Gia Lai: “Nóng” nghề đúc trụ tiêu

Trước đây, để trồng tiêu đa phần những hộ nông dân phải chạy hỏi nhiều nơi để tìm mua cho được những cây gỗ tốt về xẻ làm trụ, điều này đồng nghĩa với việc tiếp tay cho các đối tượng phá rừng.

Tuy nhiên, vài năm gần đây tình trạng trên đã giảm dần thay vào đó là việc sử dụng trụ bê tông và đây được xem là hướng đi bền vững đồng thời tạo thêm công việc làm cho người lao động vùng nông thôn.

Năm 2011, tại xã Tân Bình (huyện Đak Đoa) từ 3 cơ sở nhen nhóm làm thí điểm, sau một năm số cơ sở đúc trụ tiêu đã tăng lên gần 30 điểm. Trụ tiêu hút hàng đến mức nhiều cơ sở phải thuê nơi khác gia công cho kịp giao hàng dù mỗi ngày một cơ sở đúc được từ 500-600 trụ.

Mưu sinh từ nghề đúc trụ

Khâu làm khuôn đúc trụ tiêu.
Khâu làm khuôn đúc trụ tiêu.

Nhóm làm khung trụ, tổ trộn hồ, người sắp khuôn cho khâu hoàn thiện… những công việc cứ đều đặn diễn ra, thi thoảng mọi người mới nghỉ tay bởi đơn đặt hàng đã lên đến hàng ngàn trụ.

Đó là những công việc thường ngày diễn ra tại cơ sở đúc trụ tiêu Hoàng Vũ- là điểm đúc trụ có quy mô lớn nhất tại xã Tân Bình. Anh Nguyễn Hoàng Vũ- chủ cơ sở Hoàng Vũ thôn 3, xã Bình Tân cho biết: Cơ sở hiện có 30 công nhân đang làm việc tại 4 cơ sở ở Tân Bình và 1 ở xã Bầu Cạn (huyện Chư Prông). Dù mọi người cố gắng nhưng số trụ đúc ra mỗi ngày chừng 600 trụ, trụ khô đến đâu khách cho xe bốc đến đó, hàng không kịp bán, nhiều khi phải lấy thêm các cơ sở khác mới đủ hàng cho khách.

Thông thường mỗi khách hàng đặt từ vài trăm đến cả ngàn trụ, nhiều thì 2.000 như anh Nghĩa ở Phú Mỹ (Chư Prông) vừa đặt hàng. Còn có trường hợp cá biệt như một hộ có rẫy tại Ia Grai đặt 8.000 trụ- anh Vũ nói.

Thời điểm hiện nay, giá một trụ tiêu dao động từ 130 ngàn đồng đến 160 ngàn đồng tùy loại. Riêng loại trụ rỗng ruột theo thiết kế được cho là mới nhất với lợi thế nhẹ, tính đàn hồi cao, không gãy vỡ khi vận chuyển, do vậy loại trụ mới này rất được nông dân ưa chuộng đặt hàng.

Bù lại sản phẩm do nhóm thợ làm ra, chủ tại các cơ sở thực hiện việc khoán công trên từng sản phẩm trụ tiêu với giá 14 ngàn đồng/trụ, trung bình mỗi ngày một thợ làm được từ 25-40 trụ tùy vào tay nghề và sức khỏe. Theo đó, mỗi công nhân có thu nhập từ 300- 400 ngàn đồng/ngày. Nếu tính so với công thợ nề chỉ khoảng 160 nghìn/ngày như hiện nay thì thợ đúc trụ tiêu có vẻ kiếm được, công việc cũng nhẹ nhàng hơn.

Anh Phan Văn Toàn quê ở Phù Mỹ (Bình Định) đưa gia đình lập nghiệp tại Gia Lai đã lâu, nhưng từ khi bước vào nghề đúc trụ tiêu đã cho gia đình anh có thu nhập ổn định, có hôm anh làm và tính được hơn 300 ngàn đồng/ngày. Cùng với anh Toàn, anh Trần Văn Kha, ở Bồng Sơn, Hoài Nhơn (Bình Định) ruộng ở nhà sạ xong, công việc ở quê cũng an nhàn nên được người quen giới thiệu lên Gia Lai đổ trụ kiếm tiền.

Nghe chuyện như đùa, nhưng cũng thử công việc mới anh đến xin làm sau một ngày thành thợ lành nghề. Ngày đầu lên thì trộn bê tông, mỗi ngày anh Kha chỉ trộn bê tông cho 5 người thợ còn lại đổ. Mỗi trụ đổ xong tôi được tính 2.000 đồng. Ở cơ sở này mỗi ngày cũng hơn trăm trụ, công việc trộn hồ có nặng nhưng có thêm thu nhập mua thêm quần áo, đồ học tập cho con là tốt rồi- anh Kha hớn hở nói.

Ồ ạt đổ trụ, trồng tiêu

ồ ạt trồng tiêu
Giá tiêu liên tục tăng cao, khiến người dân ồ ạt chặt bỏ những cây trồng khác để lấy đất trồng tiêu

Không chỉ ở Tân Bình (Đak Đoa) mà ở xã Ia Băng, Bầu Cạn, Tân Hưng (Chư Prông) cũng xuất hiện hàng loạt các cơ sở sản xuất trụ tiêu để bán. Chỉ cần nhìn thấy các cơ sở này hầu như không có hàng tồn, mỗi ngày bán ra vài trăm trụ, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có cả trăm cơ sở đúc trụ chưa kể các gia đình tự đúc để trồng, điều này cho thấy diện tích trồng tiêu đang tăng nhanh.

Theo con số thống kê từ Sở Nông nghiệp và PTNN tỉnh Gia Lai, diện tích hồ tiêu của tỉnh Gia Lai vào khoảng gần 7 ngàn ha, trong đó Chư Sê và Chư Pưh đã hơn 4.000 ha. Chỉ riêng xã Ia Pia (Chư Prông) đã có 600 ha, xã Ia Vê (Chư Prông) hơn 100 ha hồ tiêu và đang có xu hướng gia tăng. Huyện Đức Cơ năm 2011 có khoảng 238 ha hồ tiêu, nhưng việc trồng tiêu ồ ạt của người dân hiện nay, diện tích hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng cao.

Việc nông dân trồng hồ tiêu không theo quy hoạch, bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng dù nơi trồng có chất đất không phù hợp, thiếu nước tưới. Hậu quả nhãn tiền là mới đây do nhiều người dân chưa tìm hiểu rõ các kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu, cũng như khâu chọn giống đã khiến tiêu bị bệnh chết hàng loạt, nhiều nhà nông vì thế mà khốn đốn.

Trồng tiêu ồ ạt, mở rộng diện tích bất chấp hậu quả trở thành vấn đề nóng của nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nếu không có biện pháp tuyên truyền hữu hiệu, kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều hộ nông dân trồng cây tự phát, không theo quy hoạch vùng.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. chuotdong

    Thân gửi bạn Lan Rừng.
    Tui cũng như bạn
    Từng gán gia tài
    Đếm một, đến hai
    Vài lần thất bại.
    Rồi quay làm lại
    Cột chỉ khắc ghi
    Nên trồng cây gì
    Cho sinh lợi nhất.
    Đừng có lật đật
    Hiện giá tiêu cao
    Sau này thế nào
    Ai mà Lượng trước.
    Không khéo lại rước
    Cục nợ mất thôi
    Đất có cà rồi
    Nên đầu tư kĩ.
    Đó là cái lí
    Xóa đói giảm nghèo
    Biết bao người theo
    Giàu lên từ đó.
    Dần rồi bớt khó
    Cần có thời gian
    Thoát khỏi nghèo nàn
    Là con đường đúng.
    Bạn chớ nao núng
    Cho mình bất tài
    Vận dụng đất đai
    Trong tay mình có.
    Như Tiêu Phong đó
    Đội đá đứng lên
    Còn tui lại bền
    Rũ bùn đứng dậy.
    Thật ra thế đấy
    Vay ngân hàng mà
    Mua xe, xây nhà
    Chỉ là phá sản.
    Nên đưa dự án
    Mình mượn làm chi
    Đầu tư cái gì
    Sinh ra lợi nhé.
    Đồng tiền tự đẻ
    Khoản lãi đó nha
    Mượn ngân hàng à?
    Đó là thế bí.
    Dăm năm thanh lí
    Hợp đồng vay đi
    Làm tốt những gì
    Như mình “tư vấn”
    Hết vòng luẩn quẩn
    Trả rồi lại vay
    Chúc bạn đến ngày
    Không còn vay nữa.

  2. Phong Nguyen

    “Vay ngân hàng mà
    Mua xe, xây nhà
    Chỉ là phá sản.”

    Chí phải chí phải.
    Cái đơn giản này ai cũng biết những không phải ai cũng tránh được. Không tránh được không phải vì ngu dốt không hiểu mà vì u mê không chịu hiểu. Muôn hơn người nhưng rồi tự hại mình, hại gia đình vợ con.

  3. Chùa Bộc

    Giá Tiêu hiện tại quá hấp dẫn để bà con chạy theo thị trường. Trong khi đó, giá cà phê hiện tại vẫn chưa thoả mãn với ước nguyện của bà con. Dân biết đó, nhưng vẫn không hãm được cái hấp dẫn kia. Kinh tế lạm phát, và 1 ha cà phê, giá hiện tại, lợi nhuận hơn 100 triệu; biết bao chuyện phải lo và nghĩ cho tương lai?!

  4. tieuphong

    Xin chào thi sỹ của Y5, làm thơ mà cũng lôi tôi vào được, xin được nghiêng mình trước thi sỹ. Xương vai đã lành hẳn chưa?
    Năm nay dân mình đua nhau trồng tiêu thấy sợ quá, đến khi dịch bịnh thì ôi thôi đầu óc cứ quay cuồng vì tiêu, ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi có non 1.000 trụ tiêu năm nay không dám trồng thêm nữa, đầu tư qua giống cây khác thôi.
    Cuộc đời chẳng có bao lâu
    Sao ta cứ mãi đau đầu vì Tiêu.

  5. HGPKGL

    Em lại chào các bác.
    Xin hỏi trên này không ai ở Đăk Đoa ah, đọc như thế này thì thấy bác nhà báo đúng chỉ nghe với nghe thôi chứ chưa có cơ sở gì thực tế nhỉ.
    Trụ tiêu ơi là trụ tiêu nếu bây giờ nó trụ được nhưng không quá vài tháng nữa là nó ‘tiêu”. Xin mời các anh chị có ý kiến phân tích tham gia trao đổi về cái này mời vào chém đi
    Xin mạn phép chúc sức khoẻ mọi người.

  6. trung_tin_727

    Ý của HGPKGL là gì mà không nói thẳng ra đi?
    Không biết các bác thế nào chứ em thì muôn đời không bao giờ dám đụng đến trụ lục giác như trong hình. Tuy nó cũng tương đối nhẹ và mát như ý kiến của một vài người, nhưng với tình hình bão như ở Gia Lai vài năm nay thì không nên xài loại trụ này, mất công sau bão lại phải đi dọn trụ đổ đó.
    Chỉ có những người mới vào nghề trồng tiêu thì mới thích loại trụ lục giác rỗng này thôi vì nó có nhiều ưu điểm như nhẹ, dài, bề ngoài nhẵn đẹp, mát cho tiêu, dễ mua nữa. Nhưng nó có nhược điểm rất lớn là … dễ gãy mặc dù nó có tính đàn hồi.
    Bây giờ chỉ có đầu tư trụ sống là thượng sách, chậm mà chắc, nhẹ vốn, dễ kiếm, nhẹ nhàng…
    Đó là ý kiến của em, có sai thì các bác đừng ném đá mà đưa ra ý kiến để chúng ta cùng thảo luận nhé.

  7. HGPKGL

    Ý em là không có gì cả, chỉ nhờ các bác nào đang ở Tân Bình, Đăk Đoa lên tiếng hộ cái vụ đúc trụ tiêu này, chứ anh phóng viên này viết chưa đúng sự thật.
    Em xin thưa là, có những cái vô lý này.
    1. Cơ sở đúc loại trụ này là Đồng Tân, chú này làm hơn 10 năm rồi, sản lượng với chất rất cao, cơ sở Lê Vũ chứ không phải Hoàng Vũ.
    2. Là có 8.000 trụ mà nhiều ah., có người slot đến 20.000.
    3. là nếu hỏi xã Tân Bình thì cả chủ tịch xã cũng đếm không hết chứ đâu ra mà 30 cơ sở.
    Xin thưa: lúc trước em định viết bài báo về vấn đề nay rồi, nhưng lúc đó đã có người viết, nhưng giờ đọc lại thấy oan cho anh em dân TB nhỉ.
    Còn vấn đề tranh nhau dùng loại trụ lục giác, thì cần có một topic riêng để bàn, xin Mod mở đầu, em tiếp kiến ngay.

  8. thanhtam

    Xin chào các bác. Loại trụ lục giác này em thấy bê tông nó ko được bền lắm, qua nhiều năm bỏ phân nhiều nó sẽ bị rã chân thôi. E thấy trụ vuông ở Nam Yang nông dân họ đúc thấy chắc hơn.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85