Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp bắt đầu nghi ngờ tính xác thực của các báo cáo kinh tế từ chính phủ Mỹ. Công chúng đặt câu hỏi liệu mình đã biết được toàn bộ sự thật hay chưa.
Xem thêm:
> Kinh tế Mỹ chỉ cần một gói kích thích
Phố Wall nghi ngờ đây là âm mưu của chính phủ để kích thích tiêu dùng bằng cách cố ý thay đổi số liệu.
Nếu mối hoài nghi này lan rộng, nhiệm vụ phục hồi lòng tin đã khó sẽ lại càng khó hơn. Có thể một số người cho rằng ý kiến này thật ngớ ngẩn. Nhưng rút cục, chính phủ Mỹ có nói dối không?
Những tin đồn kiểu như thế bắt đầu từ vài năm trước khi giới đầu tư đặt câu hỏi về dữ liệu kinh tế từ Bắc Kinh. Sau khi chính phủ tuyên bố mức tăng trưởng khó tin, một số học giả đã kết luận rằng tốc độ tăng trưởng được Trung Quốc công bố đã bị thổi phồng lên gấp đôi. Niềm tin rằng các quan chức chính phủ Trung Quốc đã thay đổi số liệu kéo dài dai dẳng không chỉ trong giới đầu tư.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế gần đây ra báo cáo “Bí ẩn Trung Quốc: Số liệu GDP đáng tin đến đâu?”, theo đó tổ chức liên chính phủ này trích dẫn một nghiên cứu cho thấy tăng trưởng GDP quý I của Trung Quốc được thông báo là 6,1% nhưng có vẻ như chỉ xấp xỉ mức 0. Những báo cáo như thế làm niềm tin của dân chúng giảm sút, và không chỉ ở Trung Quốc.
Lòng tin không dễ có. Một khi đã nghi ngờ, nhà đầu tư không còn tin vào thị giá nữa và bắt đầu tìm kiếm lý do để hoài nghi.
Hãy nhớ lại Chủ tịch Bear Stern Alan Schwartz xuất hiện trên CNBC mùa xuân năm ngoái, ông khăng khăng rằng mọi thứ ở ngân hàng này vẫn ổn ngay trước khi FED buộc công ty này phải tự bán mình cho JPMorgan.
Hình ảnh ấy làm người ta nhớ đến những lời bảo đảm trước thảm họa nhấn chìm những Lehman Brothers, AIG, Fannie Mae và Freddie Mac.
Internet càng làm sự nghi ngờ lan rộng. Các trang web như shadowstats.com làm nổi bất những câu: “Bạn có bao giờ tự hỏi mình rằng tại sao số liệu về CPI, GDP và việc làm đi ngược với kết quả kinh doanh của bạn? Vấn đề nằm ở những báo cáo thiên lệch và thường bị giật dây của chính phủ.”
Môi trường blog càng làm vấn đề này trở nên thiếu kiểm soát. Sau khi hai người Nhật bị bắt giữ vì cáo buộc chuyển lậu qua biên giới Italy-Thụy Sỹ 134 tỷ đô la trái phiếu vô danh giả của Mỹ, tầm cỡ của vụ việc khiến giới blogger suy đoán rằng hoặc Bộ Tài chính Mỹ đã “bí mật” phát hành trái phiếu lấy tiền cho các khoản chi mờ ám, hoặc chính phủ Nhật Bản đang cố bán đổ bán tháo số trái phiếu này với mức chiết khấu cao. Sự thật rằng chúng chỉ là những kẻ làm giả tầm thường không khiến giới blog quan tâm.
Khi những sự kiện trước nay chưa từng nghĩ tới thách thức những giả định cơ bản nhất, chúng thường có xu hướng bị nghi ngờ, cuộc khủng hoảng này cũng không phải ngoại lệ.
Dân chúng thấy rằng chính phủ có động cơ mạnh mẽ để đưa ra những số liệu kinh tế đáng khích lệ, còn niềm tin của họ vào các định chế then chốt thấp hơn bao giờ hết.
Những lời tuyên bố từ Washington, London, Brussels và Tokyo không làm tình hình thêm sáng sủa. Các nguyên thủ nói về “thảm họa sụp đổ” và “tia hy vọng” có khi trong cùng một tuần lễ.
Liệu các số liệu kinh tế chính thức có bị thay đổi một cách có chủ ý? Có lẽ không, người ta không ngốc đến vậy. Những nhà đầu tư tinh tường sẽ nhìn thấu những mánh khóe ấy.
Tại sao không đưa thẳng các số liệu ra và để tự chúng nói lên mọi điều? Khi chờ đợi hồi phục, hy vọng rằng các nguyên thủ cưỡng lại được cám dỗ sửa đổi số liệu để vẽ nên một bức tranh toàn màu hồng.
Một bài diễn thuyết hùng hồn cùng với các báo cáo kinh tế khách quan có thể khiến sự tin tưởng phục hồi nơi công chúng. Nếu đó là niềm tin, một vài mầm xanh sẽ đâm chồi và nở hoa thịnh vượng.
Theo CafeF/ FT