Không khuất phục trước cái nghèo

Để trở thành triệu phú, tỷ phú, hơn 10 năm trước, có chị phải bán từng củ khoai lang, tiết kiệm từng bữa ăn để dành tiền nuôi một con heo nái…

Không chấp nhận cái nghèo, vợ chồng chị Ngô Thị Nở ở xã An Qui (Thạnh Phú) bôn ba lên Đồng Nai lập nghiệp. Chị cùng chồng canh tác gần 2.500m2 đất trồng đậu nành, thuốc lá, bắp. Tích lũy được số tiền chị nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà (Định Quán). Lồng bè của chị chỉ có 12m2, trên làm nhà ở, dưới nuôi cá bống tượng (khoảng 500 con). Tới mùa nước cạn không nuôi cá được, phải tăng cường làm rẫy.

Thế nhưng cái nghèo vẫn còn thách đố chị. Chị chỉ nuôi cá bống tượng được 4 năm (1992-1996) vì nước sông bị ô nhiễm. Sau đó, lên bờ trồng cà phê nhưng cũng bị thua lỗ vì cà phê xuống giá. Năm 2000, chị về quê.

Chị Nở đào ao nuôi tôm nhưng không thành công. Thấy bà con bắt cá bống tượng cho tôm sú ăn, chị mới biết ở đây cá bống tượng sống được. “Lấy kinh nghiệm nuôi cá bống tượng ở Đồng Nai, tôi chuyển sang thu mua cá bống tượng để nuôi. Rất may, cá mau lớn, giá bán ngày càng cao, có lúc gần 500 ngàn đồng/kg” – chị Nở phấn khởi.


Chị Linh đang chăm sóc đàn heo.

Từ năm 2006-2008, mỗi năm trừ chi phí chị Nở còn lời khoảng 1 tỷ đồng nhờ nuôi và sản xuất cá giống bống tượng. Năm 2009 đến nay, giá cá bống tượng chỉ còn 370 ngàn đồng/kg nhưng mỗi năm chị vẫn còn lời gần 700 triệu đồng.

Còn chị Nguyễn Thị Thùy Linh ở xã Tiên Thủy (Châu Thành), làm giàu từ một con heo nái.

Năm 1999-2003, chị Linh cùng chồng (anh Phạm Văn Hữu) làm thuê bằng nghề đóng giường (tiền công 25 ngàn đồng/cái). Ngoài ra, hàng ngày, bốn giờ sáng vợ chồng chị phải lội sông, rạch để bắt hến bán kiếm tiền mua gạo. Vất vả như vậy nhưng cái nghèo vẫn đeo đuổi vợ chồng chị. Năm 2003, chị Linh mạnh dạn vay 4 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. “Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cầm 4 triệu đồng nên run dữ lắm. Mừng vì có tiền, lo vì nuôi heo biết có thành công hay không. Nếu thất bại thì trả nợ này đến bao giờ” – chị Linh kể. Chồng chị Linh cũng không kém phần lo lắng. Vì vậy, mỗi tối thấy muỗi cắn heo dữ quá, anh lấy mền đắp cho nó.

Chị Linh cho biết thêm, vợ chồng chị làm mướn, lấy tiền mua thức ăn cho heo, không dám mua chịu. Nuôi được 4 năm, heo đẻ 8 lứa, mỗi lứa từ 12-16 con”.

Từ con heo nái đó, đến năm 2010, chị Linh nuôi được 7 con heo nái, 60 heo thịt. Nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi heo, chị có thể chích, đỡ đẻ cho heo. Hiện tại, chị Linh nuôi 3 heo nái, 45 heo thịt. Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tiên Thủy cho biết: “Trong các chị vay tiền để nuôi heo thì chị Linh là người nuôi đạt hiệu quả cao nhất. Chị vừa xây xong ngôi nhà với số tiền 400 triệu đồng nhờ nuôi heo”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82