Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Thị Huệ: Cần lành mạnh hóa thị trường cà phê

Đó là ý kiến của đại biểu QH tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Huệ trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng phát triển kinh tế – xã hội năm 2012 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII.

Theo bà Huệ, hiện cà phê Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới về lượng xuất khẩu và đang có mặt ở tất cả các châu lục. Diện tích cà phê khoảng 540.000ha, sản lượng trung bình 1,1-1,2 triệu tấn/năm, chiếm 13,5% tổng sản lượng toàn cầu và chiếm 18% thị phần giao dịch cà phê nhân trên toàn thế giới. cà phê là loại nông sản xuất khẩu có giá trị lớn thứ hai sau gạo, đóng góp 2% vào GDP cả nước.

Thời gian gần đây, doanh nghiệp (DN) cà phê đang xôn xao chuyện co hẹp đầu mối kinh doanh xuất khẩu sau khi Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT có dự kiến đưa xuất khẩu cà phê vào diện kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, các điều kiện dự kiến là DN kinh doanh xuất khẩu cà phê phải có ít nhất một cơ sở chế biến cà phê với kho chứa phù hợp, đáp ứng đầy đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, DN đã tham gia chế biến và xuất khẩu cà phê trong 2 năm liên tục với khối lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm. Mục đích là tăng sức cạnh tranh của DN Việt Nam với DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng với những điều kiện xuất khẩu cà phê mà các bộ đưa ra thì có gì đó chưa ổn và dường như chỉ nhận được sự đồng tình từ một số DN lớn.

Ai cũng nhận thấy rằng, nếu theo điều kiện thứ nhất thì chúng ta không có những DN xuất khẩu trong tương lai có thể vươn mình lên được. Trong khi đó, hiện nay gần 70% DN trong tổng số 153 DN xuất khẩu cà phê làm ăn không hiệu quả là một tỷ trọng không mong đợi khá lớn. Chúng ta cần cân nhắc đến DN kinh doanh cà phê nhỏ nhưng làm ăn rất bài bản, nhiều năm qua tập trung vào các loại hàng cà phê chất lượng cao, tích cực tìm kiếm khách hàng, xây dựng các mối quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước. Thực chất của việc thua ngay trên sân nhà của ngành xuất khẩu cà phê trong những năm gần đây không phải từ nguyên nhân công ty nhỏ hay to, chúng ta cần nghiêm túc tìm hiểu thay vì lấy cớ đó để thiết lập rào cản, ngăn chặn những DN xuất khẩu vừa và nhỏ vươn lên.

Về điều kiện thứ hai, phải xuất khẩu từ 5.000 tấn trở lên, tôi có biết một công ty nguyên là một nông trường cà phê tại tỉnh Đắk Lắk, giám đốc này 10 năm trước đây đã quyết tâm chế biến cà phê chất lượng cao từ chính nguồn do công ty của mình sản xuất ra mà không cần chạy theo số lượng, bằng chứng cho thấy, liên tục những năm qua giá cà phê từ công ty này bán ra luôn cao. Hiện, nhiều nhà rang xay nước ngoài đang ao ước là người mua độc quyền hàng này nhưng số lượng của công ty sản xuất không nhiều, chỉ khoảng 5.000 – 7.000 tấn/vụ.

Có một chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành cà phê nhận xét về vấn đề này như sau: “Ước muốn làm cho ngành cà phê mạnh hơn là điều ai cũng mong đợi. Tuy nhiên, việc mạnh hơn đó phải đi đôi với lợi ích của nhiều phía, nhất là nông dân, nhờ vậy bà con bán được sản phẩm của mình làm ra với giá cả hợp lý để đủ nuôi sống và tái sản xuất mới là thế mạnh có ý nghĩa, bằng không đó cũng chỉ là sự mạnh lên của một nhóm lợi ích, gây lũng đoạn thị trường nhờ sự nuông chiều của chính sách mà thôi”.

Tôi cho rằng, hiện chưa nên ban hành nghị định xuất khẩu về cà phê có điều kiện sẽ dẫn tới độc quyền. Nên chăng các ngành cần hướng dẫn và tạo điều kiện cho nông dân trồng cà phê tiếp cận tiến bộ kỹ thuật nhằm chế biến cà phê đúng cách ngay sau khi thu hoạch để nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam, đồng thời cho giải thể các công ty liên tục thua lỗ, cho sáp nhập những công ty có năng lực trung bình, tạo nguồn tổng lực mạnh để chiếm vị thế cao trong lĩnh vực xuất khẩu.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. cafe non

    Có những đại biểu quốc hội như Bà Huệ giám đương đầu ra để bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và bà con nông dân làm cà phê và phản đối các doanh nghiệp to mà làm ăn thua lỗ mà lại còn làm ăn mất uy tín khách hàng nước ngoài mà lại còn kêu gọi nhà nước bao bọc.
    Vậy bà con làm cà phê chúng tôi tha thiết mong mỏi các đại biểu quốc hội hãy vì dân vì nước hãy bác bỏ những văn bản sai như văn bản 290 của bộ Nông nghiệp…
    Trong khi đó ta vẫn phải đi vay nước ngoài để về làm các công trình, vậy tôi đề nghị quốc hội phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ dân bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có thế dân mới giầu nước mới mạnh được.

  2. phonui

    Đúng là phải kiểm toán các công ty cà phê nhà nước.
    mấy ông này làm ba hoặc ông nội của vinashin luôn đó.

  3. phamvanloi2608

    Cảm ơn bà Huệ đã nêu được những khó khăn và hạn chế trong ngành cà phê VN.
    Trình bày một cách, ngắn gọn, thuyết phục và dễ hiểu.
    Cũng mong có nhiều đại biểu QH như bà Huệ hiểu được nỗi khổ của dân và biết ” Lấy dân làm gốc”

Tin đã đăng

Tin mới nhất

89