Tin buồn

Đăk Nông: “trẻ hóa” vườn cà phê ở Thuận An

Vài năm trở lại đây, trước thực trạng nhiều vườn cà phê trên địa bàn bị già cỗi, kém năng suất, các hộ nông dân tại xã Thuận An (Đăk Mil) đã từng bước thực hiện “trẻ hóa” bằng cách ghép những giống cà phê có năng suất cao vào những gốc cà phê đã già cỗi.

Hiện nay, cách làm này đã và đang mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển bền vững trong thâm canh cây cà phê tại địa phương. Gia đình anh Nguyễn Văn Phòng, ở thôn Thuận Hạnh có trên 1,5 ha cà phê đã già cỗi nên mỗi năm cho thu hoạch không đáng kể. Năm 2009, nhờ một người bà con ở huyện Ea Ka (Đăk Lăk) hướng dẫn cho kỹ thuật ghép cà phê nên gia đình anh đã mạnh dạn làm theo. Đến nay, hơn 6 sào cà phê được ghép giống TR4 của gia đình anh đã cho thu hoạch năm thứ hai, với năng suất bình quân là 4,5 tạ/sào, vượt trội hơn so với vườn cà phê cũ từ 1,5 đến 2 tạ/sào.

Anh Phòng cho biết: “Đây là một cách ghép khá đơn giản, không mất nhiều chi phí và công sức, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình ghép, tôi phải chọn được loại giống cao vừa phải, phù hợp với gốc cà phê dùng để ghép. So với vườn cà phê già cỗi của gia đình thì vườn cà phê được ghép lượng phân bón giảm rất nhiều và có khả năng kháng bệnh cao. Do đó, phương pháp này không chỉ giúp gia đình cải thiện năng suất mà còn tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất”.

Vườn cà phê ghép của gia đình ông Nguyễn Nghê hàng năm luôn đạt năng suất 4,5 tấn/ha

Cũng nhờ sự tìm tòi, học hỏi từ các hộ dân tại nhiều địa phương khác nên hơn 1 ha cà phê đã được ghép giống mới của gia đình ông Nguyễn Nghê, ở thôn Thuận Thành hàng năm đều cho năng suất trên 4,5 tấn/ha. Ông Nghê cho hay: “Ưu điểm của cách làm này là giữ nguyên được những đặc điểm của cây giống, giúp giảm chi phí đầu tư phân bón, công làm cỏ, cũng như việc chặt cành và phun thuốc. Hơn nữa, việc thu hoạch lại thuận lợi do cà phê cho trái to hơn, dễ hái, đặc biệt nhất là năng suất cao hơn hẳn”.

Còn đối với gia đình ông Lê Quyện, ở thôn Thuận Thành, sau khi được tham gia vào dự án 4C đã được phía các công ty hỗ trợ về giống, tư vấn kỹ thuật nên hơn 5 sào cà phê được ghép giống TR5 hiện đang cho thu hoạch bói, với năng suất đạt khá. Ông Quyện cho biết: “Gia đình tôi có trên 3,5 ha cà phê đã bước sang tuổi thứ 19 nên hàng năm cho thu hoạch chỉ trên dưới 2 tấn/ha. Từ khi tham gia vào dự án của huyện, gia đình tôi đã từng bước thực hiện “trẻ hóa” vườn cà phê. Năm vừa rồi, với hơn 6 sào cà phê ghép nhưng đã mang lại cho gia đình trên 2,7 tấn cà phê. Tôi thấy đây là một phương pháp đơn giản, vừa tốn ít chi phí vừa mang lại hiệu quả cao cho người trồng cà phê nên cần nhân rộng”.

Có thể nói, hiện nay, vấn đề “trẻ hóa” cà phê bằng cách ghép chồi đã, đang được người dân tại địa phương rất quan tâm. Bởi đối với họ, cách làm này không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao mà còn là hướng phát triển kinh tế bền vững cho gia đình. Theo ông Lê Xuân Đông, Chủ tịch UBND xã Thuận An thì để bà con nông dân từng bước tiếp cận, thành thục cách ghép này, thời gian qua, thông qua dự án “Hỗ trợ quản lý địa phương hướng đến xóa đói giảm nghèo bền vững” của Cộng hòa Ai Len, mà trong đó quá trình “trẻ hóa” các vườn cà phê là một trong những lĩnh vực được phía các nhà tài trợ ưu tiên, hỗ trợ thì chính quyền xã đã tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật đến với bà con. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, chính quyền xã phối hợp với bên dự án tổ chức được 15 lớp tập huấn về kỹ thuật ghép chồi cho hơn 1.000 lượt hộ nông dân. Thông qua các lớp tập huấn này, ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật ghép tại vườn thì những giống cà phê mới có năng suất cao như TR4, TR5 cũng  được phía các công ty giới thiệu và ghép cho bà con. Nhờ đó, hiện nay hầu hết bà con nông dân tại địa phương đều rất hưởng ứng và đang ký tham gia vào dự án này.

Trong thời gian tới, xã sẽ  phối hợp với dự án hỗ trợ để tổ chức cho các hộ nông dân đi tham quan các mô hình ghép cà phê tại nhiều tỉnh thành khác. Qua đó, các hộ dân sẽ tiếp thu, rút kinh nghiệm để về áp dụng tại vườn cà phê của gia đình, nhằm góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81