Tin buồn

Cây cà phê góp phần thay đổi diện mạo Chiềng Ban

Nhờ quyết tâm bám trụ với cây cà phê ngay từ những ngày đầu gian khó, nên đến nay bà con Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, Sơn La đã có thể “hái quả ngọt” từ cây cà phê.

Chiềng Ban vốn là vùng đồi đất rộng, màu mỡ, nên được lãnh đạo huyện Mai Sơn áp dụng trồng thử nghiệm nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: cây hương nhu lấy tinh dầu, dâu tằm, mía… Tuy nhiên, các cây trồng này đều thất bại, không đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Sau nhiều thất bại, nhiều lần đi tham quan, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác, lãnh đạo huyện Mai Sơn quyết định chọn đầu tư cho cây cà phê trên đất Chiềng Ban.

Chiềng bang, sơn la
Những ngôi nhà khang trang nhờ cà phê.

Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Khánh, người có nhiều năm lăn lộn với cây cà phê nhớ lại: “Cây cà phê bắt đầu được trồng ở Chiềng Ban từ năm 1997. Lúc đó, toàn xã có chưa đến 100 ha. Do trình độ canh tác còn hạn chế, giá cả thị trường lại bấp bênh, nên lúc đó bà con vẫn không mặn mà lắm với cây cà phê. Năm 1999, do gặp phải đợt sương muối nặng, những đồi cà phê đang chuẩn bị cho thu quả chết hàng loạt, thế là vụ cà phê năm đó lại thất thu. Điều này đã làm cho nhiều hộ dân nản lòng”. Chính quyền địa phương đã vào cuộc. Nhiều lớp tập huấn kỹ thuật được tổ chức. Dần dần người dân đã có niềm tin và tiếp tục trồng cây cà phê.

Có thể nói, tấm gương về tinh thần quyết bám trụ với việc trồng cà phê chính là anh Hoàng Văn Chất, dân tộc Thái, ở bản Củ 2. Anh kể, năm 1993, gia đình anh được khuyến khích vay 30 triệu đồng tiền vốn của ngân hàng để trồng cà phê. Để đầu tư lớn hơn, anh vay tiếp ngân hàng 50 triệu đồng. Chưa đủ, anh lại vay anh em họ hàng, thậm chí vay bên ngoài với lãi suất cao. Nhưng thật không may, đợt rét hại năm 1999, gần 14 ha cà phê của gia đình đều bị sương muối làm cháy trụi, số tiền nợ lên tới hàng trăm triệu đồng. Anh phải bán tài sản, bán một nửa số đất để trả nợ, nhưng rồi cũng chỉ đủ trang trải phần nào số nợ khổng lồ mà anh đã đầu tư vào cây cà phê. Tiền không trả được, lãi mẹ đẻ lãi con, chỉ sau mấy năm số tiền nợ đã lên đến gần một tỷ đồng. Anh Chất trở thành con nợ lớn nhất ở xã Chiềng Ban, sau đó lại dính vòng lao lý… Vượt lên tất cả, gia đình anh tiếp tục nuôi ý trí làm giàu từ cây cà phê.

Gần hai mươi năm bám trụ với cây cà phê, ở Chiềng Ban đã hình thành một vùng chuyên canh cà phê rộng 950 ha. Toàn xã có 26 bản, 1.401 hộ, 6.322 nhân khẩu, thì có đến 70% số hộ có từ 1 ha cà phê trở lên, 300 hộ có từ 2 ha đến 5 ha, trên 30 hộ có máy ủi, máy xúc. Năm 2011, thu nhập từ cà phê của xã đã lên tới 130 tỉ đồng. Trung bình cứ 1 ha cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng mỗi năm.

ca-phe-arabica-chieng-bang-son-la
Với 7 ha cà phê, mỗi năm ông Cầm Văn Dua thu được gần 1 tỷ đồng.

Hiện, người trồng nhiều cà phê nhất ở Chiềng Ban phải kể đến ông Cầm Văn Dua, bản Áng. Gia đình ông có 7 ha cà phê. Đã qua mùa thu hoạch lâu rồi, nhưng trong nhà ông vẫn chất đầy những bao tải cà phê khô. Ông Dua bảo: “Lúc trước, chưa hiểu biết nhiều, nên chủ yếu bán non, giá cà phê thấp. Bây giờ làm ăn có kinh nghiệm, theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường, tôi cứ tích trữ cà phê trong nhà, chờ khi được giá mới đem bán”.

Với mức giá xuống thấp nhất 10.000 đồng/kg cà phê tươi, mỗi năm gia đình ông Dua cũng thu được gần 1 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ, nhận thức về phát triển kinh tế hàng hóa, tiếp cận với tri thức mới của bà con đã được nâng lên ở Chiềng Ban.

Nói về định hướng phát triển trong những năm tới, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, Phạm Văn Khánh cho hay: “Cây cà phê vẫn tiếp tục là cây phát triển kinh tế mũi nhọn ở Chiềng Ban. Không còn đất để tiếp tục mở rộng diện tích, trồng cà phê, chúng tôi sẽ đầu tư về chiều sâu: Áp dụng khoa học kĩ thuật, nhất là kĩ thuật tỉa cành, bón phân theo chu kì… để biến sản phẩm cà phê ở Chiềng Ban thành một sản phẩm có thương hiệu trên thị trường, được nhiều người ưa chuộng với giá cả ngày càng ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhân dân xã Chiềng Ban nói riêng, toàn địa bàn huyện Mai Sơn nói chung”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82