Gặp ông chủ tịch hội nông dân nói hay, làm giỏi

“Cây cà phê không chỉ giúp tôi cải thiện cuộc sống gia đình mà đã trở thành cây xoá nghèo chủ lực của bà con trong xã”- anh Cà Văn Liên – Chủ tịch Hội ND xã Chiềng Đen, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La, chia sẻ.

Làm trước…

Chiềng Đen là xã nhiều khó khăn nhất của TP.Sơn La. Đây là vùng đất dốc, khí hậu khắc nghiệt, mùa hạ thì nắng lửa, mưa rào; đông về thì sương mù, giá lạnh. Đã vậy, giao thông của xã lại chậm phát triển. Sống trong cảnh đó nhiều năm, những người dân Chiềng Đen cũng như quen dần với cái đói, cái nghèo; cả đời chỉ chăm chú “lo cho bữa mai” chứ chẳng dám nghĩ tới chuyện làm giàu.

Vườn cà phê arabica gần 2 ha ở sơn la
Vườn cà phê gần 2 ha này là nguồn thu nhập chính của gia đình anh Cà Văn Liên

“Khi cây cà phê bắt đầu được trồng nhiều ở những vùng phụ cận thì ở Chiềng Đen này cũng lác đác có một số nhà mạnh dạn trồng thử nghiệm khoảng dăm ba trăm gốc. Tôi liều bớt ra 5.000m2 đất trồng sắn, ngô để thử nghiệm cà phê”-anh Liên kể.

Thế rồi cây cà phê trên đất Sơn La dính phải vụ sương muối nặng nề, nhiều nhà phải đốn bỏ, thiệt hại lớn nên nông dân rất nản. “Nhưng đã là đất cằn, trồng sắn, trồng ngô năng suất cũng chẳng được bao nhiêu, không chuyển đổi sản xuất thì lấy gì mà sống? Nghĩ vậy nên tôi vẫn vận động bà con cứ trồng cà phê. Sương muối cũng có quy luật của nó và có cách phòng, tránh để giảm nhẹ thiệt hại”.

Miệng nói-tay làm, anh Liên tiếp tục đầu tư phát triển cây cà phê lên 1ha, rồi 2ha, chú trọng đầu tư phân bón cho cây trồng. “Với dân nghèo Chiềng Đen ngày ấy, bỏ tiền mua phân bón cho cây trồng là chuyện chưa từng làm, nhưng tôi vẫn đầu tư. Ngay vụ đầu tiên có phân bón, năng suất cà phê đã tăng lên gần gấp đôi. Thế là những hộ khác cũng mạnh dạn làm theo tôi. Bây giờ, mỗi năm tôi thu ngót nghét 100 triệu đồng từ cà phê, lãi gấp 3 lần so với trồng ngô đấy” – anh Liên tâm sự.

Bà con làm theo

Đến thăm gia đình anh Liên một ngày giữa tháng 9 này, dưới khu nhà bếp, đàn lợn gần chục con và hàng trăm con gà nháo nhác đòi ăn; ngoài sân, vườn có hơn chục người được thuê giúp việc theo thời vụ đang mải mê làm cỏ, tỉa cành cho cây cối. “Cuộc sống không còn thiếu thốn, con cái cũng đã trưởng thành cả rồi nhưng vì mình làm cán bộ nông dân nên phải tích cực sản xuất. Mà phải làm giỏi để nông dân còn nhìn vào, mình cũng có thêm kinh nghiệm mà hướng dẫn bà con” – anh Liên tâm sự.

Thấy tôi ngạc nhiên vì nhà ở trên sườn đồi mà vẫn có ao nuôi cá, chị Tòng Thị Tổ – vợ anh Liên cho hay: “Ông nhà tôi mắc nước chảy từ trên núi về đấy. Cái ao này phải xây bằng xi măng thì mới giữ được nước. Tuy có tốn kém nhưng con cá nhanh lớn lắm, vừa có cái ăn, vừa có cá bán nên ai thấy cũng thích. Làm cán bộ lâu rồi mà cứ rảnh rỗi là ông ấy lại lao vào ao cá, làm vườn. Những ngày nghỉ, lúc không vướng bận việc công, nhìn ông ấy làm quần quật, tôi thấy ông ấy giống ND hơn cán bộ. Nhưng cũng vì thế mà ông ấy nói chuyện làm ăn, dân bản thích nghe lắm.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82