Đậu nành, bắp rang cháy pha trộn cùng với hàng chục loại phụ gia, hương liệu hóa học được “phù phép” để thành các loại bột cà phê đóng gói sang trọng.
Công ty TNHH Thiên Tính chuyên sản xuất cà phê bột các loại, nằm ở khu dân cư ấp Đông Ba, xã Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương. Xưởng rang của công ty rộng gần 150m2 với 5 lò rang thủ công. Mỗi lò có thể rang được 150kg, hoạt động hết công suất có thể 3-4 tấn/ngày. Trong xưởng, từ lò rang, hơi xì xịt túa ra, mù mịt khói bụi và bồ hóng.
3 phần cà phê, 7 phần chất độn
Mẻ đậu đầu tiên ra lò, một công nhân tên Đực, phụ trách việc tẩm ướp, đứng chờ sẵn với hai xô hương liệu. Ông Đực giải thích: “Xô màu đen chứa 5kg đường cục và 25kg chất tạo màu caramen. Xô còn lại là hỗn hợp muối, rượu gạo và nước. Hai xô này tẩm cho một tạ rưỡi đậu nành”. Nói xong, ông ta xách hai xô hương liệu, rướn người đổ ụp vào khay trộn.
Chưa đầy một phút sau, những hạt đậu màu nâu thẫm rời rạc bỗng chốc đen xì và dính vào như có keo dán. Tiếp đến, đậu được đổ thẳng xuống nền gạch, hai công nhân mặc quần cụt, đi dép lê từ ngoài nhảy vào thoăn thoắt xúc đậu hất ra tứ phía. Đến phần thu dọn, gạch vụn bị cào bung lên lấm tấm với đậu nhưng không ai buồn nhặt, kể cả nhiều miếng gạch to bằng ngón tay cái. Tất cả đều được đổ vào máy xay trước khi tẩm hương liệu lần hai. Nhà vệ sinh nằm cạnh xưởng. Công nhân đi vệ sinh xong thản nhiên để nguyên cả dép bẩn đạp vào đám đậu như… múa võ.
Công đoạn hai cũng hãi hùng không kém. Đậu nành được đổ vào xay nhỏ rồi chuyển qua máy trộn để tẩm ướp hương liệu. Cạnh thùng phuy rực lửa, một công nhân trực tiếp bê từng thùng bơ công nghiệp màu vàng còn nguyên cả bọc nilông bên ngoài thảy vào thùng phuy đang sôi ùng ục. Bơ nóng chảy thành nước vàng.
Ông Ninh – trưởng nhóm công nhân – múc ra xô khoảng 4 lít tưới lên 150kg đậu. Ông ta cho biết cứ 150kg đậu nành phải cho thêm vào khoảng năm loại hóa chất, hương liệu để chế thành cà phê gồm đường hóa học: 1,2 lạng, vani: 0,5 lạng, tinh 72: 2 lạng, sữa thơm: 4 lạng…
Các quy trình “phù phép” đậu nành, bắp rang thành cà phê tại cơ sở Thiên Tính.
Mỗi sáng, bà Thùy (vợ ông chủ cơ sở) dựa theo đơn đặt hàng của khách sẽ chỉ đạo công nhân pha chế các loại bột cà phê theo công thức cụ thể. Có tới 13 công thức pha chế, ứng với mỗi loại bột cà phê khác nhau. Bột cà phê có giá rẻ nhất (50.000 đồng/kg) chỉ có 16% là cà phê thật, còn lại đậu (chiếm 69%) và bột bắp (chiếm 15%). Ở công thức số 5: cà phê thật chiếm 22%, bắp chiếm 10% và đậu nành là 65%. Còn loại cà phê hảo hạng giá 200.000-300.000 đồng/kg chỉ có 30% là cà phê thật.
Để cho công nhân dễ nhớ 13 công thức, chủ cơ sở viết hẳn ra giấy một bảng liệt kê các công thức chi tiết dán lên tường. Các công nhân khi làm nếu lỡ quên thì chỉ việc nhìn vào đó để cân đong sao cho chính xác.
Cà phê không… cà phê
Cơ sở sản xuất cà phê của ông Chủng (quê ở Thanh Hóa) mang nhãn hiệu Hoàng Hữu, đường TCH 15, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM, có khả năng chế biến đậu nành, bắp rang với hóa chất trở thành cà phê mà không cần một hạt cà phê nào trộn vào. Mỗi ngày cơ sở này cung cấp cho các quán cà phê, các cửa hàng trong TP 400-500kg cà phê bột.
Thấy công nhân đứng lớ ngớ pha đậu, ông Chủng quát: “Tụi mày chia ba bao đậu nành, bắp được rang sẵn thành mỗi phần 24kg, cho vào khoảng 8 lạng hạt cà phê, rồi trộn đều lên xem nào”. Mỗi mẻ, ông ta cho vỏn vẹn 5kg cà phê hòa chung với 180kg bắp và đậu nành cháy cùng các phụ gia, hương liệu hóa chất là trở thành bột cà phê đóng gói ngay sau đó.
Loại bột cà phê pha trộn giá 50.000 đồng/kg mới có chút ít cà phê “phớt phớt” như vậy. Chứ loại cà phê có giá 40.000 đồng/kg chỉ rặt đậu nành và bắp trộn với phụ gia hóa chất là “phù phép” thành bột cà phê.
Chỉ với hai bao nhân tổng cộng 120kg, ông Chủng cho người trộn thêm vào hơn một can chất lỏng có mùi rượu, hai túi hóa chất bột màu vàng, một túi hóa chất bột màu trắng, hai túi bột hóa chất màu đỏ…
Theo giải thích của chính chủ cơ sở, đây là các phụ gia hóa chất, hương liệu caramen, CNC, đường hóa học, tinh cà phê, bơ công nghiệp… Mỗi túi khoảng 2 lạng. Pha xong, bột đậu nành, bắp rang đen xì bỗng chốc chuyển sang màu nâu có mùi cà phê thơm phức dù không hề có một hạt cà phê nào được trộn vào.
Giao hàng khắp nơi
Tại cơ sở của ông Chủng, cà phê được đóng gói thành phẩm chia thành hai loại, có đặc điểm phân biệt rõ ràng, loại một với giá 50.000-60.000 đồng/kg, loại hai giá 40.000-45.000 đồng/kg. Hằng ngày, nhóm thợ theo ông Chủng đi giao hàng khắp các quận, huyện như Q.12, Phú Nhuận, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi…
Ông Chủng dặn: “Nhớ khi chào hàng, cà phê có nhiều giá lắm, loại 50.000 đồng/kg không nhất thiết phải bán đúng giá, có thể nhích thêm một chút. Loại 40.000 đồng/kg cũng vậy”. Đến các quán cà phê lớn nhỏ, ông ta đều chào mời rằng cà phê của mình được sản xuất tại các công ty lớn ở Tây nguyên. Khá nhiều quán đồng ý mua hàng thường xuyên vì giá quá mềm lại được khuyến mãi thêm vài bịch (mỗi bịch 1kg) nếu mua nhiều.
Bà Ngọc Hà, chủ một quán cà phê gần cầu Sài Gòn, nhìn nhận: “Cà phê rẻ như vậy chắc cũng độn đủ thứ. Nhưng một ly cà phê tui bán có mấy ngàn đồng, mua hàng nguyên chất thì lấy lời sao được? Kệ nó, có mùi cà phê là được”. Nơi nào chê, ông Chủng cười khà khà, giải thích: “Trên Tây nguyên mấy bữa nay mưa nhiều quá, cà phê không phơi được, công ty toàn phải sấy. Do vậy nên không được thơm ngon lắm”.
Video: Phù phép đậu nành thành cà phê
Nguy hại cho sức khỏe
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết các chất độn cà phê như bắp rang, đậu nành bị rang cháy đen sẽ rất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể, nếu bắp, đậu nành khi bị rang cháy đen, có mùi khét thì hoàn toàn không còn giá trị dinh dưỡng.
Khi đậu được rang với nhiệt độ cao hoặc bắp cháy sẽ sinh ra nhiều loại chất độc hại. Trong đó, các chất như acrylamide, heterocyclic amines, HCAs… là những chất có khả năng gây ung thư cho người sử dụng.
Việc các cơ sở sản xuất lạm dụng nhiều chất phụ gia hóa chất với liều lượng quá nhiều sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người dùng. Nếu cho quá nhiều đường hóa học sẽ dẫn tới triệu chứng tiêu chảy. Các chất phụ gia khác cho vượt mức nhiều lần sẽ gây tồn dư các kim loại nặng, các kim loại này sẽ lắng lại ở gan, ruột, thận và dẫn tới các bệnh lý ở các cơ quan này.
Báo đài nói nhiều rồi. Cái cốt lõi ai cũng biết việc này rồi nhưng thói quen dùng loại cafe pha đậu bắp khó mà thay đổi trong ngày một ngày hai. Như các loại cafe trên thị trường tpHCM (Sơn Tùng, Di Linh, Đức Mạnh, Yến Vy …) nói như thế nào đi nữa họ vẫn bán ào ào hàng ngày 5 10 tấn. Nếu kg uống họ đỗ đâu cho hết.
Hèn gì Cty tôi bán cafe hột nguyên chất đem máy đến tận nơi xay luôn giá chỉ 70,000 đ/kg. Đi chào hàng không quán cafe nào chịu. Do pha đậu bắp quen rồi cứ chê nước loãng không đậm đen, uống chê nhạt. Khó mà thay đổi thói quen những chủ quán cafe và khách hàng của họ thật. Nếu chịu bán cafe của những loại cafe như tôi thì có gì mà than phiền.
Lỗi này là do người tiêu dùng ham rẻ và người bán quán ham lợi nhuận, họ thấy cái lợi trước mắt chứ đâu nghĩ đến chuyện khác.
Các bác nói vậy chứ sang năm 2012 ông lớn caphe STARBUCKS vào Việt Nam rồi, hy vọng ông ta có kinh nghiệm dẹp loạn bọn côn đồ cà phê kiểu Chợ lớn này và cứu dân Việt ta ra khỏi cái mê muội của hóa chất độc hại… Khổ nỗi cái lòng tham thì chăng ai làm gì nổi…
Các bác cứ vào Viện UNG THƯ Gia Định mà xem, cứ 10 bà mẹ đẻ “con quái dị” thì 8 bà là chủ quán cà phê có thâm niên hơn 10 năm rồi vì ngày nào cũng nếm gần cả 20 loại gởi tặng để bán thử đó, cứ thế mà ung dung đẻ quái vật… Thôi cái gì con người không làm được thì để cho trời làm vậy. Nghe đâu mấy bà chủ quán này ngày rằm, mồng một cúng giử lắm mà bác Thiên Lôi vẫn chẳng tha…
Tôi thấy buồn cho cái gu cafe của VN mình quá, chẳng nhẽ chúng ta đều biết là “lợi bất cập hại” của loại cafe bẩn rồi mà vẫn dùng ư. Hãy thay sửa đổi từ chính mỗi chúng ta, quyết không để tình trạng kinh doanh theo kiểu “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm”.
Uống càphê nguyên chất thì đắt và quan trọng nhất là không ngon vì nó rất nhạt, không đậm đặc, đắng như cà phê “hỗn hợp”. Gu uống cà phê của người Việt Nam thế mới lạ đời, thế mới phát sinh nhiều thứ bệnh tật, tuổi thọ con người ngày càng kém, vóc dáng con người nhỏ con nhất thế giới. Việt Nam vẫn còn nghèo lắm (có thể vẫn trong top 10 thế giới về nghèo khổ). Chúng ta phải thay đổi gu uống cà phê, thay đổi tư tưởng con người từ trên xuống mới có khả năng phát triển được.
Không biết bạn căn cứ vào đâu mà cho là uống cà phê nguyên chất là rất nhạt, là không đậm đặc, không đắng…không ngon. Cái mà bạn nói đó là không phải cà phê và chi ít bạn không phải là nông dân cà phê hay chắc chắn là nông dân không biết uống cà phê.
Nếu bạn nói người ta không bán cà phê nguyên chất vì nó đắt hay không hợp với thói quen uống nước đậu, bắp thì còn có lý hơn.
mình cũng thấy cafe ở các quán đen ngòm như nước kênh nhiu lộc vậy mà ai cũng thích uống. theo mình được biết thì cafe thật không có màu đen đục mà màu nâu đen và trong, vị đắng. nếu ai chưa uống quen thì sẽ rất khó uống. còn cafe rỏm thì không có mùi vị gì của cà phê và uống cứ như là nước màu kho cá. còn vị cafe có thể khác vì người ta kết hợp nhiều loại với nhau.
Lỗi chính xác là do người tiêu dùng. Nếu mình làm cà phê sạch, nguyên chất thì giá cao nhưng những người uống cà phê thấy không hợp gu, không hợp khẩu vị nên những nhà rang xay cà phê chất lượng cao không thể hoạt động được.
Uống cà phê loại này thì chết sớm là cái chắc! Lỗi này là do người tiêu dùng, ai bảo tham rẻ làm chi, mà chẳng biết có rẻ hơn không nữa chứ (tiền cà phê + tiền chữa bệnh do uống cà phê kém chất lượng chắc là không rẻ) ? Vậy nên cứ tìm những thương hiệu có uy tín mà uống, nếu ai cũng làm được như vậy thì liệu cà phê kém chất lượng có còn tồn tại được không ?