Lâm Đồng: “Nóng” việc chèo kéo, tranh chấp người lao động

Đến hẹn lại lên, mỗi năm đến thời điểm này Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng đang rộn ràng bước vào mùa thu hái cà phê.

Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, nhiều nơi cà phê được mùa, ai nấy đều phấn khởi. Thế nhưng, nỗi lo của bà con nông dân lại tăng lên gấp bội, bởi lẽ lao động thu hái đang thiếu trầm trọng.

Tin liên quan: > Lâm Đồng: Lừa bán người lao động


Cảnh chầu chực, chèo kéo công nhân đang nóng tại huyện Di Linh, Lâm Đồng

Khát nhân công thu hái

Lâm Đồng hiện có khoảng 130.000 ha cà phê, tập trung ở các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc… Bình quân mỗi ha cà phê ít nhất cần 2- 4 lao động thu hái. Riêng ở huyện Di Linh hiện có hơn 40.000 ha cà phê, hàng năm có thêm khoảng trên 30.000 lao động về đây thu hái. Hầu hết lao động thời điểm này là những người miền xuôi hoặc miền Tây gặp mùa nước nổi đi làm thêm để kiếm tiền tiêu Tết.

Tình cờ trong chuyến công tác trên chiếc xe khách chở gần 30 lao động từ miền xuôi về thị trấn Di Linh, khi xe vừa đến nơi, mọi người giành giật tìm nhân công thu hái đứng khắp chợ Di Linh và cả khu công viên giải trí huyện Di Linh để ngã giá và chi trả tiền “cò” lao động. Sau một lúc ngã giá, anh Phạm Văn Hương (41 tuổi) một trong những chủ rẫy cà phê ở khu phố 4 thị trấn Di Linh chọn được 4 người, nhưng phải trả cho chủ xe hết 2,4 triệu đồng (vị chi khoảng 600 ngàn đồng/người) tiền xe và tiền “cò”. Tuy mất khá nhiều tiền nhưng anh Hương vẫn nở nụ cười vì đã tìm được người làm cho mùa vụ năm nay. Cứ đến mùa thu hái, người dân xứ cà phê cứ rộn ràng hẳn lên, nào là thương lái thu mua, nạn chèo kéo lôi nhân công lao động, thậm chí dùng đến “xã hội đen” để dành dựt từng lao động khiến an ninh trật tự địa phương trở nên “khó thở” hơn. Do tình trạng thiếu lao động trầm trọng, nên cứ đến đầu vụ thu hái cà phê, tại các địa phương lại tự phát xuất hiện một “thị trường lao động”. Bên cạnh việc người dân các nơi đến vùng cà phê làm thuê một cách chân chính, có một số người lợi dụng câu kết với nhau tạo đường dây làm ăn bất chính, mà phổ biến là cách lừa đảo “cò mồi”. Ngoài ra, còn phát sinh tình trạng trộm cắp và các hiện tượng tiêu cực khác… Hiện tại, tại các ngã ba, ngã tư (khu vực đông dân cư) ở thị trấn Di Linh, xã Tân Châu, Đinh Lạc, Liên Đầm, Đinh Trang Hòa, Hòa Ninh… thường xuất hiện nhiều tốp lao động theo những chuyến xe khách dọc ngang từ Bắc, Trung, Nam về đây. Do quá đông chủ vườn “mua”, giành giật “phá giá”, nên giá trị sức lao động vọt lên khá cao. Tiền công lên tới 120- 150 ngàn đồng/ngày hoặc 2,5 – 3,6 triệu đồng/tháng (nuôi cơm)… nhưng vẫn khan hiếm lao động.

Nhiều nan giải

Tuy nhiên, giá cả tiền công cao, nhưng không phải ai cũng đã tìm được nhân công lao động cho riêng mình. Qua tìm hiểu, những chủ vườn tìm nhân công thu hái cà phê nơi đây, cho biết: Chúng tôi có mặt tại ngã tư Công viên thị trấn Di Linh rất sớm để đón công nhân từ Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định đến. Nhưng khi hỏi, hầu như người nào cũng lắc đầu: “Đã có người nhận làm rồi…!”. Anh Trần Phương Minh (46 tuổi) một trong những chủ vườn ở thôn 5 Tân Châu, Di Linh cho biết: “Gia đình có hơn 8 hecta ca phê đang vào mùa thu hoạch, nhà lại ít người, con cái ăn học hết nên mấy bữa nay tôi loay hoay tìm nhân công nhưng vẫn chưa tìm được công hái… Năm nay, công hái rất khó tìm, phần thì do giá cả quá cao, phần thì do không có đông người như mọi năm…”. Ngoài ra, còn có những trường hợp “dở khóc dở cười” như gia đình anh K’ Liêng cho biết: “Sau khi thỏa thuận giá cả tiền công, anh niềm nở đưa 4 người về nhà để họ tắm rửa, ăn cơm tối và nghỉ ngơi xong ngày hôm sau anh chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết cho cả tuần để đưa vào rẫy cà phê cách nhà khoảng chừng 5km để làm việc. Nhưng 2 hôm sau đó, anh hết sức ngạc nhiên vì 4 người đã đi đâu mất tiêu! Tức giận, anh K’ Liêng liền đi gặp chủ xe phàn nàn, thì được trả lời rằng: “Tôi chỉ biết tìm người chở lên Di Linh và lấy tiền xe. Còn việc quản lý lao động là tôi không biết…”. Thế là “tiền mất tật lại mang”. Không những thế, ngoài ra còn nhiều bất cập như tình trạng trộm cắp tài sản của chủ vườn cà phê, nạn chèo kéo, giành giật lao động hoặc hứa hẹn với người lao động với mức lương hấp dẫn như 5- 6 triệu đồng/tháng, song sau khi làm việc, họ chỉ được trả không tới 3 triệu đồng/tháng, chưa kể tháng đầu tiên còn bị trừ 1,7 triệu đồng (tiền xe và tiền giới thiệu việc làm). Một số người không chịu nổi công việc nặng nhọc, muốn về quê cũng bị chủ sử dụng lao động yêu cầu phải đền số tiền 1,7 triệu đồng nói trên khiến người lao động lâm vào cảnh khốn đốn… Đây là vấn đề khá nan giải, khi thời khắc cao điểm mùa thu hái cà phê đã đến gần!

Trước tình hình đó, vừa qua UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các huyện, TP trên địa bàn tỉnh tổ chức kiểm tra thường xuyên hoạt động môi giới, tư vấn giới thiệu việc làm bất hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; đồng thời phối hợp công an địa phương xử lý nghiêm các trường hợp bất cập nêu trên.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83