Suy thoái kinh tế khiến giá hàng hóa sụp đổ, nhưng một số chuyên ra nói rằng giá hàng hóa có thể sớm tăng trở lại nếu phục hồi kinh tế ở mức khiêm tốn.
18 tháng trước, khi thế giới bị cuốn trôi trong bong bong tài sản, không có gì nóng hơn hàng hóa. Giá các mặt hàng từ quặng sắt cho tới dầu cọ, ngô đều cao ngất ngưởng. Giá dầu thô gần như tăng gấp 5 lần trong vòng 5 năm; giá gạo tăng gấp 3 chỉ trong 5 tháng.
Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Robert Zoellick đã gọi việc tăng giá thực phẩm và giá dầu là một “nhân họa”, điều có thể làm cho những tiến bộ nhanh chóng trong quá trình giảm đói nghèo trở nên vô nghĩa.
Khủng hoảng tài chính có thể tạo ra điều gì khác biệt. Sau cuộc bùng nổ kinh tế toàn cầu bị vỡ, nhu cầu với nhiều loại hàng hóa đột ngột biến mất. Chỉ số giá hàng hóaDow Jones-AIG giảm hơn một nửa giá trị kể từ giữa năm 2008.
Do giá kim loại giảm, tháng 1 hãng BHP Billiton phải thông báo tạm hoãn khai thác một mỏ nikel tại Úc trong 8 tháng sau khi chính thức mở cửa. Biến động nhanh nhất là giá dầu.
Một năm trước, chính phủ các nước phương Tây còn yêu cầu các nước vùng vịnh tăng sản lượng do giá dầu hướng đến 150 USD/thùng. Hiện nay, các nước OPEC phải giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu tăng lên 50 USD/thùng.
Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu dầu trong năm nay có thể giảm xuống tỷ lệ sâu nhất kể từ đầu những năm 1980. Một số chuyên gia tin rằng giá dầu có thể giảm sâu trong nhưng năm tới do những nguồn năng lượng hiệu quả hơn, cải tiến công nghệ trong sản lượng và nhưng lựa chọn khác như nhiên liệu sinh học.
Nhưng trong vài tháng qua, một điều nực cười đã xảy ra trong giao dịch hàng hóa. Sau những phiên giảm, giá dầu, đồng, dầu cọ và những hàng hóa khác quay đầu hồi phục. Đáng lẽ ra, điều này không thể xảy ra khi khi kinh tế thế giới vẫn còn trong tình trạng bấp bênh.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong tuần trước đã dự báo tăng trưởng GDP trong năm năm 2009 sẽ giảm 1,3%, mạnh nhất kể từ những năm 1930. Tuy nhiên, giá dầu hiện nay vẫn đắt hơn 50% so với hồi tháng 12 năm ngoái.
Dầu cọ cũng tăng 50% trong năm nay. Theo chuyên gia đầu tư Jim Rogers, lĩnh vực duy nhất đang tăng trưởng chính là các loại hàng hóa. Trong khi cả ô tô và ngân hàng đều lao dốc, chỉ có hàng hóa đi lên.
Nhưng vì đâu giá hàng hóa lại tăng vào lúc này, giữa lúc tệ nhất của suy thoái? Câu trả lời ở đây: nhu cầu nguyên liệu thô đang hồi phục dù tăng nhẹ. Trong trường hợp của dầu là do cung giảm vì OPEC giảm sản lượng. Và giới đầu tư cũng đặt cược vào khả năng tăng giá trước dự đoán tình trạng thiếu sẽ trở lại khi nhu cầu có sự cải thiện.
Cũng do các công ty khai mỏ, người nông dân và những hãng khai thác dầu bị thiệt hại bởi thu hẹp tín dụng, không đủ tiềm lực đầu tư để nâng công suất. Nhiều người hiện sẽ không đầu tư nếu không thấy được lợi nhuận do giá cả đi xuống khiến dự án không có triển vọng.
Quả thực, khi giá tăng mạnh vào năm 2007-08, không phải do thế giới đang cạn tài nguyên thiên nhiên mà do đầu tư không đủ khiến cung không đáp ứng cầu trên thị trường. Suy thoái khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Ví dụ, số lượng dự án đầu tư vào ngành dầu sẽ giảm khoảng 30% trong năm 2009 và giảm ít nhất 40% vào năm 2010 so với dự tính trước khủng hoảng tài chính. Trong lĩnh vực khai mỏ, đầu tư cũng có thể giảm 40% trong giai đoạn 2009-10.
Do khai thác những mỏ dầu và mỏ đồng mới mất nhiều năm để đi vào khai thác hoàn toàn, tình trạng đầu tư giảm hiện nay cũng khiến cung thắt chặt hơn. Lúc này, những thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành khách hàng khát quặng sắt, dầu thô và lượng thực hơn bao giờ hết do kinh tế ngày càng lớn mạnh và người dân ngày càng giàu hơn.
Giá dầu cọ tăng cũng phần nào nhờ nhu cầu tại Ấn Độ – với dân số 1 tỷ người – tăng lên. Trong tháng 3, nhập khẩu quặng sắt và than đá của Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục còn nhập khẩu dầu thô tăng cao nhất trong 12 tháng. Điều này là nhờ gói kích cầu trị giá 585 tỷ USD giúp đẩy mạnh nhu cầu hàng hóa.
Tất nhiên, những hàng hóa khác nhau sẽ biến động khác nhau khi kinh tế toàn cầu khởi sắc, tùy vào điều kiện cung và cầu thực tế. Điều này khiến việc dự đoán thời điểm phục hồi trở nên phức tạp.
Theo Rogers, trong số các tài sản, giá hàng hóa sẽ tăng đầu tiên khi tăng trưởng kinh tế bắt đầu hồi phục. Những chuyên gia khác lại không đồng tình với ý kiên hồi phục nhanh do dự trữ một số hàng hóa như dầu vẫn cao, nhu cầu tài nguyên thiên trong một số ngành sẽ không nhanh chóng tăng sớm.
Không ít người cân nhắc đầu tư hàng hóa như một kênh an toàn phòng lạm phát. Nếu chính sách tiền tệ do các ngân hàng trung ương trên thế giới thi hành vực dậy tăng trưởng và khiến lạm phát trỗi dậy, giá hàng hóa có thể leo thang nhanh chóng.
Minh Quang
Theo Time/ CafeF