Xuất khẩu cà phê của Việt Nam nhiều nhưng nông dân không thể vui vì giá rớt.
Ngày 12/12/2000, theo hãng Bloomberg (Hoa Kỳ), Việt Nam đã vượt trên Colombia và trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới (sau Brazil).
Trong mùa thu hoạch 1999-2000 (tính tới tháng 9/2000), Việt Nam đã sản xuất khoảng 10,9 triệu bao cà phê (60 kg/bao).
Cũng ngày 12/12/2000, tại nhiều huyện Tây Nguyên giá mua cà phê Robusta nhân khô, loại xô chỉ còn 3600-4000 đ/kg. Mức giá này giảm khoảng 2000 đ/kg so với đầu vụ và chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Một số nơi như ở Lâm Hà (Lâm Đồng), người dân phải đổi 1kg cà phê nhân khô lấy một kg gạo để ăn. Giá cà phê xuống tới mức thấp kỷ lục trong vòng 30 năm qua.
Giá cà phê Robusta loại 2 của Việt Nam chỉ còn 380-400 USD/tấn.
Nhiều nông dân trồng cà phê đang điêu đứng vì mặc dù giá cà phê rất “bèo” nhưng vẫn phải bán như đổ đi để lấy tiền chuẩn bị cho Tết.
Ông Hồ Quang Tám, Trưởng ban tuyên huấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk chua xót nói: “Dân số tỉnh gần 1,9 triệu người mà có tới 1,2 triệu người sinh sống nhờ cà phê. Nên Tết năm nay sẽ là Tết buồn”.
Cao điểm giá cà phê là 40.000 đồng/kg trong năm 1995, sau đó giá liên tục rớt xuống còn 30.000 đồng/kg trong năm 1996, 20.000 đồng/kg năm 1997, 15.000 đồng/kg năm 1998-1999.
Hiện tượng nông dân ở nhiều địa phương chặt bỏ cây cà phê để chuyển sang trồng loại cây khác đang có nguy cơ lan rộng. Theo các chuyên gia, để ngăn chặn nguy cơ này, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ đối với người trồng cà phê.