Trước tình hình cạnh tranh khốc liệt nhằm giành thị phần thu mua, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trên địa bàn Đăk Lăk bước đầu liên kết với các nông hộ sản xuất cà phê xây dựng vùng nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường, góp phần chủ động nguồn hàng cà phê nhân chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu bền vững.
Trên 3.200 hộ gia đình đồng bào các dân tộc tại huyện Krông Ana, Krông Năng, Cư M’Gar và thành phố Buôn Ma Thuột đã liên kết với Công ty TNHH MTV xuất khẩu cà phê 2/9, Công ty cà phê Trung Nguyên xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất cà phê sạch trên diện tích 12.100 ha, đạt chứng nhận UTZ Certified.
Nhiều đồng bào dân tộc Êđê ở xã vùng sâu Ea Tul (Cư M’Gar) cho biết, sau khi liên kết với Công ty cà phê Trung Nguyên đồng bào đã nắm vững và thực hiện tốt các quy tắc trong sản xuất cà phê sạch từ khâu trồng, chăm sóc, tỉa cành, bón phân, tưới nước… Kết quả là niên vụ vừa qua chi phí đầu tư mỗi héc ta cà phê giảm từ 4 đến 5 triệu đồng, trong khi, chất lượng vườn cây, năng suất, sản lượng và sản phẩm cà phê nhân đều đạt chất lượng cao. Doanh nghiệp cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cà phê nhân với giá thu mua cao hơn 400 đồng/kg so với giá thị trường. Vùng nguyên liệu sản xuất cà phê sạch của Công ty cà phê Thắng Lợi tập trung trên địa bàn huyện Krông Păk, rộng 1.800 ha, đều được trồng đai rừng chắn gió, đảm bảo vệ sinh môi trường. Doanh nghiệp này đã đầu tư xây dựng 27 km kênh mương dẫn nước, để phục vụ nước tưới cà phê theo đúng lịch, đảm bảo lượng nước cần thiết cho cây cà phê phát triển…
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc liên kết giữa doanh nghiệp thu mua với các nông hộ sản xuất không những tạo được nguồn hàng cà phê nhân chất lượng cao, ổn định cho nhu cầu xuất khẩu, mà còn góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác cho đồng bào các dân tộc theo hướng tiến bộ ; tiết kiệm chi phí đầu vào trong sản xuất, từng bước nâng tính chuyên nghiệp trong hoạt động quản lý và sản xuất cà phê ; tạo điều kiện gắn bó giữa nhà sản xuất với đơn vị thu mua chế biến, xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện nay mô hình liên kết này trên địa bàn Đắk Lắk vẫn còn ít so với yêu cầu.
- “Hiến kế” phát triển bền vững ngành cà phê
- Giới thiệu chứng nhận cà phê UTZ CERTIFIED
- Tìm hiểu hoạt động của Hiệp hội cà phê 4C
Vấn đề liên kết các hộ sản xuất cà phê là hướng đúng, tuy nhiên liên kết có nhiều mô hình khác nhau, tùy theo điều kiện của từng vùng. Theo tôi để thực hiện liên kết có hiệu quả nhất cần:
– Tuyên truyền rộng rãi cho các hộ sản xuất cà phê được biết,
– Giới thiệu các mô hình thật cụ thể cho các hộ cà phê được rõ, để tham gia,
– Các mô hình cần nhất là: Kỹ thuật, vốn, đầu ra ổn định, và điều quan trọng là phát huy tối đa nguồn lực của các hộ (khi liên kết nguồn lực được phát huy tối đa, chứ không đơn lẻ như kiểu sản xuất tiêu thụ của các hộ riêng biệt khép kín). Mô hình liên kết đảm bảo nâng cao chuỗi giá trị sản xuất.