Tin buồn

Thiếu kiến thức là rào cản lớn cho sàn giao dịch hàng hoá

Trong nhiều yếu tố được đưa ra để phân tích đâu là nguyên nhân của tình trạng ảm đạm của các sàn giao dịch hàng hoá Việt Nam hiện nay, sự thiếu kiến thức được xem là rào cản không nhỏ cho sự phát triển của loại hình giao dịch vốn được xem là cần thiết trong thời kỳ hội nhập này.

Phát biểu trong hội thảo về sở giao dịch hàng hoá do Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III tổ chức tại TPHCM hôm 15-5, ông Nguyễn Duy Phương, Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (VNX), cho biết trong một năm qua công ty ông gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, số lượng nhà đầu tư tham gia giao dịch rất ít, phần nào do hiểu biết của nhà đầu tư hiện nay về sàn giao dịch hàng hoá còn hạn chế do sự phức tạp của các hợp đồng phái sinh, mặc dù công ty đã tuyên truyền, và tổ chức các hội thảo. Kênh giao dịch hàng hóa phái sinh hoàn toàn khác biệt so với kênh chứng khoán, và đối tượng tham gia cũng rất hẹp, ông Phương cho biết.

“Kênh đầu tư hàng hóa đòi hỏi nhà đầu tư có đủ kiến thức và vượt qua được tâm lý: tại sao chúng tôi phải mua hàng hóa. Các nhà đầu tư cứ thắc mắc mua hàng hóa làm gì?”, ông Phương nói.

Ưu nhược điểm và rủi ro khi giao dịch hàng hóa phái sinh ]

Còn theo ông Phan Vũ Hùng, Giám đốc Sàn Giao dịch hàng hoá Sơn Tín (Sontin-STE), nhu cầu giao dịch hàng hoá qua sàn rất lớn, nhưng chi phí đào đạo nhà đầu tư cũng khá lớn. Sontin-STE là tên mới của Sàn Giao dịch hàng hoá Sài gòn Thương Tín (Sacom-STE) trước đây.

Ông Hùng cho biết, trong ba năm qua, kết quả kinh doanh của công ty không lỗ, tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) quá thấp, không tương xứng với số tiền 150 tỉ đồng vốn. Ông Hùng cho rằng, phải mất từ 3-5 năm nữa để hình thức giao dịch này phát triển, vì sự hiểu biết về sàn giao dịch hàng hóa tương đối khó hơn chứng khoán. Cập nhật thông tin chứng khoán khá dễ, và tính thanh khoản lớn, trong khi đó sàn hàng hóa hiện nay tính thanh khoản quá thấp.

Trong khi đó, những người đang tham gia cũng chưa chắc đã hiểu đúng hoặc hiểu hết về loại hình giao dịch này. Theo ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), trong nhiều hồ sơ nộp lên Bộ Công Thương để xin cấp giấy phép hoạt động sàn giao dịch hàng hoá, doanh nghiệp thường không chú ý đến giải pháp công nghệ vốn là một phần vô cùng quan trọng của sàn giao dịch hàng hoá. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp chưa tìm hiểu sâu về thị trường, ông Thưởng nói.

Hiện có một số sàn giao dịch hàng hoá đang hoạt động tại Việt Nam, tuy nhiên chỉ có sàn VNX được Bộ Công Thương – đơn vị quản lý hoạt động của sở giao dịch hàng hoá – cấp phép hoạt động. Hiện cũng chỉ có ba mặt hàng được phép giao dịch qua sàn hàng hoá là: cà phê, cao su và thép. Bộ Công Thương đang nghiên cứu để mở rộng hàng hóa giao dịch qua sàn của Việt Nam, như tiêu, bông và đường, và cũng đang hoàn thành quy định siết chặt việc tham gia mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá ở nước ngoài.

>> Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam có gì mới?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77