Tin buồn

Cà phê Việt thua trên sân nhà? – Kỳ 3: Lựa chọn sống còn của doanh nghiệp cà phê Việt Nam

Không thể phủ nhận một số lợi ích trước mắt đối với nông dân khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) vào thu mua cà phê trực tiếp, song những lo ngại về lâu dài là hoàn toàn có cơ sở.

Lợi trước mắt, nguy lâu dài

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, sự xuất hiện của các DN FDI có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, người trồng cà phê sẽ được hưởng lợi nhiều nhất về giá. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp trong nước học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện bộ máy, mở rộng thị trường, đổi mới chất lượng phục vụ và cắt giảm chi phí…

Nhưng với những lợi thế vượt trội, các DN FDI đang đẩy nhiều DN trong nước vào tình thế phá sản, độc chiếm vùng nguyên liệu.

Doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu thâu tóm vùng nguyên liệu truyền thống của DN trong nước.
Doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu thâu tóm vùng nguyên liệu truyền thống của DN trong nước.

Ông Phan Trọng Hiền – Giám đốc Nhà máy Chế biến cà phê nhân (Chi nhánh Công ty TNHH Olam Đăk Lăk) nói: “Tôi nghĩ không có chuyện đáng lo ngại đấy, muốn định đoạt giá cả thì phải độc quyền, mà thu mua cà phê đâu dễ độc quyền như trong chăn nuôi, thủy sản”.

Ngược lại, các DN trong nước đều cho rằng, không chỉ nâng giá để tranh mua, DN nước ngoài còn đầu tư trực tiếp cho nông dân để chiếm lĩnh nguồn nguyên liệu lâu dài. Sau một thời gian liên kết, Công ty Chế biến cà phê Man – Buôn Ma Thuột (Dakman) đã đề nghị được thu mua sản phẩm trực tiếp từ nông dân, UBND tỉnh Đăk Lăk có văn bản đề nghị Bộ Công Thương chấp thuận. Ngoài Đakman độc chiếm hàng nghìn ha cà phê, Nestlé cũng đã triển khai các dự án tương tự ở Đăk Lăk và Lâm Đồng.

Không chỉ đầu tư vùng nguyên liệu mới, mà theo UBND tỉnh Đăk Lăk, DN FDI “đánh chiếm” luôn các vùng chuyên canh mà DN trong nước đã đầu tư phân bón, nhiên liệu đến hộ nông dân. Không khó khăn gì, họ chỉ cần đẩy giá mua lên một chút, lập tức phá vỡ mối liên kết giữa nông hộ với các DN trong nước.

Ông Nguyễn Xuân Lợi – Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển cà phê An Thái phân tích: “Phải có DN trong nước, có DN nước ngoài cùng thu mua thì mới duy trì môi trường cạnh tranh được, từ đó mới có lợi cho nông dân. Còn nếu DN trong nước bị “diệt” hết thì rõ ràng là DN nước ngoài độc quyền, không còn cạnh tranh gì nữa”.

Ông Trần Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cũng nhận định: “Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các DN nước ngoài sẽ quyết định hoàn toàn giá thu mua cà phê, làm cho ngành sản xuất cà phê của VN gặp rất nhiều khó khăn”.

Doanh nghiệp Việt Nam phải vươn lên

Mặc dù vậy, UBND tỉnh Đăk Lăk cũng dự báo, về lâu dài có thể tiếp tục nới lỏng quy định, cho phép DN nước ngoài tổ chức mạng lưới thu mua trực tiếp đến nông dân. Đây là xu thế tất yếu, không thể tránh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là VN đã gia nhập WTO. Vấn đề còn lại là các DN VN phải vươn lên.

Các Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu cà phê 2.9 Đăk Lăk (Simexco Đăk Lăk), Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột), Công ty Cà phê Thắng Lợi… đang tăng cường liên kết với nông dân. Riêng Simexco Đăk Lăk đã liên kết với 1.700 hộ phát triển cà phê bền vững trên diện tích 2.800ha.

Theo UBND tỉnh Đăk Lăk, các DN xuất khẩu cà phê hàng đầu của tỉnh đều là DN nhà nước có số lượng lao động lớn, song việc trả lương và chế độ đãi ngộ còn thấp do quy định cứng nhắc. Vì vậy có xu hướng các DN nước ngoài đang lôi kéo những người lao động giỏi, có trình độ năng lực sang làm việc cho họ.
Nhờ được đầu tư kỹ thuật sản xuất, quy trình thu hái, bảo quản nên năng suất, chất lượng cà phê nhanh chóng cải thiện. Simexco Đăk Lăk đã thực hiện đúng cam kết với nông dân, luôn cộng thêm 100 – 200 đồng/kg quả tươi vào giá mua. Còn Công ty Cà phê Thắng Lợi thì liên kết với nông dân bằng việc lập ra các hợp tác xã. Ông Đỗ Quyết – Phó Tổng Giám đốc Simexco Đăk Lăk – cho biết đó là những giải pháp để nắm vững vùng nguyên liệu.

Về phía chính quyền, UBND tỉnh Đăk Lăk vừa đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ DN trong nước như ưu đãi lãi suất cũng như điều kiện tiếp cận vốn, đưa chế biến cà phê tinh (rang xay, hòa tan…) vào danh mục đặc biệt ưu đãi để các DN trong nước chiếm lĩnh “khoảng trống” này, nâng cao vai trò Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN, tập huấn chuyên sâu cho DN trong nước về kỹ năng quản lý, phát triển thị trường, kinh doanh quốc tế…

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ “mềm” này, bản thân các DN phải tự hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. Các giải pháp này cần được ủng hộ, thực hiện khẩn trương, quyết liệt trước sự lấn sân của DN ngoại. Để cà phê Việt không tiếp tục bại trận trên sân nhà, rõ ràng không có sự lựa chọn nào khác.

Các kỳ trước:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Trương Ba

    Sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của VN trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Theo tiến trình hội nhập từ năm 2011VN phải mở rộng cửa, tháo rỡ các rào cản, tạo mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước được kinh doanh sòng phẳng tại VN.
    Các mặt hàng nông sản xuất khẩu của VN sẽ có vạn người bán, vạn người mua, chuỗi lưu thông theo cơ chế thị trường, giá bán cà phê cũng như các nông sản khác của nông dân ngày càng tốt hơn, sát với giá thế giới.
    Thời kỳ bán như cho, mua như cướp, vạn người bán chỉ có một người mua (quản lý độc quyền, hạn ngạch, đầu mối, quota, xin cho… làm nông dân bị nhiều tổn thương đã qua rồi)
    Doanh nghiệp nước ngoài mang Đôla vào VN đổi lấy tiền đồng mua cà phê, tiêu, điều giá tốt thì nhà nước có lợi, nông dân có lợi. Tuy nhiên hiện nay DNNN có tình trạng chuyển giá, chuyển hàng cho công ty “Mẹ con” ở nước ngoài với giá thấp, nhằm lách thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập của nhà nước VN quy định. Vấn đề này đề nghị nhà nước phải quản lý chặt, tạo sự bình đẳng với DNTN.

  2. TTI cafe

    Thời buổi hội nhập kinh tế toàn cầu, thị trường là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu. Doanh nghiệp nước ngòai tuy có tiềm lực về tài chính mạnh thật nhưng không thể làm xoay chuyển tất cả mọi mong muốn và nguyện vọng của tòan bộ người dân chúng ta được, không bao giờ và không bao giờ có. Vấn đề là hàng ngũ lãnh đạo cấp cao, các doanh nghiệp thu mua phải biết phân phối lợi nhuận hài hòa với người sản xuất đặc biệt là những hàng ngũ cán bộ tham mưu phải biết nhìn xa trông rộng, hiến kế lâu dài để điều tiết và quản lý thị trường bằng công cụ pháp luật một cách hiệu quả.
    Hiện tại chúng ta thấy hệ thống Ngân hàng đó. Ngân hàng nước ngòai trực tiếp mở chi nhánh và kinh doanh tại Việt Nam, họ có tiềm lực tài chính rất lớn thật nhưng không thể nào muốn làm gì thì làm, họ phải tuân thủ pháp luật VN. Hiện nay hệ thống NHVN vẫn họat động kinh doanh bình thường.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79