Giá cà phê trên thị trường thế giới biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 8/9, trong đó xu hướng tăng mạnh lại thuộc về thị trường London.
Trên thị trường London, Giá cà phê robusta giao tháng 11 đóng cửa phiên hôm qua tại 2.219 USD/tấn, tăng 46 USD so với phiên liền trước.
Thị trường London được hỗ trợ từ nhu cầu bắt đáy của nhà đầu tư sau khi giá giảm 6 phiên liên tiếp và chỉ hồi phục nhẹ trong phiên 7/9.
Nỗi lo nguồn cung giờ đây lại trở về khi có tin các doanh nghiệp Việt Nam vì không gom được hàng nên đang trì hoãn giao tới 100.000 tấn cà phê của vụ 2010/11. Số hàng này còn có nguy cơ không thể giao được, tức là vỡ nợ. Trong khi các tổ chức quốc tế kỳ vọng Việt Nam sẽ có mùa vụ bội thu, thì các nguồn tin trong nước phát đi lại cho thấy năm nay sâu bệnh nhiều hơn, vụ thu hoạch sẽ không thể bắt đầu từ đầu tháng 10 như dự kiến.
Tại New York, Giá cà phê arabica hôm qua chịu sức ép từ các tin kinh tế xấu, nhất là bài phát biểu được chờ đợi của chủ tịch Fed ông Bern Bernanke đã không như kỳ vọng. Chủ tịch Fed chỉ nhắc lại là đã có các công cụ sẵn sàng can thiệp vào thị trường để vực dậy nền kinh tế, nhưng ông không nói khi nào sẽ áp dung.
Ngoài ra, giá giảm còn vì sự điều chỉnh tất yếu sau khi đã tăng quá nhanh và mạnh trong tháng 8. Giá đã đi lên tới hơn 22%, từ mức thấp 235,3 cent/lb hôm 8/8 lên tới 290,85 cent/lb hôm 1/9.
Ở trong nước, Giá cà phê nhân xô hôm nay được niêm yết phổ biến ở 48 triệu đồng/tấn, tăng 600 nghìn đồng so với ngày hôm qua. Tuy nhiên theo nguồn tin có được, một số đại lý và thương lái chỉ mua cà phê vụ cũ với giá thấp hơn 1 – 2 triệu đồng/tấn so với giá thông báo. Nguyên nhân là do các thương lái lo sợ biến động tiếp theo của thị trường nên giữ khoảng cách để đảm bảo an toàn nhất.
Nguyễn Hằng (giacaphe.com)
Niên vụ 2011-2012 này theo dự đoán của các công ty thì sản lượng tăng và sẽ thu hoạch vào đầu tháng 10/2011 . Nhưng theo quan sát mấy ngày qua thì sự biến đổi khí hậu gây mưa nhiều trên diện rộng tại các tỉnh tây nguyên càng ảnh hưởng đến sản lượng. Mưa nhiều dẫn đến nấm bệnh, sâu dục cành, trái chín chậm hơn so với dự đoán… Khả năng các hợp đồng sẽ được thanh lý xong vào đầu năm 2012 tức vào giai đoạn tháng 01/2012. Bởi khi người dân bắt đầu thu hoạch vào cuối tháng 11 đầu tháng 12/2011 thì phải mất hơn 15-20 ngày phơi khô nếu không gặp mưa bão.
Các đại lý thu mua hiện tại chỉ mua nhỏ giọt và cách xa giá niêm yết từ 1000vnđ-2000vnđ là chính xác. Chính vì thế các hợp đồng của các CT trong nước rất khó thực hiện việc giao hàng vì người dân sẽ khó mà bán với mức giá này. Tại Di Linh- Lâm Đồng cafe các đại lý thu gom vào chỉ tầm giá 45.000vnđ-46.000vnđ mà thôi.
Tôi đọc các bài viết thấy các nước Inđonexia hay Brazin họ mua bán với nước ngoài toàn là gia cộng so với giá London có lúc ( +450usd/tấn) còn ở ta chỉ chú trọng đến hợp đồng kỳ hạn trừ lùi là sao? Hay là ở nước ta đã có quá nhiều caphe nên rẻ mạt như vậy chứ? Ngay thời điểm này người mua đang áp dụng giá cộng tại thành phố HCM sao các DN không tận dụng mua cho nông dân để đến nỗi bị mất uy tín với khách hàng hàng trăm ngàn tấn và mang tiếng vỡ nợ nữa chứ! Lời 1 ngàn đồng chứ cứ muốn lời hơn bà con chịu sao nổi bởi vậy mới bán cho DNNN vì họ mua cao lại sòng phẳng hơn.
Hiện tai Tây Nguyên đang là tâm điểm mùa mưa tháng 10 còn mấy ngày nữa là tới thì sao đã có caphe để bán. Dù có chín cũng chẳng phơi được nữa là caphe còn đang đông sữa vì vậy tháng 12 mới có cà mới để bán.
Nếu giá caphe mà các doanh nghiệp trong nước mua với tính cách đề phòng rủi ro, thì sắp tới chắc khó có thể mua được hàng vì họ chỉ lo cho sự an nguy của họ mà quên mất rằng sân chơi giờ đây đã có các công ty NN chờ thời cơ đến là họ sẽ hớt tay trên, thật là tham một bát mà bỏ một mâm.
Năm nay theo mình thấy với thời tiết mưa nắng thất thường, lúc mưa thì mưa quá như mấy tuần qua tại Bảo Lộc mưa về đêm nhiều, ban ngày hầu như không có nắng, đã tạo điều kiện cho nấm hồng phát triển cực mạnh mà mưa quá nên không thể phun thuốc được làm cho quả rụng hàng loạt có nguy cơ sản lượng giảm mà còn ảnh hưởng tới mùa của năm sau do nấm bệnh làm chết cành .