Một bài tản văn rất hay.
Xin được gửi lời cám ơn đến NaNuNi về bài viết tuyệt vời này.
Đà Lạt sương giăng, đất trời lành lạnh, có người đã từng bảo rằng Đà Lạt không phải là nơi dễ chịu đối với kẻ độc hành bởi lẽ chiếc áo len dù có dày đến mấy thì cũng chỉ đủ che chắn cái giá lạnh của trời của đất chứ nào đâu sưởi ấm được một trái tim hoang vu. Những mảnh hồn đơn lẻ ấy thường dừng chân ghé lại tìm một chút xoa dịu ở quán café lập dị khác thường mà lắm kẻ bảo rằng “tối mù mù và nghe một người đàn bà điên hát” – Cung Tơ Chiều.
Cung Tơ Chiều giấu mình trên quả đồi cạnh đường lên Dinh 3, heo hút, mảnh trăng non mới nhú không đủ sức soi tỏ lối mòn giữa vạt thông già.
Tấm bảng gỗ Cung Tơ Quán treo mình bơ vơ trên một thân cây ngay dưới chân đồi. Cánh cửa rào khép hờ, trên cửa là bảng nội quy “Vui lòng nói chuyện nhỏ hơn tiếng nhạc“, tuyệt nhiên không một ánh đèn nào chứng tỏ nơi đây là một quán café. Không gian yên ắng nghe rõ tiếng côn trùng não nuột, ánh đèn của một ngôi nhà hắt ra vài tia sáng vàng vọt.
Trong quán chừng 50 chỗ ngồi, có 2 chiếc đèn lồng treo cao tỏa ra thứ ánh sáng vừa ma quái, vừa quyến rũ hắt lên bức tranh liêu trai trên tường, ngoài hiên gió vi vút thổi. Giữa quán là một sân khấu nhỏ, có đàn guitar, dàn trống nhỏ, piano và micro. Một vài giá nến treo cạnh tường hờ hững.
7g30′, một anh phục vụ đi vào, bỏ một đĩa nhạc Khánh Ly vào chiếc máy hát đĩa, mở những dây đèn chớp ngoài hiên, thắp sáng những cây bạch lạp. 8g, quán cũng chỉ mới có 2 bàn, với vỏn vẹn 6 khách. Chị chủ quán đến bên cây đàn, so dây, không nhìn chúng tôi, chị nói “Hôm nay nhà tôi có khách, tôi đã định không bán quán. Hôm nay, tôi chỉ muốn hát 2 bài, và tôi cũng muốn nghe lại 2 bài, các bạn đồng ý chứ”.
“Chiều nay mình lang thang trên phố dài …” một giọng hát trầm, mạnh mẽ chợt vút cao, dường như hơi thở tôi tắt nghẹn, một cảm giác khó tả lan nhanh trong tôi. Với âm vực rộng, giọng hát chân phương, thật đến bất ngờ, có lúc thì thào, có lúc sôi nổi, dâng trào, tiếng hát như chảy tràn từ trái tim người nghệ sĩ. Bàn tay gầy búng đàn điêu luyện, những ngón tay thon như múa trên dây đàn. Không gian yên ắng, chỉ còn lại tiếng hát đặc quánh như màn sương đang phủ kín núi đồi.
“Muốn hát hay một bài hát, điều đầu tiên là các bạn phải thuộc lời bài hát và sau đó là các bạn phải đặt hết tâm của mình vào đó. Vì lẽ đó mà tôi thuộc rất nhiều bài hát, của Trịnh Công Sơn, của Ngô Thụy Miên, của Vũ Thành An…, khi có hứng, tôi có thể hát suốt đêm, hát bài này đến bài khác, có đêm, tôi chẳng hát bài nào cả. Cho nên các bạn thấy đó, tôi không hề trưng bảng đề hàng đêm có tôi hát. Đây là nhà tôi, tôi hát hay không là tùy thuộc vào tôi, tôi hát rất tự nhiên, tôi hát bằng cả tâm hồn tôi. Ca sĩ thì phải hát đúng giọng, đúng nốt, nhưng tôi, tôi không phải là ca sĩ nên tôi hát theo ngẫu hứng, theo tâm trạng của mình, tôi thích ngắt ở đâu thì tôi ngắt, tôi thích dừng ở đâu thì tôi dừng, miễn sao tôi cảm thấy điều đó diễn đạt được cảm xúc của tôi. Người ta hát vì tiền, còn tôi, tôi hát vì tình.” – Chị đã nói như thế.
Giọng hát, cách nhấn nhá, nhả chữ, ngắt giọng “không giống ai“của chị đã thể hiện điều đó. Cả vóc người xương xương, mái tóc cắt ngang vai, bước chân thanh thoát cũng toát lên phong cách nghệ sĩ đầy ngẫu hứng. Nhìn cái dáng vẻ ôm đàn ngạo nghễ với đốm thuốc lập lòe trên tay, lòng tôi chợt chùng xuống, ban ngày chị là một người mẹ hiền, vợ đảm, còn khi đêm xuống, dường như chị thoát bỏ hết những trần ai để bay lên cùng thanh âm và trở về đúng với bản ngã của chính mình.
“…Mưa rơi vào lòng ta! Mưa rơi vào tình ta!
Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta.
Mưa rơi, và còn rơi! Không bao giờ mưa ngơi
Không bao giờ ta nguôi yêu người ơi!”
Chất giọng khàn khàn ma mị của chị rót vào sâu trong trái tim tôi một niềm đau khôn xiết, những đau đớn, những khắc khoải bỗng tràn về dâng đầy trong khóe mắt và cứ thế tuôn trào. Chị không nhìn một ai trong quán mà nhìn xuống phím đàn, nhìn ra khoảng sân vườn tối đen và trút cạn những ca từ thăm thẳm hết bài này đến bài khác. Dường như những bài chị chọn hát đều vương mang hoài niệm về những gì xưa cũ, tiếng hát xoáy sâu vào lòng người nghe mênh mênh mang mang như một sợi tơ mảnh mai nối liền quá khứ vào hiện tại. Một người đàn ông cất tiếng hát hòa cùng chị, giọng hát trầm trầm không thể gọi là hay nhưng lời ca ấy, tiếng hát ấy là nỗi lòng của anh, anh hát cho anh hay hát cho một người nào đó …
Mưa rơi và còn rơi, không bao giờ mưa ngơi cũng như chị không bao giờ nguôi yêu, yêu đời, yêu người, yêu những đêm hát cùng tri âm tri kỷ bên phím đàn guitar. Còn tôi – nước mắt rơi cho một cuộc tình đã đi xa quá tầm tay với nhưng ngày mai rồi cũng sẽ không bao giờ nguôi yêu, yêu đời, yêu người và yêu Cung tơ quán có người phụ nữ hát giữa đêm sương Đà Lạt.
Một trong những bài viết rất hay mà tôi đã từng đọc. Như thế mới là Đà Lạt chứ. Tiếc quá, những-người muôn-năm-cũ ấy hoạ hiếm vô cùng. Họ giữ cho Đà Lạt còn một chút gì để nhớ, một chút sang trọng cần thiết cho Đà Lạt. Một Đà Lạt rất nguyên sơ đầy hoài niệm như cổ tích ấy nay còn mấy đâu???
Mong sẽ có ngày về Cung Tơ Chiều – một tách càphê và những người bạn. Chào nhé.
Tôi cũng đã vào Cung Tơ Chiều được ba lần…Thảng thốt , bàng hoàng , run rẩy … Không thể diễn tả cảm xúc…Mọi thứ trong căn nhà ấy tất cả không thuộc về cõi nào . Tôi như quên mình không phải là kẻ lạ …
Hay thật! Đã chán wá rồi cái kiểu hát của ca sĩ – dù ào ào hay lả lướt đều chẳng có chút tâm, chẳng có chút tình! Mừng vì còn có những nghiệp dư như chị mang cho đời chút đồng điệu hiếm hoi. Nhất định sẽ có ít nhất 1 đêm đến để được cảm nhận, được sẻ chia,…
Chắc là NaNuNi may mắn hơn bọn mình, anh Thịnh nhẩy? :smile:
@garfieldknight
Mình là người may mắn hơn đấy chứ. Nghe nguyên một đêm ..
——————-
Tips: Tốt nhất trước khi đến với cung tơ chiều tuyệt đối không nên nghe những câu chuyện mang tính chất tâm linh huyền bí, …. :lol:
THinh oi,
Tan man tren y5 cafe,co thay minh nhu tre lai.O nhung trang cuoi chum chim,nu cuoi chinh la lieu thuoc bo.O tuoi tren ngu tuan, lac vao Cung to chieu,co bong nho Da Lat da diet.Nhat dinh mot ngay gan day se ve lai Da Lat tham CTC,de hat bay bong cung ba chu quan(co cung co cach hat giong nhu the)
Va ghe tham Thinh that de thuong cua co.
vui ghê là mọi người thích bài viết của NaNuNi :oops:
ai đến Cung Tơ Chiều xin tập trước một bài nhé, để góp phần cùng chị Giang tạo nên 1 đêm Đà Lạt đáng nhớ :smile:
cac biet thu co o da lat co nhieu ma lam
tôi đã từng đến cung tơ chiều quán. cũng biết chị chủ ở đó. sau 15′ ngỡ ngàng rồi mới hiểu ra.
tôi có cảm giác không biết có đúng không nhưng tôi cho rằng ngoài việc gọi là mưu sinh thì.
hát để cho nhau nghe cho những người đồng điệu dù người tham gia trong khoảng khắc đó không biết hát chỉ biết nghe.
tái bút. cảm ơn y5. đọc bài này tôi lại nhớ đến cái sứ sở sương mù mộng mơ đó thật tuyệt.
Tôi vào quán đã cách đây 3,4 năm khá lâu rồi nhưng tôi không thể quên được cảm giác đó, cảm giác được nghe 1 người con gái trẻ, rất trẻ hát nhạc Phạm Duy vừa lạ lẫm vừa ngỡ ngàng nhưng thực sự giọng hát đó như đưa tôi vào 1 thế giới khác, đến bây giờ dù rất muốn nhưng tôi không thể vì tôi ở ngoài Bắc, có lẽ ít người được may mắn như tôi vì lần đầu vào quán tôi đã được nghe giọng hát của con gái chị (hình như lúc đó em mới 16 tuổi), nghe em hát tôi như mộng mị chỉ mang máng nhớ được “…nghệ thuật là chi, là đui, là điếc,là…”và đến bây h tôi mới biết đó là Quán Bên Đường-nhạc Phạm Duy. Dù thế nào tôi cũng sẽ quay lại Đà Lạt, ghé vào Cung Tơ Chiều để được nghe chị hát để được cảm nhận nỗi lòng của một người con gái đất Bắc trên mảnh đất xa cố hương.
Giang ơi..!
… Ngồi đây chợt nhớ tới Bạn…giọng hát trầm ấm ,;: Chiều nay Mình lang thang trên fố dài…Làm Mình nhớ Đalat và nhớ những người thân .. trong đó có Giang…Chúc bạn nhiều sức khoẻ Giang nhé..!!!
Nhớ lắm Cung Tơ Chiều cùng lũ bạn “xướng ca vô loài” một thời. Cô chủ quán có tên cũng rất lạ Mã Xuân Giang. Hát nhạc của Lê Uyên Phương rất hay. Mình còn nhận được cả bản viết tay ca khúc mình thích ” Uống nước bên bờ suối” do chính cô tặng mình, nét chữ mềm mại rất nữ tính chứ không u ất như vẻ bề ngoài của cô.