Ông Achmad Manggabanrani, Vụ trưởng Vụ cây trồng thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia , cho biết năm 2009 Indonesia chỉ đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu cà phê, cho dù nước này có diện tích trồng cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Braxin.
Phát biểu tại cuộc hội thảo về cà phê tại thủ đô Giacácta, ông Achmad tỏ ra tiếc nuối khi nói rằng với diện tích trồng cà phê lên tới 1,3 triệu ha, nhưng năm 2009 Indonesia chỉ sản xuất được 689.000 tấn cà phê, thấp hơn cả sản lượng của Việt Nam, nước được coi là “lính mới” trên thị trường xuất khẩu cà phê thế giới.
Theo thống kê, trong số các đồn điền trồng cà phê ở Indonesia nông dân canh tác tới 96%, nhà nước chỉ kiểm soát khoảng 2% và phần còn lại thuộc về các công ty tư nhân. Điểm yếu của các đồn điền do nông dân quản lý là thường canh tác theo phương pháp truyền thống. Họ không tuân theo các hướng dẫn để tăng năng suất cà phê. Hậu quả là chất lượng hạt cà phê rất thấp và từ đó tác động tới xuất khẩu cà phê của Indonesia .
Năm 2008 Indonesia xuất khẩu cà phê của Indonesia đạt 991,485 triệu USD. Nhưng chủ yếu là hạt cà phê, nên giá trị gia tăng không nhiều. Còn cà phê đã qua chế biến chỉ chiếm 2% cà phê xuất khẩu.
Trong khi đó 6 triệu người trồng cà phê ở Indonesia đang đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là năng suất cà phê hàng năm của Indonesia vẫn còn khá thấp, chỉ đạt 700 kg/ha. Tiêu thụ cà phê trong nước rất thấp, chỉ là 500 gam/người/năm so với 3-4 kg/người/năm ở Braxin và Côlômbia. Hai là, giá cà phê thế giới đang có xu hướng giảm hơn trước. Ngoài ra, Indonesia còn phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu cà phê có chất lượng ngon hơn.
Tuy nhiên, cơ hội cho ngành cà phê Indonesia vươn lên không phải là ít. Đó là nước này có diện tích trồng cà phê rộng lớn cùng với nguồn nhân lực dồi dào.