Giá cà phê: nội địa xoay vòng, kỳ hạn quay mòng

Sau 7 ngày, giá cà phê kỳ hạn và nội địa quay về mức cũ. Tiền từ các gói kích cầu trên thế giới đổ ra như nước. Giá trên các thị trường tài chính, gồm cổ phiếu và hàng hóa, trong đó có cà phê, không nổi lên mới là điều lạ!

Giá đóng cửa sàn robusta Liffe NYSE tuần qua
Biểu đồ 1: Giá đóng cửa sàn robusta Liffe NYSE tuần qua

Giá cà phê nội địa: một tuần xoay vòng

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên mất 1.000 đồng/kg ngay ngày giữa tuần, từ 42.300 đồng/kg tuần trước xuống còn 41.300 đồng. Nhưng hai ngày cuối cùng, đã bật nhanh lên lại để về mức cũ của tuần trước.

Tuy nhiên, lượng bán ra khá hạn chế vì người còn giữ hàng đang chờ xem ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của các gói kích cầu mới đây tại các khu vực kinh tế lớn như thế nào.

Giá xuất khẩu cà phê robusta loại 2, 5% đen vỡ cũng chỉ đang ở mức trừ 30/40 đô la Mỹ/tấn cho hàng đi ngay. Trong khi đó, nghe rằng Câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam cũng đề nghị thành viên nên bán hàng vụ mới chung quanh mức trừ 30 đô la dưới giá niêm yết Liffe NYSE.

Đề nghị này tỏ ra hợp lý. Vì hiện nay, đang là tháng “giáp hạt”. Niên vụ mới 2012/13 sẽ bắt đầu vào ngày 1-10, tức chỉ còn chừng hơn 1 tuần nữa. Nhiều nguồn tin cho rằng cà phê năm nay nhiều nơi thu hái sớm, vào cuối tháng 10 hay đầu tháng 11. Song, chưa ai dám bảo đảm chắc chắn vì chỉ cần vài ba cơn áp thấp nhiệt đới đem mưa về thì thu hoạch sẽ “có vấn đề” ngay.

Dù sao, cà phê ra sớm thường từ những vườn cà phê thu hoạch lần đầu, cà phê chín bói hay từ một số vùng trồng trước đây bị nắng nóng kéo dài. Nên, kích cỡ hạt đợt hái đầu vụ thường rất nhỏ và khó đạt chuẩn xuất khẩu.

Với các yếu tố ấy, các nhà xuất khẩu khó mạnh dạn để chào bán thấp hơn giá xuất khẩu hiện nay. Vì “rủi ro không chỉ nằm tại yếu tố giá cả mà còn khả năng gom hàng. Kinh nghiệm trong vài năm qua, ngay khi giữa mùa, giá xuống, cà phê nằm ‘im như thóc’ thì không lý gì tại những tháng hiếm hàng lại bán ra với giá thấp”, một nhà phân tích thị trường phát biểu như thế.

Giá cà phê kỳ hạn: một tuần quay mòng

Tại sàn kỳ hạn Liffe NYSE London, giá niêm yết khi đóng cửa cơ sở giao dịch tháng 11-2012 có lúc giảm gần 70 đô la/tấn, từ 2.083 đô la vào cuối tuần trước (thứ sáu 14-9) chỉ còn 2.017 đô la/tấn vào ngày thứ tư 19-9.

Thế nhưng, giá sàn kỳ hạn bung nhanh, vượt về ngay mốc đóng cửa của cuối tuần trước, đạt 2.083 đô la/tấn ngay ngày hôm qua 21-9, lấy lại toàn bộ những gì đã mất sau một tuần giao dịch (xin xem biều đồ 1 phía trên).

Các tuyên bố từ các vị có quyền quyết định in tiền từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ như Chủ tịch Bernanke và Ngân hàng trung ương châu Âu Draghi bị thị trường nghi ngờ ngay khi lời họ chưa dứt. Một bên thì nói rằng “kích cho đến khi nền kinh tế Mỹ vực dậy nhãn tiền”, còn bên kia “mua không hạn chế cổ phiếu’ để giúp các nước giảm gánh nặng nợ nần. Đây không phải là lần đầu tiên mà đã lần hai, lần ba các vị thống đốc ngân hàng các khối kinh tế này đã nói hùng hồn như thế. Có người giả sử rằng bung tiền “kích cứ kích mà kinh tế lên vẫn không lên” như các đợt trước thì “sự tình” sau này sẽ như thế nào.

Vin vào giả thuyết ấy giá hàng hóa và cổ phiếu lại đua nhau đổ đèo. Chỉ trong vòng chưa được mấy ngày, đồng yen Nhật tỏ rõ bị o ép ngay. Thống đốc ngân hàng Nhật Bản liền đưa ra quyết định bất ngờ, tung ra gói kích cầu trên cả trăm tỉ đô la để cứu nền kinh tế. “Đồng khí tương cầu”, giá hàng hóa và cổ phiếu thế giới quay đầu đi lên. Giá các sàn cà phê như được “hà hơi” bung nhanh lại vào những ngày cuối tuần.

Nên gọi “futures market” là thị trường kỳ hạn hay tương lai? ]

Tồn kho giảm

Tồn kho cà phê robusta được Liffe NYSE xác nhận chất lượng (certs) tiếp tục giảm. Báo cáo thường kỳ 2 tuần một lần nói rằng lượng tồn kho certs đến hết ngày 17-9-2012 giảm 8.160 tấn, chỉ còn 129.490 tấn, tương đương 2,158 triệu bao. Như vậy, so với báo cáo cách đây 1 năm, giảm mất 66% (xin xem biểu đồ 2 phía dưới)

Tồn kho robusta được sàn Liffe NYSE công nhận giảm
Biểu đồ 2: Tồn kho robusta được sàn Liffe NYSE công nhận giảm

Trong khi đó, báo cáo ra mỗi tháng 1 kỳ của Hiệp hội Cà phê nhân của Mỹ (Green Coffee Association-GCA) ước rằng tính đến hết tháng 8-2012, tồn kho cà phê nhân tại Mỹ giảm 9.120 bao, còn 5.178.323 bao, so với tháng 7-2012. Đây là tháng 8 có mức giảm thấp nhất vì tính từ 1989, bình quân tồn kho GCA giảm 49.000 bao. Nhìn chung, tồn kho Mỹ giảm nhưng lượng tồn kho cà phê arabica được Ice công nhận chất lượng (certs) trong tháng 8 vừa qua lại tăng mạnh, đến 195.548 bao. Con số tồn kho certs arabica Ice mới nhất đạt 2.091.159 bao.

Brazil không mặn mà bán cà phê arabica cho sàn New York

Nhờ mở cửa cho cà phê robusta chất lượng vừa phải của Việt Nam vào đấu giá trên sàn robusta London, đầu cơ tài chính kết cấu với một vài hãng kinh doanh hàng thực (robusta physicals) đã bơm tiền ào ạt để gom hàng nhằm khống chế lượng giao hàng và khống chế giá. Họ đã thành công mỹ mãn. Thị trường cà phê robusta thế giới trong thời gian vừa qua đã chịu sự điều độ rất lớn bởi vài ba tay có hàng thực và mua khống hàng giấy trong tay. Những đợt vắt giá trên sàn Liffe London, siết và điều khiển giá chênh lệch (trừ lùi) đã chứng minh quyết định của họ dùng hàng robusta Việt Nam để đầu cơ kiếm tiền trên sàn robusta Liffe NYSE là đúng.

Kinh nghiệm kiếm tiền tỉ ở sàn giao dịch robusta không hề bị bỏ lỡ đối với cà phê arabica. Sàn arabica Ice New York cũng đã quyết định mở cửa cho hàng arabica chất lượng vừa phải Brazil vào. Các lối vào sàn Ice arabica cho cà phê arabica Brazil rộng mở từ tháng 6-2012 để chuẩn bị giao dịch giao hàng tháng 3-2013.

Thế nhưng, trong một hội nghị mới đây tại Hamburg (Đức), hãng tin Reuters đã dẫn lời một số người tham gia hội nghị nói rằng “sắp tới chưa biết thế nào, hiện nay Brazil chẳng mặn mà chi mấy”. Các nhà xuất khẩu Brazil không bán hàng chất lượng arabica Ice để đấu giá cho tháng giao dịch cận kề, là tháng 3-2013.

Có thể, trong giai đoạn hiện nay, đó là cách chọn lựa cẩn thận của một nước đã từng có trên 300 năm trồng và kinh doanh cà phê. Vả lại, đứng trước một mùa bội thu, các nhà xuất khẩu nước này không muốn gây phiền cho khách hàng, chính là các hãng rang xay, đã có quan hệ mua bán lâu dài với nước này. Vì, muốn có thị phần ổn định, Brazil đang chọn đường đi với hàng thực (physicals). Nếu vì một lý do nào đó giao hàng thực nhiều vào các tay đầu cơ tài chính, thị phần sẽ bị đầu cơ chi phối và khuynh loát ngay, sẽ đá nhà xuất khẩu của nước sản xuất ra khỏi sân chơi ngay một cách không thương tiếc.

Mặt khác, hơn ai hết, các nhà xuất nhập khẩu Brazil hiểu rằng càng “lụy” vào sàn này bao nhiêu, thì rủi ro về giá đối với nông dân càng lớn bấy nhiêu. Kinh nghiệm đau thương trên thị trường robusta có lẽ là bài học kinh nghiệm nhãn tiền với họ: giá đã có lúc chỉ 4.000 đồng thì cũng có khi tăng trên 50.000 đồng. Rồi khi đầu cơ hết muốn “đá bóng”, biết đâu giá lại rơi tõm xuống sâu, không bền vững.

> Xem thêm: Tên gọi cho hợp đồng và thị trường kỳ hạn chuẩn (futures contract)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng