Cà phê… hái dối

hai-ca-phe-xanhMùa thu hoạch cà phê ở Tây nguyên đang rộ, hàng chục ngàn lao động đang đổ về đây hái thuê cà phê với thu nhập trên dưới 100 ngàn đồng/ngày.

Nhưng mùa thu hoạch cà phê cũng đồng nghĩa với mùa… ăn cướp! Nhiều vườn cà phê bị trộm thăm viếng, vừa mất quả lại hư hại vườn cây. Hàng ngàn nông dân mỗi tối đều đốt đèn, thăm vườn cà phê nhưng vẫn không ngăn nổi bọn trộm ra tay. Không ít vườn cà phê dù tỷ lệ chín chưa đến 50% nhưng nông dân vẫn phải bấm bụng tuốt hết về nhà dù biết nếu hái chín sẽ tăng thêm vài trăm ngàn đồng/tấn.

Giải pháp “xanh nhà hơn già đồng” được hàng chục ngàn hộ nông dân “chuộng” hơn cả. Điều đáng buồn là thực trạng ồ ạt thu hái cà phê non suốt nhiều năm qua vẫn đeo đẳng dù chính quyền các nơi luôn kêu gọi thu hái cà phê chín. Một số doanh nghiệp thuộc địa bàn Tây nguyên cũng trang bị dây chuyền chế biến cà phê ướt để mua cà phê chín đỏ với giá cao về chế biến, hay tăng cường lực lượng chức năng để giảm thiểu nạn trộm cà phê ở vườn.

Theo phân tích của những nhà chuyên môn, việc thu hái cà phê xanh sẽ làm giảm từ 10 – 25% sản lượng tùy tỷ lệ xanh – chín, ảnh hưởng đến chất lượng. Đó là lý do Việt Nam là một trong những cường quốc về xuất khẩu cà phê nhưng cũng là nơi phải ôm lại không ít cà phê bị loại thải vì không đạt chất lượng. Trong đó, cà phê hái non dẫn đến chất lượng kém là một trong nhiều nguyên nhân.

Việc chất lượng cà phê sụt giảm, nhiều năm qua vẫn bị các cơ quan chức năng “dí” cho nông dân. Nông dân cũng thừa biết, hái cà phê non sẽ thiệt hại lớn nhưng ai bảo vệ “nồi cơm” nhà họ khi trộm cắp rình rập các vườn cà phê. Giữa 2 cái thiệt, tất nhiên họ chọn cái ít hơn, đó là cà phê hái non.

Nông dân bị thiệt đồng nghĩa với việc cà phê Việt Nam bị thua thiệt trên thị trường thế giới. Biện pháp bảo vệ cà phê, bảo vệ công sức lao động người nông dân cũng như bảo vệ chính uy tín, chất lượng cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế là điều mà các cấp, ngành, những cơ quan có trách nhiệm phải triển khai ngay để người dân yên tâm làm ăn.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Văn Dân

    Bác nào biết tiêu đề bài báo “Cà phê… hái dối” với nội dung của bài có mối quan hệ như thế nào không? Chứ như trình độ của Nông Văn Dân thấy giữa nội dung và tiêu đề bài báo thì chẳng có liên quan gì cả .

    1. HUY

      Để như vậy cơ quan chức năng mới cảm thấy sự thiệt hại nặng nề vì sao lại không cạnh tranh nổi giá trên thế giới.

    2. Ngóe

      Năm nào, mùa nào hái cà phê cũng nói, nói chán, nói mãi, nói hết chữ rồi mà có cải thiện được gì đâu. Giờ nói nữa nên phải mượn tạm cái tít trớt quớt này cho nó mới chứ nội dung thì cũ rình rồi bạn Nông Văn Dân ạ.

  2. Ngô văn cảnh

    Bác Nông văn Dân thân mến! cà phê … Hái dối là của THANH NIÊN còn như Bác với tôi là trẻ em hoặc ông bà cụ rồi. Làm sao mà hiểu được?! nhân đây cũng xin nói thêm chuyện hái trộm cà phê nếu bắt được xử vài vụ thật nặng để răng đe (vd tù giam) chứ phạt hành chính chả ăn thua. Chổ tôi ở ko có ăn trộm vì trước đây có kẻ ăn trộm bị đánh trọng thương nên bây giờ bọn chúng đều khiếp.

  3. cu ho

    Đài báo cứ ra rả đâu đâu cũng có xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa… không ngừng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội … thế mà trộm cắp cà phê đâu đâu cũng nghe nói? Ai biết giải thích cho bà con với!

    Cà phê cứ “xanh nhà hơn đỏ đồng” kiểu này thì VN đừng mong có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường thế giới! các cấp chính quyền nghĩ gì về vấn đề này?

Tin đã đăng