt thảm hại như mọi năm, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân, thiết nghĩ tại từng khu vực trồng cà phê từng Huyện/Xã, bà con nông dân nên thành lập ra một hội – có thể là hội bảo hộ rủi ro – do một người có uy tín trong khu vực đứng ra chủ trì, mọi thông tin về sản lượng, chất lượng cà phê theo từng vụ, chi phí sản xuất….từ đó trong hội sẽ tính toán giá thành sản phẩm/kg cà phê tối thiểu cần thiết để đủ bù đắp chi phí đầu tư và khoản lợi nhuận tối thiểu, từ đó bàn bạc thống nhất trong hội – để có hướng xử lý và biện pháp bảo hộ rủi ro trong trường hợp giá giảm mạnh như hiện nay.

Đâ là giải pháp chủ động, giúp bà con nông dân linh hoạt và nắm bắt thông tin kịp thời hơn, tránh trường hợp thụ động nhìn giá giảm mà không có biện pháp cụ thể & đồng bộ để đối phó.

Thông tin mang tính chất tham khảo. Y5Cafe không chịu trách nhiệm trong việc sử dụng thông tin có trong bài này. Mọi thắc mắc và trao đổi bà con vui lòng gửi vào ô phản hồi bên dưới hoặc liên hệ trực tiếp với tác giả qua email: forexngo@gmail.com

Thực hiện: Forexngo

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nvh

    Cán ơn tác giả đã chia sẻ thông tin với bạn đọc!
    Nhân đây xin hỏi tác giả ngoài 2 đáy 1 và đáy 2 trên biểu đồ còn thấy 2 đỉnh xuất hiện ở khu vực 1945 và 1915 có ý nghĩa gì không vậy?

  2. Forexngo

    Chào bạn NVH,
    Cám ơn câu hỏi rất hay & cụ thể của bạn. Bạn quan sát hoàn toàn chính xác. Đúng vậy, giá đã 2 lần tạo đỉnh tại mốc 1945 & mốc 1915(chính xác hơn là 1910) như bạn đề cập. Tuy nhiên, để cụ thể hơn, tôi sẽ giải thích hơi dài dòng chút để bạn hiểu:
    1. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy áp lực CẦU rất lớn tại mốc giá 1837, đã đẩy giá lên tạo đỉnh tại mốc 1945(tạm thời tôi sẽ gọi đây là bước sóng 1 cho dễ hình dung – 1837 – 1945, chính tại mốc giá 1945 xuất hiện áp lực chốt lời – đẩy ngược giá về vùng 1870.
    2. Nếu quan sát thị trường, bạn sẽ thấy giá 2 lần đã thử thách mốc 1870 trong bước sóng giảm điều chỉnh(tôi sẽ gọi đây là sóng 2 – 1945 – 1870). Trong lần giảm thứ 1 về vùng 1870, áp lực cung không đủ cầu, khiến giá bật lên tạo đỉnh tại 1910. Tại vùng đỉnh này, giá lại tiếp tục thử thách mốc 1870 lần thứ 2, và lần này chúng ta thấy CẦU tăng rất lớn tại mốc giá 1870…có nghĩa là áp lức giảm điều chỉnh của sóng 2 đã tạm thời dừng tại vùng 1870.
    Do đó, trong bước sóng giảm chúng ta thấy hình thành 3 bước sóng…1945 – 1870; 1870 – 1910; 1910 – 1870…. Nếu nhìn tổng thể, bạn sẽ thấy giá đang giằng co, có nghĩa là giữa người mua người bán “tranh đấu” với nhau trong biên độ hẹp dần, ban đầu là 1945 – 1870, sau đó là 1915 – 1870…và cả 2 lần tại vùng giá 1870, người mua luôn chiến ưu thế.
    Như vậy, để cụ thể hơn khi trả lời câu hỏi của bạn, thì đỉnh 1945 về đáy 1870 chỉ là bước sóng giảm điều chỉnh của bước sóng 1(1837 – 1945)…điều đó có nghĩa là đỉnh 1910 như bạn đề cập chỉ là đỉnh nhỏ trong bước sóng điều chỉnh(bước sóng 2)
    Như trong bài viết, tôi có đề cập giá hiện đang thử thách mốc 1940 trước khi tiến về vùng giá 2000, điều đó có nghĩa là gì? Nếu quan sát cung cầu trong biên độ nhỏ tại mốc giá 1870, thì với áp lực cầu tại mốc giá này sẽ chỉ cho thấy giá có bước sóng tăng lên vùng 1940/1945. Tuy nhiên, nếu quan sát thị trường rộng hơn, thì CẦU rất lớn từ vùng giá 1837 đẩy lên 1945(sóng 1), sau đó giá giảm điều chỉnh dừng chân tại 1870(sóng 2), điều đó cho thấy bước sóng 3 sẽ đạt mốc 2000 dựa vào áp lực tăng của sóng 1.
    Tóm lại, đỉnh sóng 1910 là đỉnh sóng nhỏ và hiện tại không còn tác dụng, còn lại đỉnh 1945 là mốc quan sát trong ngắn hạn, nếu tạm thời giá chưa phá được đỉnh này thì giá lại tiếp tục giằng co 1945 – 1910, sau đó mới bức phá lên vùng 2000.

    Tuy hơi dài dòng, nhưng chỉ mong đã làm rõ vấn đề bạn thắc mắc. Nếu còn gì thắc mắc bạn cứ thoải mái đặt câu hỏi, trong kiến thức hạn hẹp của mình tôi sẽ cố gắng trả lời.

  3. Forexngo

    @Thienphu,

    Chào bạn, chắc có lẽ bạn chưa đọc kỹ nội dung bài viết!

    Nói về cầu – tức vị thế MUA của “cá mập” – tức hiện nay là những nhà nhập khẩu, rang xay – đối tượng quyết định thị trường, nếu nhìn vào số liệu trong 3 tháng gần đây bạn sẽ thấy tỷ trọng vị thế mua so với toàn bộ cung cầu thị trường theo từng giai đoạn(tức tổng hợp đồng mở đang giao dịch), bạn sẽ thấy rằng các đối tượng này đang đẩy mạnh MUA vào trong vòng 3 tháng qua theo mức độ tăng dần.

    Đầu tháng 10, tỷ trọng vị thế MUA trên thị trường chỉ chiếm 35%, nhưng đến cuối tháng 10 tỷ trọng này đã tăng lên 48.1%.

    Qua tháng 11, đầu tháng là 49.5%…nhưng đến cuối tháng đã là 61.7%. Và hiện nay đầu tháng 12 , vị thế mua đang giữ trên mức 60%.

    Những số liệu này cho thấy họ đang tích cực đẩy mạnh mua vào, và tuy nhiên kết hợp với yếu tố kỹ thuật thị trường, khả năng trước mắt sẽ cho giá về vùng 2000 như đã dự báo. Vì giá đang trong xu hướng giảm, nên khả năng hiện nay chỉ cho thấy mức 2,000, tại mốc này chúng ta cần phải quan sát tiếp.

    Hy vọng đã làm rõ vấn đề.

    1. nvh

      Một hợp đồng mở ( opinion interest) được giao dịch thành công phải gắn kết với 2 chủ thể !
      – Chủ thể thứ nhất nắm vị thế mua
      – Chủ thể thứ hai nắm vị thế bán
      Do đó trong bài viết và phản hồi của bạn có nói đến số hợp đồng mở và chủ thể nắm vị thế mua gia tăng, mặc dù không được nhắc đến nhưng cũng phải hiểu số chủ thể nắm vị thế bán cũng gia tăng cân bằng!
      Phần hình ảnh minh họa cho bài viết của bạn chỗ ” vị thế mua cá mập” theo tôi hiểu đó là chỉ số volume chứ không phải chỉ số opinion interest!
      Cám ơn bạn đã chia sẻ với bạn đọc!

      1. Forexngo

        Bạn nói hoàn toàn đúng. Nhưng có một vấn đề quan trọng cần phải xem xét khi chủ thể mua là đối tượng nào? và mục đích gì. Đồng thời cũng vậy đối tượng bán là đối tượng nào và mục đích gì?

        Còn phần minh họa trên biểu đồ như bạn đề cập, thì đó không phải là chỉ số volume, mà là chỉ số vị thế Mua/Bán của “cá mập”. Chỉ số này có liên quan đến hợp đồng mở(open interest).

  4. VNS_BOOKBOOK

    Tác giả cho hỏi: vị thế MUA qua 3 tháng đang tăng dần lên vậy số liệu được lấy ở đâu?

    Đối với việc Hợp đồng mở tăng tức vị thế mua tăng. Vậy vị thế BÁN tăng hoặc giảm thì căn cứ vào đâu?

    1. Forexngo

      Chào bạn VNS-BB,

      Cám ơn các câu hỏi của bạn

      1. Số liệu cho vị thế Mua qua 3 tháng được lấy từ Sở giao dịch hàng hóa Life NYSE

      2. Câu hỏi này rất thú vị.

      Như bạn biết, thị trường hàng hóa kỳ hạn được xem như là trò chơi có TỔNG = 0 (Zero Sum Game), có nghĩa là khi có 1 hợp đồng được Mua, ắt sẽ có hợp đồng Bán, khoản lời của người này chính là khoản lỗ của người kia và ngược lại. Do đó, TỔNG số lượng hợp đồng vị thế mua sẽ bằng TỔNG số lượng hợp đồng vị thế bán.

      Bên cạnh đó, có rất nhiều thành phần tham gia trong thị trường này được chia làm 3 loại chính, cụ thể như :
      – Công ty bảo hộ rủi ro (có thể là hiệp hội nông dân bảo hộ giá cà phê, có thể là nhà nhập khẩu, nhà máy rang xay…)
      – Các công ty đầu cơ lớn (như các ngân hàng, các định chế tài chính, các quỹ đầu cơ…)
      – Các nhà đầu cơ nhỏ lẻ hay các công ty bảo hộ nhỏ lẻ khác
      Do đó, tôi theo dõi thấy vị thế mua của “mập” (có nghĩa là các công ty rang xay, nhập khẩu) so với vị thế mua của các đối tượng khác & thấy rõ ràng các công ty bảo hộ giá này đã tăng dần vị thế mua trên thị trường.

      Câu hỏi của bạn là vậy vị thế Bán sẽ căn cứ vào đâu?
      Nếu như các “mập” này tăng vị thế Mua, thử hỏi bạn ai là người Bán? vì là zero sum game, nên tất nhiên vị thế bán của “mập” sẽ nhường VỊ THẾ BÁN dần cho các nhà đầu cơ lớn như các ngân hàng, các định chế tài chính và các nhà đầu cơ nhỏ lẻ…
      Tới đây, chắc bạn đã hình dung ra…một khị “mập” nhảy vào thị trường với vị thế Mua lớn dần, có nghĩa họ đã dần chốt lời các vị thế bán bảo hộ trước đó, tăng dần vị thế mua… xu hướng sẽ có điều chỉnh hoặc quay đầu.

      Như đã giải thích ở trên, hợp đồng mở tăng không có nghĩa vị thế mua sẽ tăng, quan trọng là vị thế của đối tượng nào? mà điều quan trọng ở đây cần quan sát đó là vị thế thuần âm hay thuần dương của các đối tượng cần quan sát.

      Hy vọng đã làm rõ vấn đề

  5. PHAN TRONG NGHIA

    Nếu bạn nào tinh ý một chút có 2 vấn đề :
    Thứ 1 : năm ngoái các đầu cơ lớn đẩy NY vượt 300 cent kéo theo LD vượt 2200 có lúc chênh lệch trên 4000 usd, năm nay chênh lệch còn trên 1500 usd.
    Thứ 2 : năm 2011 các tay đầu cơ lớn còn những lô trên 2400 usd nên năm ngoái có hiện tượng vắt giá xảy ra để gỡ lại những lô đã mua cao.

  6. menfuong

    À, cho mình hỏi về cách ghi giá ‘$290/pound’
    – Đơn vị khối lượng: pound hay lb thì mình biết rồi, 1 pound = 1 lb = 0,453592 kg.
    – Còn đơn vị tiền tệ, theo mình biết thì kỳ hiệu ‘$’ thường được biết là USD (đô la Mỹ). Mà 1 USD = 100 cents (tiếng Việt dịch là ‘xu’).

    Như vậy, $290/pound là 290USD/pound hay 290cts/pound vậy?

    Các bạn có thể tham khảo hợp đồng kỳ hạn giao dịch cà phê Arabica tại ICE tại đây (lưu ý phần yết giá (Price Quotation) https://www.theice.com/productguide/ProductSpec.shtml;jsessionid=AD8098E9C4264511C924ECEDD075F077?specId=15#, hay bản dịch tại đây http://www.slideshare.net/menfuong/hp-ng-k-hn-c-ph-arabica-ti-ice (lưu ý là bản dịch này đã hoàn thành tháng 10/2011, không phải bản cập nhật nhất).

    Thêm nữa, phân cách hàng nghìn theo Việt Nam là dấu chấm (‘.’) và phân cách thập phân là dấu phẩy (‘,’). Còn nước ngoài thì ngược lại, hàng nghìn là dấu phẩy, thập phân là dấu chấm. Thiết nghĩ trong bài viết hoặc bạn lưu ý với người đọc khác biệt đó, hoặc là chịu khó ngồi viết theo kiểu VN luôn để có sự thống nhất.

    1. Forexngo

      Chào bạn menfuong,

      Cám ơn bạn, bạn góp ý rất chính xác. Do lúc viết bài không để ý, sau khi gởi rồi mới thấy các lỗi này, liện lúc đó có gởi một tin nhờ BQT chỉnh lại giúp, nhưng chắc do bận rộn nên BQT đã quên không chỉnh lại dùm.

      Rất cảm kích góp ý của bạn

Tin đã đăng