Bón phân cho cây cà phê vào giai đoạn cuối chu kỳ nuôi trái

Trong những ngày đầu tháng 8 này với cà phê chè chỉ cần bón bổ sung để cho quả chắc, chín đều và màu sắc đẹp (yếu tố làm cho hạt cà phê không bị nhăn nheo và tăng thêm hương vị).

Bài liên quan: > Chia làm nhiều đợt bón phân cho cà phê

Hiện nay đã là giai đoạn cuối nuôi trái của cà phê chè kinh doanh. Những loại phân phù hợp cho giai đoạn này là: Phân bón rễ NPK (12-7-17 + TE) với liều lượng 300kg/ha (cũng có thể sử dụng phân KN03 để bón với liều bổ sung 200kg/ha) và phân bón lá NPK (12-0-40 + 3Ca) hoặc HK 7-5-44. Có thể xịt 2 lần trước khi thu hoạch, mỗi lần cách nhau 7 ngày, xịt lần cuối trước khi thu hoạch 10 ngày.

Chăm sóc bón phân cho cà phê
Cà phê trong thời gian này cần bón phân bổ sung để tăng trọng lượng, quả chắc và chín đều.

Đối với cà phê Robusta thì lần bón này cũng nhằm mục tiêu tăng trọng lượng quả.

Thời điểm này, chất hữu cơ rất quan trọng với cây cà phê, cần bón bổ sung trong tháng 8 hoặc muộn nhất là đầu tháng 9 (bón kết hợp với phân vô cơ). Tùy theo chất lượng và chủng loại phân hữu cơ mà ta bón với liều lượng khác nhau. Với phân hữu cơ chất lượng trung bình (chất hữu cơ từ 20 – 25%, tổng NPK < 6%) thì bón với lượng 10 – 15kg/cây.

Còn với phân hữu cơ chất lượng cao (chất hữu cơ > 30%, tổng lượng NPK > 8%) thì lượng bón từ 3 – 5kg/cây. Có thể sử dụng phân hữu cơ khoáng Quế Lâm, Humix…

Riêng phần phân vô cơ thì có thể lựa chọn một số chủng loại sau:

Nếu thấy bộ lá cà phê xanh nhạt, mỏng, những lá dưới tán chuyển vàng thì sử dụng NPK (16-8-16 + 13S +TE) hoặc NPK (16-8-18 +7S +TE) với liều lượng 600 – 800kg/ha. Còn nếu thấy bộ lá xanh sáng, lá dày thì sử dụng NPK (12-7-17 +TE) với lượng 600 – 800kg/ha.

Nếu sử dụng phân đơn thì chỉ cần sử dụng phân SA + ure và phân kali (KCl) với liều lượng 300kg SA + 175kg ure/ha. Phân kali bón với lượng 225kg/ha. Chú ý không sử dụng toàn bộ phân SA vì sẽ dư thừa lưu huỳnh (S) nhưng nếu sử dụng chỉ 100% phân đạm (ure) thì sẽ bị thiếu S (cây cà phê rất cần S vì nó tạo mùi thơm). Cũng có thể sử dụng phân KN03 + Ca(N03)2 phối hợp với SA để bón cho cà phê vào giai đoạn cuối của thời kỳ nuôi trái theo tỷ lệ: 300kg KN03 + 200kg Ca(N03)2 + 300kg SA/ha.

Trong giai đoạn nuôi trái, nếu có điều kiện thuận lợi cũng nên phun thêm một số loại phân bón lá giàu N, K, và Ca, Mg, Zn, B vì chúng giúp tăng năng suất, chất lượng trái cà phê.

>> Quy trình bón phân cho cây cà phê giai đoạn kinh doanh

TS Nguyễn Đăng Nghĩa
Trung tâm Nghiên cứu Đất-Phân & Môi trường phía Nam

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân đường nhựa

    Mấy dòng cuối tui thấy hình như ông tiến sĩ này bỏ nhiều N : ” KN03 + Ca(N03)2 phối hợp với SA để bón cho cà phê vào giai đoạn cuối của thời kỳ nuôi trái theo tỷ lệ: 300kg KN03 + 200kg Ca(N03)2 + 300kg SA/ha”.
    Theo tui nghĩ công thức này cho đầu mùa thì tốt hơn cuối mùa vì các chất này chỉ làm lá và làm trái non mau lớn.
    Nông dân đường nhựa

  2. Nông dân cà phê

    Một bài học hay tuy nhiên bài viết không chú trọng nhiều đến việc bón lân vào đợt cuối này mà lân rất cần thiết vào giai đoạn cuối nhằm cho cây có bộ rễ khoẻ mạnh chuẩn bị cho mùa khô và việc phân hoá mầm hoa cho thời gian sắp tới.

  3. Hai.cafe

    Sao nhiều thế: 1kg hữu cơ cũng 3.000 – 6000 đ, bón 10 – 15kg mất 40 – 50 ngàn đồng/gốc/lần. Giá trị này bằng 4kg NPK, bón đủ cho cả năm.

  4. Tý Anh

    Bác này làm cố vấn cho mấy hãng phân nên bác phải nói làm sao để bán được nhiều phân thì mới có tiền chứ. Lạ gì chuyện…!

  5. chuotdong

    Gia đinh tui không khi nào bón NPK. Phải chịu khó bón phân đơn các bạn sẽ đỡ được ít nhất 1/2 đồ dổm. Năm nay tui thử bón khác với mọi năm xem sao, đến thời điểm này thực sự hài lòng với cách mình đã chọn. Chỉ còn một lần bón duy nhất nữa thôi là thu hoạch vụ mới rồi.
    Phân được chia thành các lần với phương châm: “Bón ít nhiều đợt hơn bón nhiều ít đợt”.
    -Mùa tưới nằm vào mùa xuân, mùa cây cối đâm chồi nẩy lộc nên tưới đợt đầu tui bỏ mỗi gốc 0,5 kg lân Lâm Thao (chống hạn-phân hóa mầm hoa). Đợt 2, đợt 3 và 4 mỗi đợt 0,3 kg urê (phát cành nhanh).
    -Mùa mưa: Đợt đầu mỗi bao phân bò được ủ men vi sinh bỏ 3 gốc. Đợt 2 và 3 mỗi gốc bón 0,5 kg phân trộn gồm 25% u rê, 25% sun phát, 50% ka li (nuôi quả vào hạt). Đợt cuối mỗi cây bỏ 1kg phân vi sinh (giữ cành lá) lúc sắp thu hoạch, hạn chế cây xơ xác sau khi hái.
    So với các năm trước, năm nay cà phê của chuot đầu tư khá nhiều đợt vì quả hơi nhiều. Với sự đầu tư như thế, nhìn dàn cành sung sức hiện nay hứa hẹn tương lai cho vụ mùa bội thu kế tiếp, tránh được trình trạng mùa được mùa mất hiện hữu bấy lâu nay.

    1. Phạm Ánh

      Vậy bạn có thể cho tôi biết chất đất vườn nhà bạn + sản lượng sau khi thực hiện cách bón của bạn được ko?

  6. lâm đồng

    Các bác ơi. Cà nhà em có một số cây cà bị chín cháy, tức là vỏ của trái cà bị cháy ít một. Chùm nào cũng có hai ba trái chín như vậy, nếu không hái thì rụng hết. Các bác có nhà ai bị vậy không? Và đã ai có cách trị thì chỉ em với?

  7. nguyen thuy

    Bà con cho tôi hỏi: đợt cuối này cafe nhà tôi ra hoa rất nhiều, tôi nên bón phân ra sao (phân đợt cuối này)? mong bà con giúp đỡ!

  8. hải nam

    Cà phê tui năm nào cũng chín trái vụ nhiều quá anh em ơi. Hái bán chỉ đủ tiền công hái mà không hái thấy xót xa ghê luôn. Anh chị nào có kinh nghiệm vấn đề này bày tui với.
    Cây xấu thì vàng hết cả cây, cây xanh thì chín ở đoạn giữa cành, trên ngọn. Thấy chán quá, trồng ra chỉ nuôi công hái!

  9. Trần Thùy Linh

    Các bác ơi, mỗi lần bón phân sao cực quá!
    Tụi em phải canh trời có mưa (hay bị trật), kêu công (hơi bị khó vì phải theo trời), rải phân rồi cũng đã nhiều lần phải kéo ống tưới (hơi bị cực), chưa kể không có nước (hay bị cúp), có lúc lắp mô tơ xong điện lại cúp (hơi bị tức), mỗi lần chuẩn bị lấy phân thì lại thấy lên (hơi bị tiếc), chưa kể kêu công nó hứa lại chẳng đi (hơi bị bối rối).
    O X em tính làm 1 cái xe đẩy để rải phân cho nhanh, lúc đó mình canh mưa được vì chỉ cần 1 công phụ bỏ 1Ha chỉ 2-3 tiếng đồng hồ là xong (đất bằng), chiều mưa là OK. Nhưng không biết phân rải trên đường gân (thành bồn) có ổn không biết.
    Có bác nào am hiểu bày cho em với.

  10. taquangmanh

    Tôi ở Lâm Hà, Lâm Đồng; cơ bản đồng ý với bài viết trên nhưng tôi thấy và đã có những nghiên cứu cơ bản tuy nhiên trên thực tế phải tùy thuộc vào từng vùng đất cụ thể, từ trước đến nay cà phê nhà tôi thu hoạch không năm nào dưới 5 tạ/ha nhưng phải nói rằng tốt nhất ta phải cân bằng giữa phân vô cơ và hữu cơ, phân bón làm nhiều đợt trong năm (4-5 đợt), nếu phối trộn phân bón được là tốt nhất vì như vậy chúng ta có thể cân đối được lượng phân theo tỷ lệ cần thiết của vườn cà phê nhà mình, thường xuyên kiểm tra sâu bệnh sau thu hoạch cần bón một lượng vôi khoảng ( 4 – 450 kg/ha) hoặc bó phân lân có chứa nhiều hàm lượng vôi (Ca) ví dụ như lân nung chảy,…. Tôi viết vậy thôi có gì bà con thông cảm. Chào thân ái.

  11. Nông dân

    Đối với phân hữu cơ bón cho cây cà phê thì hiện nay có rất nhiều loại hàm lượng hữu cơ rất cao (đến 65% chất hữu cơ). Nên bà con mình có thể giảm được lượng bón mà vẫn cung cấp đủ chất hữu cơ cho vườn cà phê. Phân đã được xử lý nhiệt (trên 80 độ C) nên đã diệt hết các loại mầm bệnh, sâu hại và hạt cỏ dại. Xin chia sẻ để cùng bà con giảm bớt sử dụng phân hóa học tồn dư nhiều độc hại cho môi trường.

  12. nguyen thi thuy hang

    Bài viết nói chung chung thôi:
    SA bón đầu mùa mưa, N P K 16-16-8- 13s bón dơt 1. URE , N P K 16 -8-16-te những đợt còn lại.
    Còn lưu hùynh S hay SO4, có nhiều trong các loại phân, dư lưu huỳnh thì pH đất lại hạ. Bón vôi, CaO là tốt hơn, chứ Ca(NO3)2 có gốc NO3 cộng hidro H2 thành axit cũng làm hạ pH của đất.

Tin đã đăng