Thu phí xuất khẩu cà phê: Thu không khó, sử dụng quỹ hợp lý mới khó

Dự định thu 2 USD/tấn cà phê xuất khẩu từ tháng 10 năm nay của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) khó thành, bởi các doanh nghiệp thiếu niềm tin vào cơ chế sử dụng quỹ, còn người nông dân thì chưa nhìn thấy lợi ích.

Xem đầy đủ chuyên đề: Sẽ thu phí xuất khẩu 2USD/tấn cà phê từ tháng 10/2012

Theo phương án của Vicofa, khoảng 70% nguồn thu của Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cà phê sẽ chi cho công tác tái canh cà phê, 30% để hỗ trợ lãi suất tạm trữ. Vicofa lập luận, diện tích cà phê già cỗi của Việt Nam đang tăng nhanh, nếu không tích cực tái canh thì 10 năm nữa, Việt Nam sẽ mất vị thế hiện có trên thị trường xuất khẩu cà phê trên thế giới.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra liệu có phải người nông dân cần nhất là đầu tư tái canh cà phê? Vì ngay khi chưa hề có bất kỳ một quỹ nào, hàng năm họ vẫn tự tái canh 5-10% diện tích cà phê của mình. Còn với mục đích tạm trữ, dĩ nhiên sẽ tránh được rớt giá cà phê ồ ạt, song, không phải chỉ duy nhất người nông dân được hưởng lợi.

Xuất khẩu cà phê
Vấn đề không phải là nên hay không nên thu phí xuất khẩu cà phê, mà là ai sẽ đứng ra bảo đảm số tiền đó được sử dụng hiệu quả

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa cho rằng, những diễn biến bất thường trên thị trường và sự thiếu bền vững trong một ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, việc thu phí xuất khẩu cà phê là cần thiết. “Tuy nhiên, đối tượng đầu tiên cần tính tới, không ai khác, chính là người nông dân, bởi nguồn thu này thực chất là gián thu từ những người trực tiếp làm ra hạt cà phê. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải tìm ra phương án sử dụng quỹ một cách hợp lý nhất”, ông An nói.

Đồng quan điểm về cách vận hành Quỹ, đại diện cho khối doanh nghiệp nước ngoài, ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Truyền thông đối ngoại, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cũng cho rằng: “Vấn đề không phải là nên hay không nên thu phí xuất khẩu cà phê, mà là ai sẽ đứng ra bảo đảm số tiền đó được sử dụng hiệu quả”.

Đồng tình ý kiến này, ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm chính sách Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam cũng cho rằng: “Quỹ bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng cà phê được coi là cơ chế tích cực để hỗ trợ tái canh cà phê. Tuy nhiên, việc xác định nông dân nào được nhận tiền tái canh, nhận như thế nào, tái canh thế nào… thì vẫn chưa được nhắc đến”.

Không chỉ với nông dân, mà các doanh nghiệp cũng cho rằng, cơ chế sử dụng Quỹ chưa thật phù hợp với doanh nghiệp. Ông Phạm Khánh Hiệp, chuyên gia cà phê cho rằng, Quỹ cần được sử dụng để nâng cao năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Khi năng lực của doanh nghiệp được nâng lên, họ làm ăn có lãi, thì giá thu mua cà phê được nâng lên, người dân sẽ được hưởng lợi.

“Điểm yếu nhất của các doanh nghiệp cà phê nước ta là kiến thức kinh doanh. Nếu kéo dài tình trạng này, có thể 5- 10 năm nữa, doanh nghiệp cà phê nước ta vẫn cứ thua lỗ. Vì vậy, nếu Hiệp hội sử dụng Quỹ vào những hoạt động có ích cho doanh nghiệp như nâng cao kiến thức kinh doanh, thuê đơn vị tư vấn, mua thông tin thị trường từ các hãng tin chuyên nghiệp, thuê chuyên gia phân tích thị trường… thì doanh nghiệp sẽ ủng hộ hơn. Còn tái canh là việc cần thiết, nhưng hiện người dân đang tự làm được”, ông Hiệp nói.

Một vấn đề nữa làm nhiều doanh nghiệp băn khoăn là, hiện Vicofa chỉ bắt buộc doanh nghiệp thuộc Vicofa phải nộp phí. Ông Nguyễn Văn An cho rằng, nếu thu phí xuất khẩu cà phê thì phải thu đồng loạt, căn cứ vào hợp đồng xuất khẩu, không phân biệt doanh nghiệp trong hay ngoài Hiệp hội.

Tương tự, ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cà phê cũng cho rằng, hiện cả nước có 12 doanh nghiệp FDI, chiếm tới hơn 50% khối lượng cà phê xuất khẩu, nếu không thu phí những đối tượng này, sẽ gây ra sự bất bình đẳng.

Thực tế, theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, khi có thông tin sẽ thu phí các doanh nghiệp thuộc Vicofa, một số doanh nghiệp nước ngoài đã xin ra khỏi Hiệp hội. Tuy nhiên, sau khi Vicofa thông báo, sẽ đề nghị Chính phủ thu phí tất cả thành viên trong và ngoài Hiệp hội, thì các doanh nghiệp này đã rút lại ý định đó.

>> Doanh nghiệp phản ứng với thu phí cà phê

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tham quan

    Trong khi “Tham nhũng đang là QUỐC NẠN, đe dọa tồn vong của chế độ” thì việc sử dụng quỹ thất thoát không dưới 30% là điều hoàn toàn xảy ra, như đã từng ngày từng giờ xảy ra đối với đầu tư công! Bài toán đau đầu với cơ quan chống tham nhũng!

  2. Nghiện caphe

    Lại điệp khúc cũ, một chính sách đưa ra mà thấy hoàn toàn phản đối, chưa chắc đã thực hiện được, nên xem lại…

  3. Trần Minh Hiếu

    Vậy là vấn đề này còn được các nhà lãnh đạo “hàng đầu” của ngành cà phê VN tranh cãi. Còn nông dân thì “đầu hàng” với những cách lập luận như khiểu này :
    “Điểm yếu nhất của các doanh nghiệp cà phê nước ta là kiến thức kinh doanh. Nếu kéo dài tình trạng này, có thể 5- 10 năm nữa, doanh nghiệp cà phê nước ta vẫn cứ thua lỗ. Vì vậy, nếu Hiệp hội sử dụng Quỹ vào những hoạt động có ích cho doanh nghiệp như nâng cao kiến thức kinh doanh, thuê đơn vị tư vấn, mua thông tin thị trường từ các hãng tin chuyên nghiệp, thuê chuyên gia phân tích thị trường… thì doanh nghiệp sẽ ủng hộ hơn. Còn tái canh là việc cần thiết, nhưng hiện người dân đang tự làm được”, ông Hiệp nói.”

    Vậy là doanh nghiệp tiếp tục lỗ 5-10 năm nữa đó!? nông dân chúng tôi không đủ trình độ để tưởng tượng được điều này vì như nông dân chúng tôi mất mùa, thua lỗ 1 năm thì phải đến 5 năm sau bù được lỗ. Có lẽ phải nhờ đến Y5CAFE cho phép nông dân chúng tôi ném đá cái lũ chỉ biết nghĩ cho mình mà bỏ qua cả “tập đoàn” nông dân đang tạo ra sản phẩm không chỉ cho VN mà cả thế giới sử dụng. Nông dân chúng tôi tự làm được thì các người đừng gây thêm sự khốn đốn cho chúng tôi.
    Cho phép tôi ném viên đá đầu tiên.

  4. Batigol

    Tôi không biết xin cho hỏi, Ban lãnh đạo hiệp hội Vicofa là do các thành viên cùng các doanh nghiệp bầu ra hay ở trên chỉ định xuống. Nếu các vị tự bầu ra giờ chính các vị không tin thì bầu ra để làm gì. Vậy mục đích ban đầu khi thành lập hiệp hội là gì chỉ là nơi thu thập và truyền tải thông tin về cà phê và đi “cầu cứu” nhà nước dùm mỗi khi các doanh nghiệp thua lỗ thôi sao?

  5. ca phe duc trong

    Ko biết thu quỹ này sẽ hiệu quả đến đâu, nhưng giờ trước mắt đã thấy nông dân chịu thiệt rồi. Ai đã từng làm cà phê mới thấy được sự vất vả của người nông dân, mấy ông đó ngồi ko mà cứ muốn hưởng lợi trên mồ hôi nước mắt của người nông dân là ko chấp nhận được. “nếu Hiệp hội sử dụng Quỹ vào những hoạt động có ích cho doanh nghiệp như nâng cao kiến thức kinh doanh, thuê đơn vị tư vấn, mua thông tin thị trường từ các hãng tin chuyên nghiệp, thuê chuyên gia phân tích thị trường…”.
    Trách nhiệm của doanh nghiệp là tự tìm thông tin mà nắm bắt thị trường chứ, tại sao lại bắt nông dân đóng quỹ này để phục vụ mấy ông?

  6. duchuy

    Vấn đề thu phí XK cà phê tôi có ý kiến sau:
    1/ Bản chất là nông dân gánh chịu hoàn toàn dưới hình thức gián thu, như vậy nông dân được lợi gì?
    2/ Tái canh cây cà phê người nông dân tự làm, tự bỏ chi phí chứ không thể ngồi chờ chi phí được phân bổ từ nguồn thu ( mà thực chất là tiền của mình), hơn nữa việc tái canh khi triển khai có tổ chức chắc chắn sẽ có hội nông dân và các trung tâm khuyến nông cùng đồng hành ( Vicofa làm gì mà có mặt?)
    3/ Một phần nguồn thu hỗ trợ lãi suất tạm trữ, khi mua tạm trữ thì người nông dân đã bán đứt đoạn rồi, nếu giá lên DN hưởng trọn, còn giá xuống DN tự trảm, vậy người nông dân có lợi gì không?
    4/ Một phần nguồn thu được hỗ trợ chi phí đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại…cho DN ( tạm gọi là chi phí SXKD). DN phải kinh doanh bằng vốn và kiến thức của mình, nếu yếu kém quá thì tự đào thải mà thôi, không thể chấp nhận dùng chi phí SXKD tạo ra từ nguồn gián thu này. Vicofa chỉ là hiệp hội ngành nghề, nếu cần thì hội viên tự nộp phí vào mà hoạt động
    5/ Cà phê là mặt hàng nông sản, cũng như bao mặt hàng thông thường khác, phải được KD một cách bình thường và bình đẳng, nghĩa là sẽ chịu các loại thuế như VAT, thuế xuất khẩu, thuế TNDN…theo đúng các luật thuế hiện hành, việc thu phí XK đối với cà phê có thể vi phạm pháp luật nếu quốc hội chưa thông qua
    Nếu việc thu phí vẫn được thực hiện tôi sẽ phá bỏ hết cà phê của nhà mình và chuyển sang trồng cây khác, mặc dù việc này gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho gia đình nhưng tôi sẽ làm như vậy. Tôi đề nghị mọi người lên tiếng vì đã thu được thì tiếp theo sẽ còn mặt hàng như tiêu, điều, cao su, gạo…

  7. hai long

    thu phí thì kệ người ta chứ bit sao h.Dân đen chỉ biết kêu trời thôi.Có bạo loạn hay kiến nghị cũng chẳng giúp ích gi được đâu.Lo giá cà phê lên xuống kìa.không kéo lên 60.000 ấy chứ.kakakaka

  8. Thuận Hòa

    VICOFA đưa ra mức thu phí bởi lo ngại trong thời gian khoảng 10 năm tới Việt Nam sẽ mất vị thế hiện có cái này là họ nói rất chính xác. Nhưng để làm gì thì bao lâu nay họ cũng chả có một phương sách nào hay ví dụ điển hình như cung cấp khoa học kỹ thuật-Hỗ trợ vay vốn để sản xuất…Tất cả từ khâu chọn đất- chọn giống- chọn phân bón và thuê mướn nhân công đều một tay được trích từ chính nguồn vốn từng hộ cá nhân người trực tiếp sản xuất ra sản lượng hàng năm. Chưa kể đến việc Hiệp Hội VCF không hề kiểm soát việc các thành viên lên sàn giao dịch kinh doanh ký kết mua bán với các hình thức giao xa hoặc bán với hình thức trừ lùi vô tội vạ? Họ đã gián tiếp gây cho giới đầu cơ lớn có thêm cơ hội ép giá đưa giá sản phẩm của đất nước xuống thấp gây bất lợi cho người nông dân. Từ việc giá cả không được lãi dẫn đến việc đầu tư tái canh cây của nhiều hộ dân gặp khó khăn cho nên việc sản lượng tụt là điều nhìn thấy rõ nhất. Việc nên làm là hiệp hội VCF cần siết chặt quản lý việc ký kết các hợp đồng của các thành viên. Nghiêm trị nhưng công ty làm ăn thua lỗ vẫn được tham gia ký kết hợp đồng trên sàn nhằm hạn chế việc họ bán khống với mức giá bất kỳ không đem lại lợi ích cho thương hiệu cà phê Việt nam.

    1. Bi

      Tôi đồng ý với Thuận Hòa. Việc Vicofa cần làm ngay là: siết chặt quản lý việc ký kết các hợp đồng của các hội viên. Nghiêm trị nhưng công ty làm ăn thua lỗ nhưng vẫn tham gia ký kết hợp đồng trên sàn nhằm hạn chế việc họ bán khống với mức giá bất kỳ, không đem lại lợi ích gì cho thương hiệu cà phê Việt Nam.
      Vicofa không nên bao đồng, đòi làm thay công việc của ngành Khuyến Nông trong việc cấp giống, tái canh cây cà phê…

  9. Vô hữu

    Vicofa được thành lập để bảo vệ các DN xuất khẩu cà phê! (Chúng ta không nên nhầm lẫn rằng Vicofa là đơn vị quản lý nhà nước)
    Đối với nông dân sản xuất cà phê thì Vicofa không cần thiết phải tồn tại, hay nói một cách khác, không có Vicofa có lẽ nông dân được thoải mái hơn! Bớt đi được một tầng nấc!

  10. Dung dang pham

    Theo Tôi. Chủ trương thu phí ban đầu của Hiệp hội là lấy từ chi phí sản xuất của doanh nghiệp, để hỗ trợ một phần nào đó cho tái canh. Nhưng các ” Bác” doanh nghiệp thì lại tuyên bố sẽ lấy từ nông dân để bù lại. Nếu vậy thì cần thu để làm gi… thu cho các Bác doanh nghiệp sử dụng à? Có vốn thu mua tạm trữ cũng rất tốt, để đảm bảo giá ko xuống quá thấp khi vào chính vụ, nhưng vấn đề này giờ nông dân đã có kiến thức và kinh nghiệm hơn rất nhiều rồi. Họ sẽ ko bán quá ồ ạt mà găm hàng để đợi giá lên thôi… Cám ơn Hiệp hội đã có chủ trương đúng. Nhưng nếu thực hiện thì chỉ tội cho nông dân thôi…
    Nếu bắt buộc phải tiến hành thu phí, thì nên chỉ thu phí những doanh nghiệp không kinh doanh theo kiểu khép kín thôi. Vì với những doanh nghiệp khép kín họ đã ký kết hỗ trợ nông dân giống, phân bón, kỹ thuật… thì họ thì họ đã chịu một phần chi phí cho tái sản xuất rồi…

  11. luu nguyen

    Chưa nghe nói thành tích nào của VICOFA mang lại cho nhân dân trồng cà phê mà chỉ nghe VICOFA lại đòi lập Quỹ… Giả sử VICOFA thu thuế xuất khẩu cà phê của dân từ bây giờ chắc gì sau 10 năm nữa dân đã được nhận sự hỗ trợ của cái Quỹ này chưa?

  12. Phạm Vỹ

    Theo tôi, vì sao mọi người lại phản đối dữ dội việc VICOFA đề nghị (thông qua Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương) thu phí xuất khẩu cà phê ?!

    Qua một vài bài báo phân tích thì nguyên nhân 1 phần đã rõ :

    – Không thể biết quỹ đó sẽ chi như thế nào? Cơ chế để kiểm soát việc thu chi đó?

    – Việc thu phí đó dựa trên cái gì? dựa vào LUẬT, hay chỉ là 1 can thiệp hành chánh giống như khi Việt Nam chưa gia nhập WTO, và cũng 1 phần vì lý do này mà 1 số nước nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ Việt Nam luôn dựa vào trong những lý do này để KHÔNG CÔNG NHẬN VIỆT NAM CÓ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG và từ đó họ lập ra các rào cản thương mại.

    – Do kiến thức kinh doanh quốc tế còn yếu kém nên phải thu phí để đòi “công bằng” với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài!

    Như đã giải thích trong 1 comment nào đó về “tiếng nói chính trị” của các Hiệp Hội Ngành Nghề của Việt Nam, theo Vỹ tôi hiểu thì Vicofa không có quyền đứng ra chủ trì việc thu phí này, do đó phải đề nghị 2 bộ liên quan đề nghị lên Chính phủ để ban hành quyết định.
    Theo lý mà nói, Vicofa là đơn vị đại diện cho các thành viên hiệp hội thay vì tìm cách để cho các thành viện dễ dàng hơn trong việc hoạt động kinh doanh thì lại “đề nghị” ban hành (xin ban hành) 1 chính sách mà hầu hết các doanh nghiệp trong hiệp hội không đồng tình, mà có đồng tình thì cũng thòng lại 1 câu: không tính đến lợi ích người nông dân mà đáng ra khi lobby bất cứ 1 chính sách nào thì các hiệp hội cũng phải tính đến điều này. Bởi khi thu phí doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ tính vào chi phí và người “ hưởng thụ” chi phí này cuối cùng là người nông dân, do đó lý đã không thuận mà tình cũng không xuôi.

    Về điểm can thiệp thị trường bằng các “mệnh lệnh” hành chánh thì lại là 1 vấn đề khác. Việt Nam mới trở lại sân chơi quốc tế sau nhiều năm chiến tranh, do đó còn nhiều điều bỡ ngỡ, nhiều khi các văn bản luật không theo kịp nhịp thở kinh doanh của cuộc sống đương đại mà luận văn thạc sỹ của cộng tác viên Nguyễn Hoàng Mỹ Phương (xin xem nội dung theo link:http://www.slideshare.net/menfuong/phuong-nguyen-tin-dung-va-quan-ly-rui-ro-gia-nganh-ca-phe-viet-nam-11754482) đã chỉ ra những điểm bất cập này .

    Còn về kiến thức kinh doanh quốc tế thì đúng là… yếu thật (theo chủ quan của tôi), đặc thù thị trường cà phê quốc tế đã có từ vài trăm năm nay, các tập đoàn cũng có ngần đó năm kinh nghiệm, còn đa phần các giám đốc doanh nghiệp của chúng ta thì không được đào tạo chính qui về ngành kinh doanh thị trường phái sinh này, mà đa phần đều có 1 ban tham mưu, những người trẻ này đôi khi không đủ tự tin và uy tín để thuyết phục các giám đốc trước 1 tình hình thị trường nhạy cảm, và khi cơ hội (hay nguy cơ) qua đi… thì mọi việc đã trễ.

    Do đó, theo quan điểm của riêng tôi, nếu Vicofa hay bất cứ ban ngành nào khác mà có ban hành bất cứ 1 văn bản nào thì cũng xin nhớ đến người nông dân trồng cà phê cho chúng tôi nhờ. Vì xét cho cùng, họ – những người nông dân là bị ảnh hưởng bởi các chính sách này nhiều nhất.

    Phạm Vỹ
    BQT giacaphe.com

  13. Trần Minh Hiếu

    Cám ơn! Cám ơn tất cả mọi người. Đúng là Vicofa đang bị ném đá, qua đó cho chúng ta thấy được có rất nhiều lập luận rất uyên thông, cho thấy sự dũng cảm của nông dân thời WTO. Nếu nông dân chúng ta đoàn kết lại thì quyền lợi của nông dân chắc chắn sẽ thắng. Có khi nào nông dân chúng ta tự thành lập “Hiệp Hội Nông Dân Xuất Khẩu Cà Phê” không? Nếu chính sách cho phép điều này thì các doanh nghiệp đừng có kêu ca làm ăn thua lỗ nữa vì khi đó hiệp hội này sẽ tập hợp sản phẩm của nông dân trong hội lại và bán trực tiếp cho nhà nhập khẩu nước ngoài. Ôi! lúc đó tương lai của nông dân sẽ rất rạng ngời.
    Khi đó nông quay lại hỏi câu này nhé! “What’s Vicofa?”
    Và khi đó có lẽ những người nông dân đen ngòm nhe hàm răng trắng tinh mà cười cái anh mang tên Vicofa kia …

  14. Hòa

    Quỹ cái gì? Mấy ông không thấy mấy doanh nghiệp ngoại đang dần bóp chết các ông hay sao? Đang phải cố gắng từng xu lợi nhuận mà còn đòi tham?

  15. nnguyen vinh thanh

    Như vậy là lấy tiền của nông dân không khó gì. Đúng không? Không biết người dân kiếm từng xu khó như thế nào sao? Vậy mà chỉ biết tìm cách để xài tiền của nông dân cho hợp lý… Không hiểu nổi.

Tin đã đăng