Tại sao Doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa thể liên kết?

Được xem là mô hình tiên tiến, khả quan trong việc cải thiện đời sống kinh tế của nông dân nhưng đến nay, mô hình liên kết “4 nhà” nông dân – doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nước vẫn chưa có được sự đồng bộ.

Đó là ý kiến của hầu hết lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại buổi làm việc về liên kết 4 nhà và chuẩn bị sơ kết thực hiện Luật hợp tác xã vừa diễn ra chiều qua, 19/7, tại Hà Nội.

Theo đánh giá, mô hình “4 nhà” là mối liên kết có thể phát huy sức mạnh tổng hợp của các “nhà”, tận dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương nhằm tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm có giá trị cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, áp dụng có hiệu quả tiến bộ kỹ thuật, gắn khoa học với sản xuất nông nghiệp; đưa các nhà khoa học về trực tiếp phục vụ nông dân, nông thôn, tăng cường sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhà doanh nghiệp hướng vào mục tiêu, đối tượng chung là phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn nhất cho đến thời điểm hiện tại chính là sự thiếu đồng bộ giữa các nơi được áp dụng mô hình cũng như giữa các “nhà” với nhau. “Một rào cản lớn hiện nay trong mô hình là quan hệ về lợi ích, trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các “nhà” với nhau vẫn chưa rõ ràng. Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp đến với nông dân hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa ở mức thiết thực. Nên nhớ rằng, đầu ra cho nông sản đang là vấn đề rất bức xúc. Chính vì vậy, cần phải có sự đầu tư, hỗ trợ nông dân cũng như các nhà doanh nghiệp để có thể liên kết với nhau, tạo được sự ổn định trên thị trường, đồng thời kích thích nông dân có động lực để phát triển. – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Thế nên Nghị định 80 mới ra đời, “liên kết 4 nhà” gồm nhà nông, nhà doanh nghiệp (DN), nhà khoa học và Nhà nước. Tuy nhiên, giữa 4 “nhà” vẫn hoạt động chưa ăn khớp. Cần phải nói, bản chất của liên kết là chia sẻ rủi ro, song việc các bên trong “liên minh” đùn đẩy rủi ro sang cho nhau đã khiến liên kết này, đặc biệt là giữa nông dân và doanh nghiệp, thiếu bền vững, chỉ mang tính thời vụ, ngắn hạn, đứt đoạn và giá trị không hệ tăng lên.

Hiện nay, hai “nhà” này phối hợp với nhau rất khó. Nói là phối hợp chứ thật ra là đối đầu nhau. Như trong chuyện mua lúa, trung bình mỗi hộ nông dân sản xuất 1 ha, thu hoạch được 10 tấn/ha/năm (2 vụ). Khi muốn mua 100.000 tấn lúa thì chẳng lẽ doanh nghiệp lại đi ký hợp đồng trực tiếp với… 10.000 hộ. Từ đó, các doanh nghiệp mới dùng “chiêu” huy động thương lái thu mua theo kiểu hàng xáo. Thương lái mua lúa của nông dân đủ loại, trộn lẫn, đem xay ra rồi lau gạo thật bóng, xong đem bán lại cho doanh nghiệp. Đến khi gạo được doanh nghiệp xuất khẩu thì bị đối tác nước ngoài phát hiện gạo tạp nham, trả lại hoặc ép giá.

Mặt khác, quan hệ lợi ích cũng khiến người nông dân sẵn sàng “bội ước” khi bán nông sản cho thương lái với giá cao hơn. Thực tế, để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định, nhiều năm qua, các nhà máy đứng chân trên nhiều vùng nguyên liệu đã ký hợp đồng bảo hiểm giá, đồng thời hỗ trợ giống, phân bón, máy móc… để người dân yên tâm sản xuất. Nhưng đã không ít lần nông dân vẫn sẵn sàng bội ước bán nông sản cho thương lái với giá cao hơn khiến nhà máy điêu đứng vì thiếu nguyên liệu.

Cũng do trình độ còn hạn chế, vì cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài của người nông dân, cùng với đó điều kiện ràng buộc trong hợp đồng còn lỏng lẻo về mặt pháp lý, nên việc xử lý vi phạm hợp đồng còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, vai trò của Nhà nước với tư cách là “trọng tài” chỉ dừng lại ở định hướng, chưa thể can thiệp sâu; nhà khoa học có nhiệm vụ giúp đỡ cho nông dân kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất, nên việc tranh chấp chủ yếu là “cuộc đấu tay đôi” giữa nông dân và doanh nghiệp.

Còn các ngân hàng – đại diện cho Nhà nước – thì có chủ trương cho nông dân vay vốn nhưng khi nông dân đến vay để mua phân bón, lúa giống, thuốc trừ sâu…thì không phải dễ để tiếp cận được nguồn vốn đó. Tóm lại, chuyện “liên kết 4 nhà” đã được triển khai từ mấy năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, cần củng cố lại chứ không thì nông dân vẫn là người thiệt hại.

Ông Phát đề xuất: Chúng ta phải thay đổi bằng cách thành lập vùng chuyên canh cây lúa, cá, tôm…để khắc phục các vấn đề tồn tại nói trên; tập trung quỹ đất tạo nên vùng sản xuất có diện tích lớn, có đại diện của nông dân ký kết hợp đồng sản xuất với doanh nghiệp để giảm bớt rủi ro cho nông dân. Đồng thời, cần tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp “đầu rồng” và nông dân để thúc đẩy cho toàn chuỗi phát triển.

Doanh nghiệp và nông dân là trung tâm của mối liên kết nhưng không đặt trọn niềm tin vào nhau đã làm cho mối liên kết của 4 nhà thiếu chặt chẽ, nên rủi ro trong sản xuất là điều khó tránh khỏi. Chỉ khi nào, cả 4 nhà cùng nhìn về một hướng, mới có thể xây dựng được một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Quan trọng hơn hết là phải nâng cao chất lượng nông phẩm để cạnh tranh xuất khẩu. Việc này vừa làm thay đổi dần tập quán sản xuất của nông dân vừa hướng tới nền sản xuất bền vững trong thời kỳ hội nhập, chứ không thể để “thuyền nhỏ ra sóng lớn” mãi. – Một lãnh đạo Bộ này nhấn mạnh.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cafe Việt

    Cũng không hoàn toàn lỗi xé rào thuộc về nông dân.
    Nếu các doanh nghiệp tôn trọng vùng đầu tư nguyên liệu của nhau, không có chuyện tranh mua nâng giá hay ghìm giá thì nông dân xé rào để bán cho ai?
    Chỉ biết trách nông dân nhận thức kém mà doanh nghiệp lại xúi bẫy họ làm sai thêm thì trách ai bây giờ!

  2. Kẻ sỹ

    Quy luật giá trị thặng dư trong kinh tế thị trường điều tiết mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Các thành phần tham gia chuỗi giá trị muốn liên kết chỉ khi nào hài hòa lợi ích với nhau. Chỉ khi nào 2 trong 1 (nông dân + doanh nghiệp), hoặc 3 trong 1 (nông dân + doanh nghiệp + nhà khoa học – ví dụ tập đoàn lúa gạo, có công nhân nông nghiệp, có nhà khoa học, có công ty tài chính độc lập – phải là tập đoàn cổ phần 100%). Liên kết 4 nhà ở VN thời gian qua là duy ý chí (?)
    Chỉ khi kinh tế thị trường hoàn thiện thị sự liên kết tự thân nó hình thành. Nhân danh nhà nước pháp quyền VN, khi đó nhà nước sẽ quản lý theo luật định!

Tin đã đăng