Kinh nghiệm quản lý rủi ro về giá cà phê tại các nước – Phần 3

Qua bài viết có chung đề tài của bạn Phương Nguyễn, Ban Biên tập Y5Cafe xin mời quý bà con tiếp tục tìm hiểu kinh nghiệm quản lý rủi ro của nước Mexico, đồng thời là những bài học chung được rút ra từ đề tài kinh nghiệm quản lý rủi ro đó.

Mexico

ASERCA (Apoyos y Servicios a la Comercialization Agropecuaria) là một tổ chức thuộc chính phủ, có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ cho khu vực nông nghiệp trong nước, bao gồm mua (có trợ cấp) hợp đồng quyền chọn mua và hợp đồng quyền chọn bán cho nông dân trồng lúa, bông và cà phê, cũng như cho công ty chế biến gạo. ASERCA trực thuộc Bộ Nông nghiệp và được thành lập năm 1991 nhằm tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi nông nghiệp Mexico từ hệ thống thị trường chịu sự can thiệp của nhà nước sang hệ thống thị trường tự do.

Một nông trường cà phê ở Mexico
Một nông trường cà phê ở Mexico

ASERCA tham gia vào quản lý rủi ro giá bắt đầu vào năm 1992/1993, đầu tiên là cung cấp cho nông dân trồng lúa, hạt có dầu và bông khả năng tự bảo hiểm cho chính mình trước rủi ro giá giảm; công cụ được sử dụng là hợp đồng quyền chọn và giao sau lúa mì, bắp, đậu nành, bông tại các sàn Chicago và New York, cũng như hợp đồng hoán đổi gạo.

Mục tiêu năm đầu tiên hoạt động là đảm bảo nguồn quỹ đủ để trợ cấp cho nông dân. Chương trình cung cấp hợp đồng quyền chọn cho nông dân được giới thiệu vào năm 1994, sau đó dần dần phát triển và mở rộng. Năm 1999 giới thiệu hợp đồng quyền chọn bán cho nông dân trồng cà phê và quyền chọn mua cho người chăn nuôi.

Theo chương trình này, nông dân mua quyền chọn bán từ các văn phòng của ASERCA tại địa phương, sau đó ASERCA sẽ mua hợp đồng quyền chọn trên danh nghĩa người nông dân tại các sàn giao dịch phù hợp (New York đối với cà phê và bông, Chicago đối với gạo vào đậu nành) thông qua môi giới tại Mỹ.

Trong thực tế, ASERCA hoạt động như một môi giới bằng cách tập hợp những rủi ro giá của nhiều nông dân và phòng ngừa tại các sàn thích hợp.

Cho đến năm 1997, ASERCA trả 2/3 chi phí quyền chọn và tập trung quản lý tất cả các vị thế. Trợ cấp của ASERCA giảm xuống 50% vào năm 1998. Cho đến năm 1999, nông dân cũng có thể có được mức trợ cấp cao hơn (100% cho đến năm 1998, 75% vào năm 1998 và 1999) thông qua một chương trình tiết kiệm, nếu họ đồng ý đóng một khoản phí danh nghĩa vào quỹ (quỹ này dành để đầu tư và chi tiêu cho các sự kiện bất ngờ). ASERCA cũng có các chương trình huấn luyện nâng cao với sự hỗ trợ của các công ty môi giới tại Mỹ.

Chương trình được sự đón nhận tích cực từ nông dân. Năm 2000, 17% sản lượng lúa mì sử dụng quyền chọn bán theo chương trình này, 13% sản lượng lúa, và 32% sản lượng bông. Tuy nhiên, sự thu hút bởi nhà sản xuất cà phê vẫn còn nhỏ. Một trong những lý do là có nhiều nông dân kém tổ chức, và mức độ học vấn nhìn chung khá thấp.

Những phê bình, tranh luận trên chương trình quản lý rủi ro này có 2 điểm: đầu tiên, người nông dân không bắt buộc phải mua quyền chọn bán vào một thời điểm cụ thể, nên thường nông dân chỉ mua quyền chọn bán trước khi thực sự ký kết hợp đồng kỳ hạn hoặc bán trên thị trường giao ngay. Thứ hai, chương trình giống một chương trình chuyển giao thu nhập, chuyển giao thu nhập từ chính phủ sang cho người nông dân, hơn là một chương trình quản lý rủi ro giá có chiến lược.

Những bài học được rút ra từ kinh nghiệm quản lý rủi ro giá của các nước

Trong những năm 90, có vẻ như trong cộng đồng phát triển quốc tế, hợp tác xã đóng vai trò là một trung gian quan trọng giữa nông dân và các thị trường quản lý rủi ro. Trong phạm vi nào đó, điều này cũng có thể hiểu được, vì hầu hết từng cá nhân nông dân quy mô quá nhỏ để quản lý rủi ro hiệu quả, và dạng thức nào đó nhằm tập hợp họ lại là điều cần thiết.

MỘT. Tuy nhiên, là bài học kinh nghiệm đầu tiên, quan điểm này trong thực tế được chứng minh là không hữu ích, vì 2 lý do:

  • Thứ nhất, đa số nông dân tại các nước đang phát triển – và điều này không có gì khác đối với nông dân trồng cà phê – không được tổ chức trong các hợp tác xã hiệu quả.
  • Thứ hai, thậm chí các hợp tác xã được tổ chức tốt thường có những vấn đề nội tại (chẳng hạn, các nhà quản lý được chỉ định và luân chuyển đều đặn; ra quyết định quan liêu) đã ngăn cản sử dụng hợp lý các thị trường quản lý rủi ro.

Kinh nghiệm cho thấy hiệp hội nông dân có thể đóng vai trò quan trọng, và yếu tổ then chốt nằm ở sự kết hợp giữa những hiệp hội này (dạng chính thức như hợp tác xã, và dạng phi chính thức như các nhóm quảng bá [marketing groups]), và các tổ chức bên ngoài (ngân hàng hoặc cơ quan nhà nước, chẳng hạn). Những động lực giữa hai tổ chức này có thể giúp áp dụng các chiến lược quản lý rủi ro một cách bền vững.

HAI. Bài học thứ hai là với KYC [2], trực tiếp tham gia vào các thị trường giao sau tại các nước phát triển của hiệp hội nông dân các nước đang phát triển hầu như là không thể. Nông dân sẽ cần hoặc là sàn giao dịch địa phương, hoặc là trung gian trong nước – tổ chức có quy mô và hiểu biết nhằm mở tài khoản giao dịch với môi giới hoặc ngân hàng tại các nước phát triển.

BA. Bài học thứ ba là kết hợp quản lý rủi ro và cung cấp tín dụng mang lại nhiều lợi ích. Tổ chức cung cấp tín dụng có thể đóng vai trò như một cửa ngõ để quản lý rủi ro (đặc biệt khi mà họ đã có sẵn những mối quan hệ cần thiết với cộng đồng tài chính quốc tế), và cung cấp nguồn quỹ cần thiết cho việc thanh toán phí quyền chọn [premium] hoặc thậm chí trang trải cả yêu cầu ký quỹ [margin calls]. Nhìn từ gốc độ của tổ chức cung cấp tín dụng, việc này cũng sẽ làm giảm rủi ro tín dụng và mang lại nguồn thu nhập mới.

BỐN. Bài học thứ tư là không có giải pháp quản lý rủi ro nào “một cho tất cả”. Thậm chí trong một nhóm, nông dân thích có được một loạt các giải pháp và tự mình sẽ lựa chọn một hay nhiều giải pháp trong số đó. Khái niệm rủi ro và sự sẵn sàng thanh toán, hoặc từ bỏ một phần tiềm năng lợi nhuận khi giá tăng lên trong tương lai, quản lý rủi ro sẽ khác biệt giữa người nông dân này với người nông dân kia. Những kế hoạch được gọi là tốt khi mà chúng mang đến những lựa chọn như vậy.

NĂM. Cuối cùng, kinh nghiệm cho thấy một bài học cũng khá quan trọng: khái niệm các công cụ quản lý rủi ro dựa vào thị trường, chẳng hạn như hợp đồng giao sau, quyền chọn và những sản phẩm không chính thức bắt nguồn từ những hợp đồng đó không khó khăn để hầu hết nông dân hiểu thấu. Thật vậy, họ sẵn lòng hiểu những công cụ nào đủ tốt đủ thực hiện những lựa chọn cơ hội cho mình.

Khi nông dân có xu hướng lạc quan – người nông dân ở đâu trên thế giới cũng có xu hướng đánh giá thấp rủi cả – điều này ám chỉ rằng, chẳng hạn như, họ muốn chốt giá trong tương lai tại thời điểm giá cao; trong khi nếu giá thấp, họ nghĩ rằng có thể giá sẽ tăng và không cần thiết phải phòng ngừa rủi ro giá giảm. Cho nên, có trường hợp một hợp tác xã (chẳng hạn trường hợp của hợp tác xã KNCU tại Tanzania) có hiểu biết về thị trường và chiến lược quản lý rủi ro và đã có một năm thực hiện chiến lược quản lý rủi ro thành công, hợp tác xã này không muốn tiếp tục chiến lược đó trong năm tới.

Nói cách khác, tổ chức cung cấp quản lý rủi ro không nên kỳ vọng một lượng khách hàng ổn định.

Xem thêm các phần khác:

  1. Website của ASERCA: http://www.infoaserca.gob.mx/
  2. Know-Your-Customers (KYC) là sự đánh giá với trách nhiệm cao nhất và là quy định của ngân hàng mà theo đó các tổ chức tài chính và các công ty có liên quan phải xác định khách hàng của họ và tìm hiểu chắc chắn những thông tin có liên quan đến vấn đề tài chính. (http://en.wikipedia.org/wiki/Know_your_customer)

Tác giả: Phương Nguyễn
Email: menfuong@gmail.com
Điện thoại: 0909 147 845

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng