Trung Nguyên nhận 400 héc ta cà phê từ Vinacafe

Vinacafe chỉ đồng ý bàn giao “nguyên trạng” Eatul gồm 400 héc ta cà phê, số tiền nợ quá hạn, lãi vay quá hạn trả nợ ngân hàng của Eatul cũng như toàn bộ lực lượng lao động.

Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết sẽ bàn giao nguyên trạng Công ty TNHH MTV cà phê Eatul cho tỉnh Đăk Lăk để sau đó giao lại cho Công ty cà phê Trung Nguyên. Diện tích cà phê vào khoảng 400 héc ta.Việc Trung Nguyên nhận lại số diện tích cà phê trên là để thực hiện thí điểm xây dựng mô hình công nông nghiệp cà phê tại xã Eatul, Cư M’gar, Đăk Lăk.

Ông Hải cho biết, từ trước đến nay chưa có tiền lệ nào về một công ty 100% vốn nhà nước lại chuyển cho một công ty tư nhân. “Vinacafe chỉ chuyển giao Eatul, công ty 100% vốn của Vinacafe cho tỉnh Đăk Lăk rồi mới chuyển lại cho Trung Nguyên quản lý”, ông Hải nói.

Eatul là công ty 100% vốn của Vinacafe nhưng trong mấy năm qua làm ăn thua lỗ. Vì thế, Vinacafe chỉ đồng ý bàn giao “nguyên trạng” Eatul gồm 400 héc ta cà phê, số tiền nợ quá hạn, lãi vay quá hạn trả nợ ngân hàng của Eatul cũng như toàn bộ lực lượng lao động.

Ông Hải cho biết, toàn bộ lao động tại Eatul là người người đồng bào dân tộc nhưng không cho biết số lượng cụ thể là bao nhiêu.

Đối với vấn đền nợ và lãi vay ngân hàng của Eatul, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) gửi kiến nghị lên Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn về lãi vay, nợ quá hạn tại ngân hàng… trước khi chuyển giao cho tỉnh Đăk Lăk.

Liên quan đến hoạt động của Vinacafe, ông Hải cho biết, trong số những công ty do Vinacafe nắm cổ phần 100% vốn thì chỉ có công ty Eatul là làm ăn thua lỗ còn các doanh nghiệp sản xuất cà phê khác đều có lời.

Trong hai năm qua, giá cà phê luôn ở mức cao nên người nông dân, công ty trồng cà phê đều có lời nhưng Eatul có 400 héc ta cà phê song vẫn thua lỗ, theo ông Hải là do yếu tố con người khi không quản lý tốt nguồn tài chính của công ty.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. phương án 2

    400 hecta cà phê này bán lại cho 400 hộ nông dân, mỗi hộ 1 hecta = 400 triệu = 10 tấn cà phê nhân theo giá hiện nay) trả dần trong vòng 10 năm (mỗi năm 1 tấn cà phê nhân = 40 triệu).
    Khi đến hạn hàng năm nếu hộ không trả nợ, thanh lý hợp đồng ngay để thu nợ đồng thời giao bán cho hộ khác. Khi trả hết tiền, giao sổ đỏ. Chắc chắn năng suất sẽ tăng, đời sống bà con nông dân được nâng cao, an cư lạc nghiệp. Phù hợp với mục đích của cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp: Nhà nông có đất, người cày có ruộng.

    1. NLConsumer

      Khổ cái là ông Eatul này đang nợ ngân hàng: “Đối với vấn đền nợ và lãi vay ngân hàng của Eatul, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) gửi kiến nghị lên Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn về lãi vay, nợ quá hạn tại ngân hàng… trước khi chuyển giao cho tỉnh Đăk Lăk.”
      Mà ngân hàng thì muốn ông Trung Nguyên trả 1 cục cho “nhanh thấy”…
      Nếu mà ngon chả đến lượt dân – mấy ông cán bộ xúc hết rồi!

      1. ND. Ea tul

        Khổ cái là vấn đề lỗ-lời của cty cà phê Eatul chẳng nằm ở năng suất cà phê. Hàng năm dân vẫn phải nộp sản cho công ty, mà chi phí đầu tư không thấy một đồng cho dân (nhà em cũng đang là công nhân của cty đây). Có nhà nộp nhiều quá ngta lên hỏi căn cứ từ đâu mà bắt nộp sản phẩm nhiều thế thì công ty không trả lời được… Bây giờ lại đang nghe tin bán công ty cho Trung Nguyên thật sự dân đang lo lắng đây. Nếu mà công ty có chính sách quản lý rõ ràng thì nó đã khác.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

89