Nông dân tỉnh Đắk Lắk đã tận dụng vỏ trấu cà phê, thân, lá, cùi ngô để sản xuất phân hữu cơ vi sinh các loại. 9 tháng qua đã có hơn 11.000 tấn phân hữu cơ vi sinh được sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần làm sạch môi trường nông thôn; trong đó, huyện Cư M’gar là địa phương sản xuất phân hữu cơ vi sinh với số lượng nhiều nhất.
Đắk Lắk là địa phương có nhiều diện tích cà phê, ngô lai nhất nước, mỗi vụ thu hoạch thải ra hàng trăm ngàn tấn vỏ trấu cà phê, thân, lá, cùi ngô gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ năm 2007, được sự hướng dẫn của Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh Đắk Lắk, nông dân các dân tộc trong tỉnh đã bắt đầu tận dụng các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm phân hữu cơ vi sinh.
Trung tâm đã mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, sử dụng phân hữu vi sinh cho đồng bào ở các thôn, buôn vùng trọng điểm trồng cà phê, ngô lai; đồng thời, hỗ trợ đồng bào các chế phẩm men vi sinh để đồng bào sản xuất phân hữu cơ vi sinh.
Theo Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh: Việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn nguyên liệu phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để sản xuất 1.000 kg phân hữu cơ vi sinh từ vỏ trấu cà phê thì cần 1.000 kg vỏ trấu cà phê cộng 200 kg phân chuồng, 10 kg phân urê và sử dụng từ 2 đến 2,5 kg chế phẩm men vi sinh. Tất cả được trộn đều, tưới ẩm, vun thành luống cao từ 1,3 đến 1,5 mét, bề rộng luống từ 2,3 đến 3 mét. Sau đó dùng bạt phủ kín để giữ ẩm, giữ nhiệt.
Sau 25 đến 30 ngày mở ra, rồi đảo, trộn đều, nếu thiếu ẩm thì tiếp tục phun ít nước, tiếp tục vun đậy bạt lại giữ ẩm tiếp. Sau 2 đến 2,5 tháng, vỏ trấu cà phê hoai mục, bà con mang bón cho các loại cây trồng. Quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ thân, lá, cùi ngô cũng như vậy. Phân hữu cơ vi sinh không những cung cấp nguồn vi sinh vật có lợi với hàm lượng dinh dưỡng khoáng đầy đủ giúp cải tạo đất, kích thích sự phát triển bộ rễ mà còn hạn chế sâu bệnh tấn công các loại cây trồng, giảm hàm lượng phân hóa học, giảm ô nhiễm môi trường.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 191.000 ha cà phê, trong đó có gần 180.000 ha cà phê kinh doanh, mỗi năm cho thu hoạch từ 400.000 tấn cà phê nhân trở lên và trên 110.000 ha ngô lai, với sản lượng gần 600.000 tấn ngô hạt.
Thời điểm này hình như đa phần các bạn quan tâm về giá cả còn mình lại nghiêng về chăm sóc, đầu tư. Năm ngoái, mình ủ theo qui trình 100 khối vỏ cà và phân bò, kế hoạch năm nay ủ gấp đôi. Phân hữu cơ ko những giúp vườn cây bền vững mà còn giảm được một phần chi phí đầu tư so với phân hóa học.
Nên ủ sớm để đầu mùa mưa tranh thủ bón cho đỡ công vận chuyển, mưa xuống mà bón quả thật gian nan. Mình rất tâm đắc với phương pháp ủ phân vi sinh để bón cho cà phê và tiêu, hai loại cây công nghiệp mang về tiền tỉ cho mình trong năm qua.
Cô chuotdong ơi, khoảng tháng mấy thì tiến hành ủ vỏ cà và phân chuồng vậy cô? Cháu thấy nhiều người cứ trộn nửa phân, nửa vỏ cà phê rồi ủ cả nửa năm mới đem đi bỏ, như vậy có đạt không vậy cô? Mà ở đó thì cô mua phân ở đâu chở về vậy?