Khi lãi suất cơ bản giảm gần 0%, có cách nào để giảm thêm nữa không?
Chủ tịch Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) |
Đó là bài toán đặt ra cho cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khi lãi suất cơ bản của Mỹ hiện ở mức 0 – 0,25% và họ phải tìm cách hạ thêm chi phí vay vốn nhằm giúp phục hồi kinh tế. Vũ khí giảm lãi suất hiện đã hết tác dụng.
Vì vậy, kết thúc phiên họp kéo dài hai ngày vào giữa tuần này, FED đã làm thị trường ngạc nhiên bằng một vũ khí mới: mua trái phiếu dài hạn. FED cho biết trong sáu tháng tới sẽ mua về khoản 300 tỉ USD trái phiếu Chính phủ đã phát hành kèm thêm việc mua vào khoảng 750 tỉ chứng khoán được bảo chứng bằng địa ốc.
Ngay lập tức, giá trái phiếu trên thị trường tăng và lợi suất (yield) của chúng giảm mạnh. Bình thường khi FED giảm lãi suất, giá trái phiếu sẽ tăng; nay không giảm lãi suất mà giá trái phiếu vẫn tăng, tức là vũ khí mới của FED đã có tác dụng. Tác động của tuyên bố này cũng làm đồng USD sụt giá so với các đồng tiền khác và giá vàng tăng vọt trong khi chỉ số chứng khoán tăng nhẹ.
Mục đích của FED là khi lợi suất trái phiếu giảm, nhà đầu tư sẽ phải chuyển sang tìm lợi nhuận ở các công cụ đầu tư khác như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, địa ốc. Các loại trái phiếu sẽ phát hành, nhờ vậy, sẽ có lãi suất thấp nhưng vẫn thu hút người mua.
Và vì lãi suất trái phiếu chính phủ là mốc để thị trường dựa vào đó định ra lãi suất thương mại nên FED hy vọng nhờ vậy lãi suất thương mại sẽ giảm nữa mặc dù lãi suất cơ bản vẫn được giữ nguyên. Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ phải phát hành thêm trái phiếu để tài trợ cho các chương trình kích cầu và Trung Quốc lại bày tỏ lo ngại không muốn mua thêm nợ Mỹ nữa thì động thái mua vào trái phiếu của FED sẽ làm nhà đầu tư yên tâm, tiếp tục theo chân FED mua trái phiếu.
Vũ khí này của FED có tên là chính sách “nới lỏng định lượng” (quantitative easing) về bản chất là in thêm tiền đưa vào thị trường tài chính để tăng khả năng hệ thống ngân hàng cho vay ra bên ngoài. Chính sách này có nhiều rủi ro, cả mấy chục năm nay FED chưa bao giờ đem ra áp dụng. Tiền đổ vào thị trường tài chính sẽ thẩm thấu ra thị trường thật bên ngoài gây lạm phát. Đồng USD mất giá và vàng tăng giá là do nỗi lo này.