Những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế tiếp tục đẩy giá dầu lên cao, gần đạt 69 USD một thùng.
Tính đến sáng nay, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 tại New York tăng 50 cent, lên 68,55 USD một thùng. Tại London, dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 9 thiết lập mốc 70,80 USD.
Các chuyên gia phân tích, thị trường dầu mỏ đang được tiếp sức bởi những dấu hiệu lạc quan về sự phục hồi kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ, nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu và cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kinh tế phục hồi sẽ đẩy nhu cầu sử dụng năng lượng trên thế giới tăng trở lại.
Thị trường dầu mỏ đã đón nhận nhiều tin tức tốt lành từ nền kinh tế Mỹ, nhất là lợi nhuận quý II của các doanh nghiệp. Điều này khiến chỉ trong hai tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ tại New York tăng gần 10%.
Số liệu tích cực về các nền kinh tế trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng góp phần đẩy giá dầu lên cao. Đó là chỉ số hoạt động của lĩnh vực chế tạo và dịch vụ của Eurozone trong tháng 7 tăng lên 46,8 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 9/2008. Cũng thời điểm này, chỉ số môi trường kinh doanh của Đức tăng lên 87,3 điểm vào tháng 7, mức cao nhất từ tháng 11/2008.
Ngoài ra, sự suy yếu của đồng USD so với các đồng ngoại tệ chủ chốt khác cũng được cho là nguyên nhân khiến giá dầu thế giới tăng.
Theo dự đoán mới nhất của Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs, giá dầu của Mỹ trung bình sẽ là 90 USD một thùng, trong khi Morgan Stanley dự báo dầu sẽ ở mức khoảng 65 – 85 USD trong năm sau.
Các nhà phân tích cho rằng, giá nguyên liệu thô sẽ bắt đầu tăng do các nhà đầu tư có tâm lý mạo hiểm cùng với đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.