USD sẽ sụp đổ nếu Trung Quốc mất niềm tin

Mỹ sở hữu một vị thế đặc biệt: họ vay bằng chính đồng tiền của mình, USD là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Họ có nhiều đặc quyền hơn bất cứ nước nào khác.

Người viết là nhà kinh tế độc lập tại Thương Hải, nguyên là Kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Morgan Stanley

Các nước mới nổi như Trung Quốc và Nga đang kêu gọi thay thế USD trong vai trò đồng tiền dự trữ. Nguyên do là chính sách tự do mở rộng cung tiền của FED để hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng Mỹ và các hộ gia đình đang ngập trong nợ nần.

Vì lượng tài sản xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng và đòn cân nợ nặng nề của các hộ gia đình, FED có thể buộc phải ào ạt in thêm USD, cuối cùng gây ra lạm phát cao hay thậm chí siêu lạm phát và gây thiệt hại nặng nề cho các nước đang nắm giữ tài sản định giá bằng USD trong kho dự trữ ngoại hối của mình.

Lời ong tiếng ve về một đồng tiền thay thế cho USD phản ánh thái độ không đồng tình của các nền kinh tế mới nổi, vốn đang tích lũy gần 10.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối, phần lớn là tài sản bằng đồng đôla, với chính sách tiền tệ của Mỹ. Bất kỳ nước nào khác ở trong tình trạng của Mỹ sẽ phải tới Câu lạc bộ Paris của các nước chủ nợ để đàm phán với bên cho vay về chính sách tài khóa tiền tệ của mình để đảm bảo lợi ích của họ.

Nhưng nước Mỹ sở hữu một vị thế đặc biệt: họ vay bằng chính đồng tiền của mình, và USD là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Hiện nay, Mỹ có thể không cần quan tâm đến lợi ích của các chủ nợ mà chẳng lo xem USD có sụp đổ hay không.

Niềm tin của người Trung Quốc vào quyền lực và trách nhiệm của nước Mỹ, và những đồng đôla dầu lửa của các nước vùng Vịnh để có sự hỗ trợ về quân sự của Mỹ, là hai trụ cột chống đỡ vị thế của đồng đôla trên thế giới. Người Trung Quốc, cả ở đại lục, Hồng Kông, Đài Loan và hải ngoại, có thể nắm tới một nửa tài sản bằng đồng đôla tại nước ngoài. Phải kiểm tra phân phối tài sản của những người Trung Quốc giàu có mới hiểu được vị thế đặc biệt của đồng đôla.

Người Trung Quốc thích sử dụng đồng đôla từ những năm 1940 vì nó bảo toàn giá trị khi đồng tiền Trung Quốc mất giá nghiêm trọng. Sự tín nhiệm với một đồng tiền không phải một sớm một chiều. Đồng nhân dân tệ vẫn là một đồng tiền đóng và chưa thể là phương tiện cất trữ giá trị tin cậy. Giới thượng lưu Trung Quốc cũng có xu hướng đưa con đi du học tại Mỹ. Với họ, đồng đôla chẳng khác gì bản tệ.

Mỹ có thể chỉnh đốn lại bảng cân đối tài sản bằng cách bán bớt tài sản và thay đổi chính sách tài khóa thay vì chỉ có in tiền.Ví dụ như khoản thâm hụt 2.000 tỷ USD đáng lẽ nên để trả nợ cho những hộ gia đình đang vướng cảnh nợ nần thay vì chi vào những khoản kích thích kinh tế đáng ngờ. Khi giá cổ phiếu và bất động sản giảm đủ, sức cầu từ nước ngoài, đặc biệt từ người Trung Quốc, sẽ gia tăng. Nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ chưa được khai phá cũng có thể mang bán đấu giá.

Người Mỹ có thể thấy ý tưởng này thật điên rồ. Khó mà tưởng tượng nổi một siêu cường lại cần phải bán cả nhà cửa đồ đạc đi mà trả nợ. Do đó, in tiền có lẽ là một cách ít đau đớn hơn.

Bối cảnh quốc tế hiện nay đặc biệt tiêu cực với người tiết kiệm. Giá cổ phiếu và bất động sản dù đã giảm sâu nhưng vẫn chưa đến mức giá tốt và có thể còn giảm thêm nữa. Lãi suất đã gần mức 0. FED đang in thêm tiền, cuối cùng sẽ khiến tài sản bằng đồng đôla mất giá do lạm phát. Các đồng tiền khác cũng không phải nơi trú ẩn an toàn.

FED mở rộng cung tiến tạo sức ép khiến các đồng tiền khác phải lên giá. Điều này sẽ buộc các ngân hàng trung ương khác mở rộng cung tiền để làm sụt giá đồng tiền nước mình. Do đó, các đồng tiền lớn sẽ lần lượt mất giá. Kết quả cuối cùng là lạm phát và lãi suất thực âm ở tất cả các nước. Ngân hàng trung ương đang trừng phạt người tiết kiệm vì lỗi lầm của những con nợ và giới phân tích. Không may là, người Trung Quốc lại tiết kiệm nhiều nhất.

Dùng tiết kiệm của Trung Quốc để cứu trợ cho các ngân hàng và hộ gia đình phá sản của Mỹ, mặc dù mang lại lợi ích quốc gia lớn cho Mỹ trong ngắn hạn, nhưng điều đó sẽ hủy hoại vị thế quốc tế của đồng đôla. Sức cầu đồng đôla của người Trung Quốc đang yếu đi.

Dự trữ ngoại hối đang phình lên của Trung Quốc phản ánh cầu đồng đôla từ khu vực tư nhân giảm dần do đồng nhân dân tệ lên giá. Mặc dù chỉ là suy đoán, nhưng nó cũng cho thấy uy tín của đồng nhân dân tệ đang lên và có khả năng nó sẽ thay thế đồng đôla trở thành phương tiện cất trữ giá trị của người Trung Quốc.

Chính sách của Mỹ buộc Trung Quốc phải phát triển một hệ thống tài chính thay thế. Hai thập kỷ qua, con đường hội nhập kinh tế quốc tế của Trung Quốc dựa chủ yếu lao động rẻ và neo tỷ giá nhân dân tệ với đôla. Neo giữ đồng nội tệ với đôla cho phép Trung Quốc lợi dụng hệ thống tài chính Mỹ cho các nhu cầu quốc tế, trong khi nền tài chính trong nước vẫn trong tầm kiểm soát của nhà nước để tái phân phối của cải từ vùng duyên hải vào nội địa.

Cách tiếp cận hai phía này đã hoạt động cực kỳ tốt. Trung Quốc vừa có bánh lại vừa ăn được bánh. Đương nhiên, bong bóng tín dụng toàn cầu lại là thứ khiến thế nước đôi này của Trung Quốc càng hiệu quả; bao nhiêu sự phi hiệu quả của nó đều được bong bóng sức cầu quốc tế che mờ.

Trung Quốc nhận thức đuợc rằng họ phải có sự độc lập tương đối với đồng đôla. Quyết định gần đây biến Thượng Hải thành trung tâm tài chính trước năm 2020 phản ánh mối lo của Trung Quốc về hệ thống đôla.

Năm 2020 có vẻ quá xa xôi, và người Mỹ chẳng mấy chú ý đến cái gì xa đến vậy. Tuy nhiên, nếu diễn ra tình trạng đình lạm toàn cầu, Trung Quốc sẽ buộc phải đẩy nhanh cải cách thả nổi tiền tệ và tạo ra một hệ thống tài chính độc lập, định hướng thị trường. Khi điều đó xảy ra, đồng đôla sẽ sụp đổ.

Ngô Minh Tuấn – CafeF
Theo FT

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng