UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ra quy định cấm hái và kinh doanh cà phê xanh, non. Theo đó, tỉ lệ trái chín phải đạt trên 95% sau thu hái. Nhiều người trồng và kinh doanh cà phê cho rằng rất khó tuân thủ quy định này.
Xem thêm: Đắk Lắk: nghiêm cấm thu hái, mua bán cà phê non
Sợ bị mất trộm, nông dân tại huyện Krông Năng (Đak Lak) phải hái cả trái cà phê xanh
Anh Q., ở xã Êa Knuếch, huyện Krông Păk, cho biết anh có nghe chỉ thị của UBND tỉnh trên đài truyền thanh xã mấy ngày nay. Anh cũng biết hái cà phê đạt tỉ lệ trái chín cao sẽ bán giá cao hơn nhưng ngặt nỗi hái như vậy không bù được công thu hái, canh giữ cà phê. Gia đình anh Q. được một công ty cà phê giao khoán khoảng 1ha cà phê.
[ Thu hoạch cà phê non làm tiêu tùng chất lượng cà phê ]
Theo quy định của công ty, trên diện tích được giao khoán khi hái phải đạt 95-98% trái chín. Nếu các đội bảo vệ sản xuất phát hiện hộ nào hái cà phê có 15-20% trái xanh sẽ bị thu giữ, xử phạt. Theo anh Q., gia đình anh hái cà phê chỉ đạt tỉ lệ trái chín từ 80-90% vì: “Cà phê ra trái nhiều đợt, nếu cứ chọn hái trái chín 100% thì phải thu hoạch nhiều lần. Tiền thuê thu hoạch vào đầu mùa đã 80.000-90.000 đồng/người/ngày, đến chính vụ phải lên đến 120.000 đồng, tính ra không có lợi”.
Tại nhiều điểm mua cà phê tươi ở xã Êa Kênh (Krông Păk) và thị trấn Krông Năng, cà phê chín mọng rất đẹp mắt được mua với giá 7.500-8.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chủ đại lý cũng mua cả cà phê có tỉ lệ trái xanh cao với giá rẻ hơn. Sau đó, tất cả được trộn đều và xát chung một mẻ nên khi bán cà phê nhân khó có thể phân biệt. Ông chủ một đại lý giải thích hầu hết những người hái cà phê trái xanh nhiều vào thời điểm này là do có rẫy xa nhà, sợ bị mất trộm.
Ông Nguyễn Văn Sinh – phó giám đốc Sở NN&PTNT Đak Lak – cho biết cùng với các biện pháp hành chính, sở đang giúp đỡ các doanh nghiệp kinh doanh cà phê lập các vùng nguyên liệu để họ đầu tư khoa học kỹ thuật, ưu đãi về đầu ra để đảm bảo được nguồn nguyên liệu tốt. Mặt khác, sở đã phối hợp với các vùng chuyên canh cà phê để tổ chức các tổ nông dân tự quản, có nhiệm vụ tuần tra tránh mất trộm và giám sát việc nông dân thu hái cà phê xanh, cà phê non.
Tuy nhiên, sẽ rất khó kiểm soát việc này vì hiện tỉnh có hơn 190.000 ha cà phê nhưng chỉ khoảng 20.000ha là của các doanh nghiệp chuyên canh có thể quản lý chất lượng sau thu hái, còn lại là thuộc 180.500 hộ cá thể manh mún, nhỏ lẻ. Các tổ nông dân tự quản thực chất cũng là người dân, không có thù lao hay ràng buộc gì. Còn đối với những đại lý mua cà phê tươi thì càng khó kiểm soát hơn bởi không có quy định chế tài nào.
Nên xem: Hái cà phê đúng quy trình có thể tăng gấp đôi năng suất
Theo tôi vấn đề ở đây không chỉ đơn giản do người nông dân mà cần có chế tài xử lý các đại lý thu mua cà phê, không chỉ cà phê tươi mà cà phê nhân cũng vậy đa số các đại lý sau khi thu mua về đều trộn hàng kém chất lượng vào. Một vấn đề nữa là trộm cắp, chắc hẳn các vị cũng từng nghe qua vài vụ giết người để trộm cà phê. Thử hỏi trong các vị ai là người trồng cà phê, ai là người hiểu cho nỗi khổ của người nông dân trong khi đó hễ nói đến chất lượng cà phê là lại đổ thừa cho nông dân hái xanh hái non. Vậy biện pháp ở đây là gì ? Là tất cả mọi người các doanh nghiệp lập được các vùng nguyên liệu, các đại lý không làm ăn gian dối (cái này có vẻ khó, các đại lý mà không trộn hàng xấu đẹp lẫn lộn thì lấy đâu mà lời), là phải đảm bảo được tình hình an ninh trật tự tốt, là phải có giá thu mua hợp lý.