Tin buồn

Xây dựng thương hiệu cho cà phê Khe Sanh

Cây cà phê Arabica ở Hướng Phùng (Ảnh: Giacaphe.com)

Cà phê được xem là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Hiện tại toàn huyện có gần 5 ngàn ha, chủ yếu trồng ở thị trấn Khe Sanh.

Niên vụ cà phê năm 2012 này, có hơn 4 ngàn ha cho thu hoạch. Mặc dù giá cả cao hơn mấy năm trước nhưng người trồng cà phê không mấy phấn khởi vì năng suất thấp chỉ đạt 10 đến 12 tấn quả tươi/ha, tổng sản lượng đạt trên 40 ngàn tấn quả tươi, thấp hơn năm ngoái 10 ngàn tấn. Sở dĩ năng suất cà phê ở Khe Sanh thấp là do có hơn 3 ngàn ha được trồng từ lâu nay đã quá già cỗi, giống không đảm bảo chất lượng, hơn nữa có 1 thời kỳ rớt giá người trồng cà phê bỏ bê không chăm sóc thâm canh.

Không chỉ năng suất thấp mà điều đáng nói hơn là do thiếu quy hoạch nhiều cơ sở thu mua chế biến hình thành, đơn vị nào cũng muốn có doanh thu cao dẫn đến tranh mua, tranh bán và hệ lụy lớn nhất là tạo cho người dân không có ý thức khi thu hoạch, nhiều năm nay đã xảy ra tình trạng hái quả xanh, ngâm nước, trộn tạp chất nên chất lượng cà phê rất kém. Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Công ty cà phê Thái Hòa thừa nhận: hiện tại công suất của các nhà máy trên địa bàn 150 đến 170 ngàn tấn trên 1 vụ nhưng sản lượng chỉ có hơn 40 ngàn tấn thôi nên cơ sở nào cũng tìm cách tranh nhau mua mặc dù biết rằng người dân nhập cà phê xanh, cà phê bị ngâm nước cho nó nặng cân lên, thậm chí còn trộn thêm đất đá, cành lá, làm cho chất lượng cà phê không đảm bảo.

Trăn trở trước những băn khoăn của người dân, từ năm 2009 tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội thảo, đưa ra giải pháp xây dựng thương hiệu cà phê Khe Sanh trên cả ba phương diện: kinh tế, môi trường và xã hội để tạo ra 1 mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân. Ông Võ Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: từ năm 2010 huyện đã triển khai các biện pháp, trước mắt có chủ trương không mở rộng diện tích và tổ chức tái canh cây cà phê và thực hiện phương châm mỗi năm tái canh khoảng 250 đến 300 ha vì ngân sách không đủ để hỗ trợ cho người dân tái canh đồng loạt hơn 2 ngàn ha đã già cỗi. Huyện đã bỏ ra 300 triệu đồng xây dựng vườn ươm và lấy giống cà phê catimo F7 từ Viện nghiên cứu cà phê Eakmat ở Đắc Lắc về ươm trồng, hỗ trợ 50% giá giống cho người dân. Bên cạnh đó tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về cách cải tạo đất, trồng, chăm sóc, khuyến cáo người dân bón phân vi sinh, tăng cường sử dụng các chế phẩm diệt nấm, côn trùng tiềm ẩn trong đất để phòng ngừa sâu bệnh, trồng xen các cây phân xanh có thân đứng cao như muồng hoa vàng hoặc các cây họ đậu, một phần tạo bóng râm cho cà phê, một phần chống trôi đất, tạo nguồn phân bón xanh cung cấp cho cây trồng. Mặt khác sau khi trồng mới cà phê, có thể trồng xen canh cây lạc và các cây họ đậu để có nguồn thu nhập trong những năm đầu.

Thực tế cho thấy với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, người trồng cà phê ở Khe Sanh rất phấn khởi bởi khi có giống tốt, trồng, chăm sóc đúng quy trình thì vườn cà phê sẽ sinh trưởng, phát triển tốt và nay mai sẽ cho năng suất cao.

Hiện nay huyện Hướng Hóa đang tiếp tục chỉ đạo trồng mới và xúc tiến các công việc để xây dựng thương hiệu cho cà phê Khe Sanh. Đồng thời tăng cường công tác quản lý việc thu mua và chế biến cà phê, chỉ đạo các doanh nghiệp kiên quyết chỉ thu mua cà phê với tỷ lệ quả chín từ 95% trở lên, không thu mua cà phê đã bị ngâm nước, lên men, trộn tạp chất, không để xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán và thường xuyên kiểm tra các nhà máy chế biến về việc cam kết bảo vệ môi trường.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Bi

    – Trích: …cơ sở nào cũng tìm cách tranh nhau mua mặc dù biết rằng người dân nhập cà phê xanh, cà phê bị ngâm nước cho nó nặng cân lên, thậm chí còn trộn thêm đất đá, cành lá, làm cho chất lượng cà phê không đảm bảo.

    Bó tay cho lối nhận thức và làm ăn như thế này. Không phá sản mới là lạ !

  2. Hoàng BL

    Thua mua cà phê ở Quảng Trị tôi đã chứng kiến nhiều cảnh dỡ khóc, dỡ cười. Có những phát minh mà tôi nghĩ chưa đâu nghĩ ra. Diện tích có hạn, sản lượng cũng chẳng nhiều nhưng ở nơi đây có quá nhiều cơ sở thu mua chế biến. Tình trạng tranh mua tranh bán chỉ là chuyện nhỏ, có nhiều chuyện còn siêu Việt hơn nữa kia.

    Bạn nào quan tâm thì đọc thêm bài này https://giacaphe.com/32272/chuyen-that-nhu-dua-trong-viec-mua-ban-ca-phe-o-huong-hoa-quang-tri/

  3. việt

    Các cơ sở nhỏ làm mất ổn định thị trường, vì không đầu tư xử lý nước thải, cũng không nộp thuế, thì cho dù mua giá cao vẫn có lãi.
    Còn các công ty lớn đầu tư xử lý môi trường đúng thì dần dần phá sản !

  4. phương

    Do công tác quản lý các ngành cấp huyện không minh bạch, nên mới xẫy ra việc ấy.
    Các cơ sở nhỏ ấy nhưng không nhỏ đâu.

  5. khanh hp

    Bạn phương nói rất đúng , tôi rất đồng ý với ý kiến của bạn phương. Các cơ sở nhỏ đã góp phần rất lớn về việc phá rối thị trường cà phê Khe Sanh.
    Tuy cơ sở nhỏ giửa trung tâm thị trấn nhưng sản xuất mổi vụ cũng vài trăm tấn thóc trở lên, mà các ban nghành cấp huyện kiểm tra củng chẳng hay biết gì?
    Hay được 2-3 chục tấn thóc thì xuất nên không thấy gì, hay có gì đen tối trong việc kiểm tra?

  6. Ho Tam

    Nếu tất cả cơ sở kinh doanh đều đúng luật thì ai cấm được? Bình đẳng trước pháp luật chớ.
    Tôi nhớ trước đây chưa có các đại gia sẵn tiền thao túng muốn thâu tóm thị trường thì Khe Sanh có hỗn loạn vậy đâu?
    Giờ cái xấu đã thành thói quen rồi. Sửa chữa cũng gian nan lắm !

  7. Bon

    Các bác cho cạnh tranh gây ra hỗn loạn, nhưng giá cà thóc đang rẻ rề ra đó, không khác giá cà vối. Nếu không cạnh tranh nữa giá cà sẽ hạ đến đâu, ai trả lời giùm?
    Có bác cho là các ngành ở huyện mình không minh bạch nhưng thử hỏi họ có quyền gì khi cơ sở kinh doanh không sai luật? Có khi chỉ biết nói cho sướng miệng chứ chưa hiểu gì?

  8. phương

    Anh Bon làm sao mà biết được hết các cơ sở nhỏ nằm ở trung tâm thị trấn không sai luật? Theo tôi, các ban ngành nên cấm các cơ sở chế biến nhỏ khi không có xữ lý môi trường ấy đi. Nước thãi ra môi trường tự do, không nộp thuế… mà không sai mới lạ.

  9. Bon

    Đơn giản là họ làm ăn công khai giữa thị trấn, giữa thanh thiên bạch nhật là họ không sai.
    Các ban ngành phải làm theo việc công, phép nước chứ không làm theo cái “theo tôi” của bạn!

  10. NLConsumer

    Cứ để thị trường nó sẽ tự đào thải, ko cần phải dựa vào mệnh lệnh hành chính vớ vẩn đâu.
    Kẻ gian thì chả làm gì được, toàn đi bắt nạt hù dọa người ngay.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79