Uống cà phê đã trở thành một nét văn hóa của người dân thành phố. Khuya vắng, khi những tuyến đường yếu ớt ánh đèn thì vẫn có những quán cà phê thâu đêm phục vụ “dân chơi” và cả những cuộc đời nhọc nhằn.
Một trong những quán cà phê bán suốt đêm
Nơi tập kết của “dân chơi”
12 giờ đêm, đường phố vắng người qua lại. Các quán cà phê lớn tại Q1, Q3 như Window, Art… đều đóng cửa. Sau chầu nhậu bí tỉ ở vỉa hè đường Pasteur, một nhóm “dân chơi” tấp vào quán cà phê cóc gần tòa nhà của Ngân hàng HSBC, Q1. Dũng, thành viên trong nhóm, rỉ tai tôi: “Ông anh ngồi chơi chút xíu, làm ly cà phê cho tỉnh táo, chờ “hội quân” rồi đi tiếp tăng hai. Tối nào tụi em cũng ra đây riết rồi ghiền”. Theo lời Dũng, cứ mỗi lần nhậu xong cả nhóm lại ra đây nhìn ngắm sao trời, đợi bạn bè ở các điểm khác tập kết rồi đi sàn, vì “vào vũ trường sớm quá chơi không vui”.
Nhấp ngụm cà phê đắng nghét, tôi thấy những đôi mắt lờ đờ của các “đệ tử lưu linh” ở những bàn bên cạnh. Quán mỗi lúc một đông với những bạn trẻ bước xuống từ những chiếc SH, PS… sáng bóng.
“Mày tới chỗ cũ nhanh đi rồi tụi mình đến “đặc khu” tên lửa (quận Bình Tân – PV) chơi tiếp” – một thanh niên dáng vẻ liêu xiêu, ngồi gần chỗ tôi hét vào cái Iphone. Vài phút sau, chiến hữu của anh ta chạy xe đến rồi cả hội rời quán, thẳng tiến ra ngoại thành.
Tối hôm sau, chúng tôi ghé vào phố cà phê ở khu Miếu Nổi, giáp ranh giữa P2Q. Phú Nhuận và P3Q. Bình Thạnh. Tại quán T., nhiều sinh viên còn mặc nguyên áo có in lô-gô trường đang dán mắt vào một trận cầu đinh của giải ngoại hạng Anh. Thanh, sinh viên Đại học Kinh tế, cho biết: “Từ ngày kênh K+ độc quyền giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh, trận nào đá muộn là tụi em lại ra quán cà phê làm một ly để xem. Ra đây thoáng đãng chứ ở nhà trọ nóng bức lắm”. Nói xong, Thanh quay qua nhóm bạn: “Đêm nay nếu thằng “quỷ đỏ” (Manchester United – PV) thắng thì ngày mai tao có 50 chai (50 triệu) cá độ, lấy được cái xe tay ga thế tháng trước”. Khi khung thành của học trò HLV sir Alex Ferguson bị thủng lưới, khuôn mặt của Thanh tái nhợt. Anh ta cầm ly cà phê đá uống cái ực với vẻ chán chường.
Bà T., chủ quán cà phê, cho biết dù bị công an và dân phòng thường xuyên nhắc nhở kinh doanh quá khuya ảnh hưởng đến hàng xóm, nhưng khách yêu cầu nên bà vẫn phải bán.
Cà phê ở chợ Bình Điền
Trợ lực cho người nghèo
Ngoài một số quán là nơi tập kết để ăn chơi, cá độ, Sài Gòn có rất nhiều quán cà phê chủ yếu phục vụ cho người lao động lúc rạng sáng. Tại chợ Bình Điền – chợ nông sản lớn nhất thành phố ở huyện Bình Chánh, nhiều tài xế từ các tỉnh Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang… chở tôm cua, cá mực đều tranh thủ làm một ly cà phê đá để tỉnh táo. “Chạy xe lên tới chợ là tui làm một ly cà phê để chờ dỡ hàng xuống, rồi còn lái xe về tỉnh”, anh Trần Văn Thủ, chở hàng thuê từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tâm sự. Ngoài cánh tài xế, những thanh niên khuân vác cũng uống cà phê để chống lại cơn buồn ngủ ập đến giữa đêm lạnh.
Tại Bến xe miền Đông, các quán cà phê bán suốt đêm để phục vụ hành khách và các bác tài xe ôm. Lấy tay che miệng khỏi cái ngáp dài, anh Hùng làm nghề chạy xe ôm chỉ vào ly cà phê đen đậm đặc: “Nhờ cái thứ này mà tui mới có sức để chạy vài cuốc trong đêm đó, giá rẻ mà lại pha ngon nữa”.
Ba giờ sáng, xung quanh khu vực vòng xoay Hàng Xanh, quận Bình Thạnh cũng xuất hiện nhiều quán cà phê cóc ven đường. Đội chiếc mũ lưỡi trai lụp xụp, anh Bùi Tấn Thạnh, hơn 20 năm hành nghề xe ôm, nói: “Lúc đợi khách phải làm ly cà phê để khỏi buồn ngủ. Dạo này khách ế quá, chủ yếu họ đi taxi. Nhưng không chạy xe ôm thì tui đâu biết làm gì. Cứ chạy một cuốc chở khách là đủ vài ly cà phê, vậy thôi”, anh Thạnh tâm sự.
Bầu trời ửng hồng, bắt đầu những tia sáng yếu ớt. Một ngày mới lại bắt đầu. Trên đường, những chiếc xe chở hoa quả, rau xanh hối hả vào các chợ trung tâm. Tối qua, có những con người đã nhờ ly cà phê để thức trắng mưu sinh.