Hướng Hóa “trẻ hóa” cây cà phê

Vườn cà phê tái canh 3 năm tuổi

Cà phê là cây trồng chủ lực ở huyện Hướng Hóa – Quảng Trị, nhưng những năm gần đây, năng suất thu được từ loại cây trồng này không cao do diện tích cây già cỗi chiếm số lượng lớn. Vì vậy, việc tái canh cây cà phê trên địa bàn huyện là đòi hỏi cấp thiết.

Được sự hỗ trợ, phối hợp của các cấp chính quyền, người dân trồng cà phê đã thực hiện tái canh, bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định.

Tái canh theo kiểu “cuốn chiếu”

Cà phê là cây công nghiệp lâu năm, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật loại cây này có thể cho thu hoạch từ năm thứ 3 đến năm thứ 12. Sau năm thứ 12 trở đi, cà phê còn cho thu hoạch nhưng năng suất rất thấp. Theo Phòng nông nghiệp huyện Hướng Hóa, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 2.000 ha cà phê có độ tuổi trên 12 năm cần được tái canh. Vì lý do ngân sách của địa phương không đủ để hỗ trợ trong việc cung cấp cây giống cũng như cuộc sống người dân không được đảm bảo, do đó không thể thực hiện tái canh đồng loạt 2.000 ha cà phê này mà phải thực hiện mỗi năm một ít. Theo đó, trong năm 2010 toàn huyện tái canh được 200 ha, năm 2011 tái canh được 150 ha. Đến nay 200 ha ở lần tái canh đầu tiên đã cho thu hoạch. Dự kiến trong năm 2012 này, huyện sẽ tiếp tục tái canh thêm 200 ha.

Ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Huyện đã trích ngân sách để hỗ trợ người dân trong việc mua cây giống, với giá hiện tại mỗi cây 2.200 đồng thì người dân chỉ phải trả 1.000 đồng/ cây. Năm nay huyện đã hỗ trợ 300 triệu đồng để ươm cây giống cho người dân, ngoài ra còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp huyện cho người dân được vay vốn để mua phân bón, thuốc trừ sâu”. Đến nay cây giống cà phê đã được vận chuyển về tại UBND các xã để cấp cho người dân. Đây là giống cà phê catimo F7 được lấy từ Viện nghiên cứu cà phê Eakmat ở Đắc Lắc về ươm trồng.

Hiện tại, phần lớn người dân đều thực hiện kiểu tái canh “cuốn chiếu” (mỗi năm làm một ít) theo chủ trương của huyện. Gia đình anh Nguyễn Ấn ở thôn Tân Hiệp, xã Tân Liên trồng 4 ha cà phê, đến nay đã được 12 năm tuổi, anh cho biết: “Vườn cà phê của gia đình tôi đã già nên năng suất thấp, sâu bệnh nhiều. Nhưng không thể phá cả vườn để trồng lại vì chi phí để tái canh lại vườn cà phê rất cao, vì thế cây nào cành chồi ít, sâu bệnh nhiều chúng tôi phá bỏ trước rồi trồng mới lại”.

Gia đình chị Hoàng Thị Gái ở thôn Quyết Tâm, xã Tân Hợp trồng được hơn 1 ha cà phê, cách đây 3 năm chị đã tái canh hơn một nửa diện tích, cứ 3 hàng cà phê thì chị phá 2 hàng rồi trồng mới bằng giống cà phê F7. Đến nay sang năm thứ 3 những cây cà phê tái canh đã cho thu hoạch, chị tiếp tục phá bỏ diện tích cà phê già cỗi còn lại để trồng mới. Chị chia sẻ: “Nếu có điều kiện để tái canh một lần thì hiệu quả cao hơn, nhưng chi phí quá lớn, lại phải trang trải cho cuộc sống và thiếu vốn nên gia đình tôi phải làm một năm một ít. Bây giờ số cây cà phê trồng 3 năm trước đã ra trái, cho thu hoạch thì tôi phá nốt diện tích còn lại. Gia đình cũng phấn khởi vì giống F7 này năng suất cao, mới thu bói năm đầu mà sản lượng rất khá”.

Thực tế cho thấy ở Hướng Hóa áp dụng kiểu tái canh mỗi năm một ít là phù hợp nhất. Trong quá trình thực hiện tái canh người dân cần chú ý đến việc phòng tránh lây lan sâu bệnh giữa cà phê già cỗi và cà phê mới trồng. Bên cạnh đó cần có chế độ chăm sóc và bón phân hợp lý.

Tái canh, cần thực hiện đúng quy trình

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa, để tái canh cây cà phê đạt hiệu quả cần thực hiện các công đoạn theo quy trình nhất định. Khâu đầu tiên, mấu chốt là phải cải tạo đất. Để cải tạo đất cần nhổ hết các cây trong vườn cần tái sinh, xử lý tàn dư như thân, cành, lá, rễ. Sau đó đào hố trồng không trùng với vị trí hố trồng trước, phơi hố khoảng 1 đến 2 tháng rồi tiến hành phun thuốc khử nấm bệnh cho đất. Bước hai là cần phải tiến hành chọn cây giống có năng suất cao và có xuất xứ rõ ràng, khi ươm cần dùng bầu cỡ lớn để rễ cọc không chạm đáy bầu. Bước ba, tiến hành trồng cây con khi cây có 4 cặp lá, khi trồng không đặt cây con sát đáy hố mà đặt cách đáy 0,2 đến 0,3 m. Sau khi cây đã được trồng thì cần đầu tư chăm sóc bằng cách bón phân nhiều lần trong năm, đặc biệt là phân vi sinh, tăng cường sử dụng các chế phẩm diệt nấm, côn trùng tiềm ẩn trong đất để phòng ngừa.

Bên cạnh đó, người trồng cà phê cũng cần chú ý, giống cà phê F7 có khả năng sinh trưởng mạnh, cành lá phát triển hơn những giống cà phê trước nên khoảng cách trồng phải nới rộng để cây có thể phát triển tốt và thuận tiện trong quá trình thu hái.

Thời điểm trồng cà phê thích hợp nhất là vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Nếu gặp thời tiết không thuận lợi cần tưới nước và có biện pháp che chắn cho cây. Nếu những vườn không có bóng râm có thể trồng vào giữa hai gốc cà phê hoặc trồng thành băng ở giữa hai hàng cà phê các cây phân xanh có thân đứng cao như muồng hoa vàng hoặc các cây họ đậu, một phần tạo bóng râm cho cà phê, một phần chống trôi đất, tạo nguồn phân bón xanh cung cấp cho cây trồng.

Điều đặc biệt quan trọng trong quá trình tái canh là nguồn giống. Hiện có rất nhiều cơ sở bán cây giống cà phê nhưng việc kiểm soát chất lượng hầu như bị bỏ ngỏ. Một số người trồng mua phải cây giống kém chất lượng, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến vườn cây tái canh.

Tái canh kết hợp xen canh đem lại hiệu quả không nhỏ

Anh Hồ Quốc Trung, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa dẫn chúng tôi đến những vườn cà phê tái canh được 2 năm tuổi ở xã Hướng Tân, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và xen canh thêm các cây họ đậu nên cà phê phát triển rất tốt.

Được biết sau khi trồng mới cà phê, có thể trồng xen canh cây lạc được 2 năm đầu, đến năm thứ 3 cà phê đã phát triển tốt, cho thu hoạch thì mới ngưng trồng. Ngoài ra các cây họ đậu khi trồng xen canh với cà phê sẽ giảm được tỉ lệ sâu bệnh và cỏ dại ở vườn, điều hòa được các chất dinh dưỡng, cải tạo và nâng cao độ phì của đất đai như làm tăng độ tơi xốp, khả năng giữ ẩm và tăng hàm lượng dinh dưỡng trong đất.

Trong năm 2012, xã Hướng Tân đã tái canh được 55 ha cà phê. Anh Hồ Văn Phương, cán bộ nông nghiệp xã cho biết hầu hết người dân đều xen canh cây lạc trên vườn cà phê. Tính riêng niên vụ vừa qua ở xã sản lượng lạc tươi đạt trên 50 tấn. Nhờ trồng xen canh cây lạc nên những vườn cà phê tái canh ở Hướng Tân đều phát triển tốt, tỉ lệ cây sống lên đến 99%.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng