Cà phê Arabica Cầu Đất, nên chế biến thế nào cho đúng?

Với độ cao hơn 1,600m so với mực nước biển, thiên nhiên đã ban tặng cho con người ở vùng Cầu Đất, xã Xuân Trường, Đà Lạt điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng lý tưởng để trồng cà phê nên cà phê ở đây hạt to lại ngon nhất thế giới. Đặc biệt, Cầu Đất là một trong những số ít vùng ở Việt Nam trồng được giống cà phê Arabica rất được ưa chuộng trên thị trường.

Tuy vậy, kỹ thuật canh tác còn đơn giản và nhất là công đoạn thu hoạch, chế biến. Nông dân thu hái, chế biến, bảo quản theo cách truyền thống rất thô sơ nên không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, số lượng thất thoát rất lớn và sản phẩm kém chất lượng chiếm tỷ lệ cao. Có những hộ khi thu hoạch xong thì bán quả tươi cho các đại lý và bị ép giá vì cà phê tươi không để lâu được.

Thực trạng đó đã cho các bạn sinh viên dự án Brownee, thuộc đội SIFE trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhiều suy nghĩ. Hạt cà phê Việt Nam liên tục bị đánh giá thấp trên thị trường, giá trị bị thất thoát nhiều qua các công đoạn chế biến. Bà con nông dân là người tự tay làm ra hạt cà phê, là người quyết định chất lượng hạt cà phê tốt hay xấu, nhưng lại thường không nắm vững các công đoạn sau thu hoạch. Họ là những người nằm ở mắt xích đầu của chuỗi giá trị, nhưng thường xuyên thu được lợi nhuận rất ít do không biết khai thác và tạo nên giá trị cho sản phẩm của mình.

brownee-tai-cau-dat
Thành viên dự án Brownee đang thăm hỏi bà con trồng cà phê tại Cầu Đất

Muốn giải quyết bài toán về chất lượng, nhất thiết phải khởi đầu từ gốc rễ là người nông dân. Với phương châm đó, trong tháng 4 và tháng 7 vừa qua, Brownee đã tiến hành hai cuộc khảo sát, tại xã Xuân Trường, Đà Lạt. Được nói chuyện trực tiếp với người dân, bà con chia sẻ, khó khăn lớn nhất là thiếu công và thiếu vốn để xoay xở, kỹ thuật chế biến đều do tự học, vẫn chưa có quy trình cụ thể, khoa học. Xem qua hạt cà phê nhân do người dân tự chế biến, chất lượng không cao lắm. Bà con cũng nói, quan trọng là cần phải có công cụ, máy móc, kỹ thuật phải thật thiết thực, phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng, chi phí đầu tư hợp lý và giải quyết được vấn nạn thiếu nhân công mùa thu hoạch.

Cũng nói thêm, đặc thù của giống cà phê Arabica là được chế biến theo phương pháp ướt, qua các công đoạn như phân loại, làm sạch, xát tươi vỏ quả, ngâm ủ, rửa nhớt, phơi sấy. Brownee đã thuyết phục được người dân thay đổi quan niệm và cách làm của mình, không bán tươi nữa mà chế biến ướt cho ra cà phê lụa rồi mới bán. Vấn đề tiếp theo là tìm ra một công cụ “chính xác”, hiệu quả nhất cho bà con nông dân.

Brownee đã liên hệ với công ty chuyên sản xuất máy chế biến cà phê tại Tp. Buôn Ma Thuột. Các chuyên gia của công ty cho biết đã có ý tưởng sản xuất máy tự chế biến cà phê cho người dân, theo quy mô hộ gia đình, tiết kiệm đến mức có thể và giá cả phù hợp với người nông dân. Mô hình máy hiện đã hoàn tất và đang tiếp tục được hoàn thiện cho phù hợp nhất với điều kiện thực tế.

Vào mùa thu hoạch cuối năm nay, Brownee có kế hoạch phối hợp với công ty sẽ tổ chức buổi trình diễn giới thiệu về phương pháp chế biến ướt, hướng dẫn cho người dân quy trình sau thu hoạch, làm thế nào nâng cao chất lượng cho hạt cà phê. Buổi diễn dự kiến diễn ra vào tháng 11/2011 tại Hội Thôn, Xã Xuân Trường, huyện Cầu đất. Rất mong sự tham gia, đóng góp ý kiến của mọi người để cho buổi trình diễn được thành công tốt đẹp. Chào đón những ai quan tâm và yêu cà phê Arabica tại hội thôn xã Xuân Trường, Cầu đất, đà Lạt vào tháng 11/2011.

Brownee là dự án cà phê thuộc Đội SIFE của trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Gồm những bạn trẻ tâm huyết, mong muốn áp dụng những kiến thức, hiểu biết của mình vào thực tế, góp phần nâng cao lợi ích cho người nông dân trồng cà phê. Dự án đang thực hiện ở 2 địa phương là huyện Đắc Mil, tỉnh Đăk Nông và Xã Xuân Trường, Cầu Đất. Ở Đăc Mil, Brownee đã tổ chức hướng dẫn làm phân vi sinh và giúp đỡ người dân tổ chức cụm nông hộ sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn. Ở Xuân Trường là hướng dẫn về phương pháp chế biến ướt, công đoạn sau thu hoạch, tìm đầu ra có giá trị cao cho sản phẩm.

Thành viên dự án Brownee và Y5Cafe thực hiện

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cafe Việt

    Theo mình, để xây dựng vùng chuyên canh arabica Cầu Đất, những người có tâm huyết ở đây nên đứng ra thành lập hợp tác xã sản xuất cà phê, để cùng bà con xây dựng kế hoạch từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Nếu theo ý tưởng đó thì có thể nhờ và thông qua Y5Cafe để trao đổi ý tưởng. Vì tương lai Cầu Đất và vì tương lai của người trồng cà phê trên đất Cầu Đất!

    1. sifeueh_brownee

      Cám ơn những góp ý của Cafe Việt. Về việc thành lập hợp tác xã sản xuất cà phê để tạo thành 1 chuỗi cung ứng hoàn chỉnh dự án cũng đã suy nghĩ rất nhiều, nhưng còn nhiều chỗ còn chưa được rõ. Từ những hạt cà phê Arabica , làm thế nào để người nông dân có thể sản xuất ra được cà phê rang xay với qui mô lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường ? Cần những điều kiện về nguồn vốn, thời gian, kỹ thuật, nhân lực… như thế nào ? Rất mong nhận được góp ý của mọi người!

      1. Cafe Việt

        Nếu như ý bạn trao đổi thì mình thấy dự kiến của các bạn hơi bị dài tay. Theo mình là chia làm 2 phần và chỉ tập trung vào phần đầu đã. Dự án chỉ cần hoàn thành đến khâu ra cà phê nhân đảm bảo chất lượng là tốt lắm rồi. Phần sau cần phải đi từ từ và tính toán kỹ hơn theo điều kiện cụ thể. Sản xuất hạt cafe riêng, chế biến sản phẩm hàng hóa riêng… mới dễ tính.

      2. sifeueh_brownee

        Cám ơn những ý kiến góp ý của Cafe Việt.
        Hiện tại dự án cũng đang tập trung vào việc nâng cao chất lượng cà phê nhân thông qua việc giới thiệu các kĩ thuật chăm sóc, thu hoạch, sơ chế… trước mắt là giới thiệu phương pháp chế biến ướt cho bà con.
        Để thực hiện tốt việc này, rất mong nhận được góp ý của mọi người về việc “Làm thế nào để nâng cao chất lượng hạt cà phê”.
        Còn về việc xây dựng hợp tác xã, xây dựng thương hiệu thì đúng như Cafe Việt nói, dự án cũng đang xem xét và đó cũng có thể là một lựa chọn cho sự phát triển của dự án, tuỳ thuộc vào các điều kiện cụ thể.

        Hi vọng dự án sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ và ý kiến đóng góp của mọi người.

      3. Phạm Mạnh Hùng

        Xin cảm ơn bạn đã post cái bài này lên y5Cafe !
        Quả thật các vấn đề mà bạn và nhóm đang thực hiện mình đã suy nghĩ và trăn trở từ lâu, mình dân Làm vườn – Công chức nên cũng có điều kiện hơn bà con nông dân, tuy nhiên cũng phải học hỏi ở bà con rất nhiều thứ mà cộng đồng Net không thể có được. Nói tóm lại cái mà bạn nói là việc thiếu vốn, kỹ thuật chăm sóc, công nghệ sau thu hoạch bạn hãy xem lại đấy:
        1. Đa phần nông dân Cầu Đất không hề thiếu vốn, hiện nay họ đang tích luỹ nguồn dự trữ khổng lồ đấy bạn à, muốn mở rộng diện tích mà không có đất thôi.
        2. Kỹ thuật: Cầu Đất là vùng đất mà người Pháp đã đặt chân đến từ những thập niên 40 của thế kỹ trước, công nghệ và kỹ thuật đặc biệt là Chè – Cà phê đã được người dân đã được kế thừa phát huy cho đến ngày nay. Không biết bạn đã xem qua công nghệ chế biến cà lụa của họ chưa chứ mình đánh giá vẫn là “số 1” không có máy móc TB nào đảm bảo chất lượng bằng. Còn việc thăm canh khỏi phải bàn, với giá cà nay họ đầu tư chóc sóc khủng lắm bạn ạ, từ việc cân đối phân NPK cho đến bổ sung Trung – vi lượng, phòng bệnh, sâu hại,… họ nghiên cứu rất kỹ, việc này đã kế thừa từ việc làm Rau – Hoa.
        Cái vấn đề quan trọng nhất hiện nay là:
        1. Tìm 1 nhà rang xay đủ năng lực – kinh nghiệm, cung cấp các giải pháp tài chính phù hợp để ký hợp đồng với bà con thu mua với giá cao và ổn định hơn thương lái và thu mua với số lượng cà phê tươi với lớn chất lượng theo tiêu chuẩn đã đề ra, cam kết ổn định giá trần để bà con yên tâm sản xuất.
        2. Tìm kiếm mọi giải pháp về hỗ trợ tài chính – công nghệ nhằm hạn chế việc thu hái quả non kém chất lượng, nhà thu mua ép giá, trà trộn các sản phẩm cà phê khác vào,…
        3. Ổn định diện tích canh tác, hạn chế mở rộng quy mô mất tầm kiểm soát và hạn chế phá rừng,…
        4. Tìm nguồn giống thay thế vì giống cũ đã bị thoái hoá, kháng sâu bịnh kém (giống nào mà loại ve sầu không phá được càng tốt).
        Chúc Dự án thành công !

      4. X38

        Vấn đề tổ chức sản xuất của nông dân VN hiện nay càng ngày càng cấp bách.
        Mình cũng không hiểu lắm về cà phê Cầu Đất. Theo như bài viết trên thì nơi đây cho ra sản phẩm rất chất lượng. Sao các bạn không định phát triển vùng đó thành vùng sản xuất cà phê đặc biệt của VN.
        Còn về tổ chức sản xuất của nông dân Cầu Đất khá nan giải vì cái này không những là cái khó riêng mà của toàn ngành, hay có thể nói cả nền nông nghiệp VN. Nhưng mình tin nếu dự án tốt, đi đúng hướng thì vấn đề cà phê Cầu Đất hay xuất xứ đặc biệt cà phê Cầu Đất sẽ thành công.

      5. anhquan

        Đọc qua ý kiến của các bạn mình thấy rất thú vị. Mình là người rất tâm huyết với cafe arabica mấy năm qua. Mình cũng chỉ xin góp ý đôi chút về kế hoạch của các bạn vài lời.
        – Cafe Cầu Đất chính hiệu có sự khác biệt so với tất cả các loại cafe khác đang trồng tại Việt Nam. Vì vậy muốn đảm bảo lợi ích cho người nông dân Cầu Đất thì phải có một tổ chức nào đó chứng nhận thương hiệu sản phẩm bà con làm ra là “Cafe Cầu Đất”.
        – Phát triển máy xay cafe tươi cho bà con nông dân là bước đi rất sai lầm. Các bạn có hiểu được hậu quả môi trường như thế nào khi bà con ta tự làm chưa? Hãy khảo sát lại vấn đề đó.
        – Muốn tăng giá trị cho bà con hãy tìm kiếm những phương pháp canh tác: như cafe CP hay rain forest mà bọn mình đang làm. Chính những sản phẩm hàng đầu đó sẽ xây dựng thương hiệu tốt nhất cho bà con.
        Các bạn hãy có những nhìn nhận thực tế về tình hình cafe của bà con. Mình nghĩ rằng mục đích của các bạn rất tuyệt vời nhưng theo như mình thấy nó chẳng có ý nghĩa thực tế. Mình mong rằng sẽ có những điều chỉnh phù hợp để đưa vào thực tế.
        Thân!!

      6. organic

        Chào bạn Anh Quân.
        Mình rất quan tâm đến vùng cafe này, dự kiến thời gian tới sẽ đi tham quan thực tế. Nếu đựoc Anh Quân có thể cho mình xin email để trao đổi trước nhé. Email của tôi là: leduy@ang.com.vn
        Cảm ơn bạn

      7. Toàn nguyễn

        Chúng tôi là những người dân…chỉ có thể sx thủ công để tạo ra những hạt cafe thóc…có những bất lợi…như địa hình.khí hậu.,nhân công,và cả vốn đầu tư…nên không thể làm với số lượng nhiều…và không có cách nào để tự trang bị thiết bi hiện đại để làm như 1 công ty….nên mong các cty có thể thu mua đừng đòi hỏi quá nhiều như các vùng cafe khác được.

  2. nghenhin

    Y5Cafe luôn có những thông tin cập nhật chính xác và bổ ích. Thành thật cảm ơn các bạn luôn giúp đỡ cho bà con nông dân nắm bắt tin tức cũng như những thành tựu khoa học đã và đang ứng dụng.

  3. hungpm

    Nói thật với các đc tôi chẵng tin mấy cái quả dự án này tí nào, dự án này chẵng qua để “chém gió” cho vui thôi, theo mấy ông doanh nghiệp để quảng cáo sản phẩm để kiếm vài đồng rồi cũng vứt thôi trừ các siêu dự án như tầm cở “Thiên đường cà phê Trung Nguyên”.
    Theo như mục tiêu dự án: “Ở Xuân Trường là hướng dẫn về phương pháp chế biến ướt, công đoạn sau thu hoạch, tìm đầu ra có giá trị cao cho sản phẩm”, tôi có đôi lời nhé:
    – “Hướng dẫn về phương pháp chế biến ướt, công đoạn sau thu hoạch” cái này các đc phải học mấy bác nông dân nhiều chứ đừng nói gì đến việc “hướng dẫn”; quả thật nếu hộ nông dân nào đã có công xay cà để bán nhân thì họ làm kỹ lắm, từ khâu chọn hái đến xay –> lên men –> rửa –> phơi —> bảo quản –> chọn thời điểm báo được giá cái này học làm cách đây 50 năm rồi.
    – “tìm đầu ra có giá trị cao cho sản phẩm” cái này OK, cái khó khăn lớn nhất hiện nay là sản lượng tại vùng Cầu Đất không đủ lớn, số lượng không đủ để quyết định giá trị đầu ra, đa phần doanh nghiệp mua về trộn với cà kém chất lượng để gỡ cho cái “cà phê kém chất lượng” trước mặt thôi.

    1. sifeueh_brownee

      Cám ơn những ý kiến đóng góp của hungpm. Những thông tin của hungpm đưa ra không biết độ chính xác như thế nào ? Vì khi dự án đi khảo sát thực tế, trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với bà con, bà con cũng chia sẻ rất nhiều vấn đề và khó khăn bà con gặp phải, trong đó có vấn đề nhân công để thực hiện chế biến ướt, nên thường bán tươi cà phê. Việc giới thiệu máy chế biến ướt sẽ góp phần giúp bà con giải quyết được vấn đề đó. Tất nhiên cũng có những hộ nông dân đã áp dụng phương pháp này thành công cũng như nắm rõ về kỹ thuật trồng , thu hoạch… để cho ra cà phê chất lượng cao. Tuy nhiên, dự án làm là hướng tới lợi ích của đại đa số bà con nông dân.

      Và dự án cũng xin khẳng định lại rằng, dù qui mô không thuộc hàng siêu dự án như của Trung Nguyên. Nhưng dự án thực hiện không phải là “chém gió” cho vui, cũng ko phải giúp quảng cáo sản phẩm của bất kì doanh nghiệp nào để nhận vài đồng rồi đi như hungpm nói. Chúng tôi tự hào nói rằng chúng tôi thực sự đã có những đóng góp trong việc giúp đỡ bà con nông dân có một cuộc sống tốt hơn. Nếu bạn muốn hiểu hơn về dự án, có thể liên hệ với chúng tôi. Còn sản phẩm doanh nghiệp tốt cho bà con, mang lại lợi ích cho bà con thì chúng tôi giới thiệu, chứ chúng tôi không quảng cáo để mà nhận vài đồng. Đây là dự án vì cộng đồng và phi lợi nhuận. Chúng tôi làm với tất cả nhiệt huyết và tình yêu cùa tuổi trẻ, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Đó cũng là một điểm đặc trưng của các dự án của SIFE.

      Dự án rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và góp ý từ phía mọi người !

      1. 1sifer

        Mình thì hiểu SIFE UEH đang làm gì. Và phải tái khẳng định, dù với quy mô nào thì dự án đó đều vì cộng đồng và phi lợi nhuận. Bất cứ dự án nào của SIFE cũng vậy.
        Rất nhiều người nghi ngờ tương tự như trên, vì mình nghĩ đơn giản trong tiềm thức của mọi người “không làm gì không công” cả, phải nhận về một thứ đó là tiền. Một suy nghĩ sai lầm khi đặt trong môi trường SIFE. Mình tin sifer đã thấu hiểu hết điều đó.
        Chúc dự án các bạn thành công!

  4. Dambri

    Ở Xuân Trường có 2 bà buôn chuyên mua cà phê tươi các nơi về độn vào cà phê Cầu Đất để bán giá cao, làm mất uy tín cà phê Cầu Đất nhưng địa phương không ai nói gì. Chuyện xảy ra đã nhiều năm nay người dân ai cũng biết mà vẫn cứ ngang nhiên tồn tại. Vậy làm sao xây dựng được thương hiệu? Dân trồng cà phải làm sao? chế biến kiểu gì đây?

    1. giao

      Chào cả nhà.
      Là một thành viên của dự án, trực tiếp đi khảo sát. mình cũng đồng ý với ý kiến của Dambri:

      + Quả thật ở vùng này có những hộ thu mua rất giàu, họ có vốn mạnh, thu mua cà về chế biến, trộn vào và bán lại gây mất thương hiệu cà phê Cầu Đất. Đội đã suy nghĩ và thấy thiết thực nhất là tìm giải pháp vế mặt đầu ra cho người dân, để liên kết được họ lại thì trước hết phải cho họ thấy lợi ích trước măt rồi sau đó mới tính đến lâu dài. Đội có liên hệ với một số công ty thu mua trực tiếp mà không qua các lái buôn, bà con cũng rất hào hứng, rất cần giúp đỡ về một số công ty sẵn sàng mua cà chất lượng của bà con.

      + @anhquan: rất cám ơn chia sẻ của bạn về vấn đề này. đội mình cũng có biết về tác động xấu của nước thải trong quá trình chế biến ướt đối với môi trường. Đây cũng là thắc mắc của người dân. Qua tư vấn của chuyên gia thì mình có thể ủ phân biogas để xử lý vấn đề này.
      Mình muốn hỏi bạn rõ hơn về cà phê rain forest, CP. Dự án của mình đang tập hợp bà con lại và muốn hình thành mô hình phát triển cà phê bền vững nhưng ko biết lựa chọn các tiêu chuẩn nào (UTZ,4C, rainforest,…?). Rất cần sự chia sẻ của người đã làm rồi và có kinh nghiệm thực tế như bạn. Mong nhận được chia sẻ từ bạn

      1. anhquan

        Rất mừng là các bạn hiểu được vấn đề cafe Cầu Đất của chúng ta hiện nay bị trà trộn rất nhiều. Chính điều đó đã và đang gây mất thương hiệu cho bà con Cầu Đất nói riềng và cafe Đà Lạt nói chung. Là người hiểu rất rõ về nguồn cafe arabica của tỉnh ta mình sẽ chia sẻ một số hiểu biết về việc trộn cafe tươi như thế nào. Chúng ta phân ra làm 3 phương pháp chính
        – Cà phê tươi Đà Lạt trộn với cà phê tươi ngoài tỉnh (70% Đắc Lắc, 30% Phú Yên).Nguồn cà phê này thường có mặt tai Đức Trọng và Lâm Hà vào cuối tháng 10. Đây là vấn đề nhức nhối nhất với tất cả các cơ sở chế biến và kinh doanh arabica. Nó làm cho cà phê arabica của chúng ta biến dạng. Bà con nào có đấu trộn thì cho khoảng 10% thôi nha.
        – Cà phê tươi Đà Lạt đấu trộn với cà phê huyện: Cái này thì thương lái đi giao cà phê tươi cho các công ty ai cũng đều đã làm. Vì vậy bà con muốn tăng thu nhập cứ ra trạm hành liên hệ. cái này là vấn đề muôn thủa rồi. Anh em nào ở cầu đất thì quảng bá dùm bà con nha.
        – Trộn cà phê các vùng khác ( đa sa, đa cháy, manglin…) Cái này thường rất ít xảy ra. Họ chỉ tập chung về cuối vụ khoảng tháng đầu tháng 1.
        Vậy nên công tác đảm bảo thương hiệu cà phê cầu đất của các bạn tương đối nan giải đó. Trong nghành cà phê tất cả đều hiểu và biết được vấn đề đó. Nhưng làm thế nào tới nay vẫn là dấu hỏi ( Nếu các bạn quen ai trong Thái Hòa, Công Chính, Vina, Olam..có thể hỏi cặn kẽ về vấn đề đó). Từ đó đưa ra giải pháp.

        Hai vấn đề các bạn nêu mình xin chia sẻ:
        1. Xử lý nước thải cà phê bằng phương pháp biogas: Nếu chuyên gia nào đưa cho bạn ý kiến về vấn đề này vẫn mong bạn hỏi kỹ lại.” Chuyên gia đó co biết gì về quy trình chế biến cà phê tươi không?”. Vỏ tươi làm biogas: không thực tế(nhưng cũng có thể làm được). Còn vấn đề nước thải trong quá trình xay ca phê các bạn ahh. Sắp tới vụ cà phê các bạn khảo sat lại sẽ hiểu ý mình nói.
        2.Mô hình cà phê bền vững:
        Về vấn đề các bạn hỏi về các mô hình cà phê bền vững Utz,4C, rain forest, Cp…thì mình xin nói thật với các bạn rằng đặc thù trong cách canh tác và mua bán của bà con ta rất khó triển khai (diện tích nhỏ và ai trả giá cao là bán). Các công ty đưa ra các tiêu chuẩn trên là lấy “Mác” xuất khẩu vào các thị trường khó tính ở châu âu và Mỹ.Chứ thực hiện tại nông hộ chủ yếu trên giấy tờ. Nếu các bạn thực sự quan tâm mình sẽ cập nhật sau. Nhưng các bạn ở gần và chia sẻ cùng bà con hãy khuyên bà con tham gia vào các mô hình cafe bền vững nhé. Nó sẽ giúp bà con có thêm thu nhập và cách chăm sóc cây cafe chuyên nghiệp hơn. Mình nghĩ nó chính là cách quảng bá thương hiệu arabica tốt nhất cho bà con.
        Đôi lời chia sẻ, mong sẽ giúp ích đôi chút cho các bạn
        Thân!

      2. Sifeueh_Brownee

        Rất cảm ơn “Anhquan” đã chia sẻ những kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế quý báu ở trên.
        Hiện tại, dự án vẫn đang tiếp tục chuẩn bị cho chương trình giới thiệu máy chế biến ướt tại Cầu Đất. Sau khi khảo sát thì nhận thấy có 1 số bước chế biến không đúng “quy trình chuẩn”, làm giảm chất lượng cũng như tăng lượng cà phê thất thoát, và những sai sót này sẽ được khắc phục. Thêm vào đó với việc người nông dân tự chế biến thì cũng sẽ giúp khắc phục tình trạng hái trái xanh, nâng cao chất lượng cà phê.

        Dự án cũng dự định sẽ phổ biến kỹ thuật dùng vỏ cà phê ướt sau chế biến ủ làm phân vi sinh. Mặc dù đã thực hiện chương trình Ủ phân vi sinh bằng vỏ cà phê (khô) ở Đăk Mil và Lâm Hà, nhưng đối với vỏ cà phê ướt thì dự án vẫn chưa có kinh nghiệm. Hi vọng nhận được sự đóng góp ý kiến!

        Vấn đề nước thải thì do quy trình chế biến ướt mới không làm nát vỏ cà phê nên lượng chất nhớt trong nước thải cũng giảm đáng kể. Mặt khác, với quy mô nông hộ thì lượng nước thải này không đáng kể. Tuy nhiên, dự án vẫn đang tìm kiếm một biện pháp tối ưu cho vấn đề này để giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường.

        Cuối cùng, dự án biết mình còn nhiều việc phải làm, đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng với một mục đích, lý tưởng cao đẹp, dự án sẽ kiên trì thực hiện. Dự án mong nhận được sự giúp đỡ cũng như đóng góp ý kiến từ mọi người. Hi vọng có thể liên lạc với “Anhquan” cũng như nhiều “chuyên gia”, những người tâm huyết với cà phê khác qua email: sifeueh_cafe@googlegroups.com

        Chúc cho Cà phê Việt Nam nói chung và Cà phê Cầu Đất nói riêng sớm tìm được “vị thế xứng đáng” của mình!

  5. farmer01

    Chỗ xử lý vỏ café mình xin trao đổi thế này:
    Theo những tài liệu mình được tiếp xúc thì quy trình chế biến vỏ tươi làm biogas không mang lại giá trị kinh tế đối với các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ như Cầu Đất này. Mặc dù mô hình này xử lý được cả vỏ và nước thải từ cà phê. Mô hình này chỉ có hiệu quả kinh tế khi đầu vào xát vỏ trên 80 tấn café tươi mỗi ngày.
    Theo mình áp dụng ủ vỏ café bằng men vi sinh vẫn đơn giản và dễ áp dụng nhất cho nông dân cà phê. Đỡ đi phần nào chi phí phân bón cho café.

  6. Sifeueh_Brownee

    Rất cảm ơn “Farmer01” đã chia sẻ!
    Dự án cũng đã tính đến và đã quyết định sẽ cố gắng triển khai phương án này. Mặc dù hiện tại đa số nông dân trồng cà phê ở Cầu Đất (theo như đội đã đi khảo sát) đều trồng kiểu “phó mặc cho trời”, có nghĩa là không bón, không tưới, vì theo họ làm như thế thì cây sẽ chết. Có thể là vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi, nhưng dẫu sao thì đất sau một thời gian nuôi cây mà không có gì bù vào sẽ dẫn đến nghèo nàn, vì vậy việc bón phân vi sinh từ việc ủ vỏ cafe cho đất là một biện pháp “bền vững và tiết kiệm”!
    Nếu anh đã có kinh nghiệm ủ vỏ cafe ướt bằng phân vi sinh thì có thể vui lòng góp ý cho dự án, chẳng hạn như nên sử dụng men ủ nào, quy trình ra sao …
    Để tiện hơn thì anh có thể gửi mail về cho dự án: sifeueh_cafe@googlegroups.com
    Chúc anh sức khỏe và thành công!

  7. cafeday

    Mình chuyên kinh doanh cafe và trà Ô Long Đài Loan thấy rằng muốn biết cafe có ngon hay không thì phải rang xay nguyên chất, nguyên hạt, nếu trộn tùm lum thì hàng nào cũng như nhau mà thương hiệu Cầu Đất cũng mất vì hàng nhái nhiều. Do đó mọi người nên sử dụng máy espresso thì mới thể hiện chất lượng cafe Cầu Đất các bạn ạ.

  8. vietnamgreencoffeebean

    Cà phê Cầu Đất cần có nhà rang xay nổi tiếng thế giới quan tâm thì bán mới được giá cao, chứ còn như hiện nay giá như hàng xuất khẩu thì quá rẻ không đáp ứng yêu cầu nhà sản xuất.

  9. minhtriet

    Mình lâu nay cũng rang cà phê để phục vụ cho quán nhỏ tại nhà, nhưng cũng chủ yếu là robusta. Nay rất muốn biết arabica Cầu Đất huơng vị như thế nào, mình cần mua khoảng 5kg để thử nghiệm, nhờ các bạn giới thiệu giúp chỗ nào bán lẻ.
    Cảm ơn.

      1. minhtriet

        Ok, thanks bạn, để mai mình gọi xem.
        Nếu mình nhớ không nhầm thì đã từng gọi cho chị Hương (theo thông tin search trên mạng) nhưng bên đó chỉ bán số lượng rất lớn thôi.

  10. huong ly

    Chào mọi người. Mình là dân Cầu Đất. Mình cảm ơn chia sẻ của anh chị.
    Mình chỉ đính chính 1 tí về Cầu Đất. Cất Đất không phải là huyện. Cầu Đất thuộc xã Xuân Trường Đà Lạt. Mình hơi buồn khi các bạn viết sai như thế. Cầu Đất chỉ cách TP Đà Lạt 24 km. Hình như các bạn không đọc bài này trước khi post lên.

    1. Hủa La

      Mình lên trang Y5 đọc cũng lâu lắm rồi, cũng có đọc bài này và các phản hồi. Ko thấy ai nói gì về HUYỆN Cầu Đất, nay lại có bạn đính chính. Mình là dân tỉnh khác, ngạc nhiên quá !

    2. Cao Dinh Tu

      Minh muon lang thang tim hieu khoang 3 ngay o Cau Dat, neu ban o Cau Dat, huong dan vien cho minh nhe!
      Cao Dinh Tu: 0915 046 079

      Để phản hồi được hiển thị, bạn vui lòng sử dụng tiếng Việt có đủ dấu ! BQT

    3. CAO ĐÌNH TÚ

      Tôi là Cao Đình Tú – 0915 068 179, hiện đang sinh sống ở TP. HCM.
      Tôi có ý muốn tìm hiểu sâu về cà phê Arabia Cầu Đất (trên quan điểm của người tiêu dùng, đam mê cà phê phin Việt Nam). Tôi muốn so sánh, cảm nhận sự khác nhau giữa 02 vùng trồng cà phê được đánh giá là ngon nhất Việt Nam: cà phê robusta Đăk Mil và Arabica Cầu Đất. Tôi đã có cơ hội tìm hiểu rất sâu về Robusta Đăk Mil, nhưng chưa có điều kiện tìm hiểu về Arabica Cầu Đất. Bạn Huong Ly vui long dành cho tôi một ngày làm hướng dẫn viên nhé!

Tin đã đăng