Tỷ giá USD/VND tăng mạnh, đánh tụt kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Những rủi ro đó vẫn chưa dừng lại…
Quý 4/2008, kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) có đột biến. So với quý 3/2008, doanh thu tăng 11,8%; đặc biệt, lợi nhuận sau thuế đạt tăng tới 49,5%.
Có thể xem Gilimex là một hiện tượng khi đặt trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng từ thế giới, nhất là đối với hoạt động xuất khẩu. Nhưng, một thuận lợi tác động trực tiếp đến kết quả trên là do tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong quý 4/2008.
Gilimex cũng là một điển hình nhận được lợi ích từ chính sách tỷ giá, cũng như mục đích chính hỗ trợ xuất khẩu nói chung trong những đợt điều chỉnh vừa qua của Ngân hàng Nhà nước. Đã có nhiều ý kiến bình luận, đánh giá về mặt lợi. Nhưng, trên thực tế, có một “mặt thứ hai” đang lộ diện ở diện rộng: nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì tỷ giá tăng quá nhanh và mạnh.
Bóp méo cả kết quả kinh doanh
Trong câu chuyện với phóng viên, chủ tịch hội đồng quản trị một công ty niêm yết nói: “Rủi ro tỷ giá đã được thấy trước, lường trước và có thể chỉ là ảnh hưởng nhỏ đối với kết quả kinh doanh nếu so với dự phòng đầu tư tài chính. Thế nhưng, khi kết toán, nó làm méo mó kết quả kinh doanh mà doanh nghiệp không dễ ứng xử với cổ đông và nhà đầu tư”.
Đó cũng là lý do để trong tháng 2 và 3 vừa qua, một loạt doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) phải có văn bản giải trình chênh lệch số liệu trong báo cáo tài chính kiểm toán 2008.
Như với Công ty Cổ phần Hàng hải Sài Gòn (SHC), kết quả kinh doanh năm 2008 được báo cáo với doanh thu đạt 174,436 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2007, đạt 116% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 17,979 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2007, đạt 120% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế 15,462 tỷ đồng.
Thế nhưng, sau khi kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của công ty này chỉ có 13,925 tỷ đồng, không đạt kế hoạch (92,8%). Nguyên nhân là do SHC chưa tính đến khoản chênh lệch tỷ giá đối với khoản vay ngoại tệ.
Trao đổi với VnEconomy, ông Lưu Tiến Ái, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SHC, cho biết, những điều chỉnh trên là do khoản chênh lệch tỷ giá kết toán đối với khoản vay ngoại tệ mua tàu (USD) lên tới hơn 3,6 tỷ đồng, dù khoản chênh lệch tỷ giá này chỉ là dự phòng chưa xẩy ra (vì thời hạn của hợp đồng vay vốn là 5 năm). Ông Ái cũng kiến nghị Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể hơn về mặt kỹ thuật kiểm toán đối với khoản mục này.
Do chỉ là dự phòng chưa xẩy ra nên ông Ái cho rằng doanh nghiệp không mất và không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng các cổ đông phải chịu thiệt thòi, cụ thể là tỷ lệ chi trả cổ tức bị giảm, giá cổ phiếu trên sàn có thể bị ảnh hưởng…
Tương tự, rủi ro về tỷ giá cũng nổi bật trong loạt báo cáo giải trình của nhiều doanh nghiệp niêm yết khác, với tác động chính là làm giảm lợi nhuận hoặc đánh tụt kết quả kinh doanh so với kề hoạch đề ra.
Chỉ riêng sự kiện ngày 26/12/2008, Ngân hàng Nhà nước trực tiếp tăng tỷ giá liên ngân hàng thêm 3% cũng đã làm cho chi phí tài chính của nhiều doanh nghiệp biến động mạnh. Tại Công ty Cổ phần Cảng Đoạn Xá, chênh lệch tỷ giá cuối năm tính vào chi phí quý 4/2008 đã tăng thêm tới hơn 441 triệu đồng, đồng nghĩa với lợi nhuận giảm tương ứng.
Hay tại Công ty Cổ phần Văn hóa Tân Bình, lợi nhuận quý 4/2008 giảm 15,7% cũng có nguyên nhân chính là tỷ giá USD/VND “có quá nhiều biến động”. Công ty đã phải hạch toán vào chi phí chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện cuối năm với số tiền lên tới 909.931.314 đồng. Với Công ty Cổ phần Gas Petrolimex, lợi nhuận giảm 17,7 tỷ đồng trong quý 4/2008 cũng chủ yếu do chênh lệch tỷ giá và trích dự phòng tài chính.
Ngoài ra, rủi ro tỷ giá có thể thấy ở tổn thất của nhiều doanh nghiệp niêm yết khác. Và không loại trừ ở nhiều trường hợp chưa niêm yết, khi thông tin tài chính thường chưa công bố công khai và cụ thể.
Thụ động hay rủi ro từ chính sách?
Năm 2008, chính sách tỷ giá và tỷ giá trên thị trường chứng kiến tần suất điều chỉnh và những mức tăng chưa từng có trong lịch sử. Biên độ liên tục được nới rộng; tỷ giá liên ngân hàng đã tăng tới 5%, của các ngân hàng thương mại tăng tới 9% – một mức tăng gây sốc trong báo cáo tài chính ở những trường hợp nói trên.
Năm 2009, đặt trong câu chuyện này, có thể nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục đón một năm không bình yên. Ít nhất, từ ngày 24/3, biên độ tỷ giá đã được nới rộng lên +/-5%, tỷ giá USD/VND của các ngân hàng đã tăng thêm gần 2%.
Suốt những năm trước đó, tỷ giá USD/VND liên tục được duy trì ổn định, thường chỉ tăng quanh 1% mỗi năm. Thay đổi này ảnh hưởng không nhiều đối với chi phí tài chính của doanh nghiệp, và là một phần giải thích vì sao phần lớn chưa mặn mà với các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Cũng không loại trừ mức thay đổi quen thuộc và ổn định đó đã hạn chế sự chủ động của doanh nghiệp trước những điều chỉnh nhanh và khác thường của chính sách vừa qua.
Còn trong giải thích của một doanh nghiệp, năm 2008, tỷ giá đã có quá nhiều biến động khiến họ không thể thích nghi kịp thời để ổn định sản xuất kinh doanh.
Một giải pháp được đặt ra là doanh nghiệp sử dụng các công cụ phái sinh của các ngân hàng thương mại. Nhưng, bên cạnh phí dịch vụ, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương tạm ngừng cung cấp các sản phẩm này.
Ở một ứng xử khác, như định hướng mà ông Lưu Tiến Ái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HSC, đưa ra là trong thời gian tới sẽ hạn chế dần những khoản vay bằng ngoại tệ. Trong khi đó, giải pháp mà Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen xác định là chuyển đổi các hợp đồng vay USD thành vay VND để tránh rủi ro tỷ giá trong năm 2009.
Liệu đây có phải là một phần nguyên nhân khiến cầu vay ngoại tệ tại các ngân hàng đầu năm nay có xu hướng giảm?
Lúc trước Tui có làm 1 bài về vụ bù lãi xuất, có người đọc kêu viết khó hiểu quá , chả bết bây giờ khi đọc xong cái bài này các vị ấy còn có nói khó hiểu nữa không ?
Dân mình cứ quen cái kiểu nhìn thấy lợi trước mắt mà quên mất các tác động đa chiều , giờ thì bắt đầu ” gặm nhấm” cái biên độ +- 5% đi .
Theo tính toán thì biên độ đúng phải là 8% , kì vọng là 22% .
Sẽ còn 1 cú sốc nữa vào cuối quý III đầu quý IV , ai không hiểu ráng chịu :D