Tổng hợp thị trường cà phê tuần 23 (4/6 –9/6/2012)

Giá cà phê thế giới tiếp tục lún sâu vì vấn nạn nợ công châu Âu và các nền kinh tế hàng đầu thế giới phát triển không như kỳ vọng nhưng niềm tin vào sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp của những cường quốc kinh tế cộng với làn gió mát của Cúp bóng đá Euro giúp cho người trồng cà phê vẫn lạc quan vào tương lai.

 Đầu tuần, thị trường New York mở cửa như thường lệ trong khi thị trường London nghỉ tiếp thêm 2 ngày mừng đại lễ kỷ niệm 60 năm đăng quang của Nữ hoàng Anh. Giá cà phê Arabica có phiên điều chỉnh, cả 2 kỳ hạn giao tháng 7 và giao tháng 9 đều tăng 0,95 cent, tương đương tăng 0,6% và 0,59%, lên 158,45 cent/lb và 160,8 cent/lb, là mức giá cao nhất tuần. Mức tăng giúp kìm hãm bớt đà lao dốc kéo dài suốt 9 tháng qua.

Biểu đồ giá cà phê thị trường London tuần 23

Giữa tuần, tiếp sau kỳ nghỉ lễ, thị trường London có phiên tăng trưởng trong trạng thái khá lạc quan. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 tăng 16 USD, tức tăng 0,74%, lên 2.174 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 21 USD, tức tăng 0,97%, lên 2.164 USD/tấn. Đây là mức giá cà phê Robusta cao nhất tuần. Hiện tượng giá đảo tiếp tục được duy trì khi giá tháng 7 cao hơn tháng 9  10USD và giá tháng 9 cao hơn tháng 11  20USD. Sự lạc quan của thị trường có từ niềm tin Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã sẵn sàng hành động và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang đặt gói QE3 lên “bàn cân”.

Thị trường New York vẫn đan xen những phiên trái chiều theo xu hướng giảm dần. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 1,8 cent, tương đương 1,14%, xuống 156,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 2,4 cent, tương đương 1,49%, xuống 158,4 cent/lb. Nguyên nhân giảm chủ yếu từ những yếu tố cung cầu, bên cạnh Brazil sắp có vụ mùa bội thu là Colombia sẽ lấy lại vị thế cường quốc cà phê hàng đầu khi chương trình thay mới 300.000 ha cà phê hoàn tất và bắt đầu cho thu hoạch.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên có thêm 300 đồng, để lên 42.700-42.800 đồng/kg. Đây là mưc giá nội địa cao nhất tuần.

Cuối tuần, thị trường cà phê thế giới giảm sút theo đà suy thoái chung của tất cả thị trường hàng hóa mà vấn nạn nợ công của khu vực Eurozone vẫn là tâm điểm. Giá cà phê Robusta tại London có liên tiếp 2 phiên giảm điểm, kỳ hạn giao tháng 7 giảm 100 USD, tức giảm 4,6%, xuống 2.074 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 86 USD, tức giảm 3,97%, xuống 2.078 USD/tấn, mức giảm rất mạnh. Đây là mức giá cà phê Robusta thấp nhất tuần.

Giá cà phê Arabica tại New York cũng tiếp tục giảm sút khi kỳ hạn giao tháng 7 mất 1,45 cent, tương đương 0,93%, xuống 155,2 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cùng mất 1,45 cent, tương đương 0,92%, xuống 156,95 cent/lb. Đây là mức giá cà phê Arabica thấp nhất tuần và cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2010, theo thống kê của Reuters.

Giá cà phê nhân xô tại Tây nguyên mất 1.400 đồng, xuống còn 42.800-42.900 đồng/kg, ngày càng rời xa mốc kỳ vọng trong nỗi buồn của người trồng cà phê.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, được chào 2.065 USD/tấn, (FOB), với trừ lùi co về chỉ còn 10 USD, theo giá tháng 7 của London. Mức trừ lùi giảm xuống và hiện tượng giá đảo duy trì trên sàn giao dịch cho thấy nguồn cung cà phê hiện vẫn còn rất hạn chế.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 mất 84 USD và giao tháng 9 mất 65 USD, trong khi cả 2 kỳ hạn tương tự giá cà phê Arabica mất 2,3 cent và 2,9 cent. Giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa cũng mất 1.100 đồng.

Thị trường cà phê thế giới tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới và có thể đã đến lúc nghĩ về những biện pháp hỗ trợ tích cực từ phía hữu quan.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Dambri

    Điều đáng nói là hiện nay hiện tượng vắt giá hay giá đảo trên sàn London vẫn còn và mức trừ lùi co lại chứng tỏ nguồn cung vẫn còn rất hạn chế. Thế mà sao giá cà phê Rô vẫn lao dốc không phanh? Xin các bạn lý giải chỗ này cho bà con biết với !

  2. Tâm cafe

    Theo tôi nghĩ giá cà phê London đang giảm chủ yếu là do nhà đầu tư hàng giấy chốt lời, vì tầm giá $1.800-2.000 họ mua vào khá nhiều nay đã có lời rồi nên họ bán ra mạnh làm cho giá giảm, còn hàng thực khan hiếm nên mức trừ lùi mới co lại để lôi kéo hàng thực từ các nước sản xuất như nước ta bán ra. Điều này giúp cho tôi tin chắc hàng thực sẽ lên 45-46k trong khoảng tháng 7-8, ngay sau kỳ Euro này…

    1. Bình Nguyên

      Tôi cũng nghĩ như bạn, bà con mình còn cà phê tồn kho cố gắng đợi 1 thời gian nữa, vì hàng thực hiện nay còn rất ít trong dân…

  3. phamvanloi2608

    Tôi nghĩ đây là kịch bản lần 2 ! Lao dốc rồi lại bứt phá tăng vọt. Có thế mới đánh đòn tâm lý. Khi tăng trở lại mức 43 đổ đi thì các bác lại bán ra ào ào !

  4. Phan Bin

    Theo nhận định của tôi, tuần này giá cafe robusta sẽ lên lại vì các lý do như sau:
    – Giá cafe rớt nguyên nhân lớn nhất vẫn là tình hình khủng hoảng của khối Eurozone, hiện nay châu Âu đã dành 100 tỷ Euro để cứu ngân hàng của Tây Ban Nha, hi vọng khôi phục lại nền kinh tế.
    – Lượng cà phê còn ở dân thì càng ngày càng cạn kiệt, vì đợt vừa rồi với mức giá 42,800 thì người dân cũng đã bán ra với số lượng tương đối, hơn nữa mức giá ở ngoài từng địa phương lại cao hơn so với mức giá sàn, tới thời điểm này người dân cũng lo về việc nguồn cung từ Braxin và Colombia, Indonesia…
    Hi vọng trong tuần này giá cà phê sẽ khởi sắc trở lại, để người nào còn hàng thì bán hết trong đợt này.
    Kính chúc bà con sẽ bán được với mức giá cao nhất.

  5. Huy Đàm

    “..Nguyên nhân giảm chủ yếu từ những yếu tố cung cầu, bên cạnh Brazil sắp có vụ mùa bội thu là Colombia sẽ lấy lại vị thế cường quốc cà phê hàng đầu khi chương trình thay mới 300.000 ha cà phê hoàn tất và bắt đầu cho thu hoạch…”

    Các bác giải thích giúp em, em nghĩ Brazin năm này sản lượng thấp chứ? Theo bài báo này …. http://www.y5cafe.vn/177/cung-ca-phe-cua-braxin-ra-thi-truong-thap-nhat-4-nam/

  6. Nguyễn Vịnh

    Bạn HĐ có chút nhầm lẫn.
    Bài báo nói về cung cà phê tức là nói lượng xuất ra thị trường chứ không phải nói sản lượng, tức là lượng sản xuất được. Và lượng xuất khẩu này chủ yếu có từ niên vụ 2011/2012, bắt đầu thu năm ngoái.
    -Brazil có nhiều vùng khí hậu nhưng vụ mùa được tính từ tháng 4 năm trước đến hết tháng 3 năm sau (Apr-Mar) vì sản lượng vùng khí hậu này chiếm gần 85% diện tích trồng.
    -Đặc điểm sinh thái của cây cà phê chè là năm được năm mất. Với Brazil thì năm được là năm chẵn (2010, 2012…) và năm mất là năm lẽ (2011, 2013…) tính theo con số đầu của niên vụ. Như vậy sắp thu là niên vụ 2012/2013 thuộc năm được.
    Hy vọng giúp được bạn. Thân ái.

    1. yêu cà phê

      Cảm ơn Bác Nguyễn Vịnh. Như chúng ta đã biết thì VN là nước dẫn đầu và cũng tập trung về R hơn là A, vậy thì việc Brazil được mùa A có ảnh hưởng tới giá tại VN? Xin bác Vịnh giúp em. Chân thành!

      1. Nguyễn Vịnh

        -Bạn cứ nghĩ đơn giản thế này: Giá cà A đắt gấp đôi cà R. Cà A chủ yếu để rang xay (thơm ngon hơn) tất nhiên theo tỷ lệ phối trộn nhất định, còn cà R chủ yếu để chế biến cà phê hòa tan. Khi giá cà A đắt thì nhà rang xay trộn nhiều cà R hơn để giá thành phẩm thấp, nhưng khi cà A nhiều và rẻ thì theo bạn, để giữ phẩm chất cà phê bột rang xay thì bạn sử dụng loại nào nhiều? Và khi ấy giá cà R sẽ như thế nào? Bạn thấy được ảnh hưởng lên giá cà R của VN chưa… Tiếc là cà phê rang xay của mình không có hoặc có rất ít cà A, thậm chí thêm bắp đậu tùm lum nữa.

        -Bạn HĐ hiểu vậy là hợp lý, nhưng cần chú ý thêm ở đầu vụ và cuối vụ nữa.

        Rất vui khi được trao đổi. Thân ái.

      2. yêu cà phê

        Bác Vịnh đã cho em cái nhìn rộng hơn về sự tương tác ảnh hưởng qua lại với nhau. Thật sự rất hào hứng khi cùng nhau chia sẻ và hiểu biết được nhiều hơn từ diễn đàn. Chân thành cảm ơn bác Vịnh cùng BQT!

  7. Huy Đàm

    Cám ơn bác N.V. Như vậy là báo cáo kia thuộc 2011/2012 (năm mất). –> nên lượng cung đến trước tháng 7 sẽ là thấp. Vậy từ tháng 7/2012 đến 7/2013 lượng cung sẽ nhiêu lên. Em hiểu thế có đúng không ah.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

93