Trong thời gian từ cuối năm 2009 đến nay, tình hình kinh doanh nông sản của một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn Đắk Lắk diễn biến hết sức phức tạp.
Kết quả xác minh ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy đến nay đã có hơn 40 doanh nghiệp, hộ kinh doanh thua lỗ không có khả năng thanh toán tiền và tài sản cho dân với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn tấn cà phê, hồ tiêu… Một số trường hợp chủ nợ đã bỏ trốn khỏi địa phương, gây hoang mang dư luận.
Tình trạng trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của một bộ phận nhân dân, dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp, đòi nợ tài sản gia tăng; nhiều người dân bức xúc đã khiếu kiện vượt cấp, gây mất trật tự trị an trên địa bàn.
Trước tình hình trên, liên ngành Công an – Viện Kiểm sát nhân dân – Toà án nhân dân tỉnh Dak Lak vừa thống nhất bằng văn bản hướng dẫn việc xử lý đối với một số trường hợp cụ thể có dấu hiệu tội phạm trong việc kinh doanh nông sản.
Theo đó, trường hợp người kinh doanh cà phê, nông sản các loại đã bị thua lỗ mất khả năng thanh toán nhưng vẫn dùng thủ đoạn gian dối để ký kết hợp đồng mua bán với các tổ chức, cá nhân, sau đó bán lấy tiền hoặc trả nợ cho các khoản nợ trước đó rồi tuyên bố vỡ nợ thì sẽ xử lý về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trường hợp người kinh doanh cà phê, nông sản các loại nhận giữ cà phê, nông sản hoặc nhận tiền của người khác để mua cà phê, nông sản gửi giữ không có hành vi gian dối trước khi nhận tài sản, nhưng sau khi nhận được tài sản đã bán tài sản nhận gửi hoặc lấy số tiền nhận được sử dụng cho mục đích cá nhân sau đó bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, hoặc có hành vi gian dối như tìm cách tẩy xoá, sửa chữa chứng từ, giấy biên nhận, tẩu tán tài sản… nhằm chiếm đoạt tài sản; sử dụng tài sản nhận được vào mục đích bất hợp pháp như buôn lậu, buôn bán hàng cấm, đưa hối lộ, đánh bạc dẫn đến không có khả năng thanh toán; sau khi nhận được tài sản đem bán tài sản nhận gửi lấy tiền trả nợ hoặc sử dụng trái mục đích như mua đất, mua nhà, mua xe hoặc các mục đích khác không phải là hoạt động kinh doanh dẫn đến mất khả năng hoàn trả số tài sản đã nhận thì xử lý về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Riêng đối với trường hợp người kinh doanh nhận cà phê, nông sản hoặc tiền của người khác đưa để mua cà phê, nông sản tạm trữ không có hành vi gian dối gì trước khi nhận được tài sản, nhưng sau khi nhận được tài sản đã đem bán tài sản nhận gửi lấy tiền để sử dụng vào mục đích kinh doanh bị thua lỗ hoặc đưa tiền cho người khác bị người khác chiếm dụng chưa trả thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà giải quyết bằng vụ án dân sự khi đương sự có yêu cầu.
Liên ngành Công an – Viện Kiểm sát nhân dân – Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đủ điều kiện kinh doanh cà phê, nông sản trên địa bàn tỉnh và công khai trên cổng thông tin điện tử để nhân dân biết. Đồng thời, các cấp, các ngành có liên quan phải có văn trả lời kịp thời khi cơ quan tiến hành tố tụng có văn bản yêu cầu cung cấp chứng cứ hoặc phối hợp điều tra xử lý.
Tôi mong muốn các liên ngành Công an – Viện Kiểm sát nhân dân – Toà án nhân dân các tỉnh sớm vào cuộc kiểm tra và xử lí sớm các trường hợp đại lí và doanh nghiệp lừa đảo tiền, của nông dân gây mất lòng tin của nông dân đối với doanh nghiệp và đại lí.
Xử lí nghiêm minh những trường hợp lừa đảo tiền nông dân để tạo niềm tin vào pháp luật …
Doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ, một chiêu thức lừa đảo siêu hạng. Nổi ám ảnh của bà con nghèo canh tác caphe không có đủ điều kiện kho chứa. Mong rằng pháp luật sẽ có biện pháp hữu hiệu với loại tội phạm lưu manh này.