Mất thương hiệu mới đi đòi

Là đất nước nổi tiếng với hàng trăm mặt hàng nông, lâm thủy sản, xuất đi hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, song đến nay, bảo vệ thương hiệu nông sản vẫn đang bị bỏ ngỏ. Nhiều bài học đã lặp lại, nhưng vẫn chưa đủ thức tỉnh nông dân, doanh nghiệp (DN) cũng như nhà quản lý.

thanh-long
Hàng trăm nhãn hiệu nông sản Việt Nam vẫn “vô chủ”

Món nào ngon, nước bạn “mượn”

Đầu tháng 11, UBND  tỉnh Đắk Lắk đã chính thức khởi kiện đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh này. Theo đó, tỉnh Đắk Lắk đã chọn Công ty Luật Phạm và Liên danh đại diện khởi kiện yêu cầu đòi hủy bỏ hiệu lực đối với hai bản đăng ký nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mà DN Trung Quốc đăng ký bảo hộ tại nước này. Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 190.000ha cà phê, với sản lượng hàng năm đạt 400.000 tấn cà phê nhân, chiếm đến 40% sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của cả nước. Tính đến thời điểm này, cà phê của Đắk Lắk được xuất đi 60 vùng, quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, nếu thương hiệu cà phê này bị đánh mất thì ai cũng có thể nhìn ra thiệt hại mà người trồng cà phê tỉnh này phải gánh chịu.

Song, đây không phải lần đầu nông sản Việt Nam bị các DN nước ngoài lợi dụng, đăng ký thương hiệu. Trước đây, đã từng có thương hiệu kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc, Vinataba… Mỗi lần, khi thương hiệu bị mất, các doanh nghiệp cũng như nhà quản lý mới nháo nhào, tìm cách giải quyết. Nhưng không phải “thương vụ đi đòi” nào cũng thành công, các DN cũng như nhà quản lý Việt Nam đã nhiều lần phải nếm “trái đắng”.

Thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, tính đến năm 2011, Việt Nam có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng ở hầu hết các địa phương. Song, đến nay, mới chỉ có 59  nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm. Tuy nhiên, tất cả các sản phẩm được đăng ký bảo hộ trên chỉ có hiệu lực trong nước, nếu các DN nước ngoài ở bất kỳ quốc gia nào có nhu cầu “mượn tạm” thì vẫn bị mất như thường.

Ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhận định: “Phải thẳng thắn thừa nhận, đối với thương hiệu nông sản nổi tiếng, chúng ta mới đặt được nền móng ban đầu, mới đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm này. Xây dựng và phát triển thương hiệu chưa được quan tâm”.

Nước đến chân sao chưa nhảy?

Ông Nguyễn Ngọc Loãn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương), nơi có đặc sản vải thiều Thanh Hà nức tiếng một thời lo lắng, vải thiều Thanh Hà bị mất nhãn hiệu ngay tại địa phương. Các thương lái Trung Quốc đến thu gom, đóng thùng bằng tiếng Trung Quốc ngay tại vườn rồi vận chuyển lên biên giới Lạng Sơn, Lào Cai đưa về nước.

Ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà cho biết thêm, năm 2010, ông tham gia hội chợ hàng nông sản Côn Minh-Vân Nam-Trung Quốc,  tại đây, vải thiều Thanh Hà được người Trung Quốc mua với giá 10 nhân dân tệ, tương đương hơn 30.000 đồng/kg. Theo ông Loãn, dù vải thiều Thanh Hà đã được cấp chỉ dẫn địa lý vào năm 2003, nhưng ngay trong nước, thì vải thiều Thanh Hà “rởm” cũng được bán tràn lan.

Hệ quả của nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nông sản nổi tiếng của ta bị DN đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài  thì DN đó có toàn quyền ngăn cấm các DN khác sử dụng nhãn hiệu của mình. Như vậy, DN Việt Nam không thể tự do xuất khẩu sản phẩm nông sản dưới nhãn hiệu của mình ngay cả trường hợp trước đây việc xuất khẩu diễn ra bình thường.

“Nguy cơ mất thị trường, bạn hàng hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa, danh tiếng, uy tín của sản phẩm Việt Nam có thể bị ảnh hưởng do nông sản mang nhãn nhiệu, chỉ dẫn địa lý đó không được chúng ta quản lý về chất lượng”, ông Minh phân tích. Và khi đó, một loạt các hệ quả khác sẽ theo hiệu ứng đô mi nô. Xuất khẩu của DN bị ảnh hưởng sẽ tác động đến các cơ sở thu mua, chế biến và sau đó là nông dân, người trực tiếp làm ra sản phẩm, không những ở một thị trường, nó sẽ tác động đến nhiều thị trường tiềm năng khác.

Sự việc xảy ra với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột cần phải được nhìn nhận một cách cẩn trọng, đánh giá chính xác để tránh ảnh hưởng đến việc lấy lại các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã bị nước ngoài đăng ký chiếm đoạt, là quan điểm ông Minh đưa ra. Và cũng đã là quá muộn cho  các DN, nhà quản lý cũng như địa phương quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu nông sản của quê hương mình, tránh lặp lại những bài học đã qua.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Ngóe

    Báo chí ưa nói tầm bậy. Ai kiện đâu mà kiện? kiện ai? kiện cái gì?…
    Đang trong giai đoạn đi đàm phán, năn nỉ xin lại, kể cả thỏa thuận mua lại, mà cứ ưa nổ!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81