Những tưởng câu chuyện “trâu làng nào ăn cỏ đồng nấy” chỉ xảy ra trong thời xa xưa, nhưng không ngờ ngay trong thế kỷ 21 này mà chúng ta cũng được (hay bị) chứng kiến đầy dẫy trên mạng, thông tin về việc con trai trong làng quyết bảo vệ gái làng mình trước sự tán tỉnh từ trai làng khác, sự cấm vận tán tỉnh yêu đương nhiều khi đã lên đến đỉnh điểm của xung đột đến nỗi xảy ra án mạng, nhưng trên hết là điều ấu trĩ trong tư duy, khiến nhiều người cười ra nước mắt.
Để tránh hiểu lầm trong phần sau, tôi xin nói ngay là tôi không thuộc loại người ủng hộ khổ nạn gái làng ta bị đem bán cho người Hàn, người Đài … để họ săm soi, chê bai hay suýt soa bình phẩm như đối với một món hàng bình thường. Trong lòng mỗi người, không ít thì nhiều ai ai cũng có lòng tự tôn Dân tộc của mình cho nên chúng ta luôn có xu hướng nghiêng về phía màu cờ sắc áo phe ta, luôn mong cho phe mình lúc nào cũng thắng cho dù chỉ trong một trò chơi nhỏ, tình cảm này là điều chính đáng ở cấp độ làng ta và là thiêng liêng nếu ở mức độ quốc gia.
Tuy nhiên một khi vì tình cảm hay vì quyền lợi của riêng mình hay của một thiểu số mà đẩy sự phản ứng đến mức độ cực đoan và lý luận theo kiểu: cô là gái làng này, uống nước giếng làng này, cơm gạo làng này nuôi, chơi ù mọi với nhau cùng trai làng này, không được lấy trai làng nọ thì vấn đề đặt ra nghe sao mà quái dị.
Tất cả mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng đứng trước phát biểu của một số quan chức lý luận rằng chúng ta đã đầu tư đường sá, cầu cống, thủy lợi và cơ sở hạ tầng v.v.. vào ngành cà phê để rồi cho người nước ngoài đến tranh mua là sự thất bại, cần tìm mọi cách để ngăn chặn “sự lũng đoạn”, thì sao mà thấy hạt cà phê nông dân mình làm ra quá giống thân phận gái làng đang bị ngăn chận bởi đám trai làng ta.
Trong trường hợp này thì người nông dân cũng chẳng khác những vị sinh thành là mấy khi nhìn thấy đám trai làng hư hỏng, được cha mẹ nuông chiều quá mức, học hành thì không thích mà chỉ thích đua xe, nói mười voi mà không được bát nước sáo, gã con cho ngữ ấy thì chẳng khác bán đổ báo tháo danh phận con mình, nhìn quanh làng cũng không thiếu những anh tốt tính nhưng có nơi có chốn mất rồi.
Theo suy nghĩ của riêng tôi thì sự đầu tư của Nhà nước cho cơ sở hạ tầng nhằm giúp cho ngành cà phê phát triển được như hiện nay không thể gọi là thất bại, khi nhờ vào hệ thống ấy mà người dân đã đưa được sản phẩm của mình đi xa hơn, nhiều nơi biết tiếng hơn cũng đồng nghĩa với dần dà có nhiều khách hàng hơn.
Đừng vì sự thất bại do yếu kém của mình mà nghĩ anh trai trong làng cũng không lấy được vợ như mình. Cùng là Tổng Giám Đốc doanh nghiệp trong nước như nhau, nhưng một vị thông qua Internet ngồi chỉ đạo trực tuyến cả hệ thống từ nam chí bắc, tuyển dụng người thực sự giỏi giúp việc cho mình, đuổi thẳng cánh những ai không mang lại hiệu quả trong một thời gian cụ thể, chọn khách hàng cung cấp uy tín mà chơi. Một vị khác thì không tin ai cả trừ những người làng người nước, can thiệp vào mọi việc từ to cho đến nhỏ, nhờ vào tiền bạc mênh mông một thời mà ai cũng tung hô việc mình quyết đều là đúng, can thiệp vào cả những việc không thuộc chuyên môn, cho về vườn những người nói không thuận theo ý của mình. Tốt xấu xin không bình luận, nhưng kết quả gặt hái chắc chắn sẽ khác nhau.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng hạn chế cạnh tranh mua bán sẽ không thúc đẩy được sự phát triển cà phê (nói riêng) của một vùng nào đó mà là ngược lại, ép giá thấp do sự độc quyền mang lại khiến cho người dân chán nản vào sự đầu tư, khiến cho sản lượng và cả chất lượng giảm sút. Đã có thời nhờ dựa vào sự phát triển mạnh của mình, một công ty đã luôn phát giá arabica tại một vùng xa xôi cao vọt lên để đánh bật đối thủ cạnh tranh đang lăm le vào vùng nguyên liệu của mình, khi đối phương bị sứt đầu không chịu nổi rút lui thì công ty nọ lại hạ giá xuống thật thấp để mua, thế mà đến nay họ vẫn mẻ trán như thường. Việc họ thua hay thắng là chuyện của nhà kinh doanh, nhưng trước mắt Nông dân là người lãnh hậu quả trực tiếp.
Mới chỉ ý kiến từ một phía mà đã tự mâu thuẫn với chính mình. Đối với DN có tiềm lực hơn thì bảo họ lũng đoạn, cạnh tranh không lành mạnh, đối với DN kém tiềm năng thì bảo họ bán phá giá thị trường, chỉ mới mua được 50% lượng cà phê của Nông dân mà đã kêu ca là đói vốn… Giả sử nông dân dành bán hết 100% cho DN trong nước thì sẽ còn bị đói vốn đến chừng nào? Thật chẳng khác chi nếu không cho gái làng ta đi lấy chồng làng khác thì cà phê của nông dân sản xuất ra có mà ở giá hay sao?
Thiết nghĩ, con số 60/40 nghiêng về phía DN trong nước phải chăng sẽ là một con số vừa đẹp, đủ để cho DN trong nước không chủ quan, biết học hỏi, trau dồi và có nhiều cố gắng hơn để lớn mạnh so vai cùng bè bạn, và cũng không đủ để cho DN nước ngoài với tiềm lực lớn hơn ép chết DN trong nước.
Tình hình giá cà phê có năm này năm khác như lịch sử đã diễn ra. Xin đừng chỉ nhìn thấy khung giá hôm nay ở mức tương đối mà tìm cách gạt bớt người mua, đề ra lắm phí. Xin đừng quên nông dân có những năm phải “lặn lội thân cò nơi quãng vắng” khóc thầm với cái giá 4000 đồng. Họ cần có sự bù đắp từ những năm thuận lợi để có thể duy trì sự tồn tại với cái nghiệp cà phê của mình.
Mong rằng Nhà nước chúng ta sẽ sớm có chính sách với cái nhìn xuyên suốt, điều tiết thích hợp thông qua sự lắng nghe từ nhiều phía, để cà phê Việt không phải lâm vào cảnh ngộ:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ trước gió biết vào tay ai?
Kinh Vu (giacaphe.com)
Cảm ơn bác Kinh Vu đã nói hộ cho nông dân chúng tôi. Chẳng biết mấy ông có trách nhiệm có đọc bài viết này không nữa.
Đọc bài của Anh Kinh Vu mà thấy ưng cái bụng. Tôi rất yêu quê hương đất nước, rất yêu bản sắc dân tộc mình và cũng rất có lòng tự tôn Dân tộc của mình. Nhưng nói cho đúng là “Trai làng ta có nhiều người bất tài mà ko có chí tiến thủ, cục bộ,…” cho nên ko đủ sức để giữ được “Gái làng ta vừa đẹp người vừa đẹp nết”. Tốt nhất hãy để cho “Gái làng ta” thoải mái ra khỏi làng ta. Cảm ơn anh Kinh Vu đã nói lên nỗi lòng của “Gái làng ta” (của người nông dân một nắng hai sương).
Bác viết rất đúng với thực trạng hiện nay mong sao các ông đươc gọi là phụ mẫu của dân đọc được bài viết này.
Nông dân cà phê ơi, hãy nhìn kìa!
Sự sống còn của cây điều VN, sự thê thảm của giá điều thô hiện nay không là bài học nhãn tiền cho nông dân trồng tiêu, điều, cà phê, cao su… hay sao?
Giá điều đang thê thảm, người trồng điều đang kêu cứu, gần cả triệu con người trồng và chế biến điều đang ngắc ngoải trong khi chế biến điều đem lại sự giàu có, lợi nhuận xuất khẩu điều đang khủng… có ai thấy cho? Nông dân VN còn khổ đến bao giờ nếu cứ tìm mọi cách để cấm vận theo kiểu “trâu làng ta chỉ cần ăn cỏ đồng ta”!
Ai lo cho nông dân nghèo khi họ chỉ biết tự bơi trong ao làng?
– điều tiết thích hợp thông qua sự lắng nghe từ nhiều phía, …?
Hình như ông Kinh Vu này chưa tỉnh ngủ hay sao mà!
CAM ON BAI VIET THAT TAM HUYET
Gửi Gia hưng!
Không biết bạn nghe từ nhiều phía là những phía nào? Sau khi nghe bạn gạn lọc thông tin theo hướng nào?
Tại sao bạn nói Kinh Vu chưa tỉnh ngủ? Chưa tỉnh ngủ sao nghe được dân oán thán, doanh nghiệp kêu ca? Hình như bạn chưa tỉnh ngủ thì đúng hơn.
Tôi thấy bạn Kinh Vu nói đúng bạn thử nghĩ lại.
Đàm Hưng ơi! Chịu khó đọc kỹ lại bài và nhất là hiểu chính xác ý của tác giả nghe.
Dù sao cũng xin lỗi vì để bạn không hiểu được ý.
Sao không nói thẳng mà nói bóng gió ví von làm gì?… Vài năm trước nghe tin DN nước ngoài mua cafe trực tiếp của nông dân, tạo nhiều lợi thế cho nông dân, nhưng các DN trong nước chống đối, kiện cáo không biết ai…?
Đọc bài viết của bạn Kinh Vu mình thấy được tâm tư nguyện vọng của Người Trực Tiếp Trồng cafe. Cafe không thể lên giá được trong thời gian vừa qua là cũng do một phần các DNVN phản ứng thái quá với một số các DNNN đang lăm le nhảy vào thị trường Việt Nam. Các DNNN nắm bắt được sự mất đoàn kết này và sự mua bán không có tầm nhìn xa này của các DN nội, họ đã thừa cơ nhẩn nha ép lại các DNVN với mức giá có thể bởi thừa biết tiềm năng của các DNVN đang đến hồi kết. Thành ra người dân chúng ta cũng rất khó mà được hưởng mức giá cao nên bắt buộc tiếp tục găm hàng bán nhỏ giọt cho DN nào có tiềm năng về mọi mặt chịu đựng về lâu dài thì tồn tại. Anh nào cạn hơi sẽ đứt ngay trong thời gian sớm nhất. Đây là một cuộc chiến đấu bằng trí- bằng vốn- của các DNNN đối với các DNVN cùng với bà con sản xuất. Ai mạnh sẽ thắng yếu tất nhiên bị diệt vong. Bà con nông dân chúng ta biết đoàn kết hạn chế chi tiêu- ăn xài mua sắm mức độ- bán cafe khi thật cần thiết thì chắc chắn sẽ thắng. Các DN trong và ngoài nước họ không thu mua được lượng hàng cần thiết có thể thì việc họ thua lỗ cũng sẽ sớm được định đoạt. DN nào có nhiều hàng trong tay thì họ chắc chắn thắng và họ có thể điều chỉnh phát giá theo ý họ muốn. Chúc bà con hãy tỉnh táo cùng nhau kết đoàn chờ giá lên mức 2500usd thì xuất từ từ nhé. Thân
Cảm ơn Kinh Vu, nền kinh tế thị trường rất công bằng với mọi người từ người mua tới kẻ bán các DNTN vẫn muốn như thời bao cấp, thấy DNNN vào mua caphe là cứ bảo rằng TƯ BẢN đang bóc lột mọi người đấy! Thật nực cười, bây giờ thì sáng mắt ra chưa?
@minh tuấn bình luận về kinh tế thị trường, nhưng theo mình bạn thực sự chưa hiểu nó khi cho rằng nó “rất công bằng với mọi người “…
Nó sẽ công bằng là ai cũng có quyền cạnh tranh, nhưng khi đã cạnh tranh rồi thì công bằng cũng tiêu luôn vì qui luật thị trường còn có mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé đó bạn à.
Công bằng sẽ chỉ là lý tưởng mà thôi.
Các anh trai làng này được ví như “ác ôn vùng nông thôn” trong thành ngữ sành điệu tuổi teen!
Gia Hưng à!
Cách làm ăn ở Việt Nam hiện tại giống như một mảnh ruộng có nhiều cá và nhiều dòng chảy, người bắt cá chặn hết các dòng chảy chỉ chừa duy nhất một dòng và đặt hom ở dòng đó rồi tháo nước. Con cá chỉ có hai lựa chọn một là chết trên ruộng hai là chết trong hom và đường nào cũng chết.
Cũng giống như Doanh nghiệp trong nước kêu gọi nhà nước cấm không cho doanh nghiệp ngoại mua trực tiếp trong dân và sau đó ép giá nông dân, người dân không bán cho doanh nghiệp trong nước thì không biết bán cho ai còn nếu bán cho doanh nghiệp trong nước thì lỗ (đường nào cũng chết). Hay cũng giống như trai làng phong tỏa không cho gái làng lấy chồng nơi khác (hoặc lấy chồng trong làng hoặc ở giá) như Kinh Vu nói mà thôi. Bạn đã thấy được Bạn Kinh Vu hiểu được lòng dân chưa mà bảo người ta chưa tỉnh ngủ? Hay bạn nhắc khéo Kinh Vu là không nên để lộ những mánh khóe của doanh nghiệp trong nước?
Bà con nông dân thân mến! Chúng ta chẳng thà chết trên ruộng chứ không thể chết trong hom. Không bán rẻ chẳng thà hấp cơm ăn… Ồ quên mất cà phê không hấp cơm được.
Dù sao vẫn nói với Đàm Hưng cho rõ ý nhỉ !
1.- điều tiết thích hợp thông qua sự lắng nghe từ nhiều phía, …?
Câu này là của Kinh Vu ở đoạn kết luận cuối bài mà Đàm Hưng tưởng là của mình, nên mình có nói Đàm Hưng đọc kỹ lại và hiểu chính xác ý mình hơn. Nhưng mình biết Đàm Hưng vẫn chưa đọc lại, hay vẫn chưa thấy. Và mình có thêm vào đó dấu hỏi, ý mình muốn hỏi tác giả.
2. Kinh Vu nói lắng nghe nhiều phía, và ý mình là muốn hỏi KV chưa tỉnh ngủ hay sao mà còn yêu cầu lắng nghe? Yêu cầu thì đúng nhưng xưa nay họ bỏ hết ngoài tai chứ họ có thèm nghe ai đâu. Thậm chí họ đang vận động Chính phủ ra Nghị Định không chỉ kinh doanh có điều kiện cho một mà gần như tất cả các loại nông sản như gạo, cà phê, điều… và rồi đây sẽ là cao su, chè, tiêu nữa không biết chừng. Mình dùng chính câu nói của KV để hỏi KV, vì KV còn tin nên mới yêu cầu, còn mình, xin lỗi mình hết tin rồi bạn à.
Không có tí xíu lợi ích nào dành cho nông dân trong mấy vụ này đâu! Bạn lại nhầm tiếp nữa đấy. Cám ơn Đàm Hưng chịu khó đọc.
Thị trường cà fe đang bị các doanh nghiệp tìm cách ép giá nông dân chúng ta mà thôi. Còn ra nước ngoài bị đánh bại lại đổ lỗi cho cơ chế, chính sách, vốn, thật buồn cười. Có lẽ các doanh nghiệp của chúng ta đang hoạt động thiếu mất chữ tâm. Họ quên mất rằng họ đang sống và tồn tại nhờ người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt cà fe. Mong sao cà fe chúng ta làm ra tìm được chổ đứng xứng đáng của nó cho người nông dân bớt khổ.
“Trai làng ta” cấm vận “Gái làng ta” cả thế kỷ XX rồi còn gì nữa . Bây giờ là thế kỷ XXI, một thế kỷ hội nhập sâu rộng toàn cầu thì không cấm vận được nữa đâu “Trai làng ta” ạ ! Phải soi lại mình , đầu tư nhiều thứ cho bản thân và phải chơi “ga lăng” nữa mới mong giữ được “Gái làng ta” không thì “họ” lấy chồng ngoại hết , lúc đó “Trai làng ta” chỉ có nước ở giá hoặc là phải “thay đổi gới tính” mới tồn tại được.
BẠN ĐÃ HIỂU TƯỜNG TẬN MỌI ĐIỀU CHƯA?
Tôi hiểu được tâm trạng của người có sản phẩm trong tay. Ai cũng muốn bán được giá cao cả. Điều này là chính đáng nhưng tôi rất không đồng tình ở chỗ hở ra là toàn cầu hóa, là gia nhập WTO, là kinh tế thị trường… Xin hỏi các bạn có nước nào không bảo hộ DN nước mình? Kinh tế thị trường ở VN có bằng Mỹ và châu Âu không? Họ có thả cửa cho DN các nước tự tung tự tác trên thị trường của họ không? Xin thưa rằng không có chuyện đó. Họ đặt ra đủ thứ rào cản để sản phẩm các nước gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia thị trường: Hết tiêu chuẩn này đến yêu cầu nọ, hết thuế đến các điều kiên ngày càng khó thực hiện. Họ làm vậy để chơi cho vui chắc?
NTG
Bạn NTG nói rất đúng, các nước họ đặt ra khá nhiều rào cản, nhiều cố gắng bảo vệ DN trong nước ở chừng mức có thể theo các hiệp định họ đã ký, cái chỗ nhầm lẫn của bạn NTG và cũng là chỗ chưa hiểu tường tận là: các rào cản đó nhằm ngăn chặn hàng từ các nước khác đến, còn chúng ta thì lập rào cản để ngăn hàng từ trong nước đi, vui là ở chỗ ấy.
Kinh Vu nói rất hay trong khi người dân trồng cafe chi phí cho sản xuất ngày càng tăng, giá phân lên, nhân công cũng tăng chóng mặt, xem lại lợi nhuận của người trồng cafe chẳng được là bao nữa. Trong lúc đó giá cả thì các doanh nghiệp thu mua chỉ phát ra trong khoảng 36-40 nghìn chứ không cho lên nữa. Mọi năm ra tháng 3-4 là tăng lên nhưng năm nay không lên. Sự chịu đựng của người dân có hạn vì còn phải chi phí đủ thứ. Chắc chắn không chờ được giá cao hơn nữa rồi.
Ai nói gì thì cứ nói nhưng mục tiêu là phải quyết tâm thu cho được phí và hạn chế đầu mối xuất khẩu bằng biện pháp kinh doanh có điều kiện. Đó mới là sự sống còn của Vicofa và G20.
Bài viết hay, có chiều sâu, phân tích có tầm chiến lược. Mong bài viết đến tai của các vị quan chức để có trách nhiệm trước cuộc sống của người trồng cafe.
Thực là một cây bút có dũng khí. Bài viết đã nêu thực trạng của Ngành cà phê chúng ta đã và đang diễn ra và có lẽ sẽ còn tiếp tục diễn ra.
Xin bàn thêm: trong những năm qua nhà nước ta chưa có một chính sách phù hợp đối với việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê, mà chỉ ghi nhận sự đóng góp quan trọng về việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và lợi nhuận mà nó đem về cho đất nước. Sự lừng chừng giữa ý chí quan liêu bao cấp và kinh tế thị thị trường; bỏ thì sợ mất mà nắm thì không đủ tài, lực. Mặt hàng cà phê là một mặt hàng dễ mua, bán nhất mà làm không nổi, để cho hàng triệu nông dân phải oằn mình chịu đựng áp lực từ nhiều phía. Hỡi ôi công bộc của dân đâu? mà để dân đến nông nỗi này!
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” bà con tự tìm ra cách tự cứu mình trước mắt và có thể còn kéo dài nữa đấy.
Để diễn đàn ngày càng phát triển, tạo sân chơi cho những ai yêu diễn đàn này xích lại gần nhau hơn. Tất cả các bài viết đều có những giá trị nhất định của nó tùy theo tư duy của mỗi người, vì vậy chúng ta đừng nên đao to búa lớn với nhau mà hãy bình tĩnh phân tích, tìm tòi, góp ý chân thành, điển hình như ý kiến của các bạn Thuận Hòa, Văn Thành, Thanh Tâm…
Người xưa nói ” có nằm trong chăn mới biết chăn có rận” vì vậy chỉ có nông dân mới hiểu nỗi khổ mà mình phải chịu, còn thị trường từ đại lí thu mua đến doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước hoàn toàn họ không hề lưu tâm đến ai đâu chỉ làm sao có hàng để mua, có hàng để bán thu lợi nhuận về cho bản thân doanh nghiệp là đủ rồi ! Do đó, chúng ta cần phải đoàn kết, quyết tâm thực hành tiết kiệm và cố gắng không ngừng mệt mỏi thì chắc chắn thị trường sẽ chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn
Một số quan chức nhận tiền của các doanh nghiệp rồi do vậy phải bảo lãnh cho họ làm ăn với chứ