Cà phê chè là một cây thụ phấn nên hầu hết các giống cây cà phê chè hiện đang được trồng ở trong nước như: Bourbon, Typica, Caturra, Catuai, mundo, Novo, Catimor…. Hiện nay, ở nước ta giống cà phê Catimor đang được trồng phổ biến tại một số tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, …
>> Tìm hiểu cà phê Arabica
Giống cà phê Catimor được nhập vào Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1984 từ Cu-ba, sau đó từ Trung tâm Nghiên cứu giống chống bệnh gỉ sắt Oeiras Bồ Đào Nha vào năm 1990.
Đây là giống lai giữa Hybrid de Timor với giống Catura; thuộc dạng thấp cây, cành đốt ngắn, có khả năng trồng dày; kháng bệnh gỉ sắt (tính ưu việt nổi bật nhất của Catimor). (Bà con nông dân mình vẫn gọi cây cà phê Catimor là con nhà nghèo, bởi nó rất dễ chăm sóc, không đòi hỏi nhiều về kỷ thuật)
Cây cà phê Catimor có bộ tán che kín thân, vì vậy hạn chế được sự phá hoại của sâu đục thân (loại sâu này có tập tính không thích đẻ trứng vào nơi thiếu ánh sáng). Nếu thâm canh tốt, 1 ha cà phê Catimor sẽ cho năng suất đạt 4 – 5 tấn. Do có năng suất cao, kháng bệnh gỉ sắt, hương vị thơm ngon, giá bán cao hơn khoảng 1,5 lần so với cà phê vối nên cà phê Catimor được trồng nhiều nơi trên thế giới.
1. Kỹ thuật trồng
Đất trồng cà phê phải được cày bừa kỹ, dọn sạch cỏ dại trước khi trồng. Dùng giống chống bệnh gỉ sắt (Catimor).
Mật độ, khoảng cách trồng: ở những nơi đất không có độ phì cao thì trồng với mật độ 6666 cây/ha, tương ứng với khoảng cách: hàng cách hàng 1,5 m; cây cách cây: 1m; ở những nơi đất tốt, trồng với mật độ 5000 cây/ha, tương ứng với khoảng cách: hàng cách hàng 2m; cây cách cây: 1,5m; ở những nơi đất trung bình có thể trồng với mật độ 3333 cây/ha: hàng cách hàng 2m, cây cách cây: 1 m.
Khi cây cà phê còn nhỏ, trồng xen các cây ngắn ngày như đậu đỗ, lạc… để tăng thu nhập, đồng thời chống cỏ dại, tạo bóng mát giữ ẩm chống xói mòn và cải tạo đất. Việc trồng xen các cây ngắn ngày vào giữa hàng cà phê còn góp phần đảm bảo tính đa dạng thực vật cho sinh quần cây cà phê. Cây trồng xen tạo ra nguyên liệu để tủ gốc và ép xanh. Một vườn cây trồng xen tốt có thể cung cấp cho lô cà phê hàng trăm cân đạm nguyên chất/ha và nhiều chất dinh dưỡng, chất khoáng khác. Nhờ đó khu hệ thiên địch tự nhiên được thiết lập nhanh hơn và trở nên phong phú hơn sẽ góp phần hạn chế số lượng sâu hại cà phê.
Cây cà phê rất cần che bóng. Các cây che bóng (như keo dậu, muồng…) được trồng với mật độ vừa phải, rải đều trên vườn cà phê, nhằm tạo ánh sáng tán xạ và che chắn sương muối vào mùa đông cho cà phê. Cây che chắn phải đảm bảo thông thoáng để tránh bệnh gỉ sắt cà phê phát triển mạnh.
2. Kỹ thuật chăm sóc
Phải thường xuyên xới xáo quanh gốc cây để diệt cỏ và tạo độ tơi xốp cho đất quanh cây cà phê. Sau khi xới xáo, dùng rác và cỏ tủ gốc cho cây cà phê. Bón phân hoá học cân đối kết hợp với phân hữu cơ hợp lý, đầy đủ nhằm giúp cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt để tăng sức chống chọi với sâu bệnh. Đặc biệt, khi cây cà phê phát triển nhiều cành lá xum xuê, rậm rạp sẽ tăng độ che kín thân cây góp phần cản trở sự tấn công của sâu đục thân và sâu tiện vỏ cà phê.
Trước khi bón phân phải làm sạch cỏ. Vườn cà phê chăm sóc kém tạo điều kiện bệnh khô cành và khô quả phát triển mạnh. Nếu thời tiết có sương muối, trước đó phải phun tưới nước lên tán lá cây cà phê. Sau các đợt sương muối phải chăm sóc tốt cho cây cà phê nhanh hồi phục để đề kháng với sự tấn công của các loài sâu bệnh hại.
3. Kỹ thuật tạo hình cà phê
Tạo hình cho cà phê là một biện pháp kỹ thuật rất quan trọng thông qua việc cắt tỉa để tạo ra một bộ tán có số lượng thân và cành phân bố đều trong không gian phù hợp, thông thoáng, tiếp nhận được nhiều ánh sáng mặt trời để cho cây quang hợp tốt tạo ra năng suất cao và ổn định. Đây là biện pháp kỹ thuật vừa giúp cây cà phê có các cành hữu hiệu phân bố đều trong tán vừa có tán bao phủ che chắn thân cây để cản trở sự tấn công của sâu đục thân cà phê.
Trong khi sửa cành tạo hình hạn chế việc cắt bỏ cành cấp 1 (trừ khi cành cấp 1 bị sâu bệnh); chú ý cắt bỏ các cành bị sâu đỏ đục, bị bệnh nấm hồng hay bệnh khô cành. Cắt tỉa hợp lý các cành vô hiệu sao cho tạo được sự thông thoáng hợp lý của tán lá nhưng vẫn che chắn được thân cây cà phê .
Độ co hãm ngọn thường từ 1,4 đến 1,6 m kể từ gốc cây đến vị trí hãm ngọn. Riêng đối với cà phê Catimor độ cao hãm ngọn khoảng 1,8 m hoặc không hãm ngọn. Khi cây cà phê đã cao đến vị trí muốn hãm ngọn thì dùng kéo cắt cành cắt phần ngọn ở vị trí trên cặp cành cuối cùng khoảng 1 cm. Sau khi cắt cành chất dinh dưỡng sẽ tập trung nuôi dưỡng cho các cành còn lại phát triển và phát sinh các cành thứ cấp. Tạo hình tốt làm bộ tán thông thoáng sẽ làm cho quả cà phê to hơn, đạt năng suất cao, bền và thuận lợi khi tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.
Sau mùa thu hoạch cần cắt bỏ những cành khô, những phần cành sinh trưởng yếu ớt, những cành bị sâu bệnh để những phần còn lại phát sinh những cành mới sẽ cho quả trong mùa sau.
Y5cafe tổng hợp
tôi đang cần quy trình sản xuất cà phê hoà tan hoàn chỉnh mong được đáp ứng nhanh .xin cảm ơn
Theo một số nông dân trồng catimo ở Phú sơn ,Lâm Đồng thì không nên hãm ngọn vì như vậy sẽ phát sinh rất nhiều cành tăm(cành thứ cấp) không có công để vặt cho hết.
Đến độ cao khỏang 2m thì cũng hết chu kỳ củc catimor rồi ,đúng không các bác.Ở Việt Nam đã có ai xử dụng chu kỳ hai của catimor chưa?(đốn gốc lấy chồi mới)
Có bác nào biết chỉ dùm với!
Sao bạn lại ko theo đa số nông dân mà chỉ theo một số nông dân?
Bà con tìm những bài viết, tài liệu hướng dẫn có trên trang veb này mà xem!
Nếu cafe bị hư hay quá già thì mình có thể chặt bỏ thân, để chồi từ đất lên tùy ý sao cho phù hợp với tình hình cây để tiếp tục sử dụng gốc cafe cũ.
Tôi đồng ý với ý kiến của dangthanh là ko nên cắt ngọn vì ra rất nhiều cành tăm nhưng tôi ko biết nếu cứ để tự do thì sẽ cao bao nhiêu. Mong các bác chỉ giáo. Thanks!
Cám ơn bài viết chia sẻ của các bác/ các cô, các anh chị cho em và mọi người.
Theo em thì viẹc đốn tỉa cành là cần thiết. Còn ở độ cao hay thấp tùy thuộc vào địa hình của từ hộ gia đình. Như mình ở Sơn La thì địa hình hơi bị chênh khoảng 8 đến 10% độ dốc. Nếu không tỉa cành cắt ngọn thì cây sẽ cao rất khó cho thu hoạch và phun thuốc trừ sâu. Ngoài ra nếu có quả trên cành cao khi thuê người dân trẩy sẽ vin cành sẽ gẫy các cành quả sai ở trên ngọn, dẫn tới sản lượng thu hoạch bị giảm sút đó. Ngoài ra tỉa cảnh sẽ tạo cho các cành thứ cấp dự phòng cho các cành bị già cỗi giúp cho năng suất thu hoạch sẽ ổn định hơn, đó là một số kinh nghiệm thực tế của em. Kính mong các bác chia sẻ kĩ năng chăm sóc để cho vườn cà phê của hiệp hội năng suất hơn.
Giống cà phê chè ghép trên gốc vối TN1/2 cây có ưu điểm nhờ gốc cà phê vối phát triển mạnh, giống rât tôt để tái canh cây cà phê già cỗi.
Tôi đang canh tac hơn 30 ngàn cây cape arabica tại điện biên, là loại cây khó tính tốn nhiều nhân công cho việc tỉa cành tăm chồi dại và cũng là loại cây mà tốn tiền công thu hoach(12 ngàn/ 1kg càpê thóc) thân cành giòn dễ gãy. Nên tuy hiện nay được giá 50ngan/1kg thóc nhưng lợi nhuận so với cà vối thì quá thấp. Vi thế tôi có ý tưởng tỉa thưa và gép ngọn vối vào nhưng ko rõ có hiệu quả không? Mong các chuyên gia góp y.