Tâm bão tài chính vẫn còn quanh khu vực sử dụng đồng euro (eurozone). Tình hình khó khăn Hy Lạp chưa kịp dịu, lại đến chuyện lùm xùm của các ngân hàng Tây Ban Nha. Thị trường cổ phiếu và hàng hóa thế giới tuần qua rụng rời. Giá cà phê trên sàn thế giới và nội địa rớt đến xanh mặt. Người có cà phê trong tay, bán hay để, đó vẫn là câu hỏi quanh vận may rủi.
Một tháng đầy cảm giác mạnh
Sự phân liệt sâu sắc giữa hai thị trường kỳ hạn cà phê Arabica Ice và Robusta Liffe NYSE trong tháng 5 vừa qua đã đưa một anh lên bồng lai, một người xuống địa ngục. Với giá cà phê Arabica Ice, nếu giá đóng cửa ngày đầu tháng mức 184,15 cts/lb thì ngày cuối tháng 31-5 chỉ còn 160,65 cts/lb, mất chừng 518 đô la Mỹ/tấn.
Trong khi đó, Robusta Liffe NYSE được kéo lên chín tầng mây vối ngày 1-5 đóng cửa mức 1.980 đô la thì ngày cuối tháng tăng thêm cả 200 đô la/tấn ở mức 2.180 đô la/tấn.
Có người cho rằng giá cà phê Arabica Ice vừa qua bị bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới ”ám” khá nặng, thì giá cà phê Robusta được đầu cơ ưu ái chọn làm “địa đàng” hay nơi trú ẩn tạm thời cho dòng vốn của họ.
Riêng về giá cà phê Robusta, giá từ mức thấp đã bật mạnh lại một cách bất ngờ, lên các mức trên 2.250 đô la/tấn. Nhờ vậy, giá cà phê trong nước đã bùng lên nhanh trong những ngày đầu tuần qua. Có khi cà phê nhân xô được trả quá mức 43.500 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên. Đấy cũng là mức cao kỷ lục ở nước ta trong niên vụ này, bắt đầu từ ngày 1-10 năm ngoái đến nay.
Sau một thời gian dài giằng co quanh mức 40.000 đồng/kg, giá cà phê xuất khẩu đã bung khỏi khung chật chội trong các mức trừ lùi 30/20 đô la/tấn dưới giá sàn kỳ hạn. Thị trường buộc đưa “liệu pháp sốc” bằng cách tạo vắt giá để giúp giá FOB rẻ hơn.
“Vắt giá” là hiện tượng đưa giá tháng thực hiện hợp đồng thời gian gần cao hơn giá tháng xa hơn nhằm khuyến khích người có cà phê đưa nhanh hàng đang giữ sang cho người mua. Cũng chính nhờ vậy, trong thời gian giá tăng nhờ “vắt”, giá xuất khẩu loại cà phê 2,5% đen vỡ đã xuống khá mềm với mức trừ lùi 50/60 đô la/tấn dưới giá niêm yết của sàn kỳ hạn.
Giá cao chỉ được không mấy bữa. Trong tuần rồi, giá cà phê Robusta giao dịch tại sàn Liffe NYSE đã tuột nhanh liên tục nhiều ngày, để từ 2.241 đô la của cuối tuần trước, nay đóng cửa phiên cuối tuần khuya hôm qua chỉ còn 2.158 đô la/tấn, trước đó có khi đã xuống cận mức 2.100 đô la, giảm 83 đô la sau 5 ngày giao dịch, chấm dứt một đợt phiêu lưu đầy cảm giác mạnh của thị trường cà phê Robusta thế giới (xin xem biểu đồ 1 phía trên).
Arabica Ice sau một tuần vẫn rớt thêm 10,30 cts hay chừng 230 đô la/tấn.
Sáng nay, thứ Bảy 2-6, giá nội địa xuống quanh mức 42.000 đồng/kg. Tiếc cho mức 43.500 đồng, nay đã cao chạy xa bay.
Giá vắt, dắt hàng chạy qua… sàn
Trong tháng 5 vừa qua, sàn kỳ hạn đã tạo nên hiện tượng “vắt giá” khá đẹp mắt. Một số chuyên gia cho rằng đây cũng là một phép “thử lửa” để xem hàng Robusta trên thương trường có thiếu đến mức “gắt” lắm không.
Cũng trong thời gian này, sàn Robusta Liffe NYSE đã cấp giấy chứng nhận cho 15.780 tấn cà phê Robusta (certs) trong tổng số 15.970 tấn, hoàn toàn có xuất xứ từ Việt Nam, đạt 98,81%.
Đến hết ngày 28-5, báo cáo thường kỳ của Liffe NYSE thông báo lượng tồn kho sau 2 tuần đã tăng thêm 4.810 tấn lên 176.190 tấn. Như vậy, “vắt giá” đợt này đặt dấu chấm hết đợt phiêu lưu đi xuống của lượng hàng tồn kho certs Robusta tại Liffe NYSE sau 21 lần giảm liên tục (xin xem biểu đồ 2 phía dưới).
Có thể vì vậy mà giá trong tuần qua chỉnh xuống dần trên sàn kỳ hạn Robusta do mức độ thiếu hàng xem ra không “đến nỗi” và khá giả tạo. Nhờ giá tốt, các cơ quan dự báo cũng ước lượng cà phê xuất khẩu của nước ta trong tháng 5-2012 tăng trên 150.000 tấn, cao hơn ước đoán trước đây chỉ dưới mức 130.000 tấn.
Phép thử “giá ló, có hàng ngay” ít nhiều phản ánh đúng thực tế của thị trường.
Quyết chiến với may rủi
Đáng ra, sàn kỳ hạn Arabica Ice trong giai đoạn này ở những năm trước đã nhảy “xổm” vì thị trường thấp thỏm theo mùa sương giá tại Brazil. Năm nay hoàn toàn khác. Người ta ít bàn đến chuyện “rét đậm rét hại” dù bây giờ đã vào đầu tháng 6. Ở các năm trước, chuyện kinh doanh theo “thời tiết” có khi đã bắt đầu từ cuối tháng 4.
Thay vào đó, dự báo sản lượng cà phê Brazil và nhiều nước khác tăng, đồng real Brazil (BRL) liên tục mất giá so với đồng đô la Mỹ đã khuyến khích xuất khẩu. Cách đây không lâu, 1 đô la Mỹ ăn 1,7 BRL nay 2,04 BRL.
Cũng nên tỉnh táo để nhận định rằng: phải chăng vì cà phê năm nay được mùa lớn, nông dân Brazil đã tranh thủ bán ra và hệ quả nhãn tiền, giá sàn kỳ hạn cà phê Arabica rớt nhanh từ vài tháng nay. Giá cà phê Arabica hạ nhanh trong khi giá cà phê Robusta sàn Liffe NYSE tăng liên tục đã đưa mức cách biệt giữa Arabica với Robusta xuống mức phải quan ngại.
Tính đến hết khuya hôm qua, mức cách biệt này (arbitrage) chỉ còn ở mức 1.327 đô la Mỹ/tấn (60,26 cts/lb) so với đầu tháng 5-2012 là 2.076 đô la và đầu tháng 9-2011 là 4.130 đô la/tấn. (xin xem biểu đồ 3 phía dưới).
Như vậy, cuộc chiến giữa Arabica có sản lượng lớn và Robusta được nuôi bằng tiền đầu cơ tài chính thế giới đang bắt đầu. Đây là cuộc chiến “không cân sức” giữa một bên là loại cà phê ngon mang tính quyết định chất lượng cho tách cà phê (Arabica) và loại cà phê chủ yếu dành để phối trộn (Robusta).
Cuộc chiến lại càng không cân sức, khi bề dày kinh nghiệm đã có đến hàng vài trăm năm để dành thị phần của dân kinh doanh và nông dân Brazil trong lĩnh vực cà phê. Tuy hiện tượng còn khó phân biệt, thông số kỹ thuật này đang ở mức báo động “đỏ”.
Giả sử như cục diện thị trường không thay đổi, thời gian sắp đến, người kinh doanh cà phê Robusta sẽ gặp lắm khó khăn nếu thiếu nghiên cứu kỹ càng cung – cầu. Hay nói đúng hơn, ai có lượng hàng Robusta đầu cơ trong tay nhiều bao nhiêu, sẽ phải quyết đấu với may rủi lớn bấy nhiêu ngay từ hôm nay.
Sao lại nói là rớt đến xanh mặt! Có phải vì nghe bàn nên đã bán hết khi giá 41-42k giờ thì xanh mặt vì giá 43-44k chăng? Cũng tội cho những bà con dễ tin vào lời bàn mà nghĩ chưa thấu đáo.
Bàn là chuyện của người viết, còn bán là chuyện của mình quyết chứ bạn !
Nếu đúng như bạn Tèo nhận định giá cà xuống đáy 36k thì tui bảo đảm khẳng định rằng : sẽ không có MỘT HẠT CÀPHÊ nào xuống cảng từ nay đến giáp hạt thì thử hỏi lấy đâu ra cà R mà trộn cho thứ cà A chất lượng “vitamin C” cao, chỉ làm dung môi cho nước giải khát có ga mà thôi.
Nhờ có trang web của Y5Cafe và tập thể ban biên tập nhiệt tình và có nhiều tâm huyết mà đã giúp bà con nông dân biết được giá cả, cùng nhau trao đổi chia sẻ kinh nghiệm… thật là bổ ích. Bên cạnh những lo toan cuộc sống hằng ngày, mong ban biên tập dành 1 góc thư giãn “cười vui sống khỏe” để những ngày cuối tuần lúc ban biên tập nghỉ, ko có bài mới để đọc và bàn luận thì bà con nào có hứng thú ghé vô cùng góp vui bằng những câu chuyện vui lượm lặt để trang web ta thêm sinh động.
Xi ban biên tập và bà con đồng tình với đề nghị này !
Đọc bài viết ở trên xong tui bực hết cả mình. Thêm góp ý của bạn Tèo vina gì đó nữa, không có lập trường tí nào. Nếu giá đã cứ xuống như vậy tôi nghĩ có khá nhiều bà con thà đóng kho để mọt ăn chứ quyết không bán ra hạt nào. Làm gì thì cũng phải có lời mới làm chứ đúng không bà con? Quyết không bán, nếu chúng ta đồng lòng hết như vậy tôi nghĩ mọi việc sẽ khac hơn đó. Chúc Bà Con may mắn!
Bạn Văn Thành tức làm gì cho mệt. Ông này viết đưa ra toàn hiện tượng, thông số nên có vẽ gì được đâu. Đừng nghĩ gì đến giá lên hay xuống. Bạn cứ tưởng tượng ông ta nói có mây về vần vũ, ắt có mưa. Mây gặp gió, chắc không mưa. Thế thôi, chứ có hay ho gì đâu. Mình thường bực mình vì không thích mưa mà trời cứ mưa nên ra hay tức cả mình và tức cả người khác, rồi tức luôn ông trời. Mong lần sau ông đoán thiệt rõ giá tăng mạnh để anh em bạn bè mình khỏi tức.
Bác Văn Thành nói vậy là chủ quan rồi, vì bà con nông dân luôn phải có tiền cho con học, tiền đầu tư cho vườn cà phê + tiền chi phí sinh hoạt hằng ngày lúc nào cũng không dư dã gì mà gim hàng. Có 1 quy tắc nữa là được 1 ít còn hơn không có gì. Ngày hôm qua tin US ra rất xấu vàng tăng ào ào mà cà phê ta có vẻ giảm, có vẻ có chuyện ở nguồn cung quá lớn so với cầu rồi. Chúc các bác vui.
Sóng to thì thuyền cũng to
cafe rớt giá ta chất kho ghim hàng.
Dù ai nói ngả nói nghiêng
lòng ta vẫn vững khi Cà nguyên kho
Bạn haohao nói hay lắm, mình thích cách nói của bạn. Phải vững tâm mới thắng, không thể bán ra lúc này được bà con ạ. Trước sau gì không có hàng R thì giá R cũng phải ngoi đầu lên thôi.
Lại một bài viết không cân
Dọa người yếu vía lắm lần rồi đây
Sài Gòn Nông Sản dạo này
Vì đâu lại tiếp trình bày khó nghe.
Kết bài luôn giựt “sốc” hè
Dân cà phê phải liệu dè chừng đi!
Làm nhiều người sợ khiếp vì
Chuyên gia đã phán có khi thật rồi
Giá lên trên tí bốn mươi
Nếu mà chưa chốt đứng ngồi không yên.
Lập trường giao động thế nên
Ngậm bò hòn ngọt để quên cho rồi.
Uổng công năm, sáu tháng trời
Đợi cho mỏi mắt “tiễn thôi” chờ gì
Thế là xanh mặt bởi khi
Giá vèo bốn bốn… tiếc vì hết trơn.
Công ty mua mức cao hơn
Thông tin trên mạng để vờn hàng ra
Thỏa lòng mong ước dân cà
Alô bạn hả…bán đà được chưa?
Nhà tui, nhà bạn say sưa
Bảng giá trực tuyến lại vừa tăng thêm.
Hiển nhiên vì thế cho nên
Phân nhau mà chốt không bền mãi đâu.
Lên rồi giá lại giảm sâu
Đó là qui luật từ đầu đến sau
Để rồi nối tiếp mau mau
Giá vắt – cà lại xuống tàu mới hay
Giá này chưa “chín tầng mây”
Bốn tư mới tạm lấp đầy khoản chi
Phân tro, tưới nước công thì
Tăng gần gấp rưỡi gọi gì thăng hoa.
Các kho nhập dự trữ cà
Mới thêm một chút vậy mà đủ ư?
Găm hàng nửa tháng thực hư
Đặt ngay dấu chấm hay như vừa rồi?
Giá RÔ ắt lại lên thôi
Lo gì nay đỏ mấy hồi chuyển xanh
Bởi ta đang quyết để dành
Dễ gì thất bại đứt phanh trượt dài.
Quyết chiến từ một đến hai
Thời gian ủng hộ còn dài lo chi
Bra…tranh thủ bán vì
Bề dày kinh nghiệm vứt đi rõ ràng
A… luôn tụt đốc từ sản
RÔ dành ưu thế trình màn kịch hay
Lá cờ nắm chắc trong tay
Thua gì dân họ cà nay ngoài đồng.
Niềm vui tiếp đến nhà nông
Như đinh đóng cột trong vòng sớm thôi
Các bạn hãy gõ phản hồi
Có ai tin chắc như tôi không nào?
Chị chuột đồng làm thơ hay lắm. Tôi tin chăc giá đầu tuần sẽ xanh, bà con ta vững tin lên nhé. Nhà mình còn 120 bao loại 79k mình chưa ban hạt nào, phân đợt 1 mình cũng đang mua nợ. Giá 45 mình cũng chưa bán hi vọng giá cuối tháng 6 lên được 50k.
Tui ở Krong Ana, kho nhà tui đang khóa chặt quyết không xuất hạt nào để xem bon tây lấy đâu ra cà R mà vắt giá dân cà phê mình nữa, vì vậy tui mong bà con ta cần đến mô thì ta bán đến đó. Tui nghĩ nếu giá có quay về mốc 42 thì cùng không sao vì mốc hi vọng của bà con ta là 50 mà, nếu sợ mất 2 triệu một tấn mà bán đi sang tháng 6 – 7 cà phê lên 50 thì ta mất 8 triệu lận.
Ước gì mọi người nông dân trồng cà phê đều đày đủ, giàu có như bác… ̣̣(Đoạn này không được hiển thị)… thì có lẻ giá cà Rô sẽ lên đến 70-80k chứ chẳng chơi. Dĩ nhiên ai cũng muốn giá cả cao cao một chút để việc chi tiêu cho được thư thả thêm một tí. Nhưng đâu phải muốn là được. Khi cần thì giá nào cũng phải bán thôi.Còn nhớ mấy năm đầu thập kỷ trước, giá từ hai mấy ngàn xuống dần, xuống dần mãi chỉ còn bốn, năm ngàn mà hầu như mọt vẫn bị chết đói vì không có cà để ăn.
Nguồn cung cà phê giá rẻ thế giới khó đâu qua Việt Nam, trừ khi a TQ tung cà giả thôi. Nên có thể yên tâm giá bán khó đâu có thể cạnh tranh hơn, nên chuyện giá lên trong thời gian tới là tất yếu!
Bạn nongdancun nghĩ sao mà nói vậy. Nông dân nghèo thì giờ này làm gì còn cà phê, nhũng nhà còn cà phê để đến hôm nay họ không phải là hộ giàu thì cũng nằm vào hàng khấm khá rồi bạn ạ.
Bạn thanhle drao nói đúng đấy! Đến nay, nước ta xuất khẩu đã 1,1 triệu tấn. Nông dân “vừa và nhỏ” hầu như đã cạn kho. Vả lại, nông dân cứ cần đâu bán đó, giá cao càng tốt, giá thấp cũng chịu sầu. Nhưng phải bán để lo chuyện này kia. Nông dân dùng diễn đàn này để học hỏi thêm chứ không “làm giá”. Hiện nay, chỉ có đầu cơ và kẻ giàu, mua trữ cà phê mới than trách, nói tùm lum, khi giá tăng cười hễ hả khi giá xuống chưởi bới tùm lum không ra thể thống gì. Nên, tôi thấy không nên để diễn đàn này cho người mượn danh nông dân để nói theo ý kiến chủ quan của mình về thị trường. Thực ra, mình là con buôn thì cứ nói là con buôn, chơi hàng giấy cứ nói mình có tiền chơi hàng giấy… đừng lấy danh nông dân theo kiều này. Người đọc diễn đàn tưởng quý vị là nông dân thiệt, thương nông dân thiệt, nhưng thật ra làm hại thanh danh nông dân cà phê hàng ngày.