Đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho nông sản, bài 2: Vì sao dễ mất?

Từ nước phải nhập lương thực, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo, chè, càphê, hồ tiêu, tôm, cá… với sản lượng lớn nhất nhì thế giới. Đó là thành tựu to lớn nhưng điều đáng buồn là, sản phẩm đa số xuất dưới dạng thô, việc xây dựng thương hiệu nông sản tại thị trường nước ngoài chưa được quan tâm. Trong khi đang mải mê với việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu, chúng ta đã để cho nhãn hiệu một số loại nông sản rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài…

> Bài 1: Mất bò mới lo làm chuồng

 Do chủ quan

Nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc mới được doanh nghiệp Trung Quốc nộp đơn xin bảo hộ độc quyền trên lãnh thổ Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân nhiều thương hiệu nông sản Việt bị các công ty nước ngoài đăng ký bảo hộ ở nước ngoài là do nhận thức của doanh nghiệp (DN) về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) còn kém, các hiệp hội ngành hàng và địa phương không có tầm nhìn xa, không lường trước được những diễn biến phức tạp trên thị trường xuất khẩu.

Thật ra, chỉ dẫn địa lý đối với càphê Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) và nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) đã được đăng ký bảo hộ, nhưng mới chỉ là ở trong nước. Mãi đến năm 2010, Hội Nước mắm Phú Quốc và UBND tỉnh Kiên Giang mới làm hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể này ở các nước EU. Hiện nay, cũng có rất ít nông sản đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ra nước ngoài với những lý do như thiếu kinh phí, kinh nghiệm…

Ông Trương Quang Hiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận) cho hay: “Dù chưa xuất khẩu được nước mắm sang thị trường Hoa Kỳ và các nước khác nhưng việc đăng ký bảo hộ cho sản phẩm nước mắm Phan Thiết là cần thiết. Chúng tôi cũng biết, nếu không nhanh chóng đăng ký bảo hộ cho sản phẩm của mình ở nước ngoài thì sẽ khó khăn cho việc xuất khẩu. Tuy nhiên, các DN nước mắm ở Phan Thiết hiện nay chưa đủ tầm để làm việc này, chúng tôi cần sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Từ năm 1995, UBND tỉnh Đăk Lăk đã cho phép xây dựng hồ sơ bảo hộ tên gọi xuất xứ càphê Buôn Ma Thuột (chỉ dẫn địa lý), tháng 10/2005 được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định công nhận bảo hộ quốc gia chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm càphê nhân Robusta. Còn việc đăng ký bảo hộ ở các thị trường xuất khẩu truyền thống thì hầu như chưa có động tĩnh gì.

Trước đó, các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như thuốc lá Vinataba, võng xếp Duy Lợi, rượu, bia, nước giải khát Sabeco, nước mắm Phú Quốc… cũng bị chính đối tác của DN Việt Nam “nhanh tay” đăng ký bảo hộ ở nước sở tại sau một thời gian làm đại lý hoặc giành được quyền phân phối.

Theo Cục SHTT, tính đến ngày 21/11/2011, cơ quan này đã cấp đăng bạ cho 29 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 27 chỉ dẫn địa lý thuộc Việt Nam, còn lại là chỉ dẫn địa lý cho rượu mạnh Cognac của Pháp và rượu Pisco của Peru. Đáng tiếc là trong số 25 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, có rất ít địa phương tiếp tục xin bảo hộ ở nước ngoài, ngoại trừ càphê Buôn Ma Thuột và nước mắm Phú Quốc.

 Chưa am hiểu về SHTT

Nước mắm Phú Quốc luôn có màu đậm hơn so với nước mắm Phan Thiết hay Nha Trang

Từ những sự việc đáng tiếc đã xảy ra, một số luật sư trong lĩnh vực SHTT cho rằng, nguyên nhân chính khiến thương hiệu nông sản dễ mất vào tay DN nước ngoài là do các cá nhân, tổ chức và DN trong nước chưa ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu và chưa am hiểu Luật SHTT.

Có thể đổ lỗi cho một số trường hợp “cha chung không ai khóc”, như với chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột là tài sản chung, lẽ ra tỉnh Đăk Lăk phải đứng ra đăng ký bảo hộ ở nước ngoài rồi ủy quyền cho các DN khai thác thương mại. Nhưng đối với DN, họ có quyền tự đăng ký bảo hộ thương hiệu ở bất cứ thị trường nào mà không phải xin phép, hội ý với ai, có thể đăng ký trực tuyến hoặc thuê luật sư và chỉ mất vài chục đến vài trăm USD cho một bộ hồ sơ thì chẳng có gì là khó khăn, nếu nhận thấy việc đó là cần thiết.

Ông Phạm Hồng Quất, Phó chánh thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ nhấn mạnh: “Phải biết đi trước một bước. Việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài rất quan trọng nên không thể chậm chân. Xét ở cả 3 nguyên nhân: nhận thức, năng lực tài chính, hệ thống pháp luật thì việc này xảy ra chủ yếu do nguyên nhân thứ nhất. Nhiều DN chưa có ý thức đăng ký bảo hộ trên thị trường quốc tế trước khi xuất khẩu hàng hóa, mới dừng ở việc đăng ký trong nước”.

Đối với một nước xuất khẩu nhiều loại nông sản như Việt Nam, việc đăng ký bảo hộ ở nước ngoài rất quan trọng, không phải chỉ khi xuất hàng đi đâu mới đăng ký bảo hộ ở đó mà phải đăng ký từ trước. Chi phí cho các hoạt động này không tốn kém, nó chỉ trở thành gánh nặng về cả vật chất và thời gian khi đã bị mất thương hiệu, kéo theo hậu quả là bị chặn xuất khẩu, mất uy tín, phải đi kiện tụng để đòi lại. DN biết nhìn xa trông rộng thường thuê công ty dịch vụ pháp luật để được tư vấn, không phải chỉ vì mục đích đăng ký bảo hộ mà họ còn muốn giám sát xem có ai đăng ký nhãn hiệu giống mình để kịp thời yêu cầu hủy bỏ ngay khi chưa được cấp bằng.

Hiện nay, những vụ tranh chấp liên quan đến SHTT xảy ra ngày càng nhiều hơn ở cả Việt Nam và các nước trên thế giới vì giới kinh doanh đã biết khai thác mặt mạnh và cả mặt yếu của SHTT để khống chế thị trường, khống chế khả năng phát triển và thủ tiêu đối thủ. Chỉ bằng hành động pháp lý đơn giản là đăng ký bảo hộ để giành độc quyền thương hiệu, một đối tác ở nước ngoài có thể đạt được quyền cấm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nội địa của họ.

Ở tầm quốc gia, một DN cũng có thể sử dụng SHTT để hạn chế hàng nhập khẩu của nước khác vào thị trường nội địa mà không vi phạm cam kết quốc tế. SHTT có thể coi là cái “khóa” để các nước chống lại mở cửa thị trường khi thấy bất lợi cho thị trường trong nước. Đây là hàng rào duy nhất còn sót lại trong thời buổi hội nhập, trong khi các hàng rào khác như thuế quan đã bị vô hiệu hóa. Tốt nhất, DN phải đi trước một bước để cái “khóa” này không ảnh hưởng đến mình, thay vì khi nó đã đâu vào đấy rồi mới đi phá.

 Hậu quả

Cói Nga Sơn, sản phẩm làm nên thương hiệu chiếu cói Thanh Hóa nổi tiếng, vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, đây là chỉ dẫn địa lý thứ 28 do VN bảo hộ.

 

Thực tế cho thấy, các sản phẩm sau khi có thương hiệu, giá bán thường tăng 15-20%, thị trường rộng mở thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Mặt khác, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thương hiệu sẽ chặt chẽ hơn thông qua việc hình thành các tổ chức đại diện cho hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX, qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp của các thành viên vì lợi ích chung, góp phần tăng thu nhập cho người dân và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất mới hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đến nay vấn đề xác lập SHTT, hay nói nôm na là xác lập thương hiệu sản phẩm theo pháp lý vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Đơn cử như tại Quảng Ninh, tỉnh này có khoảng 45-50 nông phẩm, đặc sản cần xây dựng thương hiệu (dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý) nhưng đến nay mới có 75 DN sản xuất, chế biến nông sản đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của mình. Điều này khiến người ta có thể nhìn thấy một hệ quả trong tương lai không xa: sản lượng thì nhiều nhưng giá thành và lợi nhuận thu về không đáng kể. Khi thâm nhập vào những thị trường khó tính, sản phẩm không có lợi thế cạnh tranh, do đó không kích thích được sản xuất.

Hơn thế, thương hiệu vốn có cũng có nguy cơ bị mất bất cứ lúc nào. Khi gia nhập WTO, cái “lý” phải dựa trên cơ sở luật pháp thừa nhận, như vậy không chỉ nhắc mãi đến chất lượng sản phẩm mà quên mất vấn đề xác lập và bảo vệ “chủ quyền” cho thương hiệu của mình ở nước ngoài.

Được biết, cuối năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2204/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015, trong đó cho phép áp dụng rộng rãi việc đăng ký SHTT tại các địa phương. Đây cũng là một hỗ trợ đắc lực giúp nông sản nước ta sớm tìm được chỗ đứng một cách vững chắc và thuận lợi.

Bài 3: Chọn chiến lược nào?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cafe Việt

    Hơn 95 % nông sản của nước ta được xuất khẩu dưới dạng thô, tại sao?
    Trình độ chế biến của ta thấp, ta không có thương hiệu?
    Không dưng mọi cái đều tự nhiên mà có, cần phải có quá trình đầu tư và xây dựng.

    Cần phải học thế giới, nhất là những nước có nền kinh tế nông nghiệp lớn như Ấn Độ chẳng hạn.

    -Họ sang nước ta để xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan lớn nhất châu Á. Mua cà phê tại chỗ giá rẻ, sử dụng nhân công tại chỗ trả lương thấp. Như vậy giá thành cà phê rất cạnh tranh. Lợi nhuận chắc chắn cao hơn nhiều nếu đặt nhà máy tại nước họ.

    -Cũng là nước sản xuất nông sản hồ tiêu lớn. Nhưng 80% dành cho tiêu thụ nội địa. Để thu lợi nhuận, họ sang mua hồ tiêu của ta (trong top 5 nhập khẩu tiêu VN) về tái chế và xuất khẩu với giá cao.
    Tại sao họ làm được mà ta không làm được, ta cứ đi bán thô?… Lỗi của người sản xuất, của nông dân chăng?…

    1. V. Đ. Hùng

      Ý Cafe Việt muốn ám chỉ ai? Có vài khách hàng Ấn độ mua hàng chất lượng thấp, giá rẻ đem đi bán và nói hàng của Việt Nam như thế để… biết rồi chứ gì. Mua tiêu đem ra thị trường bán, chất lượng thấp, giá rẻ, quậy quạ nói hàng Việt Nam. Khi có chuyện, đổ thừa tứ tung. Bạn biết chuyện ấy không?

      1. Cafe Việt

        Không biết, cũng chưa nghe ai nói bao giờ.
        Thông tin có nói Ấn Độ mua hàng xô giá rẻ về chế biến, phân loại lại. Ra loại cấp cao xuất đi EU, Mỹ còn loại cấp thấp để lại tiêu thụ nội địa. Cách làm vậy cũng hợp lý đó chứ. Và không thấy có gì mờ ám, thiếu minh bạch đâu?

  2. Bảo hộ

    DN cũng có thể sử dụng SHTT để hạn chế hàng nhập khẩu của nước khác vào thị trường nội địa mà không vi phạm cam kết quốc tế. SHTT có thể coi là cái “khóa” để các nước chống lại mở cửa thị trường khi thấy bất lợi cho thị trường trong nước.

    Đây là hàng rào duy nhất còn sót lại trong thời buổi hội nhập, trong khi các hàng rào khác như thuế quan đã bị vô hiệu hóa.

    Tốt nhất, DN phải đi trước một bước để cái “khóa” này không ảnh hưởng đến mình, thay vì khi nó đã đâu vào đấy rồi mới đi phá.

    1. V. Đ. Hùng

      Chạy tiền từng xu, còn chưa có, nói gì đến bảo hiểm trí tuệ. Thương hiệu to đùng như cà phê Buôn Ma Thuột còn chưa ai để ý, kể cả vị quan chức hàng tỉnh còn tuyên bố đã biết như tưởng không có chuyện gì…
      Cho nên, từ ngay cấp tỉnh, phải biết mình có cây gì, con gì, lên lịch và chọn doanh nghiệp xứng đáng để tín thác, hỗ trợ họ.
      Vì… thương hiệu như Buôn Ma Thuột, cuối cùng là của tỉnh Dak Lak, thành phố BMT muôn đời. Còn doanh nghiệp chúng tôi, rày có mai không. Tín dụng kiểu này mà còn yêu cầu này nọ thì cái sở, cơ quan trách nhiệm BHTT của tỉnh dẹp đi chứ để làm gì. Cơ quan trách nhiệm này không nên thối thác, trốn tránh trách nhiệm. Phải là người đi đầu, đốc thúc thực hiện và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và chính phủ về chuyện mất thương hiệu (lớn như BMT chẳng hạn).
      Đừng nên đổ tội, chỉ ngón tay vào doanh nghiệp vì lỗi của họ. Cơ quan trách nhiệm và thẩm quyền nên nhận phần lỗi về mình. Nếu tôi là người chịu trách nhiệm này ở tỉnh Dak Lak và BMT, tôi từ chức ngay.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87