Ngày 6/7, chứng khoán Mỹ đã có phiên đảo chiều lên điểm trước các đợt gom mua cổ phiếu đã xuống thấp phiên trước đó.
Hôm thứ Hai, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số ngành dịch vụ trong tháng 6/2009 đã tăng lên 47 điểm, từ mức 44 điểm trong tháng 5 – cao hơn so với mức dự báo 45,5 điểm của giới phân tích.
Chỉ số này nếu ở dưới ngưỡng 50 điểm thì được cho là tăng trưởng âm. Ngành dịch vụ vốn chiếm 80% hoạt động kinh tế ở Mỹ, bao gồm các lĩnh vực kinh doanh như ngân hàng, hàng không, khách sạn và nhà hàng.
Đảo chiều lên điểm
Dow Jones và S&P 500 đã có phiên đảo chiều thành công trước các đợt gom mua cổ phiếu đã xuống thấp phiên trước đó. Trong khi chỉ số Nasdaq lại giảm điểm do những cổ phiếu đầu tàu lại đồng loạt đi xuống.
Thông tin chỉ số ISM ngành dịch vụ tăng lên 47 điểm – mức tăng mạnh nhất trong vòng 9 tháng qua, đã tác động tích cực tới thị trường và phần nào tạo nên tâm lý vững hơn đối với nhiều nhà đầu tư.
Trước khi thị trường mở cửa, các chỉ số tương lai của Dow Jones và S&P 500 đều giảm trên 1%, điều này cơ bản báo hiệu cho một phiên giao dịch đầy khó khăn của chứng khoán Mỹ.
Bước vào phiên giao dịch, cả ba chỉ số chính đều mất khoảng 0,7% giá trị, đà giảm sau đó tiếp tục diễn ra và đẩy các chỉ số giảm sâu hơn. Đến khoảng 10 giờ (giờ địa phương), chỉ số Nasdaq giảm khoảng 1,4%, Dow Jones mất trên 0,6% và S&P 500 hạ 1%.
Tuy nhiên, ngay sau đó thị trường bắt đầu đà đi lên trước xu hướng lệnh mua tập trung vào những cổ phiếu phòng thủ như dược phẩm. Đến khoảng 13h20 chiều, Dow Jones chính thức có được mức tăng điểm so với phiên cuối tuần trước, trong khi hai chỉ số còn lại vẫn chưa thể làm được điều đó.
Tuy nhiên, vào cuối phiên, lệnh gom mua lại ồ ạt tập trung vào những cổ phiếu vốn đã giảm khá mạnh phiên cuối tuần trước nhằm kiếm tìm lợi nhuận từ các đợt phục hồi kỹ thuật của thị trường.
Hết ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones và S&P đều khởi sắc, khép lại một phiên giao dịch thành công, tuy nhiên chỉ số Nasdaq thì vẫn bị mất điểm do nhiều cổ phiếu blue-chip như Intel, IBM, HP, Microsoft đều giảm điểm.
Phiên này có 11 cổ phiếu blue-chip ngành năng lượng, công nghệ, khai mỏ trong chỉ số Dow Jones giảm điểm. Alcoa trở thành cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất trong chỉ số Dow Jones với -6,1%, theo sau là mức giảm 3,9% và 1% của cổ phiếu Bank of America và Intel.
Tuy nhiên, trước sức nâng đỡ của 19 cổ phiếu blue-chip còn lại, chỉ số Dow Jones đã phục hồi trở lại sau khi sụt giảm hơn 2,6% phiên cuối tuần trước. Cổ phiếu American Express trở thành nhân tố đầu tàu kéo thị trường lên khi tăng 5,61%, cổ phiếu Merk nhích 3,26%, cổ phiếu P&G lên 2,07%, cổ phiếu Du Pont tiến thêm 2,22%,…
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 6/7: chỉ số Dow Jones tăng 44,13 điểm, tương đương 0,53%, chốt ở mức 8.324,87.
Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 9,12 điểm, tương đương -0,51%, chốt ở mức 1.787,4.
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 lên 2,3 điểm, tương đương 0,26%, đóng cửa ở mức 898,72.
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,14 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu tăng điểm thì có 2 cổ phiếu giảm điểm. Trên sàn Nasdaq, khối lượng khớp lệnh thành công đạt 2 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 8 cổ phiếu giảm điểm thì có 5 cổ phiếu tăng điểm.
Những thông tin đáng chú ý trong tuần:
Thứ Tư: Công bố số liệu về tín dụng tiêu dùng; công bố kết quả kinh doanh của Family Dollar, Alcoa.
Thứ Năm: Công bố số liệu về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; công bố về doanh số bán buôn.
Thứ Sáu: Công bố giá xuất/nhập khẩu; hoạt động thương mại thế giới và công bố chỉ số về niềm tin của người tiêu dùng.
Chứng khoán châu Âu mất điểm phiên thứ ba
Chứng khoán châu Âu đã giảm điểm hôm đầu tuần, đưa thị trường có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp. Những lo ngại về đà phục hồi của kinh tế thế giới tiếp tục tác động tiêu cực tới thị trường. Cổ phiếu ngành tài chính, năng lượng và khai mỏ tiếp tục là nhân tố đẩy thị trường đi xuống.
Cổ phiếu ING Group mất 4,5%, cổ phiếu Deutsche Bank xuống 3,2%, cổ phiếu AXA trượt 3%, cổ phiếu UniCredit mất 2,9% và cổ phiếu Royal Bank of Scotland giảm 2,9%.
Trong khi đó, giá dầu, kim loại thô đều giảm nên đẩy cổ phiếu khối năng lượng, khai mỏ và sản xuất thép đi xuống, trong đó cổ phiếu ENI, BP và Royal Dutch Shell giảm từ 2,1-2,7%; cổ phiếu Rio Tinto giảm 7% và cổ phiếu ArcelorMittal trượt 4,7%.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 41,37 điểm, tương đương -0,98%, chốt ở mức 4.194,91. Khối lượng giao dịch đạt 1,8 tỷ cổ phiếu.
Chỉ số DAX của Đức mất 1,2%, khối lượng giao dịch đạt 19,2 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp xuống 1,2%, khối lượng giao dịch đạt 104,36 triệu cổ phiếu.
Chứng khoán châu Á trượt giảm phiên đầu tuần
Hai thị trường chứng khoán lớn tăng điểm là Trung Quốc và Hàn Quốc. Còn 6 thị trường khác đều giảm điểm với biên độ trên 1%, trong đó chứng khoán Ấn Độ giảm hơn 4%.
Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương đã mất 0,8% xuống 101,96 điểm – mức thấp nhất kể từ ngày 25/6.
Trái ngược với diễn biến của thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Việt Nam đã tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ phiên đầu tuần với mức tăng gần trần biên độ.
Vượt qua những lo ngại về khả năng dòng tiền đang rút dần khỏi thị trường, VN-Index đã tăng 4,32%, tạo nên một phiên giao dịch đầy hứng khởi và dịch chuyển khá xa so với dự báo của nhiều công ty chứng khoán trong nước.
Tuy thị trường tăng điểm nhưng tính thanh khoản vẫn chưa cải thiện so với mức giao dịch của tuần trước. Đây được xem là một trong những yếu tố chưa tích cực của phiên tăng điểm này.
Chuyển qua diễn biến của thị trường chứng khoán lớn nhất khu vực, chỉ số Nikkei 225 của Nhật đã mất điểm hôm thứ Hai trước những lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp cao ở Mỹ. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu khối năng lượng và các nhà buôn thương mại lớn giảm mạnh, đã tác động tiêu cực tới thị trường.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 135,2 điểm, tương đương -1,38%, chốt ở mức 9.680,87.
Liên quan tới thị trường Ấn Độ, hôm thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pranab Mukherjee đã cho biết thâm hụt ngân sách trong năm nay của nước này có thể lên đến 6,8% so với GDP. Thông tin này đã nhanh chóng tác động mạnh đến thị trường tài chính Ấn Độ.
Theo đó, đồng Rupee đã nhanh chóng mất gần 1% giá trị so với USD xuống còn 48,27 Rupee ăn 1 USD. Còn chỉ số BSE 30 cũng đã sụt giảm 712,56 điểm, tương đương 4,78%, chốt ở mức 14.200,49.
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan mất 0,23%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam tăng 4,32%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tiến thêm 1,18%. Chỉ số ASX của Australia hạ 1,11%. Chỉ số Straits Times của Singapore xuống 1,63%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,63%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 1,23%.