Huyện Đạ Tẻh hiện có 2.400ha điều. Theo định hướng phát triển, diện tích này sẽ giảm còn khoảng 1.600ha vào năm 2015. Trong đó, huyện đang chủ trương xen canh các loại cây trồng khác, đặc biệt là ca cao – một trong những loại cây đang được nhà nông ở đây đặc biệt quan tâm.
Trong thực tế, việc trồng xen cây ca cao trong vườn điều già cỗi đã được nông dân huyện Đạ Tẻh thực hiện từ 5 năm qua, nhất là từ khi chương trình dự án phát triển ca cao bền vững CDI/VOCA (thuộc Tổ chức Hợp tác quốc tế về phát triển nông nghiệp của Hoa Kỳ) được triển khai tại địa phương từ 2009 đến nay.
Theo ước tính của UBND huyện Đạ Tẻh, hiện trên địa bàn huyện này có khoảng 500ha ca cao được trồng xen trong vườn điều. Điều đáng nói, việc trồng xen này cũng được chính dự án CDI/VOCA khuyến khích. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, chúng tôi đã nhận thấy một vài dấu hiệu bất an từ mô hình trồng xen cây ca cao trong vườn điều tại huyện Đạ Tẻh.
Về lý thuyết, việc trồng xen này không những tiết kiệm được diện tích đất mà còn cải tạo được vườn điều vốn đã không còn mang lại lợi ích kinh tế cao cho người nông dân. Hơn nữa, một khi cây ca cao đã trưởng thành và cho thu hoạch để dần phá bỏ hoàn toàn cây điều thì trong thời gian vài ba năm “trồng xen” đó, nông dân vẫn tận thu được nguồn lợi từ cây điều. Song, dường như đây chính lại là điều “lợi bất cập hại” mà nông dân ở Đạ Tẻh không lường trước được.
Ở Đạ Tẻh, ngoài diện tích ca cao được trồng theo quy hoạch của chương trình dự án CDI/VOCA còn có hàng trăm hecta ca cao được nông dân trồng xen một cách tự phát trong vườn điều.
1.700ha ca cao được trồng tại ba huyện phía nam Lâm Đồng (Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Cát Tiên) là con số thống kê của chương trình phát triển ca cao Lâm Đồng được công bố mới đây. Trong diện tích đó, cơ quan chức năng chưa có con số thống kê có bao nhiêu ca cao được trồng xen trong vườn điều già cỗi nhưng theo quan sát của chúng tôi thì diện tích này là không nhỏ.
Nhiều hộ nông dân trồng xen cây ca cao trong vườn điều ở các xã Quốc Oai, Mỹ Đức, Hương Lâm… thuộc huyện Đạ Tẻh cho biết, tình trạng sâu bệnh vừa xuất hiện trên cây điều và vừa xuất hiện trên cây ca cao đang dần trở nên phổ biến khiến nhiều người hết sức lúng túng trong việc xử lý.
Ông Đặng Huỳnh ở xã Quốc Oai (Đạ Tẻh) nói: “Theo tính toán ban đầu, vườn điều 1ha của gia đình tôi nếu được trồng xen ca cao thì sau 4 năm sẽ cho nguồn “tận thu” nhân điều 2,5 tấn cùng với trên dưới 1.000kg ca cao. Nếu với giá cả như hiện nay thì mỗi hecta điều trồng xen ca cao, gia đình tôi có thu nhập không dưới 80 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, “tính trước bước không tới” – hiện vườn điều trồng xen ca cao của gia đình tôi đang bị nhiều thứ sâu bệnh tấn công khiến cho tôi vô cùng lo lắng”.
Cũng theo ông Huỳnh và nhiều hộ nông dân khác ở huyện Đạ Tẻh, sau hơn 3 năm trồng ca cao xen trong vườn điều, vườn cây trở nên rậm rạp với cành nhánh ca cao lẫn điều đan xen nhau. Điều đặc biệt, khi ca cao vừa cho trái bói thì nhiều loại côn trùng tấn công cả cây ca cao lẫn cây điều.
Với cây điều, hiện tượng khô bông và rụng trái đã trở nên phổ biến. Cùng đó, khi cây ca cao vừa cho quả thì trên quả xuất hiện nhiều đốm đen nên phần lớn bị rụng hoặc thối rữa.
Theo một cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh thì hiện tượng trái ca cao bị lốm đốm chấm đen chính là do bọ xít muỗi tấn công. Còn với cây điều, ngoài bệnh khô đọt, xì mủ… thường thấy lâu nay, nếu vườn cây được trồng xen với ca cao thì khi loại cây trồng “phía dưới” (cây ca cao) cho thu hoạch, đối tượng tấn công tiếp theo của bọ xít muỗi chính là cây điều, bởi đây là lúc cây điều ra lá non, đơm bông và kết trái. Và cứ thế, bọ xít muỗi hết tấn công cây ca cao lại chuyển sang đối tượng cây điều, và hết cây điều lại tới cây ca cao.
Hiện chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào về dịch hại trên các vườn điều trồng xen cây ca cao. Tương tự, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào dành cho nhà nông trồng ca cao dưới tán điều ở Đạ Tẻh nói riêng và ba huyện phía nam Lâm Đồng nói chung. Trong khi đó, dịch hại ở vườn điều trồng xen ca cao đã đến lúc cần cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc.