Giá cà phê thế giới biến động trái chiều trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11, trong đó giá cà phê robusta lội ngược dòng tăng mạnh.
Trên thị trường London, giá cà phê robusta các kỳ hạn hôm qua đồng loạt tăng 56 – 57 USD/tấn, mức tăng xấp xỉ 3% so với cuối tuần trước, với kỳ hạn tháng 1 chốt tại 1.878 USD/tấn.
Lúc mở cửa, giá theo xu hướng giảm của phiên liền trước và sức ép của đồng USD tăng giá. Thị trường sau đó hồi phục mạnh và bắt đầu bứt phá khi tìm lại mốc tâm lý 1.850 USD.
Khối lượng giao dịch phiên qua tăng đột biến, lên tới hơn 30.000 lots – một trong số chưa đến 10 phiên giao dịch khủng của năm nay và cao gấp 3 lần phiên liền trước, bởi nhu cầu mua bù bán của nhà đầu cơ.
Tại New York, giá cà phê arabica đóng cửa phiên, kỳ hạn tháng 3 mất 3,1 cent còn 227,1 cent/lb, kỳ hạn tháng 12 xuống 223,65 cent/lb. Đây là các mức giá thấp nhất trong vòng 1 tháng qua.
Thị trường arabica chịu sức ép từ đồng USD tăng giá và nỗi lo nợ công châu Âu. Chính phủ Hy Lạp đã kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về gói cứu trợ mới, nhưng khả năng gặp làn sóng phản đối và nỗi lo vỡ nợ tăng thêm. Thị trường chứng khoán châu Âu xuống mức thấp nhất 5 tuần trong khi giá các hàng hóa sụt trung bình 1%.
Giới phân tích lo ngại, giá cà phê arabica sẽ chịu nhiều sức ép trong năm tới vì vụ mùa bội thu ở Braxin. Trong năm nay, tình hình thời tiết xấu hiện tại sẽ hỗ trợ cho giá trong ngắn hạn.
Nguyễn Hằng (giacaphe.com)
Tôi nghe nói cả châu Âu cứ họp bàn mãi để tìm cách cứu cho Hy Lạp khỏi vỡ nợ và hình như các nước lớn trên thế giới cũng lo lắng vì sợ phản ứng dây chuyền sẽ đưa thế giới vào khủng hoảng kinh tế mới.
Trong bài này Ng Hằng viết: Chính phủ Hy Lạp đã kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về gói cứu trợ mới, nhưng khả năng gặp làn sóng phản đối và nỗi lo vỡ nợ tăng thêm.
Tôi thắc mắc là tại sao phải trưng cầu dân ý? hình như có điều gì đó giữa Chính phủ và nhân dân Hy Lạp? Chính phủ thì lo, nhân dân thì phản đối, lạ thật!