Lâm Đồng: Lừa bán người lao động

Ngày 23-11, có mặt trên xe khách Sơn Lâm đi Lâm Hà, chúng tôi thấy ở hàng ghế sau có nhiều thanh niên người nhà quê. Suốt chặng đường, những thanh niên nói chuyện với người thân qua điện thoại và khoe về một chuyến đi làm xa với lương cao.

Tại thị trấn Lâm Hà, chúng tôi ghi nhận nhiều lao động được chuyển từ TP. HCM lên thông qua một số xe khách, phần lớn được giao cho Công ty TNHH dịch vụ việc làm Tiến Quang (điểm đại diện tiếp nhận và phân phối lao động thuộc Tân Lâm, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà). Ở đây, những người lao động nghèo bỗng chốc trở thành các con nợ và bị ngược đãi nếu không chịu nhận việc làm với đồng lương bèo bọt.

Tìm việc làm
Bên ngoài điểm tiếp nhận và phân phối lao động của Công ty TNHH dịch vụ việc làm Tiến Quang có vẻ yên ắng nhưng bên trong luôn có rất nhiều người lao động rơi vào tình cảnh bị lừa đảo, ngược đãi

Lời kể của nạn nhân

Theo lời kể của Sang (ngụ tại TP.HCM, một nạn nhân bị lừa lên Lâm Hà làm việc), nửa tháng trước Sang đi ngang bến xe miền Tây thì bị một người chạy xe ôm dụ dỗ lên Lâm Đồng làm vườn, hái cà phê với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng. Sang được người xe ôm chở đi giao cho một người đàn ông lạ rồi đưa lên xe khách cùng một số người khác đến Lâm Hà.

Xe đến chợ Sặt (Đồng Nai), một thanh niên ngồi trên xe nói nhỏ vào tai Sang: “Bọn mình bị lừa, phải tìm cách trốn thôi”. Khi xe khách dừng lại ăn trưa, người thanh niên ngồi cạnh Sang có ý định bỏ trốn, lập tức bị một nhóm người đưa vào nhà vệ sinh đánh dằn mặt. Sau đó, cả Sang và người thanh niên này bị “hộ tống” đưa đến một trung tâm giới thiệu việc làm thuộc xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà.

Tại đây, Sang chứng kiến nhiều lao động xa quê bị nhóm người bảo kê đánh đập nếu không chịu đi làm với mức lương 2,2-2,5 triệu đồng/tháng và có ý định bỏ trốn. Chính Sang cũng bị bắt quỳ gối, chắp hai tay phía sau, bị đánh đấm vào mặt. Sang đòi về, phía công ty yêu cầu phải bồi hoàn 1,6 triệu đồng, nhưng không có tiền Sang đành phải chấp nhận ở lại.

Tương tự, bà Hòa và em Toàn (ngụ ở Bạc Liêu) cho biết khoảng một tháng trước, hai người lớ ngớ xuống bến xe miền Tây liền bị cánh xe ôm vây quanh mời gọi đi làm ở Lâm Đồng có lương cao, bao ăn ở thoải mái. Cả hai cũng được xe ôm chở đi, rồi chuyển cho một xe khách đưa đến một nơi gọi là giới thiệu việc làm tại huyện Lâm Hà. Tới lúc này, bà Hòa và em Toàn mới biết mình bị lừa.

“Họ nói chúng tôi nợ 3,2 triệu đồng tiền chi phí đưa lên Lâm Hà, phải đi làm với mức lương 2,2 -2,5 triệu đồng/tháng để trừ nợ. Một số người mạnh miệng chống đối nói chỉ nợ tiền xe sao tới 1,6 triệu đồng liền bị đánh dằn mặt” – bà Hòa kể. Biết không thể kham nổi việc làm nặng nhọc với đồng lương ít ỏi, bà Hòa nhỏ nhẹ xin trở về quê và được “tư vấn” phải gọi người nhà đem tiền lên trả nợ.

Quan sát tại các quán cà phê trước cổng chợ An Lạc (TP.HCM), chúng tôi thấy một số người vừa bước ra từ cổng bến xe liền bị những người hành nghề xe ôm níu kéo chở thẳng đến đường Lý Thường Kiệt (Q.10) rồi giao lại cho một nhóm thanh niên khác để lấy tiền cò. Số đông nạn nhân được đưa lên các xe khách đi tuyến TP.HCM – Lâm Đồng.

Một xe ôm cho biết hơn hai tháng trước có nhóm người đến bến xe miền Tây tuyên bố chỉ cần kiếm được một lao động đi Lâm Đồng sẽ nhận tiền cò 500.000 đồng/người, từ đó tình trạng lừa đảo lao động tại bến xe xảy ra nhiều hơn.

Siết lại

Sáng 25-11, chúng tôi được bà Trần Thị Ánh – người đại diện tiếp nhận và phân phối lao động cho Công ty TNHH dịch vụ việc làm Tiến Quang ở Tân Lâm (xã Đạ Đờn) – cho biết: “Lương nam 2,5 triệu đồng/tháng, lương nữ 2,3 triệu đồng/tháng. Người thuê lao động phải trả tiền xe 1,1 triệu đồng, tiền dịch vụ 600.000 đồng, tổng cộng 1,7 triệu đồng”.

Trưa cùng ngày, chúng tôi tìm đến địa chỉ tiếp nhận và phân phối lao động. Bên ngoài cổng có vẻ yên ắng nhưng bên trong rất đông lao động ngồi xếp hàng để người thuê lao động lựa chọn. Sau cánh cửa sắt, nhiều thanh niên mặt mày bặm trợn ngồi chắn lối canh cửa.

Nằm sâu bên trong điểm tiếp nhận này có một căn phòng luôn được một thanh niên canh chừng, thi thoảng có lao động được dẫn ra cho người thuê lao động xem mặt, trả giá thuê. Thấy chúng tôi lạ mặt, một phụ nữ tự xưng em bà Ánh đến hỏi chuyện.

Sau đó, chúng tôi được gặp người đàn ông mặt thẹo tên Tèo. Người này cho biết tất cả lao động ở đây đều phải phục tùng anh ta. “Tôi nói gì họ cũng phải nghe”, Tèo gằn giọng. Trước đó có nhiều lao động đòi về nhưng đều bị giữ lại, chỉ được về khi người nhà chuyển 1,6 triệu đồng vào tài khoản của Công ty TNHH dịch vụ việc làm Tiến Quang.

Thượng tá Lê Văn Xuyên, phó trưởng Công an huyện Lâm Hà, cho biết trước đây tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khá phức tạp nên bị dẹp hết, hiện chỉ còn hai đơn vị được cấp phép hoạt động là Công ty TNHH dịch vụ việc làm Tiến Quang (huyện Lâm Hà) và Công ty TNHH dịch vụ việc làm Đức Hoàng (huyện Đức Trọng).

Theo thượng tá Xuyên, do có nhiều nhà vườn cần lao động, đặc biệt là những tháng cuối năm vào mùa cà phê, nên có rất nhiều lao động từ các nơi thông qua hai trung tâm lên Lâm Đồng làm việc, chỉ riêng huyện Lâm Hà hiện có hơn 2.600 lao động ngoài tỉnh.

Khi hỏi về tình trạng nhiều lao động bị lừa mắc nợ, bị giam nhốt, đánh đập, muốn về phải có tiền chuộc, thượng tá Xuyên cho biết từ lúc siết lại các dịch vụ “chui” vào cuối năm 2010, trên địa bàn huyện ít xảy ra trường hợp như vậy. Tuy nhiên, công an huyện sẽ tăng cường kiểm tra hơn nữa để tránh tình trạng bị công ty qua mặt, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Nhà vườn đánh lao động dã man

Ngày 26-11, Công an huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) cho biết đã tạm giữ các đối tượng làm vườn đánh em Đinh Văn Dấu (16 tuổi, quê Bình Định), đồng thời mời giám đốc Công ty TNHH dịch vụ giới thiệu việc làm Đức Hoàng (xã N’Thôn Hạ) lên làm việc.

Theo lời khai của em Dấu, ngày 5-11, em cùng nhóm bạn được nhà xe đưa tới Công ty Đức Hoàng, rồi được một chủ vườn cà phê đến thuê lao động và chở các em vào xã Ninh Loan để cuốc đất, bón phân, hái cà phê với tiền lương 2,5 triệu đồng/tháng.

Do không làm nổi công việc nặng nhọc và thường xuyên bị dọa nạt, chiều 12-11 bốn người làm thuê cùng nhau bỏ trốn, riêng Dấu bị vây bắt đánh đập dã man phải nhờ người nhà đến chuộc và công an xã can thiệp mới đưa được Dấu đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Dambri

    Nghèo khổ, thiếu thốn nên bà con mới tha hương đi làm thuê kiếm sống…
    Mong các ban ngành chức năng ở Lâm Hà sớm vào cuộc để làm sáng tỏ. Cần phải chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh những sai phạm của các dịch vụ kiểu này vì cuộc sống bình yên của người dân.

  2. phamvanloi2608

    Đúng là Đất Sài Gòn (bến xe miền Tây) nhiều hình thức lừa đảo. Từ tầng lớp sinh viên cho tới dân nghèo xa xứ đều rất dễ bị lừa.
    Tôi đọc bài viết mà thấy nao lòng. Đúng như cảnh xã hội đen. Mong các cơ quan chứ năng kiểm tra gắt gao những trung tâm giới thiệu việc làm như vậy.

  3. cuongtc2003

    Chính vì có những công ty như vậy nên những năm gần đây nhân công lao động ở các tỉnh Tây Nguyên rất khan hiếm. Đề nghị chính quyền sớm can thiệp để người lao động được nhờ.

  4. tran van long

    Truyện này có thật 100/100 các bạn ơi ! Em họ của tui từng bị dính vào dịch vụ Tiến Quang và phải mất 1.700.000 lên tận trên Lâm Hà chuộc nó về ..! Thật là khốn nạn mà… Đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các dịch vụ này cũng như các chủ trại trên đó để xã hội này được bình yên hơn, công bằng hơn …

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85