Bao giờ nông sản Đắk Nông có thương hiệu?

Là địa phương có nhiều loại nông sản đạt chất lượng như hồ tiêu, cà phê, khoai lang Nhật Bản… nhưng lâu nay các mặt hàng này ở Đắk Nông đều phải qua nhiều trung gian, hoặc mượn tên vùng khác để xuất khẩu.

Sở dĩ có chuyện như vậy bởi vì các mặt hàng nông sản này không có “tên”-”tuổi” trên thị trường trong và ngoài nước. Trong khi nông dân, doanh nghiệp trong tỉnh còn mù mờ về thương hiệu thì việc hỗ trợ của các ngành, địa phương cũng chưa được nhiều.


Sầu riêng Đức Mạnh (Đắk Mil) có năng suất cao, chất lượng tốt nhưng “hương” chưa bay xa.

Nhiều nông sản “không tên”

Phát biểu tại Hội thảo thương hiệu nông sản Đắk Nông, vừa mới được UBND tỉnh tổ chức, ông Trần Viết Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Đến nay, Sở đang tiến hành hướng dẫn các đơn vị, địa phương phát triển ba nhãn hiệu hàng nông sản tập thể, có xuất xứ địa lý gồm “Khoai lang Tuy Đức”, “Cà phê Đức Lập”, “Tiêu Kiến Đức”.

Thực tế, số nhãn hiệu đăng ký ở tỉnh ta vẫn còn rất ít, nếu so với số lượng các sản phẩm nông sản hiện có”. Đúng như ông Hùng phân tích, không chỉ số nhãn hiệu đăng ký ít, mà cho đến tận bây giờ, tỉnh vẫn chưa có một sản phẩm nông sản tập thể nào được đăng ký nhãn hiệu tập thể giống như “Xoài cát Hòa Lộc”, “Nho Ninh Phú” “Tiêu Phú Quốc”. Kể cả các nhãn hiệu đang được đăng ký, chắc cũng sẽ còn phải tốn nhiều giấy mực và thời gian nữa mới có thể hoàn thành…

Điển hình như nhãn hiệu “Cà phê Đức Lập” vẫn còn vướng mắc vì trùng với tên của một đơn vị tư nhân đã đăng ký trước và nhãn hiệu “Tiêu Kiến Đức”, giờ này cũng không còn nhiều diện tích.

Đăng ký được nhãn hiệu đã là một chuyện, còn việc để đưa nhãn hiệu đó trở thành thương hiệu lại là cả một câu chuyện khác nữa. Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia về tiếp thị và xây dựng thương hiệu cho rằng: “Nông dân, doanh nghiệp và nhà quản lý cần phải hiểu, sở hữu trí tuệ về thương hiệu khác xa với xây dựng, phát triển thương hiệu.

Đắk Nông có rất nhiều nông sản có giá trị, nhưng việc xây dựng nhãn hiệu, rồi đến thương hiệu hiện vẫn làm chưa tốt. Nếu không kịp thời đăng ký nhãn hiệu, rồi tiến tới xây dựng thương hiệu thì các mặt hàng nông sản ở Đắk Nông vẫn sẽ phải qua nhiều khâu trung gian (thương lái) mới có thể tới được nhà máy chế biến. Cứ như vậy, người nông dân luôn phải bán sản phẩm với giá thấp, còn nhà máy lại mua nguyên liệu (nông sản) đầu vào với giá cao”.

Đứng ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật & Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT thừa nhận: “Thực tế, phần lớn nông sản ở tỉnh ta được tiêu thụ bởi các doanh nghiệp tại Bình Dương, Tp.HCM, Đồng Nai… thông qua nhiều hệ thống đại lý thu mua ở các địa phương. Chính vì mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ (doanh nghiệp và nông dân) chưa bền chặt, nên rất khó đảm bảo được quyền lợi cho cả hai phía, khi giá cả hàng hóa nông sản lên xuống thất thường”.


Xoài Đắk Gằn (Đắk Mil) thơm ngon không kém xoài Nam bộ.

Vì mù mờ thương hiệu

Nói đến thương hiệu nông sản, chắc không mấy ai không biết, nhất là đối với nông dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù biết về hai chữ thương hiệu, nhưng để xây dựng được thương hiệu hàng nông sản thì nhiều người còn rất… mù mờ. Qua nhiều ý kiến của không ít doanh nghiệp, nông dân thì dù họ là những người thấy được giá trị của thương hiệu, nhưng hiện không biết làm thế nào để đăng ký tên sản phẩm của mình.

Ngay cả việc họ phải đi đâu, làm gì để đăng ký nhãn hiệu nông sản cho hợp tác xã, tổ sản xuất thì cũng có nhiều người chưa biết. Đó là chưa kể đến việc liệu các nông dân, doanh nghiệp trong tỉnh có biết đến những chính sách ưu đãi của Nhà nước, địa phương trong quá trình xây dựng thương hiệu hàng nông sản hay không?

Trong khi đa số nông dân, doanh nghiệp còn mù mờ về thương hiệu thì đối với cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương hiện cũng không khả quan là mấy. Nói về trường hợp này, theo ông Trần Viết Hùng, thực tế ngoài việc nông dân, doanh nghiệp trong tỉnh giờ chưa quan tâm nhiều đến “tài sản vô hình” thì cũng phải kể đến cơ quan quản lý làm chưa tốt.

Thực tế, đến giờ ngay cả con người, thực lực để làm công tác quản lý, xây dựng thương hiệu hiện có không nhiều… Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Hiện tại, tỉnh ta cũng mới bắt đầu xây dựng, định hình, phát triển thương hiệu nên còn nhiều vấn đề lúng túng. Vì vậy thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung mời các chuyên gia về thương hiệu tập huấn cho nông dân, doanh nghiệp và cả cán bộ quản lý Nhà nước”.

Không nên chậm trễ

Là người từng nhiều năm gắn bó, trăn trở xây dựng thương hiệu, ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Minh An (Đắk Mil) tâm sự: “Cả chục năm trời, đơn vị phải “vật lộn” với việc xây dựng thương hiệu cho mặt hàng cà phê của mình. Vì ngoài sự hỗ trợ của các cấp, ngành thì hiện tại phần lớn công việc đăng ký thương hiệu chủ yếu… do chủ sở hữu tự mày mò. Chưa kể khi đã có thương hiệu rồi mà nếu “đem” ra nước ngoài đăng ký thì đó lại là cả một con đường đầy khó khăn”.

Ông Toàn cho biết thêm, khi doanh nghiệp có thương hiệu rồi thì việc kinh doanh sẽ rất thuận lợi. Ông cũng khuyên, các địa phương, doanh nghiệp không nên chậm trễ trong việc đăng ký thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa của mình, đặc biệt là hàng nông sản… Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Trần Văn Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Hiện nay, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 50% chi phí xây dựng, quảng bá thương hiệu, nên đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, địa phương triển khai các bước cần thiết trong việc xây dựng thương hiệu hàng nông sản”.

Còn theo ông Nguyễn Đức Luyện thì hiện tỉnh cũng đang làm việc với thị xã Gia Nghĩa tìm quỹ đất khoảng 100-200 ha để xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao. Ngay khi có quỹ đất, tỉnh sẽ xây dựng các phương án cụ thể, mời gọi nhà đầu tư triển khai dự án, cũng như hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các cá nhân, tập thể, đơn vị đầu tư vào đây.

Có thể nói, với chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân đã và đang được cụ thể hóa thì việc phát triển các thương hiệu nông sản chỉ còn phụ thuộc vào cách làm. Đó là sự liên kết của “4 nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) như thế nào cho hợp lý.

Như ông Trần Đình Lý, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nông lâm Tp.HCM phân tích: “Qua thực tế kiểm tra, chúng tôi nhận thấy muốn xây dựng được thương hiệu nông sản thì phải có sự kiên kết của “4 nhà”, nhưng vấn đề là phải từng nhà đều tốt. “4 nhà” “ngồi lại” thôi thì chưa đủ mà phải “bắt tay” và “siết chặt” chứ không thể làm rời rạc mỗi người một kiểu được”. Theo ông Lý, chỉ có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” thì mới có thể xây dựng và phát triển được thương hiệu hàng nông sản một cách tốt nhất.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83